Wednesday, January 30, 2013

Phạm Duy: Another perspective

image


Tôi viết những dòng tâm sự này, thay cho suy nghĩ của tôi suốt hai ngày qua, về, cái chết Phạm Duy.


image
Tôi là người có thể nói là hiếm hoi trong thế hệ trẻ mà khi nghe nhạc ông đã làm chuyển hướng nghề nghiệp của mình. Từ một khoa học gia chuyển thành nghiên cứu và phê bình nghệ thuật. Nhất là có khi còn tham vọng trở thành nhà Phạm Duy Học của Việt Nam. Tình cảm của tôi đối với toàn bộ tác phẩm của ông, dù là những tác phẩm không ai muốn nhắc, dù là chính ông. Đó là những nhạc phẩm ra đời theo tiếng nói thời đại, qua thời đó, chẳng ai còn muốn nghe nó. Riêng tôi thì muốn nghe, đơn giản vì muốn nghiên cứu Phạm Duy thì phải nghe tất tần tật những gì hay và chưa hay của ông.


image
Tôi nói vậy, để bạn đọc hiểu rằng, hình ảnh Phạm Duy trong tôi là rất lớn.

Nhưng khi ông mất, tôi là người nhận tin rất sớm. Ông mất lúc 14 giờ 30 thì 15 giờ tôi đã được nhận tin thông báo. Thú thật, tôi hờ hững. Chiều ngày hôm đó, thông tin ông mất lan truyền trên khắp facebook và báo chí loan tin nhanh chưa từng thấy. Tôi vẫn hờ hẫng. Sự thờ ơ là một cảm giác khó chịu của chính tôi. Tôi chạy xe đến tận nhà ông, nhìn những phóng viên đến săn tin rồi xầm xì, rồi họ chụp ảnh, rồi họ lên xe về. Cánh cổng nhà Phạm Duy đóng sập lại. Tôi hi vọng tìm chút cảm giác Phạm Duy còn quanh đây, nhưng không, không một cảm giác gì.

Anh bạn tôi tại Paris, là người vốn dễ khóc, anh gọi cho tôi và sướt mướt về tin Phạm Duy qua đời. Tôi an ủi anh, nhưng tôi không hiểu vì sao tôi vẫn không thể khóc khi hay tin ông qua đời. Tôi là người dễ xúc động, dễ khóc và sợ cái chết. Bất kỳ phim ảnh nào có chút máu me tôi đều rợn người, quay mặt đi. Khi đọc một tác phẩm văn học mà nhân vật mình yêu thích chết, tôi khóc. Ngay cả đọc sách triết của Plato, khi ông miêu tả về cái chết tuyệt vời của Socrate bằng những lời văn xúc động hiếm có của một triết gia, tôi khóc. Tôi nhớ đến Will Durant khi viết về Rosseau cũng với giọng văn mẫn cảm đó, tôi cũng khóc như đứa trẻ mới chào đời. Nhưng tại sao? Với một nhạc sĩ mà tôi yêu mến lại không?


image
Phạm Duy về Việt Nam, tôi có gặp ông cùng với phóng viên Đoan Trang. Ông nói rất nhiều, đó là tật chung của người già trong nỗi ám ảnh về quá khứ. Ông văng tục khi nói về Cộng Sản, ông nhắc đi nhắc lại về những nhạc phẩm của mình. Sau đó, ông còn đưa tôi và Đoan Trang đi thăm nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý, và ông Tý cũng theo tật chung của người có tuổi là... nói rất nhiều, dù, sức ông rất yếu. Ông kể ông vừa bệnh dậy, và ông phê phán bọn bên hội nhạc sĩ đã không biết đến thăm ông.

Sau lần gặp đó, tôi dự định viết về buổi gặp gỡ này. Nhưng rồi thôi. Thông qua điện thư email, Phạm Duy vẫn thường liên lạc với tôi, ông gửi cho tôi một số nhạc phẩm ông sáng tác thời nảo thời nào, thu âm còn rất tồi. Hình như ngụ ý của ông muốn tôi viết gì đó về nhạc của ông. Tôi viết ngay một bài phân tích và gửi ông. Ông khen. Sau này, tôi nghe giáo sư Nguyễn Hưng Quốc tại Úc cũng kể câu chuyện tương tự khi Phạm Duy ra mắt hồi ký, Phạm Duy kể rất nhiều về tình bạn của ông và nhà thơ Quang Dũng. Nguyễn Hưng Quốc cũng hiểu ngụ ý Phạm Duy là muốn ông viết một bài phê bình về hồi ký của ông.


image
Sau đó thì Phạm Duy có nhiều lần lâm bệnh, số lần gửi điện thư cùng ông cũng giảm theo. Ông cũng không còn quan tâm nhiều đến những bài viết về ông. Đôi lúc ông vẫn gửi điện thư. Mối quan hệ của ông với những người hâm mộ như tôi vẫn tốt. Nhưng tại sao tôi có phần hờ hững, thờ ơ trước cái chết Phạm Duy? Tôi cũng không hiểu nổi cảm giác của mình.

Có lẽ, cái chết của người nghệ sĩ, nhất là gạo cội và to lớn như Phạm Duy dù dưới bất kỳ tuổi nào, vẫn là cái chết trẻ. Cái chết sống sượng của tạo hóa. Nhưng, cũng như Phạm Duy từng nói, ông không chết, vì cái chết của ông chỉ là thân xác, hồn ông hiện trên môi người hát.

Đúng vậy.

Khoảng cách giữa tác phẩm và con người Phạm Duy là rất lớn. Với con người, ta nên hiểu là con người thì phải có nỗi vui buồn và những tật xấu. Phạm Duy càng đa tài bao nhiêu thì thói tật của ông cũng chẳng kém. Ông yêu nhạc bao nhiêu thì yêu đàn bà nhiều như vậy. Chuyện này chẳng lạ, Voltaire là triết gia lớn của Pháp và đến mức thế kỷ 18 được gọi là thời đại Voltaire. Thế nhưng Voltaire đủ tật xấu của thời công nghiệp đó. Nói dối, nhỏ nhen, tham vặt, hơn thua, mê gái v.v. Voltaire có đủ. Nhưng tác phẩm của Voltaire thì vượt xa con người ông, ông đã lý giải đặt nền móng cho cả một thời đại lý trí để khoa học phát triển. Những tác phẩm Voltaire sau 200 năm vẫn còn đầy trên kệ sách toàn thế giới và trong thư viện. Dù, những giá trị triết học của Voltaire không còn phù hợp với thời đại.


image
Nên ta hiểu rằng, Phạm Duy là có đến hai Phạm Duy. Một là Phạm Duy con người với đủ phẩm chất trần tục như bất kỳ ai. Hai là Phạm Duy nghệ thuật với những tác phẩm độc lập với con người ông. Không phải ai cũng có khả năng tạo nên những tác phẩm vượt ra khỏi con người mình. Một số người lầm khi nghĩ rằng một tác phẩm minh triết thì người tạo ra nó phải minh triết, một tác phẩm uyên bác thì người tạo ra nó phải uyên bác. Điều này sai, vì khi tạo tác một tác phẩm, người nghệ sĩ đều có vấn đề vô thức trong con người mình tham gia tạo tác, chính cái vô thức đó bất chợt làm tăng giá trị nghệ thuật của tác phẩm. Chính nhiều tác giả cũng bất ngờ khi biết mình vô tình đã tạo nên những tác phẩm đồ sộ. Đứng trước cái giới hạn tạo ra những thứ vượt cả bản thân, rất nhiều người đã buông bút dừng viết, buông cọ dừng vẽ, chặt tay để khỏi đàn.


image
Vậy nên, khi Phạm Duy còn sống, thì hai Phạm Duy kia là một, trộn lẫn vào nhau. Người nào không quen, thậm chí là chẳng ưa nổi con người Phạm Duy là một rào cản đến với tác phẩm của ông, từ cả hai bên chiến tuyến. Khi Phạm Duy của thể xác chết đi, thì chỉ còn lại sừng sững Phạm Duy nghệ thuật. Lúc đó, Phạm Duy vĩ đại hơn bao giờ hết. Bất kỳ ai còn chút chấp nhặt trong lòng đều phải cúi đầu trước sự vĩ đại đó.

Tôi nghĩ, cảm giác thờ ơ về cái chết của Phạm Duy là vì: Phạm Duy chưa hề chết trong tôi, thậm chí, còn mạnh mẽ và sung mãn như một đại lực sĩ.


image
Chào mừng Phạm Duy đã đến cõi bất diệt của nghệ thuật. Ở nơi đó, chỉ có một Phạm Duy mà thôi: Phạm Duy nghệ thuật.


Vô Danh.



THƠ ĐIẾU NHẠC SĨ TÀI DANH PHẠM DUY

image
Bác Duy thôi đã thôi rồi (1)
Chín mươi ba tuổi một đời chơi "vui"
Nhạc của Bác đủ mùi đủ vẻ
Kể tài hoa già trẻ đều khen

Tám năm về với chồn đèn
Hàng thần lơ láo, phận hèn ra chi ? (2)
Già hết cách kiếm tì tiêu vặt
Thôi cũng đành muối mặt ... làm ăn

Còn hơn cái bọn chó săn
Trở cờ nối giáo thơ văn thối ùm
Cùng một lũ mánh mum kiếm chác
Quậy cộng đồng tan nát lập công

Đuôi chồn đuôi khỉ dưới mông
Thò ra mấy tấc thật không giống người
Theo lệnh đảng đười ươi gian trá
Đeo theo người quấy phá không buông

Bác về trong nước diễn tuồng
Kiếm ăn cũng phải y uông với chồn
Rằng ai cũng "Về Nguồn" là phải
Rằng bây giờ "thoải mái tự do"

Chồn ban phép được hát hò
Van xin luồn lọt mặt mo quen rồi
Tám năm đã thoáng trôi chớp mắt
Bác bỗng đi, đi thật rồi sao ?

Duy Quang đi mới hôm nào
Bây giờ Bác lại phều phào đi theo
Bác về gặp Tám Keo dưới ấy
Vác cây đàn, chống gậy chào thưa

Tôi mần thơ để tiễn đưa
Đủ rồi một kiếp đã thừa vui chơi
Chín mươi ba tuổi trời kể thọ
Quậy tưng bừng dính lọ không màng

Thương thay tài nhạc giỏi dang
Mà dâm quá mạng, cho làng nước kêu!

Nguyễn Đạt
January 27, 2013


10 Bài Tục Ca của Phạm Duy



image




Phạm Duy qua con mắt Nguyễn Đắc Xuân

image
Ông Phạm Duy vui khi sống trong lòng người hâm mộ Việt Nam
Nhà nghiên cứu Nguyễn Đắc Xuân, một trong những người bạn tâm giao và cũng là người có thơ được ông Phạm Duy phổ nhạc, đã nói chuyện với BBC về cả tài năng lẫn sự 'ham chơi' của nhạc sỹ.
Ông Xuân coi ông và Phạm Duy là hai người cùng thời "khóc cười theo vận nước nổi trôi" và "tâm sự với nhau hết...không che giấu gì".
Trả lời phỏng vấn BBC hôm 28/1, nhà Huế học nói:
"Đối với tôi tất cả những chuyện về cá nhân rồi nó sẽ đi qua, nếu các tác phẩm còn lại mà nó tồn tại với thời gian...mà cái đó được càng nhiều giá trị nó càng lớn.
"Theo tôi thấy đối với sự nghiệp âm nhạc của Phạm Duy thì ở Việt Nam, trên thế giới tôi không biết thế nào, khó có người giống với Phạm Duy, có thể nói đó là cái đỉnh cao mà những người thấp cũng phải thấp cách xa chứ không thể gần được cái sự nghiệp âm nhạc của Phạm Duy.
Ông Xuân nói cố nhạc sỹ nổi tiếng Trịnh Công Sơn có gia tài khoảng 600 bài so với hơn 1000 bài của Phạm Duy.
Nếu tính cả những bài ông phổ nhạc cho thơ của người khác, con số lên tới 2000.

'Sướng hơn ở Mỹ'
Nhạc sỹ Phạm Duy trở lại Việt Nam hồi năm 2005, tròn 30 năm sau khi ông rời Sài Gòn tới Hoa Kỳ.
Ông Xuân nói ông là người từng được ông trùm văn nghệ Tố Hữu giao vào Sài Gòn mời ông Phạm Duy ở lại sáng tác nhưng nhạc sỹ đã rời đi khi ông Xuân tới nơi.
Nhà nghiên cứu và người cũng có ba bài thơ được ông Phạm Duy phổ nhạc nói về một trong số các lý do khiến nhạc sỹ trở về quê hương:
"Anh Phạm Duy đã nói một điều anh Phạm Duy kinh khủng nhất là nhìn cái thực tế anh Phạm Đình Chương, anh Duy Khánh, anh Hoàng Thi Thơ chết. Khi đau người ta cũng tới người ta nói chuyện hận thù, khi chết người ta đọc một cái điếu văn cũng hận thù mà khi lấp đất cũng nêu một cái hận thù thì anh ấy quá khiếp.
"Cho nên anh phải về Việt Nam, anh sống, anh chết ở Việt Nam mà anh tin chắc rằng giờ phút anh chết không có ai gây hận thù nữa.
"Và bây giờ sự lựa chọn của anh là đúng."
Ông Xuân nói nhạc sỹ Phạm Duy đã có được sự bảo vệ của người hâm mộ và cũng có được thu nhập từ con số khoảng 100 bài hát được cấp phép.
Nhà nghiên cứu cũng nói nhạc sỹ ở Việt Nam "sướng hơn ở Mỹ."

'Có tội với đất nước'

image
Ông Phạm Duy từng bị lên án khi rời bỏ vùng kháng chiến về thành, rời bắc vào nam và rời đi Hoa Kỳ.
Nhà lý luận Trần Bạch Đằng từng kêu gọi ông Phạm Duy hãy "tự sát" vì chỉ khi đó các tác phẩm của ông mới được cho phép diễn ở Việt Nam.
Ông Xuân nói các phát biểu như của ông Đằng mang dấu ấn của một giai đoạn và sau này khi gặp lại ông Phạm Duy, thái độ của ông Đằng đã khác.
Nhóm ba nhạc sỹ Phạm Tuyên, Trọng Bằng và Hồn Đăng cuối cùng cũng "xin lỗi" Phạm Duy sau khi có bài tấn công ông lúc nhạc sỹ mới về nước, theo ông Xuân.
Nhắc tới những chỉ trích với Phạm Duy, ông Xuân nói:
"Người ta có thể lên án chuyện ông bỏ Kháng chiến ông về. Nhưng mà nếu lúc đó có hại cho Kháng chiến một thì cái chuyện trở về của ông theo Nghị quyết 36 thì cái ảnh hưởng lớn đối với chính trị, đối với xã hội cái thời điểm ông về là có thể nói 10 lần giá trị so với chuyện ông đã ra đi.
"Ông có ra đi như vậy mới có sự trở về cho nên người ta không công bằng, người ta chỉ nói đến sự ra đi mà không nói đến sự trở về."
Ông Xuân nói với BBC bản thân ông cũng từng chất vấn ông Phạm Duy về những quyết định của nhạc sỹ trong quá khứ:
"Ví dụ như hồi năm 1996... hàng đêm tôi liên hệ qua điện thoại viễn liên thì có lần tôi đã hỏi anh là 'Anh Phạm Duy có khi nào anh nghĩ rằng anh có tội với đất nước không'?
"Ông nói 'Có chứ, mình cũng có chứ nhưng do hoàn cảnh. Mình biết chứ và bây giờ mình cũng phải làm cái gì đó để bù đắp lại cái tội đó của mình.'
"Đứng trên thế của người Kháng chiến mình là có tội.
"Anh Phạm Duy có nói một câu là thực tế anh cũng có suy tính là anh muốn tìm nơi nào an toàn nhất, nơi nào thuận lợi nhất để anh có thể phục vụ đất nước, phục vụ tổ quốc bằng tài năng của anh.
"Còn ở trong vùng Kháng chiến lúc đó trong hoàn cảnh của anh, anh phục vụ Kháng chiến không tốt, không đúng với khả năng của anh nên anh phải chấp nhận sự sai lầm, sự ..."khuyết điểm" của mình để mình có được một thành tựu lớn hơn."
Ông Xuân cũng kể lại một sự kiện hồi năm 2001 trong cuộc gặp gỡ giữa nhạc sỹ Phạm Duy với các cựu thiếu sinh quân, những người thích bài 'Thiếu sinh quân' của ông.
Một trong số các vị khách đã đứng lên hỏi tại sao ông Phạm Duy lại bỏ vùng kháng chiến ra đi sau khi đã sáng tác ra bài hát để "mê hoặc" họ.
Vị khách này cũng đọc một bài thơ của Huy Phương chỉ trích nhạc sỹ nhưng không thuộc hết.
Theo lời ông Xuân, ông Phạm Duy đã đứng lên và đọc toàn bộ bài thơ và nói tác giả đã không công bằng.
Nhạc sỹ cũng giải thích ông về thành không phải để hưởng nhà lầu, có lương bổng mà về đi làm để "nuôi vợ nuôi con hết sức khó khăn, nghiệt ngã" nhưng lại có thể sáng tác 'Tình ca' và 'Mẹ Việt Nam'.

'Ham chơi'
Nhạc sỹ Phạm Duy cũng từng bị chỉ trích nhiều về điều được coi là tính "ham chơi" của ông.
Về điều này, ông Xuân nói:
"Bản thân anh Phạm Duy anh ấy cũng biết là anh ấy có những cái gọi là 'ham chơi'.
"Trong toàn bộ cái nhạc của anh, hồi anh chưa về, tôi và Giáo sư Tiến sỹ Trần Văn Khê gặp nhau là thường hai anh em tâm sự cũng chê anh Phạm Duy nhiệt liệt lắm.
"Nhưng mà anh Phạm Duy là một nghệ sỹ là một nhạc sỹ chứ không phải là một chí sỹ, không phải là nhà tu hành và cũng không phải là nhà lãnh đạo mà phải gương mẫu.
"Anh là một nghệ sỹ mà anh lại có tài nữa nên anh sống như thế mới trung thực.
"Nhiều người che giấu nhưng anh không che giấu.
"Có nhiều người nói vậy mà không phải vậy."
Ông Xuân cũng nói ông cũng đem một số lời đồn về đời tư của ông Phạm Duy để hỏi chính nhạc sỹ.
Trong số này có những lời đồn tại về chuyện ông Phạm Duy có quan hệ với con dâu Julie, vợ của Duy Quang, con trai ông.
Nhạc sỹ đã bác bỏ chuyện mà ông gọi là "vu khống' này.
Nhưng ông Xuân nói ông cũng chưa tin cho tới khi chính Julie cũng nói tương tự trong một bài viết sau Duy Quang qua đời.

'Hồn Việt'
Đề cập tới chuyện gần 900 tác phẩm của Phạm Duy còn đang chờ được cấp phép biểu diễn, nhà Huế học nói ông "không hiểu cách làm việc của Bộ Văn hóa."
Ông Xuân nói nói các ca khúc của Phạm Duy như Quê nghèo cho Quảng Bình, Bà Mẹ Gio Linh cho Quảng Trị và Về Miền Trung là cho Huế, ba bài hát đã "đưa nhiều người đi kháng chiến, bao nhiêu người chết để có ngày hôm nay nhưng chính quyền ngày hôm nay lại không cho hát bài đó, bài Về Miền Trung."
Người bạn tâm giao của Phạm Duy cũng nói với BBC rằng chính quyền không nên cấp phép theo kiểu mỗi lần "dăm ba bài" khiến người ta có thể dị nghị là mỗi lần như vậy là "có qua có lại".
Ông nói ông tin rằng nhiều tác phẩm của Phạm Duy sẽ được phép biểu diễn ở Việt Nam sau khi nhạc sỹ đã nằm xuống:
"Tôi nghĩ không có lý gì mà không cho sau khi mà anh Phạm Duy đã mất rồi... Mà không cho là chúng tôi đòi.
"Phải để cho quần chúng, dân chúng họ hưởng được đúng cái nội dung của bài Việt Nam Việt Nam nó mới đúng cái hồn Việt của đất nước Việt Nam hiện nay, lấy cái tình thương, cái tình người, tình dân tộc để sống thương yêu nhau, bao dung giúp đỡ lẫn nhau, yêu thương lẫn nhau.
"Cái đó nó rất đúng với cái tinh thần của dân tộc đang phấn đấu...
"Không cho cái đó là một sự thiệt thòi cho dân tộc mình."


Nguyễn Hùng
image

Lãnh đạo ở đâu?

No comments:

Post a Comment

Note: Only a member of this blog may post a comment.