Tuesday, September 25, 2012

Tôi tìm lại Tự lực văn đoàn

image


Một bộ sưu tập số hóa đầy đủ nhất từ trước tới nay của báo Phong Hóa và báo Ngày Nay của nhóm Tự Lực văn đoàn đã được công bố cuối tuần qua, nhằm ngày 22/9, đúng ngày cách đây 80 năm nhóm nhà văn và nhà báo đề cao tự do cá nhân ra đời.

Có thể được xem là nhóm trí thức quan trọng nhất trong thập niên 1930 ở Bắc Kỳ, Tự Lực văn đoàn nổi tiếng với việc xuất bản tờ báo châm biếm đầu tiên ở Việt Nam, hiện đại hóa văn học Việt Nam và theo đuổi những cải cách mà trong đó bác bỏ sự phù hợp của Khổng giáo.

image
Phong Hóa bị đóng cửa sau bốn năm vì quá táo bạo


Họ là những người đi tiên phong trong thế thệ trí thức trẻ của Việt Nam - những người được đào tạo bằng tiếng Pháp và tiếng Việt đương thời và xa lạ với quan điểm của các văn sỹ Khổng giáo đi trước họ.

'Bom trong làng báo'

Khi dạy môn khoa học ở Trường Thăng Long, ông Nguyễn Tường Tam đã thất bại khi đề nghị chính phủ thực dân cho phép ra mắt một ấn phẩm bằng chữ quốc ngữ mà ông định đặt tên là Tiếng Cười.
Hiệu trưởng Trường Thăng Long, Phạm Hữu Ninh, khi đó đã bắt đầu ra báo Phong Hóa và tờ này đang có nguy cơ đóng cửa sau 13 số.
Nắm cơ hội tới tay, ông Tam đề nghị tiếp quản tờ báo.

Nguyễn Tường Tam lấy bút danh Nhất Linh và trở thành Tổng biên tập báo Phong Hóa bắt đầu từ số 14, ra ngày 8/9/1932.

Chỉ trong thời gian ngắn, ông đã biến Phong Hóa từ một tờ báo lay lắt thành báo châm biếm đầu tiên ở Việt Nam.
Cùng sát cánh với Nguyễn Tường Tam có Trần Khánh Giư (Khái Hưng), Nguyễn Tường Long (Hoàng Đạo), Nguyễn Tường Vinh (Thạch Lam), Hồ Trọng Hiếu (Tú Mỡ), Nguyễn Thứ Lễ (Thế Lữ), Ngô Xuân Diệu (Xuân Diệu).
Với Nhất Linh và nhóm cộng sự, Phong Hóa rũ bỏ văn phong của những số trước và ngay lập tức xác lập hình dáng, giọng điệu, tư tưởng và nội dung của riêng mình.
Trước hết, Phong Hóa trông khác với những số báo đã ra: kiểu thiết kế mới bao gồm hình tiêu đề, biếm họa, giải đố ô chữ, quảng cáo, minh họa nằm trong bài viết và phông chữ độc đáo.

image
Tự Lực Văn Đoàn: Xử án thời Pháp thuộc


Thứ hai nữa, tờ báo có văn phong khác lạ. Ngòi bút hài hước và châm biếm của Phong Hóa không tha ai cả.

Phong Hóa chọc quê tất cả mọi người, từ các trí thức đi trước như Phạm Quỳnh, Nguyễn Văn Vĩnh và Tản Đà tới những nét trong xã hội Việt Nam mà báo thấy là lạc hậu và cổ lỗ.
Độc giả vui mừng với giọng văn mới mẻ và thiết kế hấp dẫn của báo. Chỉ trong vài tháng, số người đọc tăng gấp ba. Một năm sau, lượng lưu hành vượt quá 8.500 một tuần và Phong Hóa trở thành một trong những báo được lưu hành rộng rãi nhất Bắc Kỳ.

image

Sau sự thành công của Phong Hóa, Tự Lực văn đoàn cho ra mắt một tờ báo mới mang tên Ngày Nay vào tháng Một năm 1935.
Báo này là một trong những diễn đàn sớm nhất của nhiếp ảnh ở Việt Nam nhưng dự án tỏ ra quá tân tiến vào thời điểm đó khi mà in ảnh khá tốn kém.

image
Ngày Nay đã đóng cửa sau 13 số.

Khi Phong Hóa bị kiểm duyệt và đóng cửa vào năm 1936, Tự Lực văn đoàn vực dậy Ngày Nay và biến báo này thành tổ chức vận động cải cách chính trị và xã hội.
Tờ báo cũng đánh dấu sự thay đổi của nhóm từ chế nhạo xã hội để mong mang lại cải cách sang mạnh mẽ đòi cải cách.

image
Lý Toét là nhân vật trào lộng của báo Phong Hóa để đả phá hủ tục

Điều quan trọng nhất là Tự Lực văn đoàn dùng các tờ báo của nhóm để thúc đẩy chương trình cải cách toàn diện và động chạm tới nhiều tầng lớp trong xã hội Việt Nam.
Họ nhìn tới các xã hội phương Tây để tìm mô hình và vay mượn một cách có lựa chọn và có chủ định từ văn hóa phương Tây để đưa ra viễn kiến về một xã hội Việt Nam mà một ngày kia sẽ được các nền văn minh hiện đại xem là ngang hàng.

Chương trình cải cách bao gồm nhiều vấn đề trong đó có quan hệ giữa thành thị và nông thôn, nghệ thuật, trang phục quốc gia, chính trị quốc tế và quốc nội, vấn đề liên quan tới phụ nữ, xuất bản, thời trang và kiến trúc.

Chặng đường tìm kiếm

Với tư cách là một trong những thành viên chủ chốt của nhóm sưu tầm, bản thân tôi thu thập các số báo của Tự Lực văn đoàn trong khoảng thời gian từ năm 2005 tới 2007.
Lần đầu tiên tôi biết tới các tác phẩm của nhóm là khi đang theo học cao học tại Khoa Lịch sử, Đại học California ở Berkeley, nơi tôi được sự hướng dẫn của Giáo sư Peter Zinoman.
Tôi không thấy thỏa mãn với các bài viết học thuật về nhóm này của cả các học giả phương Tây và Việt Nam và quyết tâm thu thập tất cả những gì họ viết và đọc cho bằng hết để có kết luận của riêng tôi.
Tôi nhận được học bổng Fulbright-Hays để tiến hành nghiên cứu luận án tiến sỹ và bắt đầu cuộc tìm hiểu.

Tôi tới tám thư viện và kho lưu trữ tại Hoa Kỳ, Pháp và Việt Nam để có một bộ sưu tập tương đối đầy đủ các tờ báo của nhóm. Tôi bỏ ra một năm ở Hà Nội để nghiên cứu bộ sưu tập các báo thời thực dân của Thư viện Quốc gia, ngày nào cũng chụp ảnh các tờ báo đã ố vàng và sờn rách cho tới giờ đóng cửa.

image

Nhà văn Nhất Linh (bên phải) và nhà thơ Đông Hồ tại Sài Gòn 1960

Quá trình nghiên cứu cũng có lúc khiến tôi thất vọng. Qua mạng lưới những người sưu tầm sách báo, tôi được biết một nhà sách ở thành phố Sài Gòn đang bán 200 số báo Phong Hóa và Ngày Nay được bảo quản tốt.
Cơ hội được đọc các số báo bằng bản in thay vì ở dạng phim hay số hóa khiến tôi không cưỡng lại được và ngay lập tức vào thành phố Sài Gòn, đi taxi thẳng từ sân bay tới nhà sách.

Khi tới nơi tôi được biết các số báo đã được bán cho con của Thế Lữ. Tôi không biết rằng tôi vẫn còn duyên với những số báo này.
Vào thời điểm kết thúc tìm kiếm, tôi đã chụp ảnh được hơn 190 số báo Phong Hóa và 224 số báo Ngày Nay.


image


Ngoài ra tôi cũng thu thập được 2.500 bài báo về Tự Lực văn đoàn từ 60 ấn phẩm thời thực dân.

Tôi cũng có được rất nhiều sách do nhà xuất bản Đời Nay của nhóm phát hành trong đó có các chuyện ngắn và tuyển tập thơ, các ấn bản đầu tiên và tái bản của các tiểu thuyết, truyền đơn và một số lượng lớn loạt truyện cho thiếu nhi mang tên Sách Hồng.

Cơ duyên

Khi đang viết luận án hồi năm 2008, tôi gặp ông Nguyễn Trọng Hiến, con của nhà thiết kế thời trang Nguyễn Cát Tường, người đưa ra hình mẫu chiếc áo dài tân thời. Tôi cho ông xem bài viết chưa công bố về công trình của cha ông và ông cho tôi xem tài liệu từ kho lưu trữ riêng của gia đình.

image
Nhóm Tự lực văn đoàn: Xuân Diệu, Khái Hưng, Nhất Linh, Thế Lữ (từ trái sang)

Và để trả ơn cũng như để đáp lại sự hào hiệp và tình bạn của ông, tôi đã cho ông xem toàn bộ bộ sưu tập Phong Hóa và Ngày Nay của tôi.
Ông Hiến liên hệ với bà Phạm Thảo Nguyên, con dâu của Thế Lữ, người sở hữu những số báo Phong Hóa và Ngày Nay mà tôi đã vào tận thành phố Sài Gòn để tìm mua.
Bộ sưu tập của tôi đã gần trọn vẹn nhưng một số báo bị mất trang hoặc không đọc rõ.
Ông Hiến đã mất công xem từng số một, bổ túc các trang bị mất, sửa những trang không rõ. Bà Thảo giới thiệu rộng rãi bộ sưu tập và liên hệ với các trường đại học và các tổ chức để đưa các số báo lên mạng.

Hiện bộ sưu tập được cung cấp miễn phí tới độc giả tại trang web của Đại học Hoa Sen và Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn.

Bộ sưu tập này là kết quả của sự hợp tác giữa người Việt hải ngoại ở Hoa Kỳ và Pháp với các học giả và nhà nghiên cứu Việt Nam và một thế hệ mới các học giả người Mỹ gốc Việt.
Chúng tôi hy vọng bộ sưu tập sẽ khuyến khích các nghiên cứu mới về Tự Lực văn đoàn và đóng góp của họ không những chỉ cho văn hóa và văn học mà còn đặc biệt là trong xã hội và chính trị.



T.S. Martina Thucnhi Nguyễn



Tự lực văn đoàn: 10 điều ngược lại

Dịp kỷ niệm 80 năm báo Phong Hóa bộ mới và phong trào Tự lực Văn đoàn khiến tôi nghĩ nếu không có họ thì văn học Việt Nam sẽ ra sao.

image

Văn chương và nhất là tiếng Việt chúng ta dùng ngày nay chắc chắn sẽ thiếu nhiều, và nghèo đi nhiều.
Chúng ta may mắn có họ ở vị trí những người mở đường tài năng, trẻ trung, trong sáng, và yêu nghề tới mức dấn thân.
Nhưng sau gần một thế kỷ, những nỗ lực của họ cũng cần được đánh giá theo hướng nhìn hoàn toàn đối nghịch.
Đó là đặt ngược lại các tôn chỉ của Tự lực Văn đoàn vào bối cảnh sinh hoạt văn hóa, truyền thông tại Việt Nam vào lúc này để xem chúng ta đã được và mất gì.
Hàng rẻ bán đắt
Tự lực văn đoàn coi làm giàu cho ‘văn sản’ trong nước và ra những cuốn sách có giá trị về văn chương là tôn chỉ số một.
Hiện thực thị trường sách báo tại Việt Nam nay lại là bức tranh ngược lại, tràn lan các ấn bản in xấu và vi phạm tác quyền, bán đại trà để kiếm tiền cho các đầu nậu.
Trên báo và văn online số bài sao chép dạng rác mạng nhiều hơn là các tác phẩm có tầm. Số lượng đầu báo hàng trăm không làm cho chất lượng hơn thời 1930-1945.

Bề bộn ngôn từ

Về ngôn từ, Tự lực văn đoàn, trong bối cảnh tiếng Pháp chiếm thế thượng phong, chữ Hán mất thế cùng di sản nghìn năm suy vi và thành gánh nặng, đã cổ vũ cho tiếng Việt, cho ngôn ngữ viết mang ‘tính cách An Nam’ như cách gọi hồi đó.
Hiện nay, ngôn ngữ tiếng Việt lại đầy ắp những từ du nhập, chủ yếu từ báo chí bình dân tiếng Anh, kể cả các từ viết sai, phiên âm linh tinh, thiếu chuẩn mực.
Phong Hóa và sau đó là Ngày Nay cũng cố gắng Việt hóa, giảm bớt chữ Nho thì bây giờ, ngôn ngữ chính trị trên các báo chính thống ở Việt Nam lại rập khuôn nhiều các cụm từ chính trị Trung Quốc.

Chủ nghĩa đại gia

Tự lực văn đoàn mong muốn và quyết chí đề cao khái niệm ‘chủ nghĩa bình dân’, hiểu theo cách của chúng ta bây giờ là một xã hội công dân theo các giá trị dân chủ tư sản.
Tinh thần ‘bình dân’ là thái độ vì đại chúng, đối lập với thói trưởng giả, hay sự kiêu căng của trí thức, sỹ phu ‘ăn trên, biết trước’, chứ không phải là bình dân kiểu nôm na hay lá cải (tabloid).
Nhưng các ‘chuẩn thị trường’ được theo đuổi cuồng nhiệt ở Việt Nam hiện nay khiến không gian văn hóa nhiều các nhân vật gây scandal, lố lăng, phát ngôn bừa bãi.
Báo chí Việt Nam ít ra là trong các mục nhắm tới giới trẻ hay nói về ‘đẳng cấp’ theo nghĩa coi các đại gia kiếm tiền, ăn tiêu phung phí hay chuyện riêng, chuyện kín của các cô hoa hậu để giới trẻ khâm phục và bắt chước chứ không phê phán.
Phục hồi hủ tục
Các nhân vật Lý Toét, Xã Xệ được đặt ra để phê phán tàn dư phong kiến, để dùng tiếng cười vạch trần tính lỗi thời của Nho giáo.
Sau 80 năm, người Việt Nam nay đua nhau phục cổ, từ xây nhà thờ họ, từ quay lại các lễ hội thôn quê tới cúng bái, lễ lạt tốn kém vì tin rằng họ đang trung thành với mong ước của cha ông.
Những phong trào này được chính quyền cổ xúy trong nỗ lực đích thực nhằm phục hồi dòng văn hóa dân gian từng bị chính chính quyền đó phủ nhận một thời nhưng cũng còn để thu hút du lịch, hoặc để dùng di tích, di sản làm kinh doanh.

Tổ chức quan cách

Tư lực văn đoàn từ lúc ra đời cho đến khi kết thúc luôn trung thành với tôn chỉ bình đẳng trong sáng tác và tổ chức. Công việc viết văn và xuất bản của họ không tạo thành một bộ máy, một cơ chế đồ sộ mà xoay quanh tinh thần dân chủ nội bộ và cũng cởi mở với bên ngoài.
Văn đàn chính thống ở Việt Nam ngày nay là ngôi đền có các ngôi vị và ngọn nến được thắp bằng nguồn tài trợ của chính phủ và cách sinh hoạt cồng kềnh, quan cách.

Đừng cười vượt cấp

Bên cạnh hai nhân vật gây cười trên tranh biếm họa nói trên, Tú Mỡ, một trong bảy nhân vật chủ chốt của Tự lực văn đoàn, đã thành danh nhờ thơ trào lộng.
Tiếng cười của ông và của Phong Hóa không thóa mạ mà có chừng mực, đả kích nhưng không đánh đấm.
Báo chí Việt Nam ngày nay, vì lý do chính trị, không có mục tiếu lâm về chính trường, về lãnh đạo.
So với cách Phong Hóa cười từ hoàng đế, quan toàn quyền, tổng đốc, khâm sứ trở xuống thì ngày nay tính trào phúng trên văn báo Việt Nam có vẻ tụt lùi đi và chắc chắn là nghèo nàn hơn.
Ai cũng biết tiếu lâm chính trị kể trong quán nước, trên vỉa hè ở Việt Nam thì vẫn có nhưng không leo được vào các trang báo, các chương trình truyền hình, truyền thanh, hoặc có chút ít hài thì chỉ là phê quan chức tham nhũng chung chung, cấm vượt cấp.

Sex và bạo lực

Các nhân vật trong văn của Tự lực văn đoàn nhìn chung đều là những con người Việt Nam trong sáng, kể cả khi đi làm cách mạng thì họ vẫn lãng mạn, không bạo lực.
Các nhân vật nam và nữ đẹp trong khi yêu, khi sống, khi nghĩ.
Mâu thuẫn xã hội, gia đình, khác biệt tầng lớp xã hội đều có cả nhưng không tàn khốc. Có thể đó là phần ngây thơ của họ vì sau 80 năm, xã hội Việt Nam bộc lộ những xu hướng ngược lại.

image
Thời nay khó có thể sinh ra được Lý Toét và Xã Xệ

Mở các trang báo mạng nào cũng thấy mục ‘Đọc điều nhất’ là những chuyện rùng mình, dâm ô và tàn tệ.
Lan trong Hồn bướm mơ tiên phải chọn giữa ái tình và cửa Phật, còn sự lựa chọn của nhiều thanh niên hiện nay là thử cả hai: thể nghiệm trong yêu đương nhân danh lối sống ‘hiện đại’ nhưng cũng cúng lễ sì sụp mỗi ngày tuần để cầu tài hoặc thăm chùa như một hoạt động dã ngoại.

Tùy tiện tập thể

Khen và chê Tự lực văn đoàn chắc còn cần nhiều ý kiến nhưng theo tôi, sự thất bại lớn nhất của tinh thần Phong Hóa trong xã hội và con người Việt Nam ngày nay chính là sự thiếu vắng của Tự do cá nhân.
Trái với giá trị này, tính tùy tiện tập thể lại là phổ biến ngày nay.
Đây là sự thất bại của chung mọi người, không phải của nhóm chủ trương vì họ đã ra người thiên cổ từ lâu, và không tham gia gì hết vào phần định hình xã hội hậu chiến và mở cửa trong thế kỷ 21 này ở Việt Nam.
Bệnh tùy tiện tập thể lan truyền trên diện rộng không chỉ đẩy tự do cá nhân vào các góc của tính lập dị, hoặc bung phá theo cách ngỗ ngược trong thanh thiếu niên, văn nghệ sỹ, mà còn nuôi dưỡng chế độ môn phiệt kiểu mới.
Quanh co cụm lại
Khác với con người lý tưởng của Tự lực văn đoàn luôn nhìn lấy lương tâm và trách nhiệm cá nhân làm kim chỉ nam cho sự dấn thân, không ít con người Việt Nam, kể cả ở vai trò văn nghệ sỹ, trí thức hiện giờ lại ham phù trợ hay vây quanh một số nhân vật có quyền, một số nhóm lợi ích nắm báo chí để kiếm chác, hưởng danh lợi phù phiếm, bằng cấp, chức tước do bộ máy ban xuống.
Vì không dấn thân mà co cụm lại trong các hội đoàn, cơ quan, đại học, sức sáng tác của họ bị cùn mòn đi và tính bè phái lại tăng lên.

Câu hỏi cá nhân

image

Viết ra đôi ý kiến riêng về Tự lực văn đoàn, tôi tự hào Việt Nam đã có những con người như Nhất Linh, Khái Hưng, Hoàng Đạo, Thạch Lam, Tú Mỡ, Thế Lữ và Xuân Diệu trong nhóm chủ chốt nhiều thành viên tham gia cùng họ để tạo ra một dấu ấn, một di sản cho nhiều thế hệ.
Nghĩ đến Tự lực văn đoàn ngày nay cũng không thể quên được các câu chuyện xảy đến với họ và hàng triệu bạn đọc của họ trong suốt những thập niên biến động long trời lở đất trên toàn cõi Đông Dương và đất nước Việt Nam sau đó.
Nhưng nay nhìn lại, sức lôi cuốn của Tự lực văn đoàn không phải là một bài học họ để lại cho chúng ta mà là một câu hỏi mỗi cá nhân cần phải chia tay với cái gì và làm điều gì mới cho cuộc đời của chính mình.
Sau hai ba thập niên bung ra, xã hội Việt Nam có lẽ đã đến cái ngưỡng người ta cần hỏi có nên chấm dứt với thái độ ham tích cóp, chiếm đoạt và ăn tới bội thực các vấn đề, nhất là trong văn hóa, trong lối sống để dũng cảm bước lên một con đường mới, như Loan đã đoạn tuyệt với ngôi nhà cũ trong tiểu thuyết cùng tên của Nhất Linh mà tôi xin trích một đoạn làm lời kết:
“Từ ngày bà Hai mất đi đó đến nay trên bốn tháng đó Loan chỉ quanh quẩn với cái ý tưởng bán nhà để trả nợ. Nàng muốn không còn dính dáng một tí gì với đời cũ nữa.
Còn lại một mình, nàng mong giũ sạch bụi đường cũ, để thảnh thơi tiến bước một cảnh đời mới mà nàng vẫn khao khát bấy lâu.
Từ sáng đến giờ, trong lúc dọn nhà, nàng có cái cảm tưởng như người sắp sửa bắt đầu một cuộc đi chơi xa; nàng hồi hộp lo sợ, nhưng trong cái sợ có lẫn cái vui sắp được sống một cuộc đời tự lập, không lụy đến ai và không ai quấy rầy mình được...”


Nguyễn Giang



No comments:

Post a Comment

Note: Only a member of this blog may post a comment.