Wednesday, March 13, 2013

Shepard Lowman: Một ân nhân vừa qua đời.

image
SHEPARD C. LOWMAN (1926-2013)
Sinh ngày 21/9/1926, Shepard Lowman có một cuộc đời dài và tràn đầy ý nghĩa như một nhà ngoại giao, một nhà từ thiện và nhất là như một người bạn thiết thân của Việt-nam và cộng-đồng Việt-nam.
Sau khi tốt nghiệp Trường Luật Harvard ra, Shep (tên gọi thân thuộc giữa bạn bè và gia đình) đã đi vào ngành ngoại giao và, sau khi phục vụ ở một số nhiệm sở, đã được gởi đến Việt-nam vào năm 1966. Gần như tức khắc, Shep đã yêu Việt-nam và dân-tộc VN. Tết Mậu-thân Shep đang làm việc ở Châu-đốc, nơi mà ông đã gặp bà Hiệp, vợ ông.

image

Năm 1974 Shep lại có dịp trở sang Việt-nam và thời gian này ông phục vụ trong ban chính trị của Tòa Đại sứ Mỹ ở Sài-gòn. Với chức vụ này, ông được giao trọng trách lo đưa cả ngàn thân nhân gia đình Mỹ và những quan chức VN có thể gặp nạn nếu CS vào–trong những ngày hỗn độn vào cuối tháng Tư năm 1975. Đa phần những người này sau đó đã đi định cư ở Hoa-kỳ.

image
Lúc đầu, Mỹ chỉ có ý định đón nhận 37.000 người Việt mà thôi. Sau, Tổng thống Gerald Ford đã quyết định nâng con số đó lên 137.000 và chỉ định bà Julia Vadala Taft cai quản luôn chiến dịch đưa những người này vào nước Mỹ. Thật may mắn là bà Taft đã được sự phụ giúp của ba người được thiên hạ gọi đùa là “ba anh cao-bồi Saigon” ở Bộ Ngoại giao: Shep Lowman, Lionel Rosenblatt và Hank Cushing. Ba anh vật lộn với hệ thống quan liêu ở Washington để có được đủ ngân sách lo cho bốn trại tỵ nạn đầu tiên trên lục địa Hoa-kỳ (Pendleton ở California, Ft. Chaffee ở Arkansas, Indiantown Gap ở Pennsylvania, và căn cứ không quân Eglin ở Florida) cũng như lo chi trả cho các cơ quan thiện nguyện (gọi tắt là Volags, voluntary agencies) làm trung gian trong việc tái định cư người tỵ nạn mà lúc bấy giờ còn gọi là “thành phần tạm dung.”

image
Tháng 3/1978 nhà cầm quyền CS ở VN quyết định “đánh tư sản” nên chỉ trong một ngày họ niêm phong và tịch thu gần 35 nghìn doanh nghiệp lớn nhỏ trên khắp nước, dưới vĩ tuyến thứ 17. Chỉ trong chớp mắt toàn bộ lớp người ưu tú trong kinh tế miền Nam bị loại ra vòng chơi. Chuyện này đã dẫn đến một vụ ra đi không tiền khoáng hậu bằng đường biển được biết như phong trào “thuyền nhân” (về sau còn có thêm cả “bộ nhân”). Chả mấy lúc phong trào này đã trở thành một cuộc khủng hoảng tỵ nạn đòi hỏi cả thế giới phải chú ý và chăm sóc. Một hội nghị quốc tế được nhóm họp ở Geneva (tháng 6/1979) để san sẻ gánh nặng này giữa các nước, lo cho hàng trăm nghìn người rời bỏ VN mỗi năm.

image
Trong vòng 10 năm sau đó, khoảng một triệu rưởi người “thuyền nhân” đã được nhận và tái định cư ở Mỹ, Canada, Tây Âu và Úc châu. Người ta cũng tính ra là có khoảng 400.000 người bị chết chìm dưới lòng biển cả. Một số biện pháp đã được nghĩ ra để giúp những ai cần ra đi được đón nhận an toàn hơn như: chương trình ra đi trật tự (ODP), chương trình đón cựu tù nhân chính trị (thường được gọi là “H.O”), rồi chương trình đón nhận con lai (Amerasian Homecoming Act). Nhưng đến tháng 6/1989 thì một hội nghị thứ hai phải nhóm họp, cũng ở Geneva, để chấm dứt phong trào “thuyền nhân” bằng cách cho phép các nước cưỡng bách hồi hương người tỵ nạn VN từ các trại Hồng Kông và Đông Nam Á.

Việc tái định cư người tỵ nạn, theo lời ông Lacy Wright, “đâu phải là một việc oai hay hách gì đâu nhưng chính Shep lại tìm thấy lẽ sống của mình trong công việc này.” Đến năm 1981 thì Shep đã lên tới chức Phó trợ lý Bộ trưởng Ngoại giao đặc trách các chương trình tỵ nạn và trong tư cách này ông “không chỉ lo việc tái định cư người tỵ nạn VN ở Mỹ, ông còn phải lo những khủng hoảng về tỵ nạn ở những nơi khác như số người Miên đổ ào ạt sang Thái, trên 300.000 người sang trại Khao-i-Dang và một số trại lớn khác. Người Hmong ở Lào sang cũng là một mối lo lớn khi họ chạy sang miền bắc Thái-lan và cần sự giúp đỡ của chúng ta. Trong tất cả thời gian này, Shep trở thành tiếng nói chính kêu gọi sự đón nhận người tỵ nạn VN sang các đệ tam quốc gia, chủ yếu là vào Mỹ. Shep giúp thay đổi các chính sách trong chương trình tỵ nạn của Mỹ để cho hợp thời hơn và làm việc không mệt mỏi nhằm đưa những người đã từng là đồng minh của Mỹ trong một cuộc chiến bạo tàn tìm được nơi trú ẩn ở Mỹ–ngay cả nhiều năm sau khi ‘từ thiện mệt mỏi’ đã làm cho nhiều người tự hỏi không hiểu có nên ủng hộ anh không.”

image
Trong mọi vai trò ở Bộ Ngoại giao Mỹ, Shep đã có dịp làm việc với nhiều tổ chức của người Mỹ gốc Việt để cho họ có thể tham gia giúp đỡ chính đồng bào của họ, trong đó phải kể Ủy Ban Báo Nguy Giúp Người Vượt Biển (khi Ủy Ban này đóng cửa vào năm 1990 thì Ủy Ban Cứu Người Vượt Biển BPSOS ở Virginia đã thay thế), Hội Gia Đình Tù Nhân Việt Nam (của bà Khúc Minh Thơ), Ủy Ban Liên Tôn về Tỵ Nạn và Nhân Quyền, Project Ngọc, và sau khi người tỵ nạn VN bị cưỡng bách hồi hương từ các trại Hồng Kông và Đông Nam Á, phải kể các chương trình LAVAS (Trợ Giúp Pháp Lý cho Người Tỵ Nạn VN), ROVR (Cơ Hội Tái Định Cư cho Người Hồi Hương), v.v.

Một nguyên tắc làm việc của Shep Lowman là ông tìm cách động viên người đi trước giúp người đi sau. Nói chuyện ở Đại Hội Thể Thao Bắc Mỹ vào mùa Hè 1987 ở Đại Học Maryland, ông nói: “Trong khi các bạn đang vui chơi và tranh tài, xin hãy nhớ là có hàng ngàn thanh niên thanh nữ ở trong các trại tỵ nạn cũng đang mơ tới ngày được tranh tài và vui chơi như các bạn.” Bài nói chuyện này sau đó đã được hưởng ứng bởi nhiều thanh niên sinh viên đi về từ Đại Hội để ra tay giúp đồng bào trong các trại.

image
Riêng ở vùng Washington DC, Shep đã giúp Công Đồng Giáo Hội Phật Giáo VN lấy một giao kèo với ACNS (Hội Đồng Hoa Kỳ về các Dịch vụ cho người thiểu số) để thành lập BSS (tổ chức Phật giáo Phụng sự Xã hội), cơ quan đã giúp tái định cư 3.000 người tỵ nạn Đông Dương trong vùng Maryland-DC-Virginia.

Khi Shep về hưu ở Bộ Ngoại giao, ông vẫn tiếp tục giúp người tỵ nạn. Giữ một số chức vụ ở U.S. Conference of Catholic Bishops, Jesuit Refugee Service, và Refugees International, ông tiếp tục kêu gọi tiếp nhận người tỵ nạn Đông Dương. Ông thỉnh thoảng còn đụng chạm với những người kế tiếp chức vụ của ông ở Bộ Ngoại giao. Họ bắt buộc phải tiếp ông vì không thể từ chối gặp ông được nhưng họ cũng rất sợ gặp ông vì họ biết lập trường của ông và cũng biết là ông hiểu vấn đề hơn họ nhiều.

Ngày nay, có không biết bao nhiêu người gốc Việt, Miên, Lào đón tiếp được gia đình đoàn tụ là nhờ Shep. Sự thành công của họ chính là bia công đức của ông.
“Shep không phải là người thích hô hào suông,” ông Lacy Wright kết luận, “anh là một người khiêm tốn không thích khoe khoang. Anh cũng biết cười nhưng chính là cười anh. Bạn bè sẽ nhớ anh mãi với nét trung thành vô biên với gia đình, tính nghiêm chỉnh, và lòng chính trực không bao giờ thay đổi. Anh ra đi để lại một nỗi buồn cho mọi người.”

image
Bắt đầu từ 1991-92, Shep đã ở trong ban Quản trị tổ chức Vietnam Aid to the Handicapped (VNAH), do anh Trần Văn Ca làm Chủ-tịch. Shep do đó đã đi giám sát việc trao xe lăn cho hàng ngàn thương binh người Việt ở khắp hai miền Nam Bắc, ông cũng đã giúp nhà cầm quyền VN thảo ra luật và xây dựng những lối đi cho người dùng xe lăn.

Trong cộng đồng VN, Shep sẽ được nhớ như một người rộng lòng từ bi–săn sóc cho cả những em như Tuấn Võ, một em bị bệnh hoại huyết ở Mỹ, và cùng với bà Hiệp đỡ đầu cho 60 em nhỏ bị bệnh HIV ở VN. Với những ai đã biết Shep thì thế nào cũng sẽ nhớ anh, nhớ tình thân ái và tấm lòng lúc nào cũng chăm lo cho mọi người chung quanh.

image
Ông Shepard Lowman vừa qua đời hôm nay, thứ Bảy 2/3/2013, ở tuổi 86. Ông để lại người vợ thân thương, bà Hiệp Lowman, bốn người con trai (Thomas Trịnh, Nguyễn Phúc Định , John Trịnh, Mark Nguyễn) bốn người con gái (Kate, Mary, Lina và Lisa) và mười chín cháu và hai chắt .


GS Nguyễn Ngọc Bích


Chú Shep Lowman

image
Không hiểu sao ngày càng lớn tôi càng thích tìm đến những người già. Ðặc biệt là những ông già cá tính, đã từng ngang dọc đó đây. Nhớ lúc tôi còn học đại học ở Melbourne, một trong những ông già mà tôi thích nhất là ông Wills. Mà tôi và các bạn ông vẫn thường chỉ gọi vắn tắt là vậy. Mặc dù ông là một bác sĩ chuyên khoa nổi tiếng ở Úc. Và ông hơn tôi những gần 70 tuổi.
Cứ mỗi tuần, mỗi chiều Thứ Tư, là tôi lại xách vợt đi đánh tennis cặp với ông. Ðể đấu với một cặp cũng đâu hơn tôi năm, ba chục tuổi. Ðể chúng tôi cùng nghe ông kể chuyện tiếu lâm trong những lúc nghỉ xả hơi về quãng đường dài mà ông đã đi qua. Từ Ireland nơi ông sinh ra và lớn lên, sang Châu Âu khi cả một vùng trời vẫn còn đắm chìm trong biển lửa của Ðệ Nhị Thế Chiến. Và từ Châu Âu ông đã tiếp tục dấn thân sang Phi Châu vào cuối thập niên 1940 khi cả lãnh thổ ấy chưa có được một trường y khoa đúng nghĩa.
Ông là người sáng lập trường y khoa đầu tiên ở Phi Châu. Và ông cũng là người đầu tiên cho tôi thấy những cầu vồng muôn màu trong cuộc sống, ở những vùng đất xa xôi, ở những con người luôn đi tiên phong trong công việc giúp dân, khai trí. Ðể nhận thức được rằng, cuối cùng, khi chúng ta chùn chân, mỏi mệt, sẽ không có gì hạnh phúc bằng được sống lại một lần nữa với những kỷ niệm tràn đầy tình nghĩa, giữa người và người.
Lần đầu tiên tôi gặp Shep Lowman ở Geneva, Switzerland vào Mùa Thu năm 2002, ông đã làm cho tôi nhớ lại ông bạn già tên Wills của tôi nay đã mất. Cũng cái dáng gầy gầy đó, hai gò má cao, tóc bạc, cùng với sự hóm hỉnh trong từng lời nói, mỗi cử chỉ mà tôi chỉ thấy có ở những ông già đã hơn một lần lưu lạc khắp bốn phương trời, đã từng thấy và sống hết mình ở những nơi mà họ đã đi qua.
Có khác chăng là Wills sinh ra và lớn lên bên Châu Âu. Còn Shep là người Mỹ chính cống.
Ông cũng là một trong những nhân viên cuối cùng của Tòa Ðại Sứ Mỹ rời khỏi Sài Gòn vào sáng ngày 30 tháng 4 năm 1975. Khi ông biết rằng không còn cách nào khác để giúp những người bị kẹt lại. Chính ông là người đã tự tay lên list cho hàng trăm, hàng ngàn người di tản bằng máy bay, trực thăng trong những ngày cuối cùng và cũng chính ông sau này đã tiếp tục tranh đấu trong nhiều cương vị khác nhau kể cả chức vụ phó thứ trưởng Bộ Ngoại Giao để nước Mỹ nhận gần 1 triệu người Việt tỵ nạn qua các chương trình định cư nhân đạo, con lai Mỹ, HO, ROVR.
Sau này ông cũng là một trong những người hết mình ủng hộ giải pháp mà chúng tôi đưa ra. Ðó là nước Mỹ nên nhận tất cả những thuyền nhân Việt Nam cuối cùng còn kẹt tại Philippines. Bằng cách đưa ra những tiêu chuẩn dễ nhất có thể.
Cũng nhờ vậy mà qua chương trình nhân đạo này, đã có gần 1,600 người Việt tỵ nạn được cho đi định cư ở Mỹ chỉ trong vòng 2 năm, 2005-2006. Mặc dù họ đã bị rớt thanh lọc ở Philippines. Mặc dù họ không được Cao Ủy Tỵ Nạn Liên Hiệp Quốc công nhận. Và không còn một ai ngó ngàng đến họ.
Ngoại trừ những người có tâm, có lòng, có kiến thức, và có khả năng như Shep. Ở ngay thủ đô Washington nơi tất cả mọi chính sách lớn, nhỏ của Mỹ được đưa ra.
Nhìn lại quãng đường tranh đấu của 10 năm về trước, thật lòng mà nói tôi không thể tưởng tượng được là cũng nhờ nó mà tôi đã có dịp gặp được những con người quá ư là tuyệt vời như Shep. Nếu như trước đây, sau khi học xong ở Anh vào Mùa Thu năm 2002 tôi không quyết định sang Geneva để bắt đầu tranh đấu cho điều mình vẫn một mực tin tưởng, thì tôi đã không có dịp gặp được những nhà hoạt động nổi tiếng như Shep.
Và nếu như tôi không gặp được Shep thì chưa chắc gì tôi đã được ông giới thiệu để gặp những nhà hoạt động nổi tiếng, tài giỏi khác ở Washington D.C. Ðể từ đó chúng tôi đã cùng nhau lên tiếng và sau đó là thương thảo với cả ba nơi khác nhau: Văn phòng của các dân biểu, thượng nghị sĩ nơi đề nghị thay đổi chính sách, Bộ Ngoại Giao nơi đưa ra chính sách và Bộ An Ninh Quốc Gia nơi thực thi chính sách.
Ðể cuối cùng một chính sách mới của nước Mỹ dành cho thuyền nhân Việt Nam đã được cho ra đời vào ngày 29 tháng 4 năm 2004. Chỉ sau gần 2 năm tranh đấu.
Hôm tôi ghé thăm Shep và cô Hiệp là vợ của ông tại tư gia của hai người ở Virginia trước khi ra phi trường, chúng tôi đã tay bắt mặt mừng hỏi thăm nhau vì cũng lâu rồi tôi mới có dịp trở lại. Khác với cách đây 3 năm về trước khi tôi vẫn còn nhiều công việc ở Washington D.C. nên thỉnh thoảng vẫn được cô kêu qua cho ăn ba món canh chua, cá kho tộ và rau muống luộc mà tôi đi đâu cũng thèm.
Cô nấu ăn ngon tuyệt vời và được ngồi ăn cùng với cô chú, để nghe Shep kể lại chuyện tình của hai người, ông ‘cua’ cô ra sao lúc mới đến Việt Nam lần đầu tiên vào năm 1966, hai người đã cùng nhau chia sẻ những khó khăn như thế nào, đương đầu với những biến đổi to lớn sau năm 1975 ra sao, đối với tôi đó là một diễm phúc ngọt ngào mà có bao nhiêu tiền cũng không thể nào mua được.
Chỉ tiếc rằng trong hoàn cảnh hiện tại, vì công việc bề bộn, vì những chuyện riêng tư, chúng tôi đã không còn gặp thường xuyên như trước đây.
Mà thời gian thì có chờ ai đâu. Năm nay Shep đã 86 tuổi. Cái tuổi từng ngày một làm cho người ta chậm lại, tai không còn nghe rõ, trí kém đi.
Nhưng có một điều mà Shep - đáng tuổi ông tôi thế vậy mà vẫn buộc tôi chỉ được gọi thân mật là Shep - vẫn đang biết rõ, rất rõ khi tôi hỏi điều gì sẽ làm cho ông vui nhất trong những năm tháng cuối đời.
Nháy đôi mắt vẫn còn tinh anh, Shep cười nhẹ, bảo: “I want to go back to Vietnam. And to die there if I can.”
Rõ là cuộc sống này muôn màu, phải không bạn?



Trịnh Hội (VOA)

image




No comments:

Post a Comment

Note: Only a member of this blog may post a comment.