Sunday, January 6, 2013

Làng thương vợ ở Việt Nam

image

Gọi là “làng thương vợ” vì đa phần những người phụ nữ ở xã Thuỷ Vân, huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên – Huế, có cuộc sống rất khác biệt với người phụ nữ truyền thống Việt Nam.
Ở làng đó, người phụ nữ ngoài sinh con ra đều tuyệt đối không đụng vào bất cứ việc gì nặng nhọc trong gia đình. Người đàn ông thương vợ, quán xuyến hết mọi công việc, từ trồng lúa đến giặt giũ áo quần. Người dân cho rằng đó là tục lệ từ muôn đời nay vốn đã như vậy.

image
“Ở làng này, làm phụ nữ làng sướng lắm!”

Dải đất miền Trung khắc nghiệt, người dân bôn ba, vất vả một nắng hai sương trên cánh đồng lúa. Đôi khi miếng ăn còn cơ khổ khi xảy ra thiên tai, bệnh hại, mất mùa. Bất kể đàn ông hay phụ nữ đều chung lưng đấu cật, vắt kiệt sức mình trên những cánh đồng lúa trải dài vô tận.

Thế nhưng làng Công Lương nằm cách TP.Huế khoảng 6km, phụ nữ trong làng cả đời chưa biết ra đồng là gì. Từ khi sinh ra cho đến khi lớn lên, có thể chân họ chưa dính dấu vết bùn non, chưa chịu cảnh lấm lem bùn đất.


image

Họ không phải là những người phụ nữ tồi tệ, nhác làm việc, mà đó là truyền thống bao đời của cha ông đã cho người phụ nữ đặc quyền, đặc lợi như vậy. Đàn ông trong làng quả thật quá tuyệt vời khi tất cả họ đều hết mực yêu thương vợ.

Trước khi đến làng Công Lương, chúng tôi hỏi nhiều người dân có biết “làng thương vợ” nằm ở đoạn nào? Ai cũng lắc đầu nói không biết, cái tên này lạ lẫm lắm, chưa hề nghe. Và họ cũng không thể tin có một làng quê như thế ở trên đất nước này. Việc phụ nữ không ra đồng là quá kỳ lạ. Lần tìm mãi, chúng tôi mới tới được ngôi làng “kỳ lạ” ấy.


image
Cánh đồng lúa của "làng thương vợ" chỉ có mỗi bóng dáng người đàn ông chăm sóc.

Trưởng thôn Công Lương, ông Trương Hữu Chi (59 tuổi) cho hay, làng có hơn 300 hộ. Từ trước đến nay các cặp vợ chồng trong làng đều sống với nhau hạnh phúc, hết mực yêu thương. Điều đặc biệt hơn nữa, từ khi thành lập làng đến nay chưa có đôi vợ chồng nào viết đơn ly hôn.

Ông Chi nói: “Ăn ở với nhau hàng năm trời, chuyện va chạm, “cơm canh không ngon lành”, cãi vã nhau vẫn có, là điều không thể tránh khỏi. Nhưng sau đó họ lại sống êm ấm với nhau như thường”.

Ông Chi dẫn chúng tôi ra cánh đồng lúa phía trước mặt nhà, bóng dáng những người nông dân đang cần mẫn làm việc trên cánh đồng lúa, dưới trời nắng gắt. Đồng lúa làng Công Lương rộng mênh mông, màu xanh ngắt trải dài hút tầm mắt.

Tất cả là đều do công sức trai tráng, thanh niên, đàn ông trong làm đổ mồ hôi mà tạo nên. Khách lạ phương xa đến thăm, có lẽ không ai nghĩ rằng, cánh đồng ấy đều do một bàn tay cánh “mày râu” làm nên.

Cánh đồng Công Lương không hề có bóng dáng người phụ nữ. Ông Trần Văn Lạc (47 tuổi) chân đi trần, vai vác cuốc, lội bộ qua bãi đất sình lầy. Thấy khách lạ tỏ vẻ ngạc nhiên, ông nói:


image
Hình minh họa
“Ở làng này, làm phụ nữ “sướng” lắm, chỉ biết chăm con, lo việc lặt vặt trong nhà thôi. Họ chẳng biết ruộng mình dài rộng bao nhiêu. Có hôm tôi điện thoại bảo vợ về đem bữa cơm trưa ra đồng, bà ấy đi tìm đỏ cả mắt vì chẳng biết đồng nhà mình nằm vị trí nào”.

Đang còng lưng bên ruộng lúa cạnh bên là chàng thanh niên trẻ Nguyễn Vũ Lài, 26 tuổi. Lài mới lấy vợ năm ngoái. Lài là người ở quê xa, mới đầu về ở rể trong làng anh vô cùng sửng sốt khi thấy vợ mình không hề biết lội bùn làm ruộng, nghe kể chuyện con đỉa cắn thì giật mình sợ hãi.

“Vợ không biết làm ăn kiểu này là không ăn thua rồi” – Lài cười nói. Nhưng sau đó anh mới ngớ người biết rằng ở làng này đàn ông chuyên làm đồng là phong tục truyền thống có từ hơn 100 năm nay. Lài giải thích:

“Kể cũng phải, người phụ nữ chân yếu tay mềm, mình làm một tiếng bằng họ làm ba tiếng đồng hồ. Để họ quần quật trên đồng thì tội nghiệp lắm, thấy thương. Chứ không như ở quê mình, gái trai mới lên đã xông ra đồng, nào gặt lúa, cấy trỉa giống lúa, cày bừa, đến mót hạt thóc còn sót lại”.

Đàn ông trong làng hết mực yêu thương vợ, với họ giặt đồ thay vợ là chuyện quá bình thường.


image
Hình minh họa
Trong những ngày mùa, vợ của Lài cũng có bước chân son ra đồng thăm chồng. Thấy chồng mồ hôi chảy ướt áo thì thương nhưng chỉ giúp đỡ bằng cách bưng bê thức ăn, đồ uống… Chứ tuyệt nhiên không bước chân vào bùn sâu ruộng cạn.

Hỏi Lài tại sao không cho vợ xuống làm cùng cho vui? Lài cho hay, vợ xuống làm phụ cũng được nhưng người làng nhìn thấy dị nghị lắm. Có khi họ còn cười vào mặt mình, vì thằng đàn ông mà để cho vợ phải cực khổ, chân lấm tay bùn.

Đội vợ lên trên đầu

Nói vậy cũng chẳng sai, bởi vì ở “làng thương vợ” Công Lương, người đàn ông rất tôn trọng vợ. Ở họ có một tình yêu đặc biệt hiếm có dành cho người vợ của mình. Điều thật hiếm tìm kiếm ra trên dải đất hình chữ S này.

Thân Nghĩa Dũng (45 tuổi) đã trải qua bao mùa lúa, làm ra hàng trăm tấn thóc cho gia đình từ bàn tay cần cù của mình. Anh Dũng chia sẻ: “Làng mình thuần nông, người dân cả đời đói no chỉ trông chờ vào hạt lúa củ khoai mà thôi.

Phụ nữ trong làng không làm nông là cách mà người đàn ông thể hiện tình cảm tốt đẹp của mình với người bạn đời. Họ sinh con mang nặng đẻ đau, phận gái “liễu yếu đào tơ” vốn đã rất khổ. Mình nghĩ tục lệ của cha ông làm như thế cũng đúng đạo nghĩa. Người đàn ông chấp nhận việc đó như một điều tất yếu”.


image
Hình minh họa
Chị Mơ (43 tuổi, vợ anh Dũng), là người phụ nữ xinh đẹp, chất phác. Nhìn nụ cười hiền từ của chị cho thấy phần nào hạnh phúc cuộc sống gia đình khá mãn nguyện. Chị Mơ nói từ hồi ông bà sinh ra đến giờ chưa biết cầm cái cuốc, cái cày ra ngoài đồng là gì.

Nấu cơm, ăn hạt gạo chồng làm ra cũng chưa thấy ngại bởi vì đó là trách nhiệm của chồng. Trong khi gót chân anh Dũng nứt nẻ vì nước ruộng đục ngàu, hai tay cáu bẩn bốn mùa, thì chị Mơ lúc nào cũng sạch sẽ tinh tươm, ăn trắng mặc trơn.

Chị nói: “Mình ở nhà chỉ chăm con, nấu cơm cho chồng, nuôi heo gà trong chuồng và làm vài ba việc lặt vặt không đáng kể. Chồng rất yêu mình, ban ngày làm đồng về mệt nhưng tuyệt đối chưa khi nào lớn tiếng nạt nộ hay quát tháo vì chuyện gì khác. Những người phụ nữ khác có nghề thì đan nón, bán hàng tạp hoá…”.

Ngoài công việc đồng áng là độc quyền với đàn ông trong làng thì tất tật mọi việc nặng nhọc đều do một vai họ gánh vác thay cho phái yếu.


image
Một người đàn ông trong làng tếu táo nói, đàn ông trong làng mới là nông dân “chính hiệu”, đàn bà con gái chỉ là nông dân “hờ” thôi. Họ ra đồng làm là ngắc ngoải, lúng túng như gà mắc tóc chẳng biết làm gì đâu.

Gán cái “mác” nông dân nhưng thực tế đồng sâu ruộng cạn, họ biết đâu mà lần. Ngay cả đến bậc lão nông tri điền như trưởng thôn Chi cũng không rõ tục lệ lạ lùng này có từ khi nào. Ông đoán là từ lâu lắm rồi, có lẽ trên 100 năm.


image
Ông Chi khẳng định: “Họ gọi là “làng thương vợ” cũng đúng, vì ở đây hầu hết anh nào đều thương vợ, đội vợ lên trên đầu. Người phụ nữ không vì thế mà tỏ ra chểnh mảng việc nhà, trái lại họ rất mực yêu chồng, làm tốt nghĩa vụ của người mẹ, người vợ”.

Cách làng ông Chi vài phút đi bộ là xã kế bên, nhưng ở đó, cả phụ nữ lẫn đàn ông đều quần quật suốt ngày trên cánh đồng lúa. “Tôi có người bạn ở bên đó, họ nói nhìn phụ nữ làng mình sướng quá, chắc phải chuyển qua làng này mà sống thôi” – trưởng thôn Chi kể.

Ngoài làm nông giỏi, đàn ông "làng thương vợ” còn đảm đang trong các công việc khác. Thời điểm qua nông vụ, họ đi làm thuê phụ hồ ở thành phố kiếm sống, đạp xích lô, làm mộc, đánh bắt cá… Tất cả đều rất đảm đang, cần mẫn.

Trưởng thôn Trương Hữu Chi nói, khi người chồng trong gia đình chẳng may qua đời thì người vợ cũng không làm việc trên mảnh ruộng gia đình. Họ sẽ đi thuê người đàn ông nào đó tới làm thay phần việc của người chồng quá cố.

Đến khi thu hoạch thì chia đôi thành quả, mỗi người một nửa. Trường hợp người con gái của làng đi lấy chồng ở làng khác, tất nhiên việc ruộng đồng sẽ được “đào tạo lại”, có khi bài bản hơn. Bởi thế nên cái “phúc” của phụ nữ làng Công Lương to lớn lắm!.


 
Dạo quanh một vòng trong làng, hình ảnh dễ bắt gặp nhất là các anh, các chú nông dân đang say sưa với công việc. Bên bến sông làng, anh Thép (29 tuổi) đang loay hoay với đống áo quần. Nhà có vợ và hai đứa con gái nhưng anh Thép lâu nay vẫn giặt đồ cho vợ, anh coi đó là công việc bình thường sau những giờ làm việc vất vả, nặng nhọc.

“Đàn ông làng giặt đồ cho vợ là chuyện hàng ngày như cơm bữa. Ở phố xá có lẽ người ta thấy lạ lùng dữ lắm, đàn ông làng ngoan lắm. Nhưng làng mình ai cũng vậy mà, nhìn nhau mà sống cho phải đạo nghĩa, phép tắc của làng thôi” – anh Thép cho hay.


image
Hình minh họa
Một điều khá đặc biệt ở ngôi làng nhỏ bình yên này nữa, đó là người dân trong làng chưa có ai …đi tù vì vi phạm pháp luật, trẻ con trong làng đều học rất giỏi. Trường hợp có người nào quấy rối, bậy bạ, thôn gọi lên răn đe, giáo dục, ngày sau họ tiến bộ rất nhanh. Ông Chi bấm đốt lóng tay nhẩm tính:

“Những năm trước, con em trong làng đậu đại học, cao đẳng khá ít. Nhưng năm nay có mười hai cháu đỗ đại học, cao đẳng, số học sinh giỏi lên đến một trăm cháu. Năm vừa rồi Hội khuyến học của làng phát thưởng cho các cháu đậu Đại học suất quà trị giá 200 ngàn đồng, các cháu học sinh giỏi, khá, học sinh nghèo hiếu học là 50 ngàn đồng.




Minhha



image


No comments:

Post a Comment

Note: Only a member of this blog may post a comment.