Wednesday, September 5, 2012

Cách giúp trẻ bớt nghiện thiết bị điện tử

image


Không chối cãi được, sự phát triển quá nhanh của kỹ thuật điện toán ngày nay đã mang lại khá nhiều vấn đề nhức óc. Có những vụ sát nhân, theo dõi con mồi vừa hiếp dâm vừa giết người, quấy nhiễu tình dục, nghiện game, đột nhập vào các hệ thống điện toán để ăn cắp tư liệu, thông tin và lợi dụng liên mạng để làm hại người khác. Ngoài ra, hàng ngày còn có những sự việc điên đầu khác mà các bậc cha mẹ phải đối diện với con cái như, chúng bê trễ học hành, không làm bài tập, lạm dụng thiết bị điện tử, chi phí hoá đơn điện thoại quá cao vì sử dụng quá nhiều, chỉ biết ngồi trước màn hình (TV, monitor) mà không ra ngoài, không thiết đi đâu.

Tuy nhiên chúng ta cũng không nên đổ tất cả lỗi cho thế giới văn hoá mạng hay công nghệ điện toán. Chúng ta cần phải cẩn trọng xem xét và chấp nhận những lợi ích của chúng và dành thêm  thời gian để cải thiện những hậu quả xấu do sự  lạm dụng mang lại, để cuộc sống của chúng ta tốt đẹp và con cái chúng ta giỏi giang hơn.

image 


Điều quan trọng nhất, chúng ta cần phải chú tâm theo dõi, bỏ nhiều thời gian kiểm soát các em hơn là bỏ mặc chúng muốn làm gì thì làm với các thiết bị điện tử. Chúng ta cũng không nên dạy con theo các phương pháp cổ truyền cũ, dùng roi vọt để bắt chúng tuân theo ý mình một cách tuyệt đối như có bậc cha mẹ đã từng làm. Hễ không nghe lời thì la mắng, đánh đập, thượng cẳng chân, hạ cẳng tay. Nếu chúng ta muốn các em tôn trọng người khác, tôn trọng chúng ta, trước hết chúng ta cần phải tôn trọng các em bằng cách dạy cho chúng biết những luật lệ và ranh giới giữa cha mẹ và con cái từ thuở còn thơ. Sau đó đem phương cách thực hành ấy áp dụng vào thế giới mạng. Chắc chắn sẽ có sự khác nhau và thay đổi giữa hai thế giới. Chúng ta phải phân tích rành rẽ sự khác biệt, nhận xét hậu quả và tìm cách giải quyết. Có nghĩa là chính chúng ta phải tự giáo dục mình trước, tức hoà mình vào thế giới điện toán, thế giới ảo để tìm hiểu thêm. Nên khích lệ chúng học hỏi thêm những cái tốt của thế giới đó mang lại. Lọc ra cái xấu, ngăn ngừa các em thực hiện nó trước khi quá trễ.

image


Có những tiện ích mang đến nhiều thú vị cho đời sống chúng ta, nhưng các vui chơi tiện ích này sẽ trở nên nguy hiểm nếu các em lạm dụng và dùng sai chúng. Điển hình là thế giới các trò chơi ảo như video games. Hiện nay công nghệ điện toán ngày càng tiến bộ, sự thu hút của thế giới ảo càng tăng. Sức hấp dẫn của chúng dễ làm các em lầm lẫn giữa thực và ảo. Các em sẽ cảm thấy chán ngấy đời sống thực bên ngoài và tìm về thế giới ảo vừa đẹp vừa quyến rũ lại đầy tính năng động. Nơi ấy, các em thấy sự bất công giữa kẻ mạnh và yếu, quyền uy và bạo lực có thể giải quyết được bằng chính các vai trò các em đóng. Hơn thế nữa, các em còn có thể thực hiện được nhiều điều mà trong đời sống hiện thực các em không làm được vì mặc cảm thua kém nên các em càng chìm đắm hơn trong thế giới ảo. Đó cũng là lý do các em xa rời thực tế, tránh xa cha mẹ tức tránh xa quyền lực, không muốn gần và chấp nhận cha mẹ tức chấp nhận những sai bảo, răn dạy, bắt các em phải nghe theo.

image


Các phụ huynh cần hạn chế thời gian chơi game và giúp các em giao tiếp nhiều hơn với thế giới bên ngoài.

Kiểm soát những loại game của các em chơi, vì ngày càng có nhiều bạo lực lan tràn trong các game. Gần đây có nhiều cuộc tắm máu bởi các sát thủ mang súng xả vào các trường trung học, rạp hát, nơi công cộng, do các em coi quá nhiều phim ảnh, chơi quá nhiều game bạo lực mà ra.  Những nhà sản xuất vì mục đích thương mại bất chấp hậu quả làm ra những game đầy bạo lực mà nhiều cha mẹ không biết hay không nhận ra.

Chúng ta cần ngồi xuống trò chuyện với các em như  một người bạn. Với các em còn nhỏ cắt nghĩa cho các em về sự khác biệt giữa thế giới ảo và thế giới thực. Những nhân vật, vai trò trong đó chỉ do trí tưởng tượng của con người nghĩ ra. Có những hành động chỉ có thể thực hiện trong thế giới ảo mà không thể làm ở ngoài đời. Dặn dò các em không nên bắt chước những nhân vật xấu có hành động sai lầm hay bạo lực trong đó. 

Đừng dùng Ipad, Iphone hay máy điện toán làm vú em hay người giữ trẻ. Sự đa năng của Ipad đã khiến các em sử dụng hết giờ này qua giờ khác, không biết ngừng nghỉ.

image


Chúng ta nên dành thời giờ đưa trẻ ra ngoài, giúp trẻ tìm hiểu thế giới xung quanh để phát triển trí tưởng tượng vô hạn của trẻ. Cho các em gia nhập hướng đạo, đưa các em đi picnic, cắm trại, hiking, sinh hoạt ngoài trời. Dạy các em nhỏ những bài hát hay cho các em học nhạc. Bác sĩ Peter Whiteman, Chủ tịch hội CFRC đã nghiên cứu các đề án về nhạc và con trẻ, cho biết âm nhạc thắt chặt tình thân giữa cho mẹ và con cái.

Tập cho các em yêu muôn thú và thiên nhiên, khiến các em đỡ chán hay tẻ nhạt, trống vắng. 

Cùng nhau ăn bữa cơm gia đình. Dù thế nào cũng nên bắt trẻ ăn chung bữa cơm cùng gia đình, ít nhất là một buổi như buổi tối. Ra luật cấm dùng bất cứ sản phẩm điện tử nào trong giờ ăn, kể cả cha mẹ cũng vậy.

Với các em lớn hơn như Teenager, phần lớn các em lên mạng hay dùng Iphone để trò chuyện với bạn bè và gặp gỡ bạn mới. Theo cuộc nghiên cứu của HomeNet thì số giờ các em sử dụng Internet càng nhiều thì những yếu tố tâm lý và khả năng giao tế xã hội của các em càng giảm.

image


Phụ huynh cần kiểm soát thời gian các em vào mạng, kiểm soát các cuộc gặp gỡ bạn bè mới, dạy các em cách giao tiếp và kỹ năng sống hơn là giao phó các em cho nhà trường và máy điện toán. Nếu có thể, phụ huynh học chơi vài trò chơi video games lành mạnh và chơi chung với các em. Theo nhiều bậc cha mẹ ở Mỹ kể lại họ nhận ra mối tình thân giữa họ và con cái gẫn gũi và thắm thiết hơn khi họ làm như thế. Tuy nhiên cũng nên cẩn thận trong việc kiểm soát chính mình vì tôi từng chứng kiến có các phụ huynh sau một thời gian chơi trò chơi điện tử chính họ lại đam mê còn hơn các con và kết quả là gia đình đổ vỡ, ly tán, cha mẹ và con cái chia lìa. 

Chúng ta nên tuyệt đối khéo léo trong lúc khuyên bảo dạy dỗ các em tuổi Teen, tránh nói quá nhiều, tránh lập đi lập lại những “bài ca” giáo dục. Đừng hỏi các em liên tục những câu hỏi có tính soi mói, nên gián tiếp hỏi bằng phương pháp trò chuyện để phăng ra điều cần hỏi, bằng ngược lại các em sẽ trở nên một người điếc, hoặc nghe tai này qua tai khác.

Hơn thế nữa để gần các em hơn, cha mẹ phải cố gắng để hiểu cảm nghĩ của chúng, chúng ta không cần đồng ý hay không, chỉ cần tỏ cho chúng biết chúng ta lắng nghe và hiểu chúng nghĩ thế nào là đủ. Đi sâu hơn vào những gì các em thích, không nên bài bác tất cả những thứ các em thích mà mình không thích. Bàn bạc về các điều ấy, nếu có thể phân tích, vạch ra chỗ tốt, xấu, lợi, hại, hoặc sai lầm. Đôi khi trò chuyện với các em chỉ để tạo tình thân mà không phê phán hay chỉ trích.

image


Khi các em tìm đến với mình, chúng ta nên bỏ tất cả những việc đang làm, chú ý đến điều các em hỏi hay nói, tỏ cho chúng biết mình yêu chúng ngay cả những điều chúng nói rất quan trọng. Có những mâu thuẫn chúng ta biết vẫn không thể tránh, chỉ có cách đi sâu vào vấn đề, học cách giải quyết và kiên nhẫn ngăn ngừa các hậu quả tệ hại xảy ra mà thôi Cố gắng tránh dùng quyền lực, sự hoà giải tránh được những trận chiến. Khi hai bên có được sự thông cảm, giúp các em giải quyết vấn đề, dạy các em chọn giải pháp nào tốt nhất cho những vấn đề nan giải.

image


Những tiện ích do những sản phẩm kỹ thuật tân tiến ngày nay mang lại lợi lạc cho con người rất nhiều. Tuy nhiên, song song với các điều tốt, cái xấu đã hiện diện làm phương hại đến mối liên hệ gia đình không ít. Vai trò của các phụ huynh trong việc hướng dẫn và giáo dục con em mình đi đúng con đường là một trách nhiệm to lớn. Tôi mong rằng những ý kiến nhỏ nhoi trong bài viết này giúp ích được quý vị phụ huynh trong việc xây dựng chiếc cầu nối thân tình giữa con cái và cha mẹ. Giữ thăng bằng cho cuộc sống, tức giữ cho sợi dây tình cảm gia đình thắm thiết có phải là mục tiêu của một gia đình hạnh phúc không các bạn?


Trịnh Thanh Thủy

No comments:

Post a Comment

Note: Only a member of this blog may post a comment.