Đảo Ross, một khu định cư của Anh bị bỏ hoang ở quần đảo Andaman xa xôi hẻo lánh, đang bị chủ nhân đích thực của nó chiếm lại: Mẹ thiên nhiên.
Những hòn đảo thơ mộng của Ấn Độ
Nằm ở Vịnh Bengal, Quần đảo Andaman và Quần đảo Nicobar là cụm gồm 572 hòn đảo nhiệt đới nằm tách biệt, trong đó chỉ có 38 đảo là có người ở.
Xét về khoảng cách trên biển thì chúng nằm gần với Đông Nam Á hơn là Ấn Độ. Nơi đây nổi tiếng với những bãi biển tuyệt đẹp, đời sống sinh vật biển phong phú, những rặng san hô sặc sỡ và những khu rừng nguyên sinh chưa hề bị tàn phá.
Nhưng đằng sau những quang cảnh thơ mộng đó là một quá khứ đau buồn.
Những tàn tích kỳ quái của khu định cư thời thuộc địa
Một trong những hòn đảo, Đảo Ross, là thị trấn ma, nơi mà những tàn dư của khu định cư của người Anh hồi Thế kỷ 19 vẫn còn hiện rõ trong những đống đổ nát.
Trở nên hoang phế từ hồi thập niên 1940, hòn đảo nay đang bị thiên nhiên xâm lấn.
Những căn nhà gỗ xa hoa, một nhà thờ rất to lớn, những phòng khiêu vũ, thậm chí cả một nghĩa địa, tất cả đều đang ở trong những giai đoạn khác nhau của thời đổ nát điêu tàn, bị cây rừng nhiệt đới xâm lấn mà không cách nào chống cự.
Khu định cư bị cô lập dành cho những kẻ tội phạm
Vào năm 1857, đáp lại cuộc nổi dậy bất ngờ của người Ấn Độ, Đế chế Anh đã chọn những hòn đảo hoang vu làm nơi giam nhốt những người Ấn tham gia binh biến.
Khi người Anh lần đầu tiên tới vào năm 1858 cùng với 200 người Ấn Độ bị kết tội, quần đảo này là nơi chỉ có rừng rậm nguyên sinh ken dày không thể vào nổi.
Đảo Ross, tính ra chỉ rộng hơn 0,3 cây số vuông một chút, được chọn làm nơi lưu đày đầu tiên cho những người bị kết án, bởi nơi này có nguồn nước ngọt.
Nhiệm vụ chết người trong việc phải dọn quang rừng rậm được trao cho các tù nhân, trong lúc các sĩ quan, cai tù ở lại trên các con tàu.
Những khởi đầu mới
Khi số tù bị đưa tới nhiều hơn, họ được chuyển sang các nhà tù và các trại giam trên những hòn đảo lân cận.
Đảo Ross trở thành trung tâm điều hành hành chính, cũng là khu định cư dành riêng cho giới sĩ quan cao cấp và gia đình.
Cuộc tháo chạy cuối cùng
Một nhà máy điện là nơi đặt máy phát điện chạy bằng diesel, thắp sáng cho hòn đảo nhỏ xíu ở nơi xa xôi hẻo lánh này, khiến Ross trở thành một thiên đường lấp lánh giữa đại dương.
Đến năm 1942, khu định cư hầu như không hoạt động được nữa sau khi giới chức bị buộc phải thả toàn bộ tù chính trị vào năm 1938; những binh lính Anh còn lại đã bỏ chạy khỏi đảo trước nguy cơ bị Nhật tấn công - cho dù chỉ ngay sau đó khu vực quần đảo này lại trở về chịu sự cai trị của Anh khi kết thúc cuộc chiến.
Thiên nhiên tấn công
Những đống đổ nát không bị ai đụng đến trên đảo cho ta thấy thoáng qua quá khứ đau thương và tàn bạo của thời thuộc địa.
Những mái nhà có đầu hồi, khu chợ mua sắm nhộn nhịp, những viên ngói kiểu Ý và những cửa sổ làm từ kính màu từ lâu đã không còn nữa, nhưng những khung nhà không mái trơ trọi của Căn nhà Truyền giáo, Câu lạc bộ Quân nhân, Nhà thờ Giáo hội Trưởng lão, bên cạnh những bức tường vô danh, nay vẫn còn đó, bị bóp nghẹt, vặn xoắn giữa những đám rễ cây đầy uy lực.
Kế hoạch săn bắn thất bại
Tuy nhiên, do không bị loài nào khác trong tự nhiên săn đuổi, nên bọn hươu sao đã sinh sôi nảy nở quá mức, gặm sạch các loại cây nhỏ khiến rừng mới không phát triển thêm được. Ngày nay, hươu sao cùng lũ thỏ, chim công hoang là những cư dân duy nhất trên Đảo Ross.
Hướng tới tương lai
Tại Câu lạc bộ Quân nhân (trong hình), được xây làm nơi giải trí cho các sĩ quan cấp thấp, sàn nhảy làm bằng gỗ tếch hẳn đã từng có thời tưng bừng tiếng nhạc. Ngày nay, những tiếng chim kêu náo loạn là thứ âm thanh duy nhất vang ra từ nơi đổ nát đó.
Đã gần tám thập niên trôi qua kể từ khi khu thuộc địa chuyên để giam tù bị đóng cửa, kết thúc một chương tăm tối trong biên niên sử thuộc địa của Ấn Độ.
Đảo Ross nay là một vết nhơ bị lãng quên nằm trên Ấn Độ Dương, nơi đem lại một cái nhìn thoáng qua, chừng mực về thế giới một thời, nơi con người đã ra đi, nhường chỗ cho thiên nhiên.
Neelima Vallangi
No comments:
Post a Comment
Note: Only a member of this blog may post a comment.