Số người chết và bệnh tật do phóng xạ phát ra từ Chernobyl sau vụ tai nạn vẫn là một chủ đề gây tranh cãi.
Được che dấu bởi một Liên Xô bí mật vào thời đó, nay con số thực sự về người chết và bệnh tật do vụ tai nạn hạt nhân này chỉ mới trở nên rõ ràng.
Mùa xuân luôn là thời gian bận rộn nhất trong năm đối với những người phụ nữ làm việc tại nhà máy chế biến len ở Chernihiv, bắc Ukraine. Hơn 21.000 tấn len được chuyển qua nhà máy từ các trang trại trên toàn quốc trong thời kỳ cắt lông cừu hàng năm. Tháng 4 và tháng 5 năm 1986 cũng không ngoại lệ.
Các công nhân làm việc ca 12 tiếng để phân loại bằng tay những mớ lông cừu trước khi chúng được giặt và đóng kiện. Nhưng sau đó, phụ nữ bắt đầu thấy bị bệnh.
Một số bị chảy máu cam, những người khác than phiền là chóng mặt và buồn nôn. Khi các nhà chức trách được gọi tới để điều tra, họ thấy mức độ phóng xạ trong nhà máy lên tới 180mSv /giờ. Bất cứ ai bị phơi xạ ở mức này trong 1 phút sẽ vượt quá tổng liều một năm được coi là an toàn ở nhiều nơi trên thế giới hiện nay.
Cách đó 50 dặm là nhà máy điện hạt nhân Chernobyl. Vào ngày 26/4/1986, lò phản ứng số 4 tại nhà máy điện này đã phải chịu một vụ nổ thảm khốc làm lộ lõi lò và vung lên những đám mây chất phóng xạ trên khu vực xung quanh khi ngọn lửa bùng cháy ngoài tầm kiểm soát.
Nhưng vùng Chernihiv được coi là nằm ngoài khu vực loại trừ được giải tỏa vội vã quanh nhà máy bị tai nạn và những nơi khác trong thị trấn cho thấy nó có mức độ phóng xạ tương đối thấp.
Chính phủ Ukraine trả tiền trợ cấp cho hơn 36.000 góa phụ của những người đàn ông đã chết do thảm họa Chernobyl.
"Khu vực này có màu vàng trên các bản đồ phóng xạ nghĩa là thị trấn không bị ảnh hưởng nặng lắm," Kate Brown, một nhà sử học khoa học tại Viện Công nghệ Massachusetts (MIT), nói.
Tuy nhiên, đã có 298 phụ nữ trong nhà máy này hưởng chế độ của người giải quyết hậu quả, thường dành cho những người được ghi nhận bị phơi nhiễm trong những ngày đầu của việc dọn dẹp sau tai nạn."
Brown đã bộc lộ ra câu chuyện về những người thợ len ở Chernihiv như một phần trong nghiên cứu của bà về tác động của thảm họa Chernobyl. Quyết tâm của bà làm sáng tỏ thiệt hại thực sự của thảm họa đã đưa bà đi đến nhiều vùng của Ukraine, Belarus và Nga, để phỏng vấn những người sống sót, truy tìm thông tin lưu trữ chính thức và ở các báo cáo cũ của bệnh viện.
Theo tin chính thức, số người chết được quốc tế công nhận, chỉ có 31 người chết ngay sau vụ tai họa Chernobyl, trong khi Liên Hợp Quốc ước tính chỉ có 50 người chết có thể được quy trực tiếp cho thảm họa. Năm 2005, dự đoán sẽ có thêm 4.000 người cuối cùng có thể chết vì phơi nhiễm phóng xạ.
Tuy nhiên, nghiên cứu của Brown cho thấy Chernobyl đã tạo ra cái bóng đen dài hơn nhiều.
"Khi tôi đến thăm nhà máy len ở Chernihiv, tôi đã gặp một số phụ nữ đang làm việc vào thời gian đó," bà nói. "Có 10 phụ nữ ở đó. Họ nói với tôi rằng họ đang nhặt những kiện len và phân loại chúng trên bàn. Vào tháng 5/1986, nhà máy đã nhận được len có chỉ số bức xạ lên tới 30Sv/giờ. Các kiện len mà phụ nữ phải mang vác giống như đang ôm một chiếc máy X-quang trong khi nó được bật tắt liên tục.
Ba mươi mốt kỹ sư, lính cứu hỏa và nhân viên dọn dẹp được chính thức công nhận là chết trong 3 tháng đầu sau vụ nổ.
Hàng ngàn động vật đã bị giết thịt ở khu vực xung quanh Chernobyl khi đang di tán. Brown tin rằng những mớ lông từ một số những con vật này có vẻ như đã được đưa đến nhà máy ở Chernihiv cùng với những sợi len bị ô nhiễm khác từ các trang trại bị bao phủ dưới những đám mây chất phóng xạ lan ra khắp miền bắc Ukraine.
Khi Brown nói chuyện với 10 người thanh lý hậu quả ở nhà máy len, những câu chuyện của họ đưa ra một bức tranh ảm đạm về những gì dường như đã xảy ra trên khắp khu vực này khi những người bình thường không liên quan gì đến việc dọn dẹp thảm họa cũng bị phơi nhiễm phóng xạ.
"Họ chỉ vào những bộ phận khác nhau trên cơ thể họ đã bị lão hóa hơn những phần còn lại, và họ bị bệnh ở đâu," Brown nói. Họ biết tất cả về các đồng vị phóng xạ đã lưu giữ trong các cơ quan của họ." Họ bảo bà rằng 288 phụ nữ khác thì hoặc đã chết hoặc đã nghỉ hưu vì yếu sức.
Trong những tuần và tháng sau thảm họa Chernobyl, hàng trăm ngàn lính cứu hỏa, kỹ sư, quân đội, cảnh sát, thợ mỏ, người dọn dẹp và nhân viên y tế đã được đưa đến khu vực ngay sát nhà máy điện bị phá hủy với nỗ lực khống chế ngọn lửa và sự tan chảy của lõi lò, và ngăn chất phóng xạ lan rộng ra môi trường.
Những người này - những người được biết đến với cái tên "người thanh lý" do định nghĩa chính thức của Liên Xô về việc "tham gia thanh lý các hậu quả tai nạn nhà máy điện hạt nhân Chernobyl" - được hưởng một chế độ đặc biệt có nghĩa là họ sẽ nhận được các lợi ích như chăm sóc bổ sung về sức khỏe và nhận thêm tiền. Cơ quan đăng ký chính thức chỉ ra rằng có 600.000 người đã được cấp chế độ thanh lý.
Gần 100.000 người đã được di tán khỏi khu vực xung quanh Chernobyl trong những tháng sau thảm họa nhưng ngày nay, các thị trấn bị bỏ hoang thu hút khách du lịch.
Nhưng một báo cáo gây tranh cãi được công bố bởi các thành viên của Viện Hàn Lâm Khoa Học Nga chỉ ra rằng có thể có tới 830.000 người trong các đội dọn dẹp của Chernobyl. Họ ước tính rằng khoảng 112.000 đến 125.000 trong số này - khoảng 15% - đã chết vào năm 2005. Tuy nhiên, nhiều số liệu trong báo cáo đã bị các nhà khoa học ở phương Tây tranh luận, họ nghi ngờ tính hợp lý về mặt khoa học.
Tuy nhiên chính quyền Ukraine đã giữ số liệu danh sách của chính công dân của họ bị ảnh hưởng bởi tai nạn Chernobyl. Năm 2015, đã có 318.988 công nhân dọn dẹp Ukraine trên cơ sở dữ liệu, mặc dù theo một báo cáo gần đây của Trung Tâm Nghiên Cứu Quốc Gia Về Phóng Xạ Y Học ở Ukraine, 651.453 công nhân dọn dẹp đã được kiểm tra phơi nhiễm phóng xạ từ năm 2003 đến năm 2007. Một danh sách tương tự ở Belarus ghi nhận 99.693 công nhân dọn dẹp, trong khi một danh sách khác bao gồm 157.086 người thanh lý Nga.
Ở Ukraine, tỷ lệ tử vong trong số những cá nhân dũng cảm này đã tăng vọt, tăng từ 3,5 tới 17,5 người chết trên 1.000 người trong khoảng thời gian từ 1988 đến 2012. Người khuyết tật trong số những người thanh lý cũng tăng vọt. Năm 1988, 68% trong số họ được coi là khỏe mạnh, trong khi 26 năm sau, chỉ 5,5% vẫn khỏe mạnh. Hầu hết - 63% - được báo cáo là mắc các bệnh về tim mạch và tuần hoàn trong khi 13% có vấn đề với hệ thống thần kinh. Ở Belarus, 40.049 người thanh lý đã được đăng ký mắc bệnh ung thư vào năm 2008 cùng với 2.833 người từ Nga.
Tuy nhiên, Cơ Quan Năng Lượng Nguyên Tử Quốc Tế cho biết, các nghiên cứu về sức khỏe ở người thanh lý "không thể cho thấy bất kỳ mối tương quan trực tiếp nào giữa phơi nhiễm bức xạ của họ" với bệnh ung thư hoặc bệnh khác.
Vụ nổ làm lộ lõi trong lò phản ứng số 4 tại Chernobyl đã xảy ra trong một thử nghiệm an toàn và lan truyền vật liệu phản ứng cao.
Một nhóm khác chịu gánh nặng của sự phơi nhiễm phóng xạ trong nhiều giờ và nhiều ngày sau vụ nổ là những người sống ở thị trấn Pripyat gần đó và ở khu vực xung quanh. Phải mất một ngày rưỡi trước khi cuộc di tán bắt đầu và dẫn đến 49.614 người phải đang tán. Sau đó, thêm 41.986 người được di tán khỏi 80 khu định cư khác trong khu vực 30km xung quanh nhà máy điện, nhưng cuối cùng khoảng 200.000 người được cho là đã được di dời do tai nạn.
Một số người sống gần nhà máy điện nhất đã nhận được liều bức xạ bên trong tuyến giáp lên tới 3,9Gy - gấp khoảng 37.000 lần so với chụp x quang ngực - sau khi hít chất phóng xạ và ăn thực phẩm bị nhiễm xạ. Các bác sĩ đang nghiên cứu về người di tán báo cáo rằng tỷ lệ tử vong trong số những người di tản đã dần tăng lên, đạt đến đỉnh điểm vào năm 2008-2012 với 18 người chết trên 1.000 người.
Nhưng điều này vẫn chiếm một tỷ lệ nhỏ trong số những người bị ảnh hưởng bởi Chernobyl.
Brown đã tìm thấy bằng chứng ẩn trong hồ sơ bệnh viện ở khoảng thời gian xảy ra tai nạn cho thấy mức độ lan tỏa của các vấn đề.
"Tại các bệnh viện trong khu vực ở xa như tận Matxcơva, người dân bị rất nhiều triệu chứng cấp tính," bà nói. Các báo cáo mà tôi có chỉ ra ít nhất 40.000 người phải nhập viện vào mùa hè sau vụ tai nạn, nhiều người trong số họ là phụ nữ và trẻ em."
Áp lực chính trị được cho là nguyên nhân dẫn đến bức tranh thực sự của vấn đề bị nhà cầm quyền Liên Xô che dấu, những người không muốn mất mặt trên trường quốc tế. Nhưng sau sự sụp đổ của Liên Xô và khi những người sống ở các khu vực tiếp xúc với phóng xạ bắt đầu xuất hiện một loạt các vấn đề sức khỏe, thì một bức tranh rõ ràng hơn về tình trạng thiệt hại do thảm họa hiện ra.
Chất phóng xạ được lan tỏa trên một khu vực rộng, chủ yếu ở phía tây, bởi gió trong những ngày sau thảm họa.
Viktor Sushko, phó tổng giám đốc Trung Tâm Nghiên Cứu Quốc Gia Về Phóng Xạ Y Học (NRCRM) có trụ sở tại Kiev, Ukraine, mô tả thảm họa Chernobyl là "thảm họa nhân tạo lớn nhất trong lịch sử của loài người." NRCRM ước tính khoảng 5 triệu công dân của Liên Xô cũ, bao gồm 3 triệu người ở Ukraine, đã phải chịu hậu quả của Chernobyl, trong khi tại Belarus, khoảng 800.000 người đã đăng ký bị ảnh hưởng bởi bức xạ sau thảm họa.
Ngay cả bây giờ, chính phủ Ukraine đang trả tiền trợ cấp cho 36.525 phụ nữ, những người được coi là góa phụ của những người đàn ông phải chịu hậu quả của vụ tai nạn Chernobyl.
Tính đến tháng 1/2018, 1,8 triệu người ở Ukraine, bao gồm 377.589 trẻ em, đang hưởng chế độ nạn nhân của thảm họa này, theo Sushko và các đồng nghiệp. Đã có sự gia tăng nhanh chóng số người khuyết tật trong dân số, tăng từ 40.106 năm 1995 lên 107.115 năm 2018.
Thật thú vị, Sushko và nhóm của ông cũng báo cáo rằng số nạn nhân của Chernobyl ở Ukraine đã giảm xuống 657.988 kể từ năm 2007 - giảm 26%. Mặc dù họ không giải thích lý do, điều này có thể một phần là do di cư vì nạn nhân đã rời khỏi đất nước, do phân loại lại chế độ trợ cấp cho nạn nhân và, không thể tránh khỏi là một số người đã chết.
Tỷ lệ tử vong ở các khu vực bị nhiễm phóng xạ đang tăng lên cao hơn so với phần còn lại của Ukraine. Tỷ lệ này đã đạt đến đỉnh điểm vào năm 2007 khi có hơn 26 người trên 1.000 người chết so với mức trung bình của quốc gia là 16 trên 1.000 người.
Tổng cộng khoảng 150,000 km2 của Belarus, Nga và Ukraine được coi là bị nhiễm xạ và 4,000 km2 khu vực cấm - hơn 2 lần diện tích London - vẫn là khu vực không người ở. Nhưng bụi phóng xạ, được gió mang đi, nằm rải rác trên phần lớn Bắc bán cầu. Trong vòng 2 ngày sau vụ nổ, mức độ phóng xạ cao đã đo được ở Thụy Điển, trong khi độ nhiễm xạ thực vật và đồng cỏ ở Anh dẫn đến những hạn chế nghiêm ngặt đối với việc bán thịt cừu và các sản phẩm khác của cừu trong nhiều năm.
Ở các khu vực thuộc Tây Âu bị bụi phóng xạ Chernobyl tấn công, cũng có dấu hiệu cho thấy tỷ lệ khối u - sự phát triển mô bất thường bao gồm cả ung thư - là cao hơn so với những khu vực không bị nhiễm xạ.
Nhưng Brown tin rằng một số hành động của những người cố gắng đối phó với hậu quả của thảm họa cũng dẫn đến việc nhiễm xạ lan xa hơn nhiều so với những gì nếu không có hành động đó. Trong một kho lưu trữ ở Moscow, bà đã tìm thấy các hồ sơ chỉ ra rằng thịt, sữa và các sản phẩm khác từ thực vật và động vật bị nhiễm xạ đã được gửi đi khắp cả nước.
"Họ đã đưa ra các cẩm nang hướng dẫn cho các ngành công nghiệp thịt, len và sữa để phân loại sản phẩm là cao, trung bình và thấp về mặt phóng xạ," bà nói. "Ví dụ, thịt với các cấp độ cao đã được đưa vào tủ đông để đợi cho đến khi phóng xạ giảm xuống. Thịt có độ phóng xạ trung bình và thấp được trộn với thịt sạch và biến thành xúc xích. Nó được dán nhãn là bình thường và được gửi đi khắp cả nước, mặc dù họ được yêu cầu không gửi nó đến Moscow."
Brown, người đã viết một cuốn sách về những phát hiện của mình có tên là Hướng Dẫn Sinh Tồn: Hướng Dẫn Của Chernobyl Cho Tương Lai, cũng phát hiện ra những câu chuyện tương tự về các quả việt quất vượt quá giới hạn bức xạ được chấp nhận trộn với cả mẻ việt quất để cả lô sẽ rơi vào dưới giới hạn quy định .
Việc quy kết ảnh hưởng của phơi nhiễm phóng xạ từ Chernobyl đến dị tật bẩm sinh và các vấn đề sức khỏe khác ở trẻ em sinh ra sau tai nạn này đang gây tranh cãi,
Điều đó có nghĩa là những người bên ngoài Ukraine sẽ "thức dậy với bữa sáng có quả việt quất Chernobyl" mà không hề hay biết, bà nói.
Tuy nhiên, việc thiết lập mối liên hệ giữa phơi nhiễm phóng xạ và ảnh hưởng sức khỏe lâu dài là một nhiệm vụ khó khăn. Có thể phải mất nhiều năm, thậm chí nhiều thập kỷ trước khi ung thư xuất hiện và quy kết chúng cho một nguyên nhân riêng biệt nào đó có thể là khó khăn.
Tuy nhiên, một nghiên cứu gần đây đã xác định được các vấn đề trong bộ gen của những đứa trẻ, hoặc bị phơi nhiễm trong thảm họa hoặc được sinh ra từ cha mẹ bị phơi nhiễm. Mức độ phá hủy và mất ổn định trong bộ gen của chúng là lớn.
"Sự bất ổn về bộ gen là nguy cơ đáng kể về ung thư," Aleksandra Fučić, một nhà nghiên cứu về gen học tại Viện Nghiên Cứu Y Tế Và Sức Khỏe Nghề Nghiệp ở Zagreb, Croatia, nói. Là con gái của một phụ nữ Ukraine, bà đã làm việc với các nhà khoa học Nga để nghiên cứu ảnh hưởng của bức xạ Chernobyl đối với trẻ em trong khu vực. "Trong các trường hợp của Chernobyl, thời gian không chữa lành được. Thời gian là thời kỳ ủ bệnh để phát triển ung thư."
Cũng có những tác động khác nữa, bà nói. Tỷ lệ tự tử trong số những người liên quan đến việc dọn dẹp tại Chernobyl là cao hơn so với dân số nói chung. Các nghiên cứu cũng thấy rằng những người sống ở khu vực bị ảnh hưởng của Chernobyl ở Ukraine có tỷ lệ nghiện rượu cao hơn và sức khỏe tâm thần kém hơn.
Việc tính một con số chính xác có bao nhiêu người chết trên khắp thế giới do thảm họa Chernobyl là gần như không thể. Nhưng mặc dù bức tranh ảm đạm mà phần lớn các nghiên cứu vẽ ra, cũng có một số câu chuyện về hy vọng.
Ba kỹ sư đã tình nguyện tháo rút hàng triệu gallon nước từ các bể chứa bên dưới lò phản ứng đang cháy trong những ngày ngay sau khi vụ nổ đã vượt qua nước và các mảnh vụn có phóng xạ để đến các van xả. Hành động anh hùng của họ là một trong những thời khắc kịch tính nhất trong bộ phim mới đây về thảm họa này trên kênh HBO.
Đáng kinh ngạc, 2 trong số 3 người đàn ông này vẫn còn sống mặc dù chỉ có sự bảo vệ tối thiểu khỏi bức xạ khi làm nhiệm vụ. Người đàn ông thứ 3, Borys Baranov, sống sót đến năm 2005.
Richard Gray
No comments:
Post a Comment
Note: Only a member of this blog may post a comment.