Tuesday, September 4, 2012

Mỹ - Trung lưỡng quốc tranh hùng

image
Khu trục hạm DDG-112 Cáp Nhĩ Tân của Hải quân TQ ở Hoàng Hải


Trong năm tranh cử tại Hoa Kỳ và chuyển đổi lãnh đạo tại Trung Quốc, khả năng xung đột cục bộ trên các vùng biển châu Á không phải là điều các cường quốc mong muốn nhưng vì thiếu một cơ chế phòng ngừa xung đột hữu hiệu nên cũng có thể xảy ra, nhất là khi thái độ dân tộc chủ nghĩa đồng loạt gia tăng ở Trung Quốc, Đài Loan, Hong Kong, Nhật Bản, Nam - Bắc Hàn, Việt Nam và Philippines.
BBC hỏi Luật sư Vũ Đức Khanh từ Canada, người theo dõi an ninh khu vực và thường xuyên đóng góp bài cho một số trang mạng tiếng Anh ở châu Á về chủ đề này. Câu hỏi đầu tiên là có hay không khả năng Trung Quốc đưa quân chiếm một số đảo ở Biển Đông hiện do Việt Nam nắm giữ:

LS Vũ Đức Khanh: Theo tôi được biết thì có một số nhà ngoại giao cho rằng khả năng về một cuộc xung đột ở Biển Đông khó có thể xảy ra. Tuy nhiên, song song đó cũng có một luồng dư luận khác của một số học giả và các tổ chức, viện nghiên cứu quốc tế uy tín, điển hình như Tổ chức International Crisis Group ( ICG ) có trụ sở tại Brussels, Vương Quốc Bỉ, hôm 24/7 đã lên tiếng cảnh báo căng thẳng trên Biển Đông có thể dễ dàng biến thành xung đột vũ trang trong khu vực.

Nếu chúng ta quan sát kỹ tình hình Biển Đông từ vài tháng nay thì rõ ràng điều quan ngại của ICG là hoàn toàn có cơ sở. Việc Trung Quốc mới đây tuyên bố thành lập hội đồng thành phố Tam Sa và chọn trung tâm hành chính trên đảo Vĩnh Hưng mà Việt Nam gọi là đảo Phú Lâm để quản lý ba quần đảo ở Biển Đông trong đó có quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa mà Việt Nam tuyên bố chủ quyền là một hành động leo thang không chấp nhận được, đặt các bên hữu quan vào thế đã rồi.

Theo cá nhân tôi thì Trung Quốc sẽ không bao giờ tấn công Việt Nam nếu Hà Nội tiếp tục tôn trọng và bảo vệ quyền lợi chiến lược của Trung Quốc trên bán đảo Đông Dương và Biển Đông như Hà Nội đã từng và đang làm.
Khả năng Trung Quốc có thể gây hấn quân sự để chiếm thêm một số đảo nhỏ mà Việt Nam đang chiếm đóng là chuyện có thể xảy ra nhưng chắc chắn sẽ không có giao tranh trên bình diện rộng với quy mô lớn và trên đất liền. Hành động quân sự này chắc sẽ không thể gây thêm leo thang chiến tranh mà chỉ củng cố những gì mà giữa Bắc Kinh và Hà Nội đã thỏa thuận.

BBC: Nếu xảy ra điều đó thì đây là chuyện một số giới tại Trung Quốc muốn cố ý gây sức ép lên chính lãnh đạo và tạo sự đã rồi, hay là một phần của chiến lược nào đó Trung Quốc đã xây dựng từ mấy năm qua, thưa ông?

LS Vũ Đức Khanh: Trung Quốc là đại quốc, Việt Nam là tiểu quốc; đây là một sự thật khách quan không thể nào chối bỏ được.

Năm nay 2012, Canada và Hoa Kỳ kỷ niệm 200 năm ngày đình chiến, tôi nghĩ cả Việt Nam và Trung Quốc có thể rút tỉa được một số bài học kinh nghiệm để làm sao đổi thù thành bạn để cùng nhau láng giềng hòa hiếu và cùng phát triển thịnh vượng.

Là một đại quốc nay lại có điều kiện trở thành một đại cường quốc hẳn nhiên Trung Quốc phải có một chiến lược hẳn hòi về Biển Đông. Chiến lược đó ra sao chắc còn phải đợi thời gian trả lời. Tuy nhiên người Trung Hoa có câu "Tề gia, trị quốc, bình thiên hạ", riêng đối với giới lãnh đạo Bắc Kinh hiện nay, nếu chưa ổn định được Biển Đông thì đừng nghĩ đến việc tranh ngôi chủ soái toàn cầu.
Theo nhận định của một số nhà quan sát thì chiến lược trung và dài hạn của Trung Quốc là vô hiệu hóa và đẩy Mỹ ra khỏi khu vực Á châu - Thái Bình Dương mà đoản kỳ là gây xáo trộn trong khu vực, đặc biệt ở Biển Đông để tiến tới độc chiếm. Chính sách đó hiện nay của Trung Quốc được tạm gọi là "Nhất cử lưỡng tiện và bất chiến tự nhiên thành".

image
TQ đối xử với các nước theo ba hạng: thân hữu, đối tác và chư hầu


Để đạt được mục đích, Trung Quốc chỉ cần tạo điều kiện hoặc thậm chí làm ngơ cho ngư dân của họ tiếp tục thoải mái đánh bắt, khai thác hải sản trong khu vực Biển Đông đang có tranh chấp với các quốc gia láng giềng Asean. Về quân sự, trước mắt họ sử dụng vai trò của các ngư dân Trung Quốc như một lực lượng bán quân sự, tiếp tục bám ngư trường và, nếu có điều kiện tiến lên chiếm đảo luôn.

Với một lực lượng hùng hậu như thế, các đội tàu cá Trung Quốc hiện nay đang tăng cường hoạt động trên diện rộng trong toàn bộ khu vực Biển Đông, làm nhiệm vụ xung kích vừa đẩy lùi các đội tàu cá của các quốc gia khác, vừa thử phản ứng của các lực lượng vũ trang đối phương tiến tới vô hiệu hóa để buộc họ phải từ bỏ chủ quyền của mình.

Nếu chẳng may gặp sự phản kháng mạnh, Trung Quốc sẽ dùng lực lượng hải giám của họ để can thiệp và cuối cùng, Trung Quốc ở bất cứ thời điểm nào vẫn có thể dùng sức mạnh ngoại giao, kinh tế thậm chí quân sự, nếu cần thiết để đối phó. Quan điểm của họ là "mưa dầm thấm đất", tiếp tục gây sức ép liên tục từ yếu lên mạnh, cô lập và dụ dỗ cho nên nếu họ khống chế và vô hiệu được các quốc gia có tranh chấp thì coi như không cần phải sử dụng đến sức mạnh quân sự.

Vì thế tôi nghĩ nếu thực sự có xung đột vũ trang trên Biển Đông thì xung đột này cũng rất giới hạn và quốc gia phải hứng chịu sự giận dữ quân sự này của Trung Quốc không ai ngoài Việt Nam.

BBC: Theo những tìm hiểu của ông thì Trung Quốc suy đoán là trong trường hợp đó, điều mạnh nhất Hoa Kỳ có thể làm là gì?

LS Vũ Đức Khanh: Trong thời điểm hiện tại, nếu xung đột này xảy ra như dự tính thì tôi không thấy Hoa Kỳ có thể làm gì hơn là tiếp tục lên tiếng cực lực phản đối, thậm chí viện cớ này tăng thêm sự hiện diện quân sự của Mỹ trong khu vực nhưng tất cả những hành động đó nếu có vẫn sẽ không làm Trung Quốc phải quá lo ngại.

Thực tế trong suốt thời gian từ hai năm gần đây truyền thông Trung Quốc cũng từng đánh tiếng cảnh báo về một chiến lược bao vây Trung Quốc của Hoa Kỳ. Tuy nhiên, chúng ta cần hiểu rằng chính sách của Hoa Kỳ cho tới nay về các tranh chấp biển đảo trong khu vực là không đứng về phiá nào vì vấn đề chủ quyền vô cùng phức tạp, điển hình vụ tranh chấp Nhật - Hàn.

Hoa Kỳ chỉ kêu gọi các bên nên tự kiềm chế và giải quyết tranh chấp thông qua thương lượng hoà bình, tuân thủ theo luật pháp quốc tế. Hoa Kỳ phản đối sử dụng vũ lực và kiên quyết bảo vệ quyền tự do lưu thông hàng hải.

Hơn thế nữa, một câu hỏi được đặt ra là tại sao Hoa Kỳ phải chiến đấu hy sinh giúp Việt Nam cộng sản, một quốc gia cựu thù mà nhiều người Mỹ cho đến giờ vẫn không muốn nhắc đến hai tiếng Việt Nam, một quốc gia mà ngày ngày vẫn ra rả đồng chí, anh em với một số quốc gia thù địch với Hoa Kỳ, một quốc gia muốn trở thành đối tác chiến lược mà luôn phớt lờ những yêu cầu cơ bản của mình?

image
Ngoại trưởng Hillary Clinton cố gắng thúc đẩy ASEAN đồng thuận


BBC: Nhân năm tranh cử tại Hoa Kỳ và chuyển đổi lãnh đạo ở Trung Quốc, ông đánh giá sao về mối quan hệ ‘Chimerica’ hay còn gọi là ‘dính chặt vào nhau như một cơ thể’ về kinh tế giữa hai nước đó, và tác động của quan hệ đó với Việt Nam cũng như Đông Nam Á?

LS Vũ Đức Khanh: Chuyến công du xuất ngoại đầu tiên của ngoại trưởng Hillary Clinton là đến châu Á năm 2009 trong đó có Trung Quốc. Chuyến công du hiện nay của bà cũng châu Á và Trung Quốc, đặc biệt bà còn là quan chức cao cấp nhất của Hoa Kỳ đến quốc đảo Cook dự hội nghị các quốc gia đảo trong khu vực Thái Bình Dương và từ đây đến cuối nhiệm kỳ 2009-2012 của chính quyền Obama có lẽ một trong những chuyến công du quan trọng nhất của bà vẫn sẽ là châu Á-Thái Bình Dương và Trung Quốc. Điều đó một lần nữa cho thấy châu Á và Trung Quốc quan trọng như thế nào đối với chính quyền Obama và Hoa Kỳ.

Tôi nghĩ cho dù kết quả bầu cử sau ngày 6 tháng 11 ở Hoa Kỳ có như thế nào và bất cứ ai sẽ ngồi vào chiếc ghế Tổng thống đều phải giải quyết bài toán châu Á và Trung Quốc. Tương lai nước Mỹ hơn phân nửa sẽ phụ thuộc vào khu vực này, một khu vực năng động đầy tiềm năng hứa hẹn nhưng cũng lắm rủi ro, bất an.

Quan hệ Trung-Mỹ là toàn cục, toàn diện và toàn cầu. Trung Quốc không thể sống một mình và càng không thể giàu mạnh khi đứng riêng rẽ. Trung Quốc cũng không dại gì lập một cái trật tự thế giới mới riêng biệt hoặc tái lập một mô hình như thời Liên Xô cũ. Trung Quốc phát triển cường thịnh 30 năm qua hoàn toàn nhờ vào "kiến trúc thế giới và các định chế quốc tế" được Hoa Kỳ và phương Tây dựng lên sau Đệ nhị Thế chiến.

image
Việt Nam băn khoăn với đối tác Hoa Kỳ vì khác biệt thể chế

Toàn cầu hóa đã đưa đội thương thuyền Trung Quốc rong ruổi năm châu, bốn biển mang về biết bao lợi ích cho quốc gia này. Hơn thế nữa, họ đã thành công "cắm trụ" ở quá nhiều quốc gia từ Á sang Phi, từ Âu sang Mỹ. Co cụm lại là chết nên buộc họ phải vươn ra đại dương tranh tài.

Riêng đối với Hoa Kỳ trong vấn đề Thái Bình Dương, một nhà ngoại giao Trung Quốc nói với tôi rằng chiến lược của Trung Quốc từ đây tới năm 2050 là Trung Quốc đẩy dần Hoa Kỳ ra khỏi lằn ranh chia đôi Thái Bình Dương. Vị ấy nói rằng Thái Bình Dương đủ lớn để cho cả hai Trung Quốc và Hoa Kỳ cùng chia sẻ trách nhiệm và quyền lợi. Theo tôi, ý vị ấy muốn nói tới sự định hình lưỡng cực ở Thái Bình Dương (Pacific Ocean): Asia-Pacific và America-Pacific.

Trung Quốc sẵn sàng chấp nhận từ đảo Guam về tới bờ biển miền Tây châu Mỹ thuộc về Hoa Kỳ và nửa phần còn lại bên kia về đến duyên hải Trung Quốc luôn cả Biển Đông và cửa ngỏ ra Ấn Độ Dương thuộc về Trung Quốc.
Đối với Trung Quốc sẽ không có vấn đề gì khi người Mỹ và cả thế giới có thể hiểu ngầm rằng nếu quan điểm của bà Clinton đuợc hiểu như khi bà ấy viết về America's Pacific Century là chỉ để nói lên cái thực thể lưỡng cực vừa nêu trên. Sẽ không thành vấn đề gì cả khi cả hai Asia-Pacific và America-Pacific đều có chủ riêng của nó và nếu thế kỷ thứ XXI này là thế kỷ Thái Bình Dương thì phải là Asia-Pacific và America-Pacific.

Dường như chiến lược hiện giờ của Mỹ là chỉ "giữ những gì có thể giữ" và "tái cân bằng lực lượng" là chiến thuật cho từng tình huống cụ thể. Đối với cá nhân tôi đây là một chiến lược sai lầm vì tôi cho rằng trước khi "đánh" mà chỉ nghĩ tới "thua hoặc hòa" thì còn đánh làm gì.

Cá nhân tôi tin vào khả năng trổi dậy, hồi sinh của nước Mỹ và nhân dân Mỹ. Tôi tin vào "chủ nghĩa thực dụng, chủ nghĩa cơ hội" của Mỹ, và tôi cũng tin vào những giá trị cơ bản tạo nên xã hội Mỹ hôm nay như "công bằng, nhân đạo, thích nghi, thích ứng, sáng tạo, lạc quan, và trên tất cả, khả năng cạnh tranh tự có của họ bù đắp cho những khuynh hướng bạo lực, thiếu kiên nhẫn, tự mãn, bất nhất thiếu tiên đoán, sự hiếu kỳ cho điều mới lạ, hiếu danh và hám lợi của họ," như một bộ phận của thế giới thường đánh giá về Mỹ.

Nếu Trung Quốc muốn chia ngôi bá chủ thế giới với Hoa Kỳ trong thế kỷ này và dường như chính sách hiện nay của Tòa Bạch Ốc cũng chấp nhận như thế thì âu đó cũng là Thiên Ý.


BBC

No comments:

Post a Comment

Note: Only a member of this blog may post a comment.