Wednesday, August 21, 2019

Trung cộng chiếm Bãi Tư Chính để nắn gân quan hệ Việt-Mỹ

BM

Về lý do Trung cộng đột nhiên xâm lấn khu vực Bãi Tư Chính trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, nhiều giả thuyết đã được đưa ra. Trong bài phân tích “Tại sao Bãi Tư Chính, và tại sao vào lúc này ? - Why Vanguard Bank and Why Now ?”, công bố ngày 16/08/2019 trên trang mạng Maritime Issues, chuyên gia Mỹ Derek Grossman thuộc trung tâm tham vấn Rand Corporation, đã đưa ra một giải thích lý thú về hành vi này của Trung cộng tại Biển Đông.

Theo nhà nghiên cứu Mỹ, “Bắc Kinh có lẽ đang thăm dò sự bền bỉ của tiến trình củng cố quan hệ quân sự giữa Hoa Kỳ và Việt Nam”, vào lúc mà Hà Nội đã có những mối nghi ngờ thực sự về tính bền vững của các cam kết an ninh của Hoa Kỳ đối với các đồng minh.

BM
  
Tác giả cho rằng việc Mỹ để yên cho Trung cộng chiếm lấy bãi cạn Scarborough vào năm 2012 từ tay Philippines, dù Manila là một đồng minh kết ước của Washington, là một ví dụ kinh điển giải thích thái độ hoài nghi của Hà Nội về tính đáng tin cậy của Washington.

Chuyên gia Derek Grossman trước hết ghi nhận rằng trong những cuộc thảo luận gần đây với các nhà nghiên cứu Việt Nam, có một câu hỏi được nhắc đi nhắc lại: Sau một thời gian dài tương đối bình lặng trong quan hệ với Việt Nam trên vấn đề Biển Đông, tại sao Trung cộng lại bất ngờ quyết định chiếm vào Bãi Tư Chính?

Từ vụ Hải Dương 981, Trung cộng không ngừng gây hấn với Việt Nam tại Biển Đông

BM
  
Đối với ông Grossman, có nhiều yếu tố có thể trả lời cho câu hỏi đó, mà đầu tiên hết là Trung cộng chưa bao giờ dừng việc gây hấn với Việt Nam trong vòng năm năm qua, cho dù vụ Bãi Tư Chính là một vụ căng thẳng tệ hại nhất giữa Việt Nam và Trung cộng tại Biển Đông kể từ vụ giàn khoan Hải Dương 981 vào tháng 5/2014.

Trong hai năm liên tiếp, Trung cộng đã gây áp lực rất lớn không cho Việt Nam việc khoan dò ở các khu vực mà Việt Nam coi là thềm lục địa của mình theo Luật Biển Liên Hiệp Quốc, nhưng bị Trung cộng coi là khu vực tranh chấp.

Vào năm 2018 chẳng hạn, Bắc Kinh đã buộc Hà Nội hủy hợp đồng thăm dò ở ngoài khơi bờ biển phía Nam Việt Nam với công ty năng lượng Tây Ban Nha Repsol. Ngoài ra, tàu dân quân biển Trung cộng bị cáo buộc là thường xuyên đâm tàu đánh cá Việt Nam, ngay cả khi Hà Nội trong đa số trường hợp, đều tránh nêu bật các sự cố đó để duy trì ổn định trong quan hệ song phương.

Tuy nhiên, căng thẳng đã xuất hiện mạnh trở lại vào đầu năm nay, và rốt cuộc Việt Nam đã quyết định cho trưng bày một chiếc tàu đánh cá Việt Nam bị đâm chìm trong vụ Hải Dương 981, đồng thời cho công bố tài liệu video về hành vi của tàu Trung cộng đâm tàu cá Việt Nam vào thời đó.

BM
  
Đối với chuyên gia Grossman, Trung cộng không chỉ hung hăng với Việt Nam, mà cả với các nước khác có biển đảo bị Bắc Kinh tranh chấp. Tác giả nêu bật ba trường hợp.

Bắt đầu từ cuối năm ngoái, hàng trăm tàu dân quân biển Trung cộng đã tràn đến bao vây đảo Thị Tứ đang tranh chấp với Philippines. Các chiến thuật “vùng xám” như thế được dùng để sách nhiễu ngư dân Philippines và tạo ra căng thẳng với Manila.

BM
  
Bắc Kinh từ năm 2013 cũng đã không ngừng cho tàu vào tuần tra ở khu vực bãi cạn Luconia mà họ tranh chấp với Malaysia.

Còn ở ngoài vùng Biển Đông, Trung cộng đã đẩy mạnh số vụ xâm nhập vào khu vực tranh chấp Senkaku/Điếu Ngư ở Biển Hoa Đông do Nhật Bản kiểm soát.

Trung cộng tự tin có dư sức mạnh để đánh bại Việt Nam

Hành vi xâm lấn Bãi Tư Chính, theo chuyên gia Grossman, còn xuất phát từ việc Bắc Kinh cảm thấy đã có dư sức mạnh quân sự để thách thức Việt Nam cũng như các nước trong khu vực có tranh chấp với Trung cộng.

Trung cộng có lực lượng hải quân, hải cảnh và dân quân biển lớn nhất thế giới, và quân đội Trung cộng không ngừng rèn luyện năng lực hợp đồng tác chiến giữa Hải Quân và Không Quân để có thể chiến đấu ở Biển Đông, Biển Hoa Đông hoặc để đánh chiếm Đài Loan.

BM
  
Ngoài ra, việc Trung cộng đã hoàn tất các hoạt động bồi đắp đảo nhân tạo ở Trường Sa, và thiết lập các căn cứ hải quân và không quân rải rác trên Biển Đông, dù ở Hoàng Sa hay Trường Sa, điều đó đã cung cấp cho Bắc Kinh những điểm tựa mới để cung cấp nhiên liệu, giúp họ dễ dàng tuần tra liên tục các khu vực tranh chấp.

Một ví dụ : Vào đầu tháng 8 này, một tàu khảo sát Hải Dương Địa Chất 8 của Trung cộng, sau nhiều tuần hoạt đông ở Bãi Tư Chính, đã trở về tìm tiếp liệu không phải ở bờ biển Trung cộng xa xôi, mà là ở ngay một trong những căn cứ hải quân mới của Bắc Kinh trên Đá Chữ Thập ở Trường Sa. Đến giữa tháng 8, thì chiếc tàu này lại trở lại vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam (EEZ).

BM
  
Nhìn xa hơn, nếu Bắc Kinh xây dựng xong các cơ sở hải quân và không quân ở Cam Bốt, thì Việt Nam sẽ phải đối mặt với một mối đe dọa mới ở sườn phía Tây của mình.

Quan hệ xấu đi với Mỹ khiến Bắc Kinh thêm hung hăng

Một nguyên nhân khác là quan hệ xấu đi với Mỹ trong những năm gần đây, đặc biệt là trên hồ sơ Biển Đông. Điều này đã khiến Bắc Kinh ngày càng tìm cách bảo vệ các yêu sách chủ quyền của Trung cộng chống lại các hoạt động bảo vệ tự do hàng hải (FONOPs) do Hoa Kỳ tiến hành.

BM
  
Chuyên gia Grossman đã nhắc lại là vào cuối tháng 6, lần đầu tiên, quân đội Trung cộng đã thử nghiệm ở khu vực gần quần đảo Trường Sa, một tên lửa đạn đạo chống hạm, có lẽ là loại gọi là “sát thủ tàu sân bay” DF-21D và một biến thể của loại DF-26 có tầm hoạt động xa hơn.

Những vụ Trung cộng cho chiến hạm bám đuôi tàu Mỹ tiến hành các chiến dịch tuần tra, và cảnh cáo rằng các chiếc tàu đó đã xâm phạm bất hợp pháp vùng biển nội địa Trung cộng, đã làm gia tăng căng thẳng trong những tháng gần đây. Vụ việc lớn cuối cùng xảy ra vào đầu tháng 10 năm 2018 khi một khu trục hạm lớp Lữ Dương của Hải Quân Trung cộng đã áp sát tàu khu trục Mỹ USS Decatur, chỉ cách khoảng 45 mét.

BM
  
Theo ông Grossman, quan hệ Hoa Kỳ-Trung cộng ngày càng xấu đi có thể dẫn đến hành vi quyết đoán hơn của Trung cộng để đẩy lùi không chỉ Mỹ, mà tất cả các nước khác trong khu vực.

Thăm dò độ bền của quan hệ quốc phòng Mỹ-Việt đang càng lúc càng chặt chẽ hơn

Xuất phát từ các yếu tố kể trên, chuyên gia của Rand Corporation cho rằng khi thách thức Việt Nam tại Bãi Tư Chính, Trung cộng có thể là đang thăm dò độ bền chắc của mối quan hệ quân sự ngày càng sâu sắc giữa Hoa Kỳ và Việt Nam.

Theo ông Grossman, Việt Nam đã băn khoăn nghiêm túc về tính bền vững của các cam kết an ninh của Hoa Kỳ đối với các đồng minh. Vụ Trung cộng lấn chiếm bãi cạn Scarborough từ tay Philippines vào năm 2012 là ví dụ điển hình khiến cho Việt Nam thận trọng. Vào năm 2014, nhân vụ giàn khoan Hải Dương 981, Việt Nam cũng chỉ được Mỹ ủng hộ bằng lời nói, tương tự như lúc này nhân vụ Bãi Tư Chính.

BM
  
Đối với chuyên gia Grossman, ngoài việc trắc nghiệm quan hệ Mỹ-Việt, không may cho Việt Nam, rất có thể là vụ Bãi Tư Chính là cơ hội mà Quân Đội Trung cộng tìm kiếm để kiểm tra năng lực phối hợp tác chiến ngày càng tăng của họ.

Chuyên gia Grossman đã phân tích ý đồ đánh Việt Nam để tập luyện này trong một bài nghiên cứu công bố hồi tháng 5. Tuy nhiên, để có thể tập luyện đúng nghĩa, Trung cộng bị buộc phải điều tàu chiến đến khu vực, và điều đó chưa xẩy ra.

Dẫu sao thì Việt Nam hiện không có liên minh quân sự với bất kỳ nước nào, và chỉ là một cường quốc trung bình, với quân đội, lực lượng chấp pháp và dân quân biển còn thiếu kinh nghiệm chiến đấu trên biển, nên có thể bị đánh bại tương đối dễ dàng.

Quan hệ chặt chẽ hơn với Mỹ sẽ có sức răn đe Trung cộng

Cho dù vậy, theo chuyên gia Grossman, có lẽ câu hỏi nổi bật hơn hết trong vụ Bãi Tư Chính hiện nay là Việt Nam có thể làm gì để ngăn chặn Trung cộng ?

BM
Đại tướng David L. Goldfein, Tham mưu trưởng Không quân Mỹ (phải), và Đại tướng Charles Q. Brown Jr., Tư lệnh Không quân Mỹ tại khu vực Thái Bình Dương, tại buổi gặp mặt báo chí bàn tròn chiều 18/8 ở Hà Nội.

Đối với ông Grossman, cho dù việc tăng cường quan hệ đối tác quốc phòng với Mỹ, trước mắt có thể gây rắc rối cho quan hệ Việt-Trung, nhưng hợp tác Mỹ-Việt chặt chẽ hơn về lâu dài có thể giúp Việt Nam ngăn chặn Trung cộng bởi vì Bắc Kinh sẽ hiểu rõ là Việt Nam có thể được Mỹ hỗ trợ trong trường hợp nổ ra xung đột.

Còn đối với Mỹ, chuyên gia Grossman cho rằng Washington sẽ phải chứng minh rằng họ sẽ không để xảy ra một vụ bãi cạn Scarborough thứ hai. Tăng cường hợp tác với Việt Nam, và với các đối tác quốc phòng khác như Úc, Nhật Bản và Ấn Độ, cũng có thể giúp ngăn chặn Bắc Kinh.



Trọng Nghĩa

BM

No comments:

Post a Comment

Note: Only a member of this blog may post a comment.