Vào cuối năm 1971, cựu binh thủy quân lục chiến Mỹ Stephen Islas trở về từ Việt Nam, nhưng cuộc chiến vẫn ám ảnh mãi trong đầu ông. "Tôi đã ở mức gần như muốn tự sát khi trở về. Tôi đã bị tổn thương về tình cảm và sức khỏe tinh thần," Islas nhớ lại.
Tại Los Angeles, một người bạn gợi ý ông tham gia một lớp thiền. Ông không tin tưởng cho lắm, nhưng nhớ rằng trước kia "đã có những khoảnh khắc mọi thứ trôi đi nhẹ nhàng, là những lúc mà tôi cảm thấy vui vẻ. Tôi đã cảm nhận được những thoáng yên bình."
46 năm sau, Islas nói ông đã không bao giờ thoát khỏi hội chứng rối loạn hậu chấn thương tâm lý (PTSD), căn bệnh ông được chính thức chẩn đoán hồi năm 2000 tại Trung tâm Y tế Cựu chiến binh Tây Los Angeles. Nhưng ông tin rằng thiền đã cứu giúp cho cuộc đời ông.
Trị bệnh bằng thiền
Các hình thức thiền định khác nhau hiện được cung cấp thường xuyên cho các cựu chiến binh mắc PTSD.
Nó cũng được đưa ra như một liệu pháp để giúp bất cứ ai bị các chứng bệnh và rối loạn, từ căng thẳng, lo lắng, trầm cảm, nghiện ngập cho tới đau mãn tính.
Nhìn chung, thiền đã trở thành một phương pháp thịnh hành nhằm giúp nâng cao hiệu suất làm việc. Thiền đã tiến vào các lớp học, doanh nghiệp, phòng thay đồ thể thao và điện thoại thông minh của mọi người thông qua các ứng dụng Internet như Headspace và Calm.
Thiền 'Chánh niệm', một loại thiền tập trung tâm trí vào thời điểm hiện tại, đang cực kỳ phổ biến.
Nó thậm chí đã trở thành một ngành kinh doanh trị giá cả tỷ đô la.
Tuy nhiên, hiện chúng ta vẫn chưa biết thật rõ ràng là thiền chánh niệm tác động thế nào tới bộ não con người, có ảnh hưởng ra sao đến sức khỏe và nó giúp mọi người chịu đựng những thử thách về thể chất và tinh thần được tới mức nào.
Thiền đã được thực hành trong hàng ngàn năm, nhưng các nhà tâm lý học và các nhà thần kinh học đã nghiên cứu nó chỉ trong vài thập kỷ gần đây.
Thiền thậm chí còn được giới thiệu cho các nữ cảnh sát bị stress tại Punjab, Ấn Độ
Một số nghiên cứu cho thấy rằng thiền định có thể giúp mọi người thư giãn, kiểm soát căng thẳng mãn tính và thậm chí làm giảm sự phụ thuộc vào thuốc giảm đau.
Một số nghiên cứu ấn tượng nhất cho đến nay bao gồm điều trị được gọi là liệu pháp nhận thức dựa trên chánh niệm, theo đó kết hợp thiền định với liệu pháp tâm lý để giúp bệnh nhân đối phó với những suy nghĩ tiêu cực, gây trầm cảm.
Các thử nghiệm ngẫu nhiên có kiểm soát đã chỉ ra rằng cách tiếp cận này làm giảm đáng kể nguy cơ tái phát trầm cảm ở những cá nhân trước đây từng có từ ba đợt trầm cảm nghiêm trọng trở lên.
Nhưng nhiều nghiên cứu khác về tác động của thiền mới chỉ được tiến hành trên một số ít các đối tượng, thiếu phần theo dõi quá trình diễn biến sau đó, và thường ít mang tính chặt chẽ khoa học so với các nghiên cứu y học khác - thí dụ như các thử nghiệm lâm sàng cho các loại thuốc mới.
Một bài báo năm 2017 đánh giá việc dùng thiền định như một biện pháp điều trị hội chứng PTSD đưa ra tóm tắt tình trạng tổng quát như sau: "Việc nghiên cứu này vẫn còn đang trong giai đoạn khá là trứng nước."
Trong khi vẫn đang còn tồn tại các câu hỏi về kết quả lâm sàng của thiền, thì các nghiên cứu khác đã tập trung vào một vấn đề cơ bản hơn: liệu thiền định có làm thay đổi bộ não về mặt vật chất không?
Đó là một câu hỏi khó trả lời, nhưng với các kỹ thuật chụp hình cắt lớp não đã có những bước tiến và thiền đã thịnh hành hơn, nay các nhà khoa học đã bắt đầu xem xét một cách có hệ thống những gì đang diễn ra.
Tìm kiếm sự tĩnh tâm
Thiền định là việc đòi hỏi một người phải ngồi yên và tập trung vào hành động hít thở để tĩnh tâm, nhà tâm lý học David Creswell, người đứng đầu Phòng thí nghiệm Sức khỏe và Con người tại Đại học Carnegie Mellon ở Pittsburgh, nói.
Nhưng đa phần mọi người dành hầu như cả ngày để làm đủ những thứ rất phân tán tư tưởng. Họ chuyển liên tục, nghĩ từ chuyện này sang chuyện khác. Họ mơ mộng. Họ suy tưởng về quá khứ và lo lắng cho tương lai. Họ tự phân tích và tự phê bình.
Trong một nghiên cứu năm 2010, những người thực hiện từ trường Harvard đã yêu cầu 2.250 người trưởng thành ghi lại những suy nghĩ và hành động của họ vào những thời điểm khác nhau trong ngày thông qua một ứng dụng trên iPhone.
Kết quả cho thấy mọi người để tâm trí nghĩ vẩn vơ trong 47% thời gian, và việc tâm trí vẩn vơ thường gây ra ưu phiền, các nhà khoa học trình bày trong tạp chí Khoa học.
"Ngược lại, khả năng tập trung tinh thần giúp đạt được cuộc sống tốt đẹp, lành mạnh hơn,"
Creswell viết trong Tạp chí Tâm lý học Thường niên năm 2017. Ông trích dẫn một nghiên cứu năm 2003 cho thấy có mối tương quan giữa chánh niệm và một số chỉ số về hạnh phúc.
Khi những người thiền định nói rằng họ đang chú ý đến khoảnh khắc hiện tại, họ có thể là tập trung vào hơi thở, nhưng cũng có thể vào những cảm xúc trỗi dậy rồi qua đi, vào một hình ảnh, vào một cuộc trò chuyện thầm kín hoặc một cảm giác trong cơ thể.
Creswell lần đầu tiên quan tâm đến thiền chánh niệm là khi ông học các khóa học về tâm lý và Phật giáo ở trường trung học. Sau đó, ở trường đại học, ông bắt đầu nghiên cứu về việc thiền có liên quan thế nào đến việc giảm căng thẳng và cải thiện sức khỏe tổng thể.
"Là một nhà khoa học, tôi không bao giờ bị thuyết phục. Tôi được đào tạo để luôn có thái độ hoài nghi, "Creswell nói. "Tuy nhiên, tôi nghĩ rằng có một số kinh nghiệm mà tôi có được từ việc thực hành thiền định thực sự đã khiến tôi có những thay đổi căn bản."
Ngay cả hành động đơn giản nhưng cũng đầy thách thức là phải ngồi yên trong một giờ khi thiền định đã tác động mạnh đến Creswell.
"Có sự ngắt kết nối, khiến tôi không cảm giác được đau đớn của cơ thể nhưng tâm trí của tôi hoàn toàn im lặng và cởi mở... với tôi, đây là những hiểu biết sâu sắc về việc thực hành [thiền] thực sự làm thay đổi cuộc sống của con người, hoặc thay đổi một cách căn bản cách họ nghĩ tới những đau khổ trong cuộc sống," ông nói.
"Không có một khoảnh khắc bất thần nào xảy ra với tôi, nhưng có rất nhiều những khoảnh khắc suy tư về những trải nghiệm tôi từng trải qua, là những khoảnh khắc khiến cho tôi thấy việc dành thời gian và nỗ lực để nghiên cứu khoa học là điều đáng làm."
Những người có xuất phát điểm từ các nền tôn giáo, văn hóa và triết học khác nhau đã nêu ra những lợi ích của thiền định từ hàng nghìn năm qua.
Thiền có lẽ liên quan nhiều nhất đến Phật giáo, vốn coi đây như một công cụ để đáp ứng được nhu cầu tinh thần và sự bình an. Creswell gọi hành động thiền định là "một đặc tính cơ bản của con người."
Thiếu bằng chứng khoa học
Tuy nhiên, vẫn còn thiếu những bằng chứng khoa học về lợi ích mà thiền mang lại.
Thực tế là các liệu pháp dựa trên chánh niệm cho thấy "một kết quả hỗn hợp đạt được ở mức vừa phải, thấp hoặc không có hiệu quả, tùy thuộc vào rối loạn đang được điều trị", nhóm 15 nhà học giả viết trong một bài báo mới công bố có tiêu đề Mind the Hype, trong đó có trích dẫn một phân tích tổng hợp năm 2014 do Cơ quan Nghiên cứu Dịch vụ Y Tế và Chăm sóc Sức khỏe Hoa Kỳ đặt hàng thực hiện.
Cần phải có thêm nhiều nghiên cứu hơn trước khi các nhà khoa học có thể nói những rối loạn tâm thần và thể chất ở các cá nhân có thể được điều trị hiệu quả bằng thiền định chánh niệm, họ kết luận.
Cùng với công tác nghiên cứu lâm sàng, các nhà thần kinh học muốn tìm hiểu xem thiền định đã làm thay đổi ra sao, nếu có, tới với những gì thực sự xảy ra bên trong não bộ.
Thiền có làm cho một số vùng trong não hoạt động tích cực hơn những vùng khác, hay kết nối mạnh mẽ hơn vùng này với vùng khác?
Thiền có tạo ra các tế bào thần kinh mới, hay có thực sự thay đổi cấu trúc não bộ hay không?
Một số nghiên cứu cho thấy câu trả lời là có.
Các nhà thần kinh học đã nghiên cứu các hiệu ứng vật lý của thiền chánh niệm bằng cách sử dụng hình ảnh cộng hưởng chức năng (fMRI) và các kỹ thuật khác trong hai thập kỷ qua.
Họ nhận thấy bộ não con người có khả năng thay đổi thể chất trong suốt tuổi trưởng thành, thậm chí cả khi ta đã lớn tuổi. Não bộ hình thành các kết nối mới và phát triển các tế bào thần kinh mới khi ta học một kỹ năng mới, thách thức bản thân hoặc thậm chí là qua tập luyện.
Quan điểm mới theo đó cho rằng não bộ có thể liên tục được định hình qua kinh nghiệm đã thay thế cho thuyết vốn đã có từ lâu rằng sau vài chục năm tồn tại trên đời thì chúng ta trở nên già đi và độ sắc bén nhanh nhạy của não chúng ta về cơ bản là suy giảm. Một số nghiên cứu về não cho thấy thiền chánh niệm có thể dẫn đến việc cải thiện chức năng và cấu trúc của não bộ.
Bằng cách sử dụng kỹ thuật fMRI, các nhà khoa học đã phát hiện ra rằng thiền chánh niệm kích hoạt một mạng lưới các vùng não bao gồm insula (liên quan đến lòng bao dung, sự đồng cảm và tự nhận thức), putamen (học hành) và các phần của vỏ não trước (điều hòa huyết áp, nhịp tim và các chức năng tự trị khác) và vỏ não trước trán (trung tâm của các kỹ năng tư duy bậc cao hơn như lập kế hoạch, ra quyết định và kiểm soát hành vi xã hội).
Tuy nhiên, vấn đề nằm ở chỗ chúng ta không chắc là liệu những thay đổi này trong hoạt động của não có thể được duy trì không khi mà một cá nhân không tích cực thiền, và nếu vậy thì con người chúng ta cần thiền nhiều tới mức nào để đạt được điều đó.
Tác động đối với não bộ
Khi nói đến những thay đổi cấu trúc thực tế trong não, một số nghiên cứu cho thấy thiền chánh niệm có thể làm tăng mật độ chất xám ở vùng đồi thị, là vùng não cần thiết cho trí nhớ.
Các nhà nghiên cứu bao gồm Britta Hölzel, hiện làm việc tại Đại học Kỹ thuật Munich, và Sara Lazar từ Bệnh viện Đa khoa Massachusetts đã tìm thấy bằng chứng cho nghiên cứu này trong một nghiên cứu năm 2011.
Mặc dù hấp dẫn, nhưng những nghiên cứu này còn lâu mới đi đến cái đích cuối cùng. "Chúng ta cần phải hiểu những lợi ích mà những thay đổi trong não bộ đem lại trong hành vi ứng xử và cảm giác hạnh phúc của chúng ta," Hölzel nói. "Thay đổi não bộ" nghe thì rất ấn tượng, nhưng chúng tôi không hiểu ý nghĩa thực sự của nó."
Lazar đồng ý. "Hầu hết các dữ liệu chỉ nhìn vào những thay đổi trong quá trình thực hành [thiền] hai tháng… Hầu hết mọi người đều cảm thấy rằng [thiền] tiếp tục tạo thay đổi và họ chú trọng nhiều hơn tới việc thực hành tích cực hơn nữa. Vì vậy, chúng ta cần phải tiến hành các nghiên cứu theo dõi mọi người trong những khoảng thời gian dài hơn nhiều."
Dựa trên nghiên cứu của mình về những người tham gia thiền định, Creswell và các cộng sự đã đề xuất rằng chánh niệm hoạt động như một bộ đệm đặc biệt để chống lại stress.
Chúng ta đạt được điều này do việc thiền giúp tăng cường hoạt động ở các vùng của vỏ não trán trước vốn rất quan trọng đối với "kiểm soát stress từ trên xuống", trong khi giảm hoạt động và kết nối chức năng ở các vùng liên quan đến phản ứng đối phó với tình trạng stress - đặc biệt là phần hạch hạnh nhân (amygdala).
Ý tưởng cho rằng thiền chánh niệm tác động tới các vùng khác nhau của não liên quan đến việc kiểm soát stress từ trên xuống được các nhà nghiên cứu chấp nhận rộng rãi, theo nhà tâm lý học lâm sàng của Đại học Michigan, Anthony King.
Nhưng những gì đang xảy ra liên quan đến amygdala thì không rõ ràng như vậy, ông nói.
Amygdala, một trong những phần nguyên thủy nhất của bộ não, không chỉ đơn giản là một trung tâm báo động liên quan đến việc phản ứng lại các mối đe dọa. Đó là trọng tâm của cái được gọi là mạng lưới nổi bật, vốn đóng vai trò then chốt trong việc nhận biết điều gì là quan trọng trong môi trường của một người. Ví dụ, ở người mẹ, amygdala có thể hoạt động rất tích cực khi nhìn gương mặt vui tươi của đứa con nhỏ.
Thiền định chánh niệm "giúp ta đạt được điều mà các nhà tâm lý học trường học cũ gọi là 'khả năng phản xạ'," King nói. "Thay vì tự động phản ứng theo những cách nhất định, nó cho phép ta có nhiều sắc thái khác nhau khi phản ứng với bất kỳ tình huống nào - như căng thẳng, sợ hãi - và tạo ra khoảng cách tâm lý."
Tác động tới não bộ
Hai nghiên cứu của Creswell và các đồng nghiệp, một được công bố hồi 2015 và một, trong 2016, đưa ra một số phát hiện ban đầu dường như củng cố cho quan điểm của họ rằng thiền chánh niệm có tác dụng như bộ đệm giúp chống lại tình trạng căng thẳng.
Cả hai nghiên cứu đều tập trung vào các tác động tâm sinh lý của việc tập thiền định ở các nhóm nhỏ những người thất nghiệp bị stress.
Trong nghiên cứu năm 2015, họ nhận thấy rằng ba ngày luyện tập thiền định cao độ đã làm giảm kết nối chức năng giữa amygdala bên phải, là phần kiểm soát việc phản ứng với tình trạng stress, với khu vực vỏ não phía trước, nơi đóng vai trò điều chỉnh cảm xúc.
Trong nghiên cứu năm 2016, họ phát hiện ra rằng ba ngày luyện tập thiền định cao độ khiến làm tăng sự kết nối giữa mạng mặc định, là mạng lưới gồm các vùng hoạt động khi não bộ ở chế độ nghỉ ngơi, với các phần thuộc của vỏ não trước trán chịu trách nhiệm điều chỉnh tình trạng stress.
Nghiên cứu cũng phát hiện ra rằng thiền định đã làm giảm mức độ interleukin-6, một chất đánh dấu sinh học trong máu gây ra tình trạng viêm toàn thân được tăng lên ở những nhóm dân cư có tình trạng stress cao.
King và các đồng nghiệp đã cho thấy kết quả tương tự, đầy hứa hẹn trong 23 cựu binh từng trực tiếp tham chiến của Afghanistan và Iraq với chứng rối loạn hậu chấn thương tâm lý năm 2016.
Các kết quả scan não vào lúc trước và sau khi áp dụng liệu pháp thiền cho thấy khi não trong trạng thái nghỉ ngơi, đã có sự gia tăng kết nối giữa mạng lưới chuyên kiểm soát sự tập trung chú ý của chúng ta, với các bộ phận khác của não liên quan đến sự suy tư và những suy nghĩ tự phát.
Sự kết nối đặc biệt này được ghi nhận ở những người khỏe mạnh cũng như những người đã thiền định trong một thời gian dài, King nói.
"Điều quan trọng trong nghiên cứu của chúng tôi... là những người bị hội chứng PTSD cũng có thể đạt được sự thay đổi này khi họ thực hành chánh niệm," King nói. Kết quả này càng tăng do thực hành thiền chánh niệm, thì "các triệu chứng của họ càng được cải thiện", ông nói thêm nhằm tóm tắt một phát hiện quan trọng của nghiên cứu.
Các nghiên cứu về các điều kiện khác cho thấy những kết quả tích cực tương tự.
Thiền chánh niệm có thể làm giảm bớt các triệu chứng rối loạn lo âu nói chung bằng cách tăng sự kết nối giữa amygdala và vỏ não trước trán, qua đó làm tăng khả năng điều chỉnh cảm xúc của bệnh nhân.
Thiền cũng có thể làm giảm cảm giác đau đớn bằng cách giảm kích hoạt liên quan đến cảm giác này ở phần vỏ não somatosensory và tăng kích hoạt các khu vực liên quan đến việc điều tiết việc nhận thức về cơn đau đớn.
Tuy nhiên, về cơ bản thì chánh niệm là trải nghiệm được tạo ra bên trong tâm trí con người chứ không phải là loại thuốc mà các nhà khoa học có thể cung cấp cho bệnh nhân.
Điều này tạo ra một câu hỏi khi so sánh chánh niệm giữa các cá nhân và đặc biệt là giữa các nghiên cứu riêng biệt.
Hơn nữa, không có định nghĩa nào được chấp nhận một cách phổ quát về chánh niệm, cũng không có sự thống nhất nào giữa các nhà nghiên cứu về các chi tiết mà điều này đem lại cho con người, Lazar và các đồng nghiệp của bà nêu trong bài viết đăng trên tạp chí về thần kinh học, Perspectives on Scienceological Science.
Trong trường hợp PTSD, King nói rằng có khả năng thiền chánh niệm sẽ tiếp tục bổ sung cho các phương pháp điều trị tâm thần phổ biến. "Tôi sẽ không bao giờ đề nghị mọi người đi đến một lớp học chánh niệm tại YMCA hoặc trung tâm y tế địa phương và nghĩ rằng điều đó sẽ giống như tâm lý trị liệu, bởi vì nó không phải. Nó thực sự không phải là như vậy," King nói.
Nhưng "Tôi nghĩ chánh niệm là một liệu pháp hữu ích cho những ai đã được huấn luyện về cách điều trị PTSD."
Nhưng những người như Islas, vốn đã phải đối mặt với bệnh tâm thần nghiêm trọng, và những người khác sử dụng thiền chánh niệm để giảm căng thẳng hàng ngày, thì nói rằng họ tin rằng việc thực hành thiền đã giúp cải thiện cuộc sống của họ. Một ngày nọ, các nhà khoa học hy vọng có thể liên kết kinh nghiệm đó với những gì đang diễn ra trong tâm trí thiền định.
Bruce Lieberman
No comments:
Post a Comment
Note: Only a member of this blog may post a comment.