Saturday, January 19, 2013

Đừng chạm đến Senkaku trong tay Nhật

image
Kishida đến Mỹ để chuẩn bị cho chuyến thăm của Abe vào tháng 2


Ngoại trưởng Hoa Kỳ Hillary Clinton hôm thứ Sáu ngày 18/1 đã có lời cảnh báo kín đáo đến Bắc Kinh rằng nước này đừng có thách thức quyền kiểm soát của Nhật Bản đối với một quần đảo hiện đang có tranh chấp chủ quyền trên Biển Hoa Đông.
Bà Clinton đã đưa ra bình luận này trong cuộc gặp với người tương nhiệm Nhật Fumio Kishida, quan chức cấp cao đầu tiên của Nhật đến Mỹ sau khi Chính phủ của Thủ tướng Shinzo Abe lên cầm quyền hồi tháng trước.

‘Mỹ sẽ bảo vệ Senkaku’
image
Trước những dấu hiệu cho thấy Trung Quốc đang từng bước thách thức sự kiểm soát của Nhật Bản đối với quần đảo Senkaku mà họ gọi là Điếu Ngư, Clinton khẳng định rằng quần đảo này hiện đang do Nhật kiểm soát do đó sẽ được Mỹ bảo vệ trong khuôn khổ Hiệp ước an ninh Mỹ-Nhật.
“Chúng tôi chống lại bất kỳ hành động đơn phương nào muốn tìm cách phá hoại quyền kiểm soát của Nhật đối với quần đảo này,” bà phát biểu.
Mặc dù không đề cập thẳng thừng Trung Quốc trong lời cảnh cáo này, ngoại trưởng Mỹ cũng nói bà muốn thấy ‘Trung Quốc và Nhật Bản giải quyết vấn đề này một cách hòa bình thông qua đối thoại’.
“Chúng tôi không muốn thấy bất cứ hành động nào do bất cứ bên nào có thể làm gia tăng căng thẳng hoặc đưa đến việc tính toán sai có thể làm tổn hại cho hòa bình, an ninh và tăng trưởng kinh tế trong khu vực,” bà nói.

image
Hoa Kỳ luôn nhấn mạnh rằng họ ‘trung lập’ về việc cuối cùng quần đảo tranh chấp này sẽ thuộc về ai nhưng cũng lưu ý rằng trên thực tế Nhật đang thực hiện quyền kiểm soát tại đây.
Các tàu hải giám và máy bay tuần tra của Trung Quốc đã ngày càng tăng tần suất xuất hiện tại khu vực quần đảo này.

“Tần suất và quy mô của những hành động khiêu khích của họ đã gia tăng triệt để,” phát ngôn nhân Masasru Sato của Bộ Ngoại giao Nhật nói với các phóng viên ở Washington.
“Phía Trung Quốc đang muốn thay đổi trật tự hiện có bằng cách cưỡng ép và hăm dọa,” ông nói.
Về phần mình, Ngoại trưởng Kishida nói ông hoan nghênh lập trường của Mỹ và nhận xét rằng lời bình luận của bà Clinton sẽ ‘chống lại bất kỳ hành động đơn phương nào có thể xâm phạm quyền kiểm soát của Nhật Bản đối với quần đảo Senkaku’.

image
Tuy nhiên ông cũng nói rằng mặc dù Nhật sẽ ‘không nhượng bộ và luôn giữ vững lập trường cơ bản rằng quần đảo Senkaku là lãnh thổ Nhật Bản’ thì nước ông vẫn ‘đáp trả một cách bình tĩnh để không khiêu khích Trung Quốc’.

Giới chức và giới học giả rộng rãi ở Mỹ hoan nghênh Đảng Dân chủ Tự do trở lại nắm quyền. Họ tin rằng lập trường cứng rắn của Thủ tướng Abe và cam kết của ông tăng cường chi tiêu quân sự sẽ có tác dụng kiềm chế những bước đi mang tính đối đầu của Trung Quốc.

Shinzo Abe 'nhắc khéo' Trung Quốc

image
Thủ tướng Shinzo Abe họp báo với Tổng thống chủ nhà Susilo Bambang Yudhoyono
Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe lại nhắc nhở Trung Quốc hôm 18/1 rằng tranh chấp biển đảo ở châu Á cần được giải quyết bằng luật pháp.
Ông Abe phát biểu tại Indonesia, chặng cuối trong chuyến công du đã đưa ông đến Việt Nam và Thái Lan.
Chuyến đi phải cắt ngắn để ông trở về Tokyo trong lúc đang xảy ra khủng hoảng con tin ở Algeria, với 14 công nhân Nhật Bản được cho là đang bị giữ.
Tại thủ đô Jakarta của Indonesia, ông Abe nói: “Rõ ràng một Trung Quốc trỗi dậy là lợi thế cho Nhật Bản về kinh tế.”
Nhưng ông cũng nói:
“Trung Quốc cũng cần cư xử có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế.”
Do phải về sớm, ông Abe không kịp có bài phát biểu về chính sách đối với Đông Nam Á.

'Không dùng vũ lực'

Nhưng tại buổi họp báo, ông liệt kê năm nguyên tắc ngoại giao với Asean, bao gồm “một đại dương mở, được quản trị bằng luật pháp chứ không phải sức mạnh…và chúng tôi cùng Asean sẽ bảo vệ điều này bằng mọi giá”.
Lo ngại an ninh này được Tổng thống chủ nhà Susilo Bambang Yudhoyono chia sẻ, mặc dù Indonesia không dính líu cuộc tranh chấp nào.
“Nếu có vấn đề, ở Biển Nam Trung Hoa hay Đông Á hay bất kỳ đâu ở châu Á, giải pháp phải hòa bình, không dùng vũ lực và nhờ đến luật pháp quốc tế,” ông Yudhoyono nói.
Quan hệ của Tokyo và Bắc Kinh đã lạnh giá từ mấy tháng qua, vì tranh cãi chủ quyền ở Biển Hoa Đông.

image
Trung Quốc cũng còn tranh chấp chưa giải quyết ở Biển Đông với một số nước Đông Nam Á, nhất là Philippines và Việt Nam.
Chuyến công du nước ngoài đầu tiên của Thủ tướng Shinzo Abe được xem là nhằm thúc đẩy quan hệ giữa Nhật Bản và Đông Nam Á, khu vực có 600 triệu dân.
Nhật Bản hy vọng khu vực này sẽ giúp Nhật tái cân bằng sức mạnh kinh tế và quân sự với Trung Quốc, đồng thời đem lại nguồn tăng trưởng cho kinh tế uể oải của Nhật.


image


Lãnh đạo ở đâu?

No comments:

Post a Comment

Note: Only a member of this blog may post a comment.