Saturday, August 24, 2019

Từ Công Phụng _ ‘Chỉ có tình yêu mới làm nên giá trị con người’

BM
Từ Công Phụng là một trong những nhạc sĩ được yêu thích từ thập niên 1960, 1970. Nhạc của ông lãng đãng, bàng bạc như hơi thở của người yêu, với giai điệu sâu lắng cùng lời hát trữ tình làm say mê giới trẻ trên làn sóng điện, tại các quán cà phê, phòng trà ca nhạc miền Nam sau năm 1963.

Từ Công Phụng với nhạc bản đầu tay “Bây giờ tháng mấy” sáng tác năm 1960, khi ông mới 18 tuổi và được phổ biến lần đầu tiên trên đài phát thanh Đà Lạt ba năm sau đó đã đưa người nghe vào một thế giới tuyệt vời, huyền diệu của tình yêu. Nhưng ông cho biết không có bóng dáng một thiếu nữ nào đằng sau tình khúc này, mà đó là kết tinh của những bản nhạc ông thường nghe hàng đêm của các nhạc sĩ nước ngoài lẫn trong nước như những tình khúc của Đoàn Chuẩn-Từ Linh, Phạm Duy ..

BM
  
“Hồi đó mình mới lớn mình đâu có dám yêu ai đâu. Nhát thấy mồ,” ông tâm sự.
Sau “Bây giờ tháng mấy” bản tình ca “Mùa Thu mây ngàn” ra đời kế tiếp cũng được giới yêu nhạc đón nhận nồng nhiệt.

Nhạc sĩ Từ Công Phụng bị kẹt lại miền Nam Việt Nam sau ngày 30/4/1975 và mãi đến năm 1980 ông và gia đình một vợ 8 con mới vượt biên thành công, sang Mỹ định cư. Trong thời gian 5 năm sống dưới chế độ cộng sản, ông vẫn tiếp tục sáng tác tình ca.

BM
  
“Vẫn là những bài tình ca nhưng nó đượm một cái vẻ cuộc đời nhiều hơn là thuần túy tình ca. Sau này khi đời sống mình tạm thời ổn định rồi thì tôi viết lại tình ca nhưng nó cũng phảng phất những đời sống ở trong đó với cái nhìn sâu sắc hơn ví dụ như bài ‘Đời bỗng phù du’ với những câu như ‘Tôi như người du mộng trong cuộc đời bềnh bồng, ngó theo đời quạnh hiu, buồn vây theo năm tháng,’ nhạc sĩ Từ Công Phụng chia sẻ.

Với tâm hồn nghệ sĩ nhìn đâu cũng thấy nhạc, nghe nhạc, nên trong những ngày lênh đênh trên biển trong hành trình vượt biên, ngắm nhìn những cánh chim bay, nhạc sĩ Từ Công Phụng đã dệt nên những ca từ của nhạc bản ‘Qua vùng biển nhớ’

BM  

Đặt chân lên đất Mỹ, ông đã cho ra đời bài hát ‘Khi tôi đến nơi này’ để mô tả sự khác biệt lớn lao giữa lối sống tại Mỹ và cuộc sống ở Việt Nam.

“Khi mình sống ở dưới thời Cộng sản nó khác, nhưng qua bên này nó khác, khác lắm. ‘Khi tôi đến nơi đây, nắng rực rỡ ngoài khoan trời xa, mà lòng tôi thấy rộng mở những thiên đường’.”

Thời gian đầu tới Mỹ, ông cư ngụ tại tiểu bang Iowa, đi học nghề in trước khi chuyển sang bang Oregon. Tại đây, ông đã mở nhà in kiếm sống, lo cho gia đình.

BM
  
“Lúc đi qua đây, tôi phải đi kiếm một cái nghề tôi học, tôi làm để kiếm tiền. Đời sống của tôi không phải là một đời sống nghệ sĩ. Tôi không thích phải làm nghệ sĩ để kiếm tiền tại vì mình là sinh viên ngày trước và mình có khả năng mình học mà, tại sao mình không đi học. Tôi kiếm một nghề thực tế lúc bấy giờ là nghề in. Tôi có mấy cuốn sách muốn in và thích tự mình ấn loát mấy cuốn sách của mình. Tôi học in ở Iowa, tôi sửa soạn xong hết mới qua Portland. Lúc bấy giờ tiền bạc không có, nghèo lắm, hai vợ chồng một đàn con, phải kiếm sống hàng ngày, làm bất cứ việc gì cũng được miễn sao đúng nghề của mình để kiếm tiền nuôi gia đình. Cũng có một thời gian tôi đi dạy học ở mấy trường trung học,” ông hồi tưởng trong cuộc trò chuyện.

Cuộc sống vất vả, nhưng ông vẫn sáng tác.

“Mình vẫn viết đều lắm, khi nào cảm thấy hứng là viết, tại vì không ai bắt buộc mình viết cả.”

BM
  
Được hỏi là trong giai đoạn ấy, giữa khung cảnh phải vất vả vì cơm áo gạo tiền, những cảm tác của ông có gì thay đổi không, nhạc sĩ Từ Công Phụng cho biết: “Dĩ nhiên là mình càng sống mình càng cảm thấy có sự thay đổi trong đời sống mình. Mình nhìn đời sống sâu sắc hơn. Cơm áo là một chuyện, âm nhạc là một chuyện khác. Khi nào mình viết nhạc, mình không bị những cái đó nó ảnh hưởng đến mình. Có nhiều người nhờ tôi làm thế này, làm thế kia tôi không làm, trả tôi một số tiền tôi không lấy, đại khái như vậy. Tôi không lệ thuộc vào cái đó.”

Nhạc sĩ Từ Công Phụng sử dụng thành thạo cả đàn guitar lẫn đàn piano, nhưng khi sáng tác, ông thường dùng đàn guitar và đôi khi tự xướng âm và sau đó dùng đàn để trau chuốt lại.

BM
  
“Thường thường cảm giác từ âm nhạc tới và một câu nhạc đầu tiên nào đó. Xong mình ghi lại, mình phát triển ra. Thỉnh thoảng hay có những dòng âm thanh nó bay ngang trong đầu mình, mình thấy hay mình viết lại nhưng thỉnh thoảng nó lướt qua trong đầu rồi nó biến mất không biết ở đâu nữa. Cảm hứng suy nghĩ ra âm nhạc của mình là những kỷ niệm.”

Về cung bậc của những nốt nhạc được sử dụng trong các bản nhạc của Từ Công Phụng, nhạc sĩ cho biết ông thích sử dụng âm giai trưởng (major) hơn là thứ (minor).

“Thường thường những bài hát của tôi, tôi viết bằng major nhiều hơn là minor. Major mỗi gam mỗi khác, nhưng nhạc cũng có thể buồn được bằng major hay minor, nhưng minor buồn da diết, nó thảm lắm, tôi không thích. Mình buồn nhưng là buồn man mác là được rồi, không có bi lụy.”

BM
  
Hiện nay, nhạc sĩ Từ Công Phụng đang phải chống chọi với 2 căn bệnh ung thư kéo dài đã 12 năm và bệnh tật đã ảnh hưởng nhiều đến nội lực sáng tác của ông.

“Nó cũng ảnh hưởng vì sức khỏe. Bây giờ tôi ngồi lâu không được, ngồi lâu mệt lắm. Người ngó mạnh khỏe vậy nhưng ngồi lâu mệt trong người. Muốn viết nhạc phải ngồi lâu, phải suy nghĩ nhiều, phải chọn lựa những âm thanh nào tốt, dễ nghe. Mình không ngồi lâu được nên sức sáng tác cũng kém đi. Tuy nhiên lâu lâu cũng được một vài bài, kiếp tầm nhả tơ mà. Có một số bài mới tôi tính in thêm một tập nữa nhưng chưa thực hiện được. Một trong những bài mới đó có tên gọi là ‘Bên dòng đời tịch liêu’ nói về cái cô đơn của mình trong cuộc đời, có câu kết luận như thế này ‘Ngồi đây một mình bên dòng đời tịch liêu và tôi bỗng thấy hồn mình sẽ tan vào vời vợi thinh không’.”

BM
Từ Công Phụng và phu nhân

Ông cho biết nhạc khúc ‘Tình tự mùa Xuân’ là kết quả của mối tình của ông với bà Kim Ái, người vợ ông gặp sau biến cố 1975 và cùng đồng cam cộng khổ cho đến ngày nay, nên ca từ của bài hát rất tha thiết, mô tả sự gắn bó của đôi tình nhân.

BM

Triết lý sáng tác của nhạc sĩ Từ Công Phụng gói gọn trong hai chữ ‘tình yêu.’

“Tôi quan niệm tôi ca ngợi tình yêu hơn là tôi chối bỏ tình yêu. Tôi ca ngợi tình yêu vì tôi nghĩ là rốt cuộc chỉ có tình yêu mới làm nên giá trị con người thôi. Không có tình yêu làm sao có được sự tiếp nối dòng đời, nhân loại. Tình yêu là cái tốt nhất trong cuộc đời người ta mà không ca ngợi thì ca ngợi cái gì nữa. Chính trị rồi cũng qua đi, chiến tranh rồi cũng qua đi, khác biệt về chính kiến làm nổ bùng chiến tranh rồi cũng hết, chỉ là giai đoạn thôi. Nhưng cái vĩnh cửu từ thế hệ này sang thế hệ khác, từ đời này sang đời kia cũng vẫn là tình yêu thôi.”

BM
  
Chính vì tâm niệm đó, tác giả của ‘Mắt lệ cho người,’ ‘Giọt lệ cho ngàn sau,’ ‘Trên ngọn tình sầu,’ ‘Mùa xuân trên đỉnh bình yên’ cùng nhiều ca khúc trữ tình nổi tiếng khác nữa xứng đáng được mệnh danh là một trong những ‘nhạc sĩ của tình yêu’ của miền Nam trước 1975 và có lẽ là của nhiều thế hệ sau này nữa.



Hà Vũ


BM

Xin thẻ xanh và nhập tịch sắp tới sẽ rất khó khăn
Thịt rán tại Vienna, món ăn được ghi thành luật
Không khí đô thị gây hại sức khỏe và chất lượng sống
Trump lệnh cho các công ty Mỹ rời TC
Sài Gòn của tôi thể xác không còn mà linh hồn thì ở đâu?
Tự vệ kỳ lạ của cơ thể mà chẳng ai nhận ra
Trump _ Tôi là người được chọn để đối đầu với Trung cộng
Trump ra lệnh cho các công ty Mỹ rời khỏi Trung cộng
Tập Cận Bình (Xi Jinping) là ai?
Cháy rừng Amazon tồi tệ đến mức nào?
Thiệt hại thực sự của thảm họa Chernobyl
Kỳ quan địa chất siêu thực ít người biết đến ở Mỹ
Cuộc phản kháng văn hóa 'kính lão đắc thọ' ở Hàn Quốc
Mối quan hệ mờ ám của gia đình cựu phó Obama và Trung cộng
Cái giá phải trả cho những kẻ ngậm tiền Tàu cộng
Hong Kong và 7 điều về chế độ cộng sản
Hong Kong is not China
Hong Kong _ Tại sao họ không sợ hãi?
Iran bỏ bớt bốn số 0 trên đồng tiền đang mất giá?
Trung cộng chiếm Bãi Tư Chính để nắn gân quan hệ Việt-Mỹ

No comments:

Post a Comment

Note: Only a member of this blog may post a comment.