Khoảng 11 giờ, Gopamma Nayaka biết điều gì đó không ổn đã xảy ra. Chồng bà, ông Hanumantha lẽ ra đã về đến nhà sau khi đi gom củi đốt chừng một giờ trước.
Gopamma nhờ con trai tập họp một nhóm tìm kiếm và đi về Khu Bảo tồn Hổ Bandipur, khu rừng quốc gia nằm gần nhà bà ở miền tây nam Ấn Độ.
Chỉ mới vào rừng vài mét, họ phát hiện thi thể đã bị ăn hết một nửa của Hanumantha. Con hổ ăn thịt ông hẳn vẫn đang ngồi đâu đó gần thi thể.
Từ khi chồng qua đời, bà Gopamma không chỉ khổ sở với nỗi tiếc thương mà còn vất vả mưu sinh. Con trai bà phải nghỉ học đại học và trở về nhà phụ giúp bà.
"Cuộc sống của tôi tốt hơn nhiều khi chồng còn sống," bà kể lại. "Con trai lớn tôi lẽ ra có thể đi học, nhưng giờ cả hai cháu đều phải đi làm. Tôi cảm thấy bất an và phụ thuộc."
Dù tất cả những chuyện như vậy xảy ra, bà Gopamma không cảm thấy chút thù ghét nào với con hổ đã ăn thịt chồng bà.
Tương tự như nhiều người theo Ấn Giáo ở Ấn Độ, bà coi con người là một phần trong mạng lưới phức tạp của đời sống với tất cả mọi sinh vật trong đó, mỗi loài đều có quyền tồn tại bình đẳng với nhau.
Nayaka nâng ảnh chồng bà, ông Hanamuantha, cùng với hai con trai, con gái và cậu bà.
Nông thôn Ấn Độ là nơi độc đáo với thế giới vì sự kiên gan của người dân nơi đây trong việc cùng chung sống với những loài động vật hoang dã nguy hiểm chết người.
"Bạn không thể tìm thấy điều này trong những nền văn hóa khác," Ullas Karanth, nhà sinh vật học vừa nghỉ hưu chuyên nghiên cứu về thú ăn thịt tại Cộng đồng Bảo tồn Động vật Hoang dã và là chuyên gia đứng đầu nhóm nghiên cứu về hổ, nhận định.
"Nếu chuyện này mà xảy ra ở Montana hay Brazil, họ sẽ xoá sổ mọi thứ ngay hôm sau."
Nên bảo vệ hổ hay con người?
Quan điểm sống và nâng niu sự sống đã trở thành nền tảng khiến Ấn Độ chuyển mình trở thành nơi bảo tồn hổ lớn nhất thế giới.
Quốc gia này có khoảng 25% tổng số cá thể hổ toàn cầu sinh sống, nhưng lại có đến 70% trong số đó là hổ hoang dã, tính ra ngày nay là khoảng 3.000 cá thể.
Tuy nhiên, thành công đạt được là bởi có những cái giá phải trả.
Những khu vực bảo tồn ở Ấn Độ đã không mở rộng kịp với tốc độ gia tăng số lượng cá thể hổ, buộc một số chú mèo khổng lồ này phải quay sang khu vực con người sinh sống và tìm cách sinh tồn. Đôi khi chúng giết chết gia súc và ăn thịt cả con người.
Những vụ tấn công khá hiếm, chỉ có khoảng chừng 40-50 người bị hổ giết mỗi năm - so với con số 350 người thiệt mạng vì bị voi giết.
Nhưng dù rằng mọi người coi việc bị voi giết chết là sự việc vô tình "xảy ra", tương tự như tai nạn xe hơi, thì cái chết vì hổ gợi lại nỗi sợ nguyên thủy rằng, nếu vấn đề không được giải quyết, cái chết có thể khiến cộng đồng trở nên cực đoan.
Ở nhiều nơi, sự chấp nhận theo truyền thống bắt đầu phai nhạt, gây ra những cuộc nổi loạn và giết chóc nhắm vào hổ.
Không phải con hổ nào cũng ăn thịt người - thậm chí là hầu như chẳng con nào làm vậy. Không có con số chính xác nào cho thấy hành vi này tồn tại, nhưng Karanth đoán rằng chỉ khoảng 10-15 cá thể hổ trở thành những con vật săn thịt người mỗi năm.
Hầu hết hổ không ăn thịt người, chỉ khoảng 10 -15 con trở thành kẻ săn người mỗi năm
Dù vậy, khi điều này xảy ra, Karanth và các chuyên gia tin rằng, cách tất nhiên để gìn giữ hòa bình là nhanh chóng loại bỏ con hổ ăn thịt người trước khi chúng tiếp tục sát hại người khác.
"Đó là thái độ cần thiết nếu bạn muốn có số lượng hổ lớn," Karanth cho biết. "Bạn không thể khiến tất cả mọi người ở nông thôn chống lại hổ chỉ vì một cá thể."
Điều này được ghi trong luật Ấn Độ, theo đó quy định rằng các trưởng ban giám sát động vật hoang dã và các sĩ quan cao cấp liên bang có thể ra lệnh bắn nếu lệnh này là cần thiết để đảm bảo an toàn cho người dân.
"Nếu con hổ thực sự là hổ ăn thịt người, chúng tôi phải truy đuổi con hổ ăn thịt người này theo chuẩn quy trình vận hành được quy định rất rõ," Anup Kumar Nayak, Tổng Giám đốc Cơ quan Bảo tồn Hổ Quốc gia Ấn Độ cho biết.
Tranh cãi
Nhưng các nhóm bảo vệ quyền động vật ở đô thị - vốn có tầm ảnh hưởng chính trị lớn ở Ấn Độ - nhìn mọi việc theo cách khác.
Bất kể con hổ bị cho là đã giết hại bao nhiêu người thì rất nhiều nhà hoạt động vẫn lập luận rằng con thú đó nên bị bẫy và nuôi nhốt, dịch chuyển chỗ ở và phóng thích chúng, hoặc đơn giản là để chúng yên.
"Tôi cảm thấy tôi là tiếng nói của những con vật không có tiếng nói," Jerryl Banait, bác sĩ và là nhà hoạt động lãnh đạo tổ chức bảo tồn động vật hoang dã có trụ sở ở Nagpur cho biết.
"Bạn không thể gây ra sự tàn bạo và bất công với động vật chỉ vì chúng không thể tự biểu đạt bản thân."
Nhưng không một phương pháp phi bạo lực nào mà Banait và nhiều người kêu gọi tỏ ra khả thi trong việc xử lý chuyện hổ rình mò và giết người, Karanth cho biết.
Xung đột về hổ nhanh chóng biến đổi thành trò "đá bóng chính trị", ông nói tiếp, và dù chính phủ vẫn đang băn khoăn dưới các áp lực xung đột nhau, hổ ăn thịt người vẫn tiếp tục hoạt động.
Thường thì dân địa phương cuối cùng cũng dùng đến giải pháp của riêng họ, đó là săn trộm tất cả hổ trong khu vực, chứ không chỉ mình con hổ nghi phạm.
Họ bắt đầu coi cơ quan lâm nghiệp Ấn Độ là kẻ thù - và coi công tác bảo tổn là thứ chống lại lợi ích tốt nhất cho họ.
Theo kịch bản này, may nhất thì số lượng hổ sẽ dần chậm gia tăng, còn tệ nhất là tình trạng giết chóc trả thù lan rộng sẽ khiến loài này biến mất.
Karanth cho biết, để Ấn Độ có thể tiếp tục tỏa sáng như một câu chuyện thành công về bảo tồn hổ, người ta cần đi đến quyết định thực tế là việc tốt nhất cho cả loài không hẳn lúc nào cũng phù hợp với điều tốt nhất cho một cá thể động vật - đặc biệt là với cá thể hổ đã ăn thịt người.
Nói cách khác, tương lai của hổ trên thế giới phụ thuộc vào việc thuyết phục Ấn Độ chấp nhận những con hổ ăn thịt người phải chết để loài này có thể tiếp tục phát triển. Ông nhận định: "Chẳng có cách nào khác cả."
Cái giá của sự thành công
Không ai biết số lượng hổ từng sống trên nhiều loại địa hình đa dạng ở Ấn Độ, nhưng số lượng những con mèo khổng lồ này đã từng là hàng chục, nếu không muốn nói là hàng trăm ngàn cá thể.
Sự sụt giảm số lượng loài này bắt đầu từ nhiều thế kỷ trước, khi bẫy thép và súng ngắn xuất hiện.
Hổ là mục tiêu săn bắn của giới nhà giàu và là mục tiêu săn tiền thưởng của nhà nghèo, trong đó một nhà sử học từng kiểm đếm cho biết khoảng 80.000 con mèo khổng lồ đã bị giết hại từ năm 1875 đến 1925.
Vua George V chụp ảnh với số lượng thú giết được trong ngày trong chuyến đi đến Ấn Độ năm 1912; từ năm 1875 đến năm 1925, có hơn 80.000 con hổ đã bị giết
Tình trạng săn bắn cũng khiến con mồi của loài hổ biến mất, và loài này đã phải chịu tác động kép.
Giữa Thế kỷ 20, Ấn Độ đã mất loài báo đốm Châu Á và gần như mất hẳn loài sư tử Châu Á vì bị săn bắn quá mức.
Loài hổ ở quốc gia này cũng gần như sẽ biến mất nếu không nhờ Thủ tướng Ấn Độ Indira Gandhi, người đã ra quyết định coi săn bắn thành hành vi phạm pháp vào năm 1971.
Đôi khi được gọi là "vị cứu tinh vĩ đại nhất của đời sống hoang dã Ấn Độ", bà Gandhi đã tăng cường đạo luật về động vật hoang dã, thiết lập các vùng bảo tồn và đội đặc nhiệm về hổ.
"Điều này xảy ra vào khoảng thời Rachel Carson và những trào lưu môi trường tượng tự ở Châu Âu - và làn sóng này đã lan đến Ấn Độ," Krithi Kranth, nhà khoa học bảo tồn đứng đầu tại Trung tâm Nghiên cứu Động vật Hoang dã, một tổ chức phi lợi nhuận ở Bangalore, và là con gái của Ullas Karanth, nói.
"Mọi người bắt đầu thức tỉnh trước thực tế là thiên nhiên đang bị đe dọa và chúng ta không thể tiếp tục mọi thứ như thường lệ được nữa."
Thủ tướng Ấn Độ Indira Gandhi phát biểu tại một cuộc tuần hành năm 1971, cùng năm bà ra quy định toàn bộ các hoạt động săn bắn là bất hợp pháp ở Ấn Độ
Nhưng số lượng hổ không hồi phục nhanh chóng.
Vào thập niên 1980, khi Ullas Karanth, giờ đã 70 tuổi, chuyển đổi sự nghiệp từ kỹ sư thành người làm việc trong ngành bảo tồn, khoảng 2.500 cá thể hổ vẫn đang sống tự do.
Ullas là người luôn yêu thích các loài ăn thịt lớn, quyết định tập trung sự nghiệp vào việc khôi phục số lượng hổ ở quốc gia này.
Đầu tiên là phải xác định được số lượng hổ còn lại ở Ấn Độ. Vào năm 1991, ông phát triển một phương pháp đếm mới chính xác bằng cách sử dụng bẫy camera nhằm xác định màu lông sọc vằn độc đáo của từng cá thể hổ.
Tuy nhiên, ông băn khoăn khi phát hiện ra sự tập trung của loài hổ khác biệt vô cùng lớn giữa các vùng, từ những nơi có không có con nào cho đến những nơi có 15 con trên diện tích 100 cây số vuông.
Ullas nghi rằng đây là kết quả của tình trạng thiếu con mồi, và hoạt động săn trộm thú rừng là nguyên nhân gây ra điều đó - và linh cảm của ông đã được chứng minh là đúng.
Cuối cùng ông xác định rằng một con hổ có thể giết khoảng 50 con mồi mỗi năm, nghĩa là nó cần số lượng ít nhất 500 con mồi để duy trì sự sống.
Dựa trên những báo cáo chi tiết trong các tạp chí săn bắn cũ, ghi chú phân loại và hồ sơ quyền sử dụng đất, Krithi sau đó ước tính rằng hổ đã biến mất khỏi 67% diện tích Ấn Độ trong 100 năm, và rất nhiều loài con mồi của chúng, như hươu và bò tót (loại bò lớn nhất thế giới), cũng giảm số lượng tương tự.
"Chỉ có duy nhất một loài có vẻ như không bị đe dọa là heo rừng," Krithi nói. Mặt khác, số lượng loài hổ ở Ấn Độ không tăng vì thực tế là chúng không có đủ thức ăn.
Một con hổ gọi con đến ăn sau khi săn được con hươu; một cá thể hổ giết khoảng 50 con mồi mỗi năm để ăn thịt
Từ thập niên 1990, Ullas bắt đầu thúc đẩy việc quản trị hổ dựa trên khoa học với trọng tâm đặc biệt nhắm vào bảo tồn các loài con mồi là thức ăn của hổ.
Ông hợp tác với nhiều người khác để tổ chức tái định cư tự nguyện do chính phủ chi trả với những ngôi làng nằm trong vùng bảo tồn.
Khi tình trạng săn trộm hổ gia tăng vì nhu cầu mua các phần thịt hổ gia tăng từ Trung Quốc, phương pháp đếm số lượng của Ullas tiết lộ sự nghiêm trọng của vấn đề, và ông làm việc với quan chức để phát triển chương trình hiệu quả trong chống săn trộm.
Kết quả của những nỗ lực này và nhiều nỗ lực khác, số lượng hổ bắt đầu tăng trưởng. Ví dụ, vùng đất Malenad rộng lớn ở Tây Nam Ấn Độ, nơi có Khu Bảo tồn Hổ Bandipur và cũng là chỗ chồng bà Gopamma bị giết, nay có khoảng 400 con hổ sinh sống, nhiều gấp hơn bốn lần so với khi Ullas bắt đầu làm việc ở nơi này 25 năm trước.
Tuy nhiên, khi số lượng thú săn mồi tăng lên, xung đột cũng là điều không tránh khỏi. Sự cạnh tranh và tính chất lãnh thổ buộc một số con hổ phải rời khu bảo tồn, đặc biệt là những con hổ còn trẻ đang tìm cách xác lập vùng lãnh thổ riêng và những con thú già hay bị thương tuyệt vọng tìm thức ăn.
Hầu hết những con hổ trong tình huống này nhắm đến săn gia súc, nhưng một số con cuối cùng đã ăn cả thịt người.
"Thông thường hổ sợ người," Ullas nói. "Nhưng khi chúng phát hiện sự yếu đuối của người, thình lình chúng mất đi nỗi sợ và nhận ra rằng bắt những con khỉ to lớn không đuôi này quá dễ."
Giết loài động vật đang bị đe dọa nghe có vẻ phản khoa học, nhưng trong trường hợp những con hổ có thói quen ăn thịt người thì Ullas và nhiều người khác tin rằng đây là lựa chọn duy nhất đảm bảo sự bảo tồn loài hổ.
Cũng như khi ta tỉa cành cây có các nhánh đã chết, mất đi một vài cá thể gây rắc rối không gây ảnh hưởng tiêu cực đến toàn bộ loài, họ nói.
Số lượng hổ lành mạnh dù sao cũng sẽ chết 15-20% mỗi năm, và với tỷ lệ sinh sản tương tự như mèo nhà, những con hổ chết sẽ nhanh chóng được thay thế bằng những con hổ mới sinh sau đó.
Vì hổ ăn thịt người cũng khá hiếm, nên theo hệ thống này, người ta chỉ cần giết khoảng vài chục con hổ mỗi năm mà thôi.
Tuy nhiên, một số nhà hoạt động bảo vệ động vật lập luận rằng số lượng hổ trong tự nhiên còn lại quá ít đến mức không thể chấp nhận dù là chỉ giết một con.
Một số người khác trình bày ý kiến của họ từ góc độ đạo đức.
Một người dùng Twitter ở Ấn Độ viết sau khi một con hổ ăn thịt người bị chết năm ngoái: "Chúc mừng con người, thêm một con hổ nữa bị giết, một loài đang tiến gần hơn đến mức tuyệt chủng."
Một người khác thương tiếc: "Chúng ta sống trong một xã hội nơi những con thú tội nghiệp bị giết thay vì có chút xót thương bằng cách bắt giữ chúng."
Người yêu động vật biểu tình trước việc giết hổ năm 2018, một số người tranh luận rằng còn quá ít hổ trong tự nhiên nên không thể chấp nhận dù là một con hổ ăn thịt người bị giết.
Banait tin rằng những con hổ mà ta đã chứng minh được là đã ăn thịt người - và khi tất cả các giải pháp nhằm cứu chúng đều không khả thi - thì chúng nên bị giết.
"Là bác sĩ, trách nhiệm đầu tiên của tôi là bảo vệ con người," ông nói. Nhưng ông thiết lập chuẩn mực rất cao trong việc xác định rõ ràng một con hổ ăn thịt người - ví dụ như phân tích so sánh DNA trong nhiều vụ giết người có liên quan đến một con thú (theo ông, những con hổ giết người một lần, hay thỉnh thoảng giết người có thể là vì vô tình chạm mặt, chứ không phải hành vi săn mồi có chủ đích).
Tuy nhiên, Ullas chỉ ra rằng việc thu thập mẫu DNA đòi hỏi trình độ kỹ năng mà ở nông thôn người ta sẽ không có được, và những bằng chứng pháp y và sinh thái khác có thể đủ để xác định các vụ giết người liên quan đến con hổ nào đó.
Cuối cùng, Ullas cho biết, sự an toàn của người dân phải được ưu tiên: "Đây không phải là phiên tòa xử OJ Simpson, nơi con hổ phải được suy đoán vô tội cho đến khi bị chứng minh là có tội."
Rachel Nuwer
No comments:
Post a Comment
Note: Only a member of this blog may post a comment.