Tuần này, dư luận Việt Nam nghiêng ngả trước sự kiện Công ty Xăng dầu Idemitsu Q8 (IQ8) khai trương cây xăng đầu tiên ở Việt Nam.
IQ8 là một liên doanh giữa Kuwait International Petroleum của Kuwait và Idemitsu Kosan của Nhật. Do góp vốn đầu tư vào Dự án Lọc hóa dầu Nghi Sơn ở Thanh Hóa, IQ8 trở thành doanh nghiệp ngoại quốc đầu tiên được phép tổ chức bán lẻ xăng dầu tại Việt Nam như một phương thức nhằm hỗ trợ hoạt động của Nhà máy Lọc hóa dầu Nghi Sơn.
Theo IQ8 thì sau cây xăng đầu tiên tọa lạc tại Khu Công nghiệp Bắc Thăng Long ở Hà Nội, IQ8 sẽ phát triển hệ thống trạm bán lẻ xăng dầu của liên doanh này trên toàn Việt Nam.
Thông tin IQ8 cam kết bơm đủ xăng (sai biệt 0,01 lít), cấp hóa đơn cho người mua, nhận thanh toán bằng thẻ ATM, huấn luyện nhân viên để bảo đảm hoạt động bán lẻ xăng dầu đúng tiêu chuẩn của Nhật về dịch vụ, kèm hình ảnh ông Hiroaki Honjo – Tổng Giám đốc IQ8 – cầm dù, đứng dưới trời mưa, cúi gập người chào khách… không chỉ tạo ra sự phấn khích nơi công chúng mà còn chủ đề để hệ thống truyền thông tham gia luận bàn.
***
Ngoài việc chia sẻ những thông tin vừa kể, hàng chục ngàn người sử dụng Internet tại Việt Nam bày tỏ hy vọng giống như Minh Tran, mong sớm thấy cây xăng của IQ8 ở nơi họ cư trú. Minh gọi IQ8 là “bạn”, anh nhấn mạnh không hy vọng giá xăng dầu của “bạn” rẻ hơn vì “bạn” có muốn cũng… không được, song “sự tử tế và trung thực trong kinh doanh” của “bạn” sẽ làm cho những doanh nghiệp đang bán lẻ xăng dầu tại Việt Nam “phải tự nhìn lại mình”.
Tomado Le thì khẳng định, chừng nào cây xăng của IQ8 hiện diện ở Sài Gòn anh sẽ đổ xăng tại đó dù có phải sắp hàng chờ cả tiếng để “các quan nhà ta bớt than lỗ”. Tuy giá xăng ở Việt Nam đã cao ngất nhưng năm nào dân chúng cũng phải nghe các quan than “lỗ” rồi phải móc thêm tiền trả cho xăng. Tomado Le mong mau tới ngày doanh nghiệp ngoại quốc được cung cấp cả điện lẫn nước cho “dân nhờ”.
Giống như hàng trăm video clip cùng loại, video clip mà Trần Nhật Quang ghi lại cảnh nhân viên cây xăng thuộc IQ8 lau chùi sạch sẽ các tấm kính chắn gió, kính chiếu hậu của một chiếc xe hơi trước khi bơm xăng kèm nhận định: Mô hình cây xăng này sẽ phát triển nhanh chóng và được mọi người ủng hộ. Nếu không thay đổi thái độ phục vụ, không bơm đúng – bơm đủ thì Petrolimex, Mipec, PVO,… chuẩn bị đặt in decal để dán khắp nơi kêu cứu nhé ! – có hàng ngàn “like”
Có facebooker thực hiện ngay một thử nghiệm nhỏ làm nhiều người thích thú: Đem chai đến hai cây xăng, một của Petrolimex, một của IQ8 mua xăng. Tuy giá bán xăng ở hai nơi bằng nhau và khoản tiền trả cho mỗi nơi như nhau (25.000 đồng) nhưng lượng xăng mua từ cây xăng của Petrolimex ít hơn hẳn so với lượng xăng mua từ cây xăng của IQ8. Sáu tấm ảnh mà facebooker có nickname gọn lỏn là Tuyền – thành viên của nhóm Otofun - đưa lên facebook minh họa cho thử nghiệm này đã được một số tờ báo khai thác lại ngay lập tức.
Một sự trùng hợp thú vị mà cả người sử dụng Internet lẫn hệ thống truyền thông tại Việt Nam cùng lưu ý là vào thời điểm IQ8 khai trương cây xăng đầu tiên, hệ thống cây xăng của Petrolimex đồng loạt căng banner nhắc nhở ““Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”. Sự trùng hợp ấy dẫn tới thắc mắc, phải chăng Petrolimex cũng muốn “bóp” IQ8 như các hãng taxi đã tìm đủ cách “bóp” Grab và Uber – những dịch vụ vận chuyển công cộng có giá rẻ hơn, phục vụ chu đáo hơn đang làm các hãng taxi điêu đứng. Tuy ông Trần Ngọc Năm, Phó Tổng Giám đốc Petrolimex khẳng định, việc treo banner nhắc nhở “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” chỉ nhằm hưởng ứng một chương trình do Bộ Công Thương Việt Nam phát động, không liên quan tới chuyện IQ8 chính thức trở thành đối thủ cạnh tranh nhưng ít ai tin lời ông Năm.
Đối với cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” của các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu, Ngo Luc cho rằng nếu vì Việt Nam, “các ông” đã không tăng lên, hạ xuống tùy thích như vậy. Theo Ngo Luc thì “độc quyền” của “tụi tư bổn” là tạo ra “cái tốt độc nhất vô nhị” và đó là lý do “người ta theo chúng”. Còn các ông thì “độc quyền” ép buộc, thao túng thị trường, vô trách nhiệm, không sòng phẳng. Càng độc quyền càng giàu, càng trở nên ghê gớm, ngồi trên pháp luật. Ngo Luc đòi: Hãy cho chúng tôi lý do để chúng tôi ủng hộ…
Tương tự, tờ Tuổi Trẻ giới thiệu bình luận “Người Nhật đã vào bán xăng, đừng cạnh tranh bằng khẩu hiệu!”. Bài bình luận nhắc lại điều mà ai cũng biết và ai cũng cảm thấy phiền, đó là dù tại Việt Nam có tới 29 doanh nghiệp đầu mối nhập cảng, kinh doanh xăng dầu và 120 thương nhân phân phối xăng dầu với hơn 14.000 cây xăng nhưng trên thị trường, giá xăng gần như đồng nhất, không có sự cạnh tranh về giá và về chất lượng dịch vụ.
Tuổi Trẻ cho rằng, sự quan tâm và thiện cảm mà công chúng dành cho IQ8 không chỉ là giá mà còn nằm ở nhiều tiêu chí khác: Phục vụ ân cần, cam kết rõ ràng về đong đo - điều mà xưa nay khách hàng tìm kiếm ở các cây xăng của doanh nghiệp Việt Nam nhưng chưa thấy. Tuổi Trẻ cảnh báo, sẽ không còn kiểu hưởng ứng phong trào vì Việt Nam mà “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” như ngày xưa. Giờ, người tiêu dùng cần “sự tử tế trong kinh doanh chứ không phải là khẩu hiệu”.
Một số doanh nhân đang điều hành những doanh nghiệp nhập cảng – kinh doanh xăng dầu phân trần, sở dĩ cả giá lẫn dịch vụ trong lĩnh vực xăng dầu “có cạnh tranh mà như không” vì “nhà nước can thiệp quá sâu” (giá bán lẻ xăng dầu chỉ được phép dao động trong khung, lợi nhuận cũng phải theo định mức – 300 đồng/lít và nhà nước dựa vào đó thu phí cho “Quỹ bình ổn giá xăng dầu”. Họ hy vọng nhà nước – vài năm vừa qua đang ráo riết vận động cộng đồng quốc tế công nhận Việt Nam là một quốc gia có nền “kinh tế thị trường” hoàn chỉnh - để thị trường xăng dầu tự định đoạt giá cả, loại bỏ khung giá, loại bỏ định mức về lợi nhuận và tất nhiên loại bỏ cả cái gọi là “Quỹ bình ổn giá xăng dầu”…
Tuy nhiên những đề nghị như vừa kể sẽ rất khó được chấp nhận, một phần vì nguồn thu và lợi nhuận từ “Quỹ bình ổn giá xăng dầu” quá lớn (theo thông báo của Bộ Tài chính Việt Nam, tính đến hết năm ngoái, gộp cả số dư lẫn lợi nhuận, “Quỹ bình ổn giá xăng dầu” góp cho ngân sách tới 2390 tỉ đồng, phần khác vì vẫn còn những doanh nhân như ông Phan Thế Ruệ, Chủ tịch Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam, cảnh báo, “xăng dầu là mặt hàng chiến lược, động chạm đến tất cả mọi người, vì thế nhà nước phải giữ thị trường thông qua các cơ chế, hàng rào kỹ thuật, không thể mở toang cánh cửa thị trường xăng dầu” vì “nếu để các doanh nghiệp ngoại quốc nắm giữ và chi phối thị trường xăng dầu, trong tương lai sẽ xảy ra khả năng nhà nước mất quyền kiểm soát thị trường”.
***
Hành xử tử tế, kinh doanh trung thực, tôn trọng lợi ích chung vì trong đó có cả lợi ích của mình, giữ gìn tinh thần dân tộc vốn đâu có xa lạ với tâm thức của người Việt, vậy thì vì lẽ gì mà chuyện IQ8 khai khai trương cây xăng đầu tiên ở Việt Nam khiến dư luận nghiêng ngả tới mức có facebooker như Nguyen Son nhận định là sự chú ý của công chúng dành cho sự kiện này vượt cả kết quả Hội nghị lần thứ 6 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng CSVN khóa 12 lẫn thiên tai?
Vì lẽ gì mà Trần Chí Hiếu buột miệng chửi thề trên facebook kèm thắc mắc, tại sao bây giờ, trong xã hội này, chỉ cần “nghiêm chỉnh” là “đã được tôn vinh và coi như anh hùng, chẳng hạn không nhận tiền hối lộ là cảnh sát giao thông sẽ được tôn vinh, bán xăng đúng chuẩn sẽ trở thành hiện tượng? Hiếu nói thêm, lúc này, chỉ cần “nghiêm chỉnh” là sống được nhưng khẳng định “Khó lắm! Tôi đố!”
Tại sao xã hội Việt Nam lại trở thành kỳ quái như vậy? Bạn có thể trả lời không?
Trân Văn
No comments:
Post a Comment
Note: Only a member of this blog may post a comment.