Vào ngày 24/03/2018, hơn hai triệu người xuống đường ở Mỹ để phản đối bạo lực súng đạn.
Giải pháp cho vấn đề đó như thế này tùy thuộc vào bạn hỏi chuyện ai.
Một số người muốn rút lại quyền sở hữu vũ khí của người dân trong khi những người khác thậm chí lại muốn vũ trang cho thêm nhiều người hơn.
Đa phần dân Mỹ có ý kiến lưỡng lự giữa hai thái cực này.
Nhưng điều gì sẽ xảy ra nếu cuộc tranh luận đó đột nhiên dừng lại một cách không thể đảo ngược - bởi vì không còn có súng đạn nữa?
Điều gì sẽ xảy ra nếu toàn bộ súng đạn trên thế giới đột nhiên biến mất mà không có cách nào lấy lại?
Điều hiển nhiên là súng không thể nào biến mất như phép màu được. Nhưng phép thí nghiệm tư duy này giúp chúng ta loại chính trị ra khỏi vấn đề và dùng lý trí để xem xét cái được cái mất - liệu chúng ta thật sự có từng quyết định có ít súng đạn hơn.
Ít người chết hơn
Kết quả rõ ràng nhất của việc súng biến mất rất đơn giản: không còn ai chết vì súng đạn nữa.
Mỗi năm trên thế giới có xấp xỉ 500.000 người chết vì súng đạn. Nếu xét theo nước phát triển thì Mỹ, nơi người dân sở hữu tổng cộng từ 300 cho đến 350 triệu khẩu súng là nước chịu mất mát lớn nhất. Ở Mỹ, tỷ lệ giết người bằng súng cao hơn 25 lần so với tất cả các nước có thu nhập cao cộng lại.
"Mỗi ngày có khoảng 100 chết vì súng đạn ở đất nước này," Jeffrey Swanson, giáo sư về tâm lý và khoa học hành vi ở Trường Y thuộc Đại học Duke ở bang North Carolina, nói. "Nếu chúng ta tước đi súng đạn thì sẽ có rất, rất nhiều mạng người được cứu."
Một người biểu tình giơ cao tấm ảnh chụp Michael Brown, 18 tuổi, bị cảnh sát bắn chết tại Ferguson, Missouri hồi 2014
Đứng đầu bảng sẽ là những mạng người lẽ ra đã mất trong các vụ tự sát. Khoảng 60% trong số 175.700 trường hợp tử vong vì súng đạn ở Mỹ từ năm 2012 cho đến 2016 là tự sát, và phân nửa trong số 44.000 người Mỹ tự sát trong năm 2015 là dùng súng.
Trên 80% trường hợp tự sát bằng súng dẫn đến tử vong. "Không may là cơ hội sống sót rất thấp," nhà tội phạm học và xã hội học Tom Gabor, tác giả của cuốn 'Đối mặt với bạo lực súng đạn ở Mỹ', cho biết.
Hơn nữa, đa số những người tự sát mà không chết không bao giờ muốn tự kết liễu đời mình một lần nữa.
"Một số người quyết tâm tìm đến cái chết và họ sẽ tìm cách khác để tự sát. Nhưng những người khác chỉ là tự sát một lần trong lúc bốc đồng và sẽ có một cuộc sống rất hạnh phúc và hiệu quả," ông Ted Miller, một nhà khoa học nghiên cứu chính tại Viện Nghiên cứu và Đánh giá Thái Bình Dương, cho biết. "Điều này đặc biệt đúng đối với rất nhiều em nhỏ."
Từ bài học của Úc
Nước Úc là một bằng chứng mạnh mẽ trên thực tế cho thấy ít súng đạn hơn dẫn đến giảm đáng kể các trường hợp tử vong - do tự sát và cũng do bạo lực súng đạn.
Vào năm 1996, Martin Bryant nã súng vào du khách tại Di tích Lịch sử Cảng Arthur ở Tasmania, giết chết 35 người và làm bị thương 23 người khác.
Đối với người Úc, thảm kịch đó đã đánh đấu một bước ngoặt. Người dân thuộc mọi xu hướng chính trị đều ủng hộ lệnh cấm súng trường và súng đạn hoa cải bán tự động.
Chỉ trong vài ngày, đạo luật mới được thực thi. Chính phủ mua lại súng bị cấm theo mức giá thị trường và sau đó cho tiêu hủy chúng.
Việc làm này đã giảm kho súng dân sự ở nước Úc đến 30%.
Sau khi 35 người bị giết chết tại địa điểm Port Arthur Historic Site, nước Úc đã thông qua luật siết chặt quyền sở hữu súng. Trong hình là lễ kỷ niệm 20 năm sự kiện bi thả này
Ông Philip Alpers, phó giáo sư tại Trường Y tế Công Sydney, lập luận rằng số liệu này cho thấy tác động của đạo luật về súng đạn đối với tỷ lệ tử vong là rất lớn.
Điều đó đúng ngay cả khi chúng ta tính đến những cách giải thích khả dĩ khác và sự sụt giảm trong tỷ lệ tự sát và giết người trước đó.
"Kết quả của đạo luật này là nguy cơ bị chết bởi súng đạn ở Úc đã giảm hơn 50% theo các con số thống kê và trong vòng 22 năm không có dấu hiệu gia tăng trở lại," ông nói.
Tự sát chiếm một tỷ lệ lớn trong sự sụt giảm đó: có đến 80% các vụ tự sát bằng súng đã không còn xảy ra nữa.
"Tự sát đi xuống và khiến chúng tôi hết sức bất ngờ," Alpers nói. "Thậm chí còn bất ngờ hơn là chúng tôi vui mừng khi nhận thấy không hề có sự thay thế bằng cách phương cách chết chóc khác. Nói cách khác, không có bằng chứng cho thấy những người có dự định tự sát hay giết người tìm đến loại vũ khí khác."
Không chỉ có tự sát. Tỷ lệ giết người bằng súng ở Úc cũng giảm hơn một nửa sau khi có lệnh cấm. Và hơn nữa, trong khi những người chỉ trích ở Mỹ thường lập luận rằng những kẻ sát nhân sẽ tìm cách khác để giết chết nạn nhân của chúng, điều đó không hề xảy ra ở nước Úc.
Thay vào đó, tỷ lệ giết người không bằng súng vẫn giữ ở con số xấp xỉ như thế - có nghĩa là về tổng thể tỷ lệ giết người đã giảm.
"Những kẻ sát nhân không hề chọn hình thức giết chóc khác," Alpers cho biết.
Đến trường hợp của Mỹ
Điều này nhiều khả năng đặc biệt đúng đối với bạo hành gia đình.
Nếu sống với người bạn đời bạo hành sở hữu súng, người phụ nữ có nguy cơ bị giết chết nhiều hơn từ năm đến tám lần.
Nếu không còn súng nữa, những người tấn công bạn đời của mình trong phút giây nóng giận sẽ ít có khả năng gây thương vong hơn - và có lẽ cũng có thể ít trở nên bạo lực hơn.
Mặc dù gây tranh cãi nhưng một số nghiên cứu cho thấy chỉ cần sự hiện diện của khẩu súng cũng có thể khiến cho đàn ông trở nên hung bạo hơn, một hiện tượng được gọi là 'hiệu ứng vũ khí'.
Nếu súng không còn nữa thì ở Mỹ - nơi mà mỗi tháng có 50 phụ nữ bị bạn đời của mình bắn chết - tỷ lệ tử vong sẽ giảm tương tự như ở Úc.
Trường hợp nước Mỹ là đặc biệt ở mức độ nói chung của hầu hết các loại tội phạm: mức độ này ở tỷ lệ trung bình khi so sánh với Anh, Tây Âu, Nhật Bản và các nước phát triển khác.
Tuy nhiên, riêng về giết người thì ở Mỹ có tỷ lệ cao hơn gấp bốn lần. Đó là vì nhiều khả năng là súng chứ không phải loại vũ khí nào khác được sử dụng trong một vụ tấn công ở Mỹ và yếu tố súng đạn này tăng nguy cơ giết chóc lên gấp bảy lần.
Nicole Oliver, con gái của Holly Dee (trong hình nhỏ ở góc dưới bên trái) bị chồng bắn chết hồi 2007; mỗi tháng có 50 phụ nữ ở Mỹ bị bạn đời bắn chết
"Hãy tưởng tượng hai thanh niên chưa chín chắn, tức giận, xốc nổi, say xỉn ở Anh bước ra khỏi một quán rượu và bắt đầu cãi vã," Swanson nói. "Sẽ có ai đó bị bầm mắt hoặc chảy máu mũi."
"Nhưng ở Mỹ," ông nói, "theo thống kê thì nhiều khả năng một trong những thanh niên này sẽ nắm trong tay khẩu súng, và kết quả là sẽ mất nhân mạng."
Khác biệt này suy cho cùng là do điều mà các chuyên gia gọi là 'hậu quả công cụ của vũ khí': tức là vũ khí sử dụng có ảnh hưởng đến kết quả, theo ông Robert Spitzer, giáo sư khoa học chính trị tại Đại học State University of New York College ở Cortland. "Không có vũ khí nào giết người hiệu quả cho bằng súng."
Cũng như ở Úc, bằng chứng thực tế ở Mỹ cho thấy số lượng súng ít hơn sẽ dẫn đến ít thương vong hơn.
Một nghiên cứu hồi năm 2017 phát hiện được rằng tỷ lệ giết người bằng súng thấp hơn ở các bang có luật sở hữu súng khắt khe hơn ở Mỹ, trong khi một phân tích vào năm 2014 trên tất cả bệnh nhân nội trú vị thành niên nhập viện do chấn thương cho thấy việc kiểm soát súng chặt chẽ hơn sẽ đem lại mức độ an toàn cao hơn cho trẻ em.
Bớt xung đột cho cảnh sát
Súng đạn cũng khiến việc tiếp xúc với cảnh sát gây thương vong nhiều hơn. Trong khi xác suất bắt giữ gây ra thương tích ở Mỹ, tỉnh British Columbia của Canada và bang Tây Úc của Úc là như nhau, nghiên cứu cho thấy 'gần như không có ai thiệt mạng nếu bị cảnh sát bắt giữ ở Úc hay Canada," ông Miller nói - ngay cả khi cảnh sát ở cả ba nước này đều đem theo súng.
Tuy cảnh sát Úc, Canada và Mỹ đều mang theo súng, nhưng chỉ ở Mỹ mới xảy ra tình trạng gần 1.000 công dân bị cảnh sát bắn chết
Trong khi đó, ở Mỹ có gần 1.000 người chết dưới tay cảnh sát mỗi năm.
Dĩ nhiên, nguyên nhân cho tình trạng bạo lực liên quan đến cảnh sát là phức tạp và thường có liên quan đến sự kỳ thị chủng tộc đối với những sắc dân không phải da trắng, ngay cả ở bản thân những cảnh sát người Mỹ gốc Phi. Một lần nữa, nhiều trường hợp tử vong trong số này có thể ngăn được nếu không có vai trò của súng đạn.
"Rất nhiều trường hợp cảnh sát ra tay tàn bạo thật sự là bởi vì bản thân họ sợ rằng họ sẽ bị bắn," Miller giải thích. "Khi mà cảnh sát phải phòng vệ cho mình trước tội phạm có súng ở mỗi bước đi thì sự tương tác giữa họ với tội phạm sẽ dẫn đến chết chóc nhiều hơn."
Không còn súng nữa cũng có nghĩa là điều kiện làm việc an toàn hơn cho cảnh sát, Miller nói thêm. Trên phân nửa những người bị cảnh sát giết chết trong năm 2016 là có vũ trang, và nhiều người trong số họ giao tranh với cảnh sát khi họ bị bắn.
Bớt khủng bố
Các cuộc tấn công giết chóc hàng loạt do những kẻ khủng bố trong nước thực hiện cũng sẽ giảm xuống.
Các cậu bé đặt hoa tại chiếc xe hơi của viên cảnh sát Massachussetts Sean Gannon, người bị bắn chết hồi 4/2018 khi đang trao trát bắt cho một đối tượng
Một nghiên cứu vào năm 2017 dựa trên 2.800 cuộc tấn công ở Mỹ, Canada, Tây Âu, Úc và New Zealand cho thấy súng là cách thức giết người gây chết chóc nhiều nhất, vượt xa các phương cách khác - thậm chí còn giết nhiều người hơn cả chất nổ hay ủi xe vào đám đông.
Súng chỉ được dùng trong 10% các cuộc tấn công nhưng lại gây ra 55% số tử vong.
Ở Mỹ, những kẻ khủng bố cũng thích dùng súng: trong số 16 vụ tấn công chết chóc có liên hệ với khủng bố kể từ ngày 11/9, chỉ có hai trường hợp là không dùng súng.
"Ngay cả việc chế tạo những vũ khí đơn giản như bom ống cũng là một việc khó," ông Risa Brooks, giáo sư khoa học chính trị tại Đại học Marquette ở Wisconsin, nói. "Nếu khó mà tiếp cận được vũ khí giết người thì những kẻ khủng bố sẽ khó có khả năng sử dụng bạo lực."
Bản chất bạo lực không phải do súng đạn
Tuy nhiên, lịch sử chứng tỏ rằng bạo lực nằm sẵn sâu trong bản chất con người và súng đạn hoàn toàn không phải là điều kiện tiên quyết dẫn đến xung đột.
"Lấy ví dụ như nạn diệt chủng ở Rwanda," ông David Yamane, giáo sư xã hội học tại Đại học Wake Forest ở North Carolina, nói. "Bạo lực xảy ra tràn lan ở đó nhưng phần lớn là không có súng đạn."
Ngay cả khi chúng ta đưa thí nghiệm tư duy này lên mức cao nhất và tưởng tượng tất cả súng đạn sẽ biến mất khỏi bề mặt Trái đất, chiến tranh và nội loạn sẽ vẫn tiếp diễn.
Nhưng thay vì dùng đến những loại vũ khí sơ khai như gươm, giáo hay cung tên, các quốc gia hiện đại nhiều khả năng sẽ chuyển sang các hình thức giết chóc khác như chất nổ, xe tăng, tên lửa, vũ khí hóa học và sinh học (tuy nhiên, vũ khí hạt nhân vẫn là lựa chọn không có sức hút do sức hủy diệt vô cùng lớn của nó, Gabor nói.)
Các nước cũng sẽ sáng tạo ra các loại vũ khí mới để lấp đầy chỗ trống của súng đạn, Brooks nói thêm, và các nước giàu nhất, mạnh nhất sẽ sáng chế ra những cách thức giết người hiệu quả nhất một cách nhanh nhất.
Do đó mặc dù hình thái chiến tranh sẽ thay đổi, nhưng 'cán cân quyền lực không nhất thiết cũng thay đổi," Brooks nói.
Tác nhân phi nhà nước và thế giới tự nhiên
Tuy nhiên, điều này lại không đúng với những tác nhân phi nhà nước.
Ở những quốc gia như Somalia, Sudan và Libya, nơi mà súng đạn dễ dàng tìm thấy, nếu chúng biến mất đột ngột thì khả năng các nhóm phiến quân trỗi dậy và hoạt động cũng sẽ giảm đi.
"Một yếu tố đặc trưng của tác nhân phi nhà nước là sự thiếu hụt các thiết bị cần nhiều chi phí," bà giải thích. "Họ cần những thứ dễ có, dễ vận chuyển và dễ cất giấu."
Việc không còn súng nữa có khả năng tạo ra những thách thức cho hoạt động săn bắn và nông nghiệp của con người
Nếu súng đạn không còn nữa thì cũng sẽ có hậu quả hai chiều cho động vật.
Một mặt, nạn săn trộm những động vật khẩn nguy sẽ giảm đi rất nhiều. Mặt khác, việc kiểm soát những động vật gây hại - chẳng hạn những con gấu bị bệnh dại, những con voi giẫm đạp chết người hay những loài rắn độc - sẽ trở nên khó khăn hơn.
"Có rất nhiều lý do chính đáng để sở hữu súng, nhất là ở những nước như nước Úc vốn có nền nông nghiệp lớn mạnh và có lịch sử mở mang bờ cõi tương tự như nước Mỹ," Alpers nói.
Súng cũng có vai trò không thể thiếu trong việc quản lý những động vật xâm thực, ông cho biết thêm.
Hàng ngàn con mèo, lợn, dê, động vật có túi và những loài ngoại lai gây hại khác bị bắn chết mỗi năm để giúp giữ gìn hệ sinh thái mong manh, nhất là trên các hòn đảo.
Làm cho súng biến mất sẽ làm cho cuộc chiến đó vốn dĩ đã gian nan càng khó khăn hơn nữa và bất nhân hơn nữa.
Việc giải thoáng cho những động vật bị thương bằng cái chết ân huệ sẽ trở nên rất tàn bạo nếu không có súng. "Nếu bạn có một con vật to lớn bị bệnh, thì một chiếc rìu không thể nào thay thế được một khẩu súng để giúp nó ra đi nhanh chóng," Alpers nói.
Lợi ích kinh tế
Về mặt kinh tế thì Mỹ sẽ là nước bị thiệt hại nhiều nhất nếu không còn súng đạn nữa.
Nền công nghiệp súng đạn đem lại cho Hoa Kỳ 50 tỷ đô la mỗi năm, không phải là khoản quá lớn cho nền kinh tế nước này
Hiệp hội Công nghiệp Thương mại Súng ước tính nền công nghiệp súng tạo ra 20 tỷ đô la thu nhập trực tiếp và 30 tỷ đô la các thu nhập khác. Đối với nước Mỹ thì việc mất đi 50 tỷ đô la, Spitzer nói, "không là bao so với toàn bộ nền kinh tế của họ."
Thật ra, tính ra thì việc súng biến mất đem lại lợi ích ròng về kinh tế.
Các trường hợp tử vong do súng và các chi phí điều trị thương tật liên quan cộng lại khiến nền kinh tế mất đi 10,7 tỷ đô la mỗi năm và là trên 200 tỷ nếu tính đến các yếu tố khác.
"Ở Mỹ, nếu anh tính đến chi phí tài chính của bạo lực súng đạn, thì nó không chỉ là chi phí y tế trực tiếp mà chi phí phục hồi chức năng cho những người bị nạn mà còn là chi phí cho hệ thống pháp luật và thu nhập bị mất đi của nạn nhân và thậm chí là chi phí của chất lượng cuộc sống bị giảm đi," Gabor giải thích.
Thật vậy, mặc dù tác động nói chung đối với nền kinh tế không đáng kể, Miller chỉ ra rằng những lợi ích vô hình khách sẽ lớn hơn nhiều.
Nhiều người sẽ cảm thấy an toàn hơn. "Chúng ta sẽ thấy những thế hệ sau này sẽ không bị kinh hoàng bởi tiếng súng mà họ nghe từ phòng ngủ," ông nói. "Điều này là một khác biệt lớn cho tâm lý của con em chúng ta."
"Người Mỹ ở mọi độ tuổi đang ngày càng lo sợ bị tấn công ở những nơi công cộng, Gabor nói thêm, cho dù là ở trường học, ở rạp chiếu phim, ở câu lạc bộ đêm hay đang đi trên đường. Ngay cả khi những trường hợp tấn công như vậy tương đối hiếm thì 'việc bắn giết một cách tàn sát xé tan sự gắn kết xã hội," ông giải thích.
"Cảm giác an toàn của chúng ta và lòng tin vào người khác sẽ xói mòn, gây ra những hậu quả xã hội và tâm lý sâu sắc."
Rachel Nuwer
No comments:
Post a Comment
Note: Only a member of this blog may post a comment.