Chẳng phải là sẽ thật tốt hay sao nếu thế hệ thiên niên kỷ (thế hệ 8x, 9x) không bị gán những mác như tham quyền cố vị, tự mãn và ngang ngạnh? Có lẽ thế, nhưng điều này khó có khả năng xảy ra.
Tuy nhiên, ở Hàn Quốc, có một nhóm người khác, khét tiếng là tự phụ - thậm chí còn quá quắt hơn nhiều so với thế hệ thiên niên kỷ. Họ được gọi là những "kkondae".
Trong tiếng Hàn, kkondae hiểu một cách nôm na là "sống lâu lên lão làng", kiểu người bạn thường gặp ở vị trí quản lý cấp trung hoặc cấp cao.
Danh xưng 'kkondae' thường được dùng để chỉ nam giới và hầu như luôn hàm ý xúc phạm, dè bỉu ám chỉ những vị quản lý luôn lên mặt dạy đời, chuyên đưa ra những lời khuyên không ai muốn nghe và đòi hỏi sự phục tùng tuyệt đối từ cấp dưới.
Giống như hầu hết các từ mới du nhập vào ngôn ngữ của thời đại, nghĩa gốc chính xác của từ kkondae không rõ từ đâu ra.
Khi mới xuất hiện, từ kkondae là từ lóng được các học sinh dùng để chỉ những giáo viên nghiêm khắc, bảo thủ và không bao dung.
Đến nay, từ kkondae được sử dụng rộng rãi bên ngoài nhà trường để mô tả loại người không ai ưa nổi, đặc biệt là nơi công sở.
Nó cũng được dùng để chỉ sự áp lực gây ra bởi sự khác biệt thế hệ, vốn ngày càng có vẻ sâu rộng hơn bao giờ hết.
Làm việc cùng kkondae
Tư tưởng chống đối lại kkondae của phần đông giới trẻ đến từ quan niệm đề cao tôn ti trật tự vốn đã ăn sâu vào đời sống xã hội Hàn Quốc, khiến người lao động trẻ cảm thấy bị chèn ép ở nơi làm việc.
Trong bất kỳ tổ chức nào - công ty, trường học, hay câu lạc bộ xã hội nào đó - các thành viên đều được phân thứ bậc, và thứ bậc của bạn không đơn thuần chỉ là việc bạn phải báo cáo ai và bạn có trách nhiệm gì.
Thực tế, thứ bậc thậm chí còn quy định cả việc ai sẽ là người phải ghi biên bản họp, ai gọi điện thoại đặt bàn nhà hàng ăn tối cho cả nhóm nhân viên và ai lấy đũa, thìa phục vụ mọi người trên bàn ăn (trong các quán ăn Hàn Quốc, thực khách thường tự lấy đũa thìa được đặt sẵn trong một hộp gỗ).
Thế hệ thiên niên kỷ ở Hàn Quốc đang hy vọng có được sự hài hòa tốt hơn giữa công việc và cuộc sống, giảm bớt những bớt gò bó trong cấu trúc văn hóa làm việc cũ - bao gồm cả việc loại bỏ các vị kkondae mà họ cứ phải răm rắp tuân theo
Điều này hình thành một văn hóa chốn công sở mà đồng nghiệp chỉ trao đổi dựa trên chức vụ. Kim tự tháp cấp bậc là cẩm nang điều hành công ty, nó cho nhân viên thấy rõ họ đang ở thứ bậc nào. Các vị kkondae tạo dựng được quyền lực nhờ trật tự thứ bậc này - cấp dưới hầu như không được phép chất vấn cấp trên.
Một điều nữa gây suy tư cho giới trẻ Hàn Quốc là khoảng cách thế hệ về quan niệm giá trị của công việc, đặc biệt là lòng trung thành với công ty rất được coi trọng.
"Thế hệ của tôi chỉ xem công ăn việc làm là một phần của cuộc sống, chỉ là một công cụ để tạo dựng cuộc sống mà thôi," Dayoung Ahn, 29 tuổi, nói. "Ngược lại, thế hệ đi trước lại coi công việc là phần lớn của cuộc sống ,và thường không hài lòng về việc lớp trẻ chúng tôi không tận trung với công ty giống như họ."
Không như thế hệ thiên niên kỷ, thế hệ bùng nổ trẻ sơ sinh (1946-1964) xem trọng công việc hơn tất thảy.
Họ sống trong thời chính quyền độc tài cai trị nghiêm ngặt, là cái thời mà độ dài của tóc cũng bị kiểm soát và việc đi ra nước ngoài bị hạn chế. Những người thuộc thế hệ này có ít lựa chọn cho bản thân hơn và định hướng sự nghiệp của họ bị giới hạn bởi quan niệm ngặt nghèo về một công dân tốt thời bấy giờ, đó là phải tận tụy cống hiến vì công cuộc dựng xây đất nước.
Những việc làm ổn định và được kính trọng chính là nền tảng của một công dân tốt. Quan niệm cực đoan này lý giải vì sao một số vị lớn tuổi khó lòng chấp nhận những tư tưởng tự do của thế hệ thiên niên kỷ mà họ chưa từng được trải nghiệm.
Như Giáo sư Xã hội học Byoung-Hoon Lee từ Đại học Chung-Ang giải thích, với thế hệ bùng nổ trẻ sơ sinh, mục tiêu và ý nghĩa sự nghiệp trong công việc của họ được đặt lên trên mục tiêu cá nhân.
"Họ được nuôi dạy trong bầu không khí chủ nghĩa dân tộc, đặt tăng trưởng kinh tế làm ưu tiên hàng đầu", ông nói. "Nhiều người coi đó là động lực làm việc, và cho đến nay họ vẫn trung thành với công việc của mình."
Những nhà lãnh đạo thuộc thế hệ trẻ hơn cũng bị xếp luôn vào guồng máy coi trọng công việc hơn cả này, cho dù họ có thích hay không.
Hãy xem trường hợp của Kyoung Duk Kim, 42 tuổi. "Kể cả khi tôi làm việc trong một công ty khởi nghiệp," ông giải thích, "là một giám đốc điều hành mặc nhiên biến tôi thành một vị kkondae trong mắt những người cấp dưới ít tuổi hơn."
Kkondae tạo dựng quyền lực của mình nhờ vào cấu trúc tôn ti trật tự trong môi trường làm việc ở Hàn Quốc - nơi cấp dưới hầu như không được phép chất vấn cấp trên.
Với Kim, người tự nhận là thuộc "thế hệ X theo chủ nghĩa tự do" (thế hệ X được dùng để chỉ những người được sinh ra trong khoảng thời gian từ 1961 đến 1981), thì chuyện làm việc trong một môi trường dân chủ bình đẳng hoàn toàn không phải là vấn đề. Nhưng ông vẫn bị gán mác kkondae, bởi vì từ này đã trở thành đồng nghĩa với những cấp trên lớn tuổi và thuộc tầng lớp chỉ huy, ra lệnh cho người khác.
Làn sóng phản kháng kkondae
Nếp văn hóa không thể thay đổi một sớm một chiều, nên việc công khai phản kháng lại tôn ti trật tự vẫn bị coi là hành động xấu. Tuy vậy, nỗi ấm ức ngày một lớn dành cho các vị kkondae ít nhất cũng đã tạo ra một vài thay đổi.
Với người ngoài cuộc, mọi sự trông như không có gì khác. Ví dụ như việc nghỉ phép, giờ đây kể cả những nhân viên mới vào làm cũng có quyền xin nghỉ phép vào bất kỳ tháng nào trong năm.
"Vào thời của tôi, còn lâu mới có chuyện thích đi nghỉ lúc nào thì đi," bà Jae Eui Kim, 63 tuổi nói. "Phòng nhân sự xếp lịch nghỉ lần lượt cho từng bộ phận hoặc phòng ban để đảm bảo lúc nào cũng có người làm, công việc vận hành bình thường."
Nhưng thời nay đã không còn khắt khe như trước. Trong lề lối của xã hội cũ, tự do nghỉ phép bất cứ lúc nào là một mong ước xa xỉ chỉ có trong mơ.
Một ví dụ khác là số giờ làm việc. Theo chính sách mới mà chính phủ Hàn Quốc bắt đầu áp dụng từ 4/2019, số giờ làm việc tối đa được quy định là 52 giờ một tuần.
Thay đổi này, cùng với việc một số công ty mới thành lập cho phép nam giới được nghỉ đẻ khi vợ sinh con, là nhằm khuyến khích thế hệ thiên niên kỷ tăng tỷ lệ sinh đẻ, vốn đang theo chiều hướng giảm dần ở Hàn Quốc.
Những bậc cha mẹ tương lai này có vẻ có xu hướng kết hôn và sinh con muộn, hoặc là không kết hôn cũng chẳng sinh con, và họ thường lấy văn hóa làm việc khắc nghiệt là lý do chính để né tránh.
Hiện tại, chính sách 52 giờ làm việc một tuần chỉ mới áp dụng cho những công ty lớn, sử dụng từ 300 nhân viên trở lên. Tuy vậy, riêng sự tồn tại của chính sách này cũng đủ là một tương phản lớn so với những gì mà thế hệ bùng nổ trẻ sơ sinh từng trải qua - họ vẫn phải làm việc nửa ngày thứ Bảy cho đến tận năm 1994, là thời điểm luật về chính sách làm việc năm ngày một tuần được thông qua.
Giờ đây, thế hệ thiên niên kỷ ở Hàn Quốc muốn đạt được nhiều thứ hơn so với cấu trúc làm việc truyền thống, bao gồm cả các vị kkondae mà họ phải răm rắp nghe lời.
Là lực lượng lao động đang trỗi dậy nên họ cũng có những lợi thế: theo Cục Thống Kê Hàn Quốc (KOSTAT), thế hệ thiên niên kỷ chiếm 22,2% dân số Hàn Quốc, và họ đang ngày càng chiếm lĩnh nhiều hơn trong lực lượng lao động. (Ước tính sau năm 2020, thế hệ thiên niên kỷ sẽ chiếm 50% lực lượng lao động toàn cầu.)
Thậm chí hiện nay còn có một từ tiếng Hàn mới thể hiện nguyện vọng của thế hệ thiên niên kỷ đối với môi trường làm việc: 'worabel', viết tắt của 'work-life balance', tức là sự cân bằng giữa công việc và cuộc sống.
"Từ worabel mới xuất hiện này là từ hay nhất để mô tả thế hệ thiên niên kỷ," giáo sư Lee từ Đại học Chung-Ang nói. "Nó thể hiện việc đặt mục tiêu cá nhân người lao động lên trên lợi ích của chủ lao động."
Cả hai từ worabel và kkondae đều là biểu tượng cho sự chuyển dịch các giá trị và kỳ vọng mà giới trẻ yêu cầu ở chủ lao động.
Các doanh nghiệp đã quan tâm hơn, cố gắng điều chỉnh chính sách và tạo môi trường làm việc cởi mở hơn dù chỉ là từng chút một. Đồng nghiệp có thể xưng hô với nhau bằng tên tiếng Anh và có thể từ chối những bữa ăn tối giao lưu bắt buộc. Tuy nhiên, từ kkondae khó có khả năng sớm bị quên lãng.
Nếu những điều trên khiến bạn nhụt chí thì chớ vội mất hy vọng. Kkondae chỉ là một trong những từ mới mà người dân Hàn Quốc nghĩ ra để bàn tán với hy vọng tạo cầu nối, nối liền khoảng cách giữa các thế hệ.
Soo Zee Kim
No comments:
Post a Comment
Note: Only a member of this blog may post a comment.