Monday, September 10, 2012

Bỏ lỡ một dịp may hiếm quý

image


Người ta vẫn thường hay nói: Dịp may chỉ đến có một lần. Nói như thế có phần rất đúng, nhưng thật sự chỉ đúng với những dịp may được coi là hiếm quý, còn những dịp may thường tình khác thì vẫn đến với chúng ta, không phải chỉ có một lần mà đôi khi đến rất nhiều lần. Tuy nhiên không phải tất cả dịp may hiếm quý nào cũng là điều tốt lành, làm cho chúng ta phải hối tiếc, là đã bỏ lỡ một dịp may hiếm quý, mà chúng ta nghĩ rằng nó chỉ đến với chúng ta có một lần trong đời, làm cho chúng ta cảm thấy hối tiếc, nghĩa là cờ đã nắm trong tay mà không chịu phất.

Chắc hẳn nhiều người trong chúng ta vẫn còn nhớ đến một tai họa khủng khiếp, làm kinh hoàng cả thế giới, đã xảy ra cách đây 9 năm, vào ngày 11 tháng 9 năm 2001, 2 tòa nhà trọc trời tại thành phố New York, đã bị quân khủng bố lái máy bay đâm thẳng vào 2 tòa nhà này, gây ra 2 đám cháy khổng lồ, làm hàng trăm người đang làm việc ở đây bị chết cháy hoặc bị chôn vùi thân xác dưới những đống sắt vụn, vì không kịp chạy thoát ra bên ngoài. Chỉ 3 tuần lễ trước khi biến cố khủng khiếp này xảy ra, cả 2 sinh viên đã có hứa hôn với nhau, mới ra trường ngành quản trị hành chánh và tài chánh của một trường đại học công lập ở một Tiểu Bang xa, đáp máy bay đến một trong 2 tòa nhà này để được phỏng vấn cùng một ngày, theo đơn xin việc làm của 2 người và sau cuộc phỏng vấn, cả 2 người đều được thâu nhận vào làm việc cho một công ty thương mại, đặt trụ sở ở tầng lầu trên cùng của tòa nhà này.

image

Theo như sự ưng thuận của hai người được quyền tự chọn lựa ngày trình diện bắt đầu làm việc, là  ngày 11 tháng 9 và cả 2 người đã đến phi trường để  đáp máy bay đến New York trước 1 ngày, để có đủ thì giờ trình diện nhiệm sở mới vào sáng ngày hôm sau. Nhưng vì thời tiết quá xấu, chuyến máy bay này của hai người đã bị hủy bỏ và được rời lại chuyến sớm nhất vào sáng ngày hôm sau. Thế là hai người phải chờ đợi qua một đêm ngủ ngồi ở phi trường, để đáp chuyến máy bay sớm nhất, cho kịp đến nhiệm sở mới như đã giao ước trong ngày phỏng vấn.

Sáng sớm hôm sau, chờ đợi ở phi trường cả mấy tiếng đồng hồ, mà máy bay vẫn chưa cất cánh và trong máy phóng thanh loan báo là chuyến máy bay bị hoãn lại, cho tới khi có loan báo mới. Thế rồi không đầy 30 phút sau, trên đài vô tuyến truyền hình tại phi trường, cho chiếu  2 chiếc máy bay đâm đầu thẳng vào 2 tòa nhà trọc trời này, nổ tung lên như 2 ngọn hỏa diệm sơn đang phun lửa đỏ rực trời và nhìn thấy tận mắt cảnh tượng hãi hùng này, hai người cảm thấy như mình vừa mới chết đi sống lại, vì cả hai người đều chợt nghĩ, nếu mình đến New York từ chiều hôm qua, thì sáng hôm nay mình đã bị chết cháy hoặc bị tan xác dưới những đống sắt vụn này rồi.

image

Vậy, đôi khi có những dịp may hiếm quý (good luck) lại trở thành dịp xui (bad luck), trái lại, có những dịp xui lại trở thành dịp may hiếm quý như câu chuyện vừa được kể ở trên đây. Vì hai người sinh viên mới ra trường trong câu chuyện trên đây, mà cả 2 người may mắn đã kiếm được công ăn việc làm tốt. Nhưng rốt cuộc, nhờ vào chuyến máy bay bị hủy bỏ chiều ngày hôm trước, cho đến sáng hôm sau máy bay cũng bị hoãn lại, ngăn cản 2 người không thể đến lãnh nhận công việc làm mới này được, nên cả 2 người mới còn sống sót đến ngày nay. Mục đích chính của đề tài hôm nay, là chúng tôi muốn kể lại một câu chuyện có tựa đề : Bỏ Lỡ Một Dịp May Hiếm Quý và nội dung của câu chuyện này có liên quan đến Luật Di Trú Hoa Kỳ, mà những người nào trong chúng ta chưa nhập quốc tịch Hoa Kỳ, hoặc vô tình hay cố ý vi phạm Luật Di Trú khi điền mẫu đơn nhập tịch N.400, Phân đoạn số 10 (Part 10), Mục D (Item D), liệt kê những câu hỏi từ số 15 cho đến số 21, hỏi về Nhân Cách Luân Lý Tốt (Good Moral Character) của đương đơn (applicant), bắt buộc đương đơn phải trả lời Có (Yes) hay Không (No) cho từng câu hỏi, cho dù phạm tội nặng hay nhẹ, lâu năm hay mới đây, hoặc hồ sơ tội phạm đã được xóa bỏ (cleared), hay hồ sơ đã được Tòa niêm phong (sealed), không ai được quyền xem, ngoại trừ có lệnh đặc biệt của Tòa cho phép mở hồ sơ, hoặc đã được luật sư của đương đơn cho biết là tội phạm không còn bị ghi chép  trong hồ sơ cá nhân nữa, thì cũng vẫn phải khai ra. Chính vì nhiều người không hiểu rõ ý nghĩa rất quan trọng của những câu hỏi này hoặc được người khác chỉ dẫn không chính xác, nên có một số người, mặc dầu đã thi đậu phần sát hạch miệng những câu hỏi nhập tịch, nhưng vẫn bị từ chối không cho tuyên thệ nhập tịch, vì vô tình hay cố ý đã vi phạm tội nói dối (Lying) và khai man trá (False Testimony) với vị Giám Khảo Nhập Tịch (Naturalization Examiner) trong cuộc sát hạch nhập tịch. Sau đây là một trong những trường hợp điển hình, mà đương đơn bị từ chối không cho tuyên thệ vì lý do như sau:

image

Trước khi đương đơn được sát hạch miệng một số những câu hỏi trong số 100 câu hỏi về nhập tịch, vị giám khảo luôn luôn duyệt xét lại những câu trả lời của đương đơn trong mẫu đơn N-400, để xem đương đơn có muốn thay đổi điều gì trong câu trả lời không và tất cả những câu trả lời đối với các câu hỏi về Nhân Cách Luân Lý Tốt, đương đơn đều trả lời là Không vi phạm tội nào hết. Tiếp theo sau, vị giám khảo sát hạch đương đơn một số câu hỏi về lịch sử Hoa Kỳ và về cách tổ chức chính quyền, đương đơn đều trả lời đúng hết, nên vị giám khảo cho đương đơn biết là đương đơn đã đậu cuộc sát hạch nhập tịch và đương đơn sẽ nhận được thư mời đi tuyên thệ nhập tịch vào tháng tới.

Sau gần một tháng chờ đợi để được đi tuyên thệ, thì nhận được thư của Sở Di Trú từ chối không cho đương sự đi tuyên thệ, vì cách đây gần 5 năm, đương sự đã vi phạm tội bán beer cho một trẻ em dưới tuổi vị thành niên, mà trong đơn xin nhập tịch, đương sự đã không khai ra. Như vậy, đương sự đã vi phạm vào 2 tội: Tội thứ nhất là đương sự đã khai man trá trong đơn là không vi phạm tội gì hết. Tội thứ hai là khi vị giám khảo sát hạch miệng, đương sự đã dơ tay lên tuyên thệ là sẽ nói hết sự thật, nhưng đương sự đã che dấu, không nói thật là đương sự đã vi phạm luật cấm bán beer cho trẻ em dưới tuổi vị thành niên. Sau này, đương sự có kể lại cho chúng tôi nghe là đương sự có vi phạm điều luật này, nhưng nhờ luật sư can thiệp, đương sự đã không bị giam giữ một ngày nào ở trong tù, mà cũng không bị lãnh án tù treo, đương sự chỉ đến tòa án thành phố (Municipal Court) để đóng tiền phạt mà thôi, nên đương sự nghĩ rằng chẳng cần gì phải khai trong đơn. Do đó, khi được sát hạch miệng, đương sự đã không khai ra hành động vi phạm này.

Lẽ dĩ nhiên, sau khi nhận được thư từ chối của Sở Di Trú, đương sự có tham khảo lại vấn đề này với luật sư, thì được biết dù trước kia không khai ra ở trong đơn, nhưng lúc được sát hạch miệng, nếu đương sự khai ra điều này với vị giám khảo, thì chắc chắn 100% đương sự vẫn được tuyên thệ như thường. Vì theo Luật Di Trú và Nhập Tịch Hoa Kỳ, trong điều khoản số 316 (Part 316 of General Requirements for Naturalization), đã ghi rõ những điều kiện tổng quát về nhập tịch, ấn định tội trạng  nặng hay nhẹ, thời gian hiệu lực hay hết hiệu lực đối với các tội trạng v.v.., chẳng hạn như trong thư của Sở Di Trú báo cho biết là đương sự không được tuyên thệ, vì đã cố tình che dấu, không chịu khai ra hành động vi phạm luật của đương sự trước mặt vị giám khảo như vừa được kể trên.

Vì không được tuyên thệ nhập tịch, nên đương sự đã mất một dịp may hiếm quý, là đương sự đã không được thâu nhận vào chức vụ kỹ sư điện (Electrical Engineer) cho một cơ quan chính phủ Liên Bang Hoa Kỳ, mà cơ quan này đã hứa sẽ giữ việc làm cho đương sự trong vòng 2 tháng, cho tới ngày đương sự tuyên thệ nhập tịch. Thêm vào đó, còn một điều bất hạnh hơn nữa cho đương sự, là người vợ của đương sự đang ở Việt-Nam, sắp sửa sanh đứa con đầu lòng, đang chờ đợi chồng điều chỉnh tình trạng là một công dân Hoa Kỳ, để người vợ được đoàn tụ với người chồng sớm hơn, vì nếu người chồng là thường trú nhân, người vợ phải chờ đợi nhiều năm, theo chỉ số chiếu khán hàng năm ấn định (Annually Available Visa Quota) thì mới đoàn tụ với chồng được. Thế là đương sự đã mất đi một dịp may hiếm quý: Mất một công ăn việc làm tốt và không được đoàn tụ với người vợ, với đứa con sắp sanh sớm hơn thời gian dự định.

image

Câu chuyện trên đây làm chúng tôi nhớ lại một sự việc khác, xảy ra cách đây hơn 10 năm,  trong đơn xin nhập tịch, đương đơn ghi tên người vợ mà đương đơn lập giá thú tại Hoa Kỳ là vợ duy nhất, không ghi tên người vợ đầu tiên đã lập giá thú ở Việt-Nam, rồi trong khi được sát hạch miệng, dơ tay lên tuyên thệ trước mặt vị giám khảo, đương đơn cũng xác nhận tên người vợ ghi trong đơn nhập tịch là vợ duy nhất và sau khi đậu cuộc sát hạch, đương sự trở về nhà chờ đợi thư mời đi tuyên thệ. Nhưng 1 tháng sau, đương sự nhận được thư của Sở Di Trú từ chối, không cho phép đương sự được tuyên thệ, vì đương sự đã vi phạm 2 tội, giống như 2 tội phạm trong câu chuyện vừa kể trên, tuy rằng nội dụng của 2 câu chuyện có phần khác hẳn nhau. Trong câu chuyện này, đương sự cần phải hiểu rằng, mặc dù người vợ đầu tiên lập giá thú ở Việt-Nam, nhưng giá thú này vẫn có giá trị pháp lý tuyệt đối về thời gian và không gian, trừ khi hai người đã có giấy ly dị nhau ở tòa án, còn bất cứ một giá thú nào được thiết lập sau này, đều vô giá trị về mặt pháp lý. Sở dĩ Sở Di Trú biết được điều này, là người vợ đầu tiên của đương sự đã viết thư gửi về Sở Di Trú, để nhờ nơi đây tìm kiếm dùm địa chỉ của chồng bà, kể từ khi chồng của bà tới Hoa Kỳ không hề viết thư liên lạc với vợ con tại quê nhà.

Nói tóm lại, ngày nào chúng ta còn sinh sống tại Hoa Kỳ, dù là thường trú nhân hay đã nhập tịch, nếu chúng ta đã dơ tay lên tuyên thệ, bằng lòng  nói sự thật trước mặt nhân viên đại diện cho chính quyền, trong bất cứ trường hợp hay hoàn cảnh nào, mà chúng ta khai man trá, đều có thể bị trục xuất trả về nguyên quán của mình (Might be deported to your original country), hoặc có thể bị thu hồi quyền công dân Hoa Kỳ, vì phạm một số những tội bạo động đặc biệt về hình sự phải ngồi tù (US Citizenship might be revoked for some of specially aggravated felonies), chẳng hạn như tội làm gián điệp, tổ chức buôn bán cần sa ma tuý hoặc tổ chức ổ mại dâm, nhất là trong đó có những cô gái dưới tuổi vị thành niên và sau khi thi hành xong bản án, cũng có thể sẽ bị trục xuất trả về nguyên quán như những thường trú nhân phạm tội. Nói như thế, sẽ có nhiều người rất ngạc nhiên, vì cứ tưởng rằng sau khi đã tuyên thệ nhập tịch, để trở thành công dân Hoa Kỳ, thì làm gì có chuyện bị thu hồi bằng nhập tịch (certificate of naturalization), để bị trục xuất trả về nguyên quán như những thường trú nhân (permanent resident) phạm tội.

image

Do đó, đừng quên rằng: Hiệp Chủng Quốc Hoa Kỳ được lãnh đạo và được điều hành các guồng máy quốc gia bằng Pháp Luật, từ thượng tầng cơ sở xuống tới hạ tầng cơ sở, không phân biệt công hay tư, để mọi người dân sống trong xã hội này, đều được quyền hưởng sự tự do, dân chủ đích thực và quyền bình đẳng làm người trước pháp luật, mà Hiến Pháp Hoa Kỳ đã quy định kể từ ngày lập quốc. Nhờ vậy, mọi sắc tộc khác biệt nhau về cả văn hóa lẫn tôn giáo, từ khắp nơi trên thế giới đến đây lập nghiệp hơn hai trăm năm qua, mới có thể sống chung hòa bình với nhau, như hiện nay trong một quốc gia được mệnh danh là Đại Cường Quốc Hoa Kỳ.


Phó Tế Nguyễn Mạnh San

No comments:

Post a Comment

Note: Only a member of this blog may post a comment.