Việc cuối cùng bạn làm trước khi chìm vào giấc ngủ đêm qua là gì? Có thể là bạn đã đọc email, lướt web, kiểm tra thông báo từ mạng xã hội?
Không chỉ có mình bạn như vậy. Một nghiên cứu từ Tổ chức Sleep Foundation ước tính khoảng 48% người Mỹ trưởng thành sử dụng máy tính bảng hay laptop trên giường và các nghiên cứu khác cũng cho thấy điều này còn phổ biến hơn với người trẻ.
Việc đi ngủ cùng với các thiết bị điện tử ảnh hưởng xấu tới giấc ngủ của bạn, khiến bạn đi vào giấc ngủ muộn hơn và làm bạn thức giấc thường xuyên nhiều hơn ban đêm.
Nhiều nghiên cứu còn cho rằng việc sử dụng công nghệ vào ban đêm ảnh hưởng tới khả năng ứng phó với stress, và sức khỏe tinh thần.
Thiếu ngủ sẽ khiến bạn mất hiệu suất trong công việc và ảnh hưởng tới sức khỏe về dài hạn. Rất ít người có khả năng kháng cự điều này.
Vậy tại sao chúng ta lại vẫn cứ sử dụng các thiết bị điện tử trước khi đi ngủ?
Giấc ngủ bị gián đoạn
Không như việc đọc hay xem TV, các thiết bị điện tử có khả năng tương tác. Sự kết nối với thế giới bên ngoài xâm nhập vào phòng ngủ của bạn - nơi mà trước đây được coi là chốn riêng tư để nghỉ ngơi.
"Những thiết bị này làm trì hoãn việc ngủ," Matthew Walker, giáo sư thần kinh và tâm lý học ở Đại học California, Berkeley nói.
Các chuyên gia cho rằng chúng ta cần khoảng 1 tiếng rưỡi chuẩn bị trước khi đi vào giấc ngủ để tâm trí được làm mới sau một ngày căng thẳng. Những việc như đọc sách, uống nước nóng hay đếm cừu cũng góp phần làm tâm trí thư giãn.
Nhưng Walker cho biết khi nhấc điện thoại, chúng ta đã kéo dài quy trình chuẩn bị đó và mang sự lo lắng, căng thẳng vào giấc ngủ.
"Chúng ta có thể thấy buồn ngủ hoàn toàn nếu các thiết bị điện và điện thoại của chúng ta được tắt," ông nói. "Nhưng khi chúng ta nhấc điện thoại, giấc ngủ đã bị trì hoãn."
"Gửi tin nhắn, đăng tin trên Facebook hay kiểm tra email có nghĩa bạn đang đợi phản hồi và khiến hệ thống cảm xúc lo lắng hoạt động. Và khi bạn để nó cạnh giường, những tiếng ping, ding…có thể đánh thức bạn bất cứ lúc nào."
Có một sự khác biệt rất rõ ràng giữa việc thức khuya đọc sách hay xem TV với việc sử dụng điện thoại thông minh và laptop. Cách thức chúng ta tương tác với các thiết bị điện tử lấy của chúng ta nhiều thời gian vốn dành cho giấc ngủ hơn, theo các nhà nghiên cứu.
Ví dụ, ánh sáng xanh phát ra bởi màn hình các thiết bị điện tử có thể thay đổi quá trình sinh ra hormone melatonin - giúp điều khiển giấc ngủ, từ đó tác động đến đồng hồ sinh học.
Không thể từ bỏ
Ben Carter, một nhà nghiên cứu sinh học tại Khoa Thần kinh học ở trường đại học King's College London, đã dành nhiều năm nghiên cứu tác động của công nghệ tới giấc ngủ. Ông đã khám phá ra mối liên hệ chặt chẽ giữa chứng mất ngủ với việc sử dụng các thiết bị điện tử trong phòng ngủ.
Ông cho rằng chúng ta đi ngủ cùng với công nghệ và cho phép chúng kiểm soát chúng ta. "Sẽ không nghi ngờ gì khi điều này có ảnh hưởng lâu dài tới chất lượng giấc ngủ."
Ông so sánh điều này với thói quen hút thuốc.
"Nếu nó là thứ bạn làm cuối cùng trước khi đi ngủ và đầu tiên vào buổi sáng, có thể bạn đã bị nghiện," ông nói.
Theo ông, có khả năng truy cập vào thông tin và kết nối với những người xung quanh xâm nhập vào trạng thái thèm khát kiến thức, vùng não xã hội và ảnh hưởng thậm chí cả tới những người ý thức được về điều này.
"Tôi đã nói chuyện với một giáo sư, người thức giấc lúc đêm để cập nhật thông tin đăng trên báo chí Mỹ trên điện thoại," ông Cater nói. "tôi biết tôi không nên làm vậy, tôi không muốn làm vậy, nhưng rất khó để cưỡng lại."
Các chuyên gia giấc ngủ tin rằng giống như việc từ bỏ thuốc lá, chúng ta phải học cách cai các thiết bị điện tử để thấy thoải mái khi không mang chúng vào phòng ngủ.
Tổ chức Sleep Foundation ở Mỹ phát hiện ra cứ 5 người có 1 người bị đánh thức bởi thiết bị điện tử vào ban đêm. Và một nửa trong số những người này tiếp tục sử dụng nó.
Carter thực hiện rà soát lại 20 nghiên cứu về ảnh hưởng của công nghệ tới giấc ngủ ở trẻ em và phát hiện ra rằng, kể cả những người không sử dụng điện thoại trước khi đi ngủ nhưng để chúng trong phòng ngủ ngủ không sâu bằng những người để chúng trong phòng khác.
"Chỉ sự hiện diện của các thiết bị điện tử cũng đã ảnh hưởng tới giấc ngủ," ông Carter nói. "Những đứa trẻ này một cách ý thức, vẫn kết nối với các thiết bị điện tử."
"Chỉ việc có thiết bị có khả năng gây ức chế trong phòng ngủ cũng có thể thay đổi chất lượng giấc ngủ," ông Walker nói. Lo lắng về những gì sẽ xảy ra vào ngày mai như buổi thuyết trình, được cho là, không chỉ khiến mọi người thức giấc vào ban đêm mà còn giảm thời gian dành cho giấc ngủ sâu.
Không hiệu quả và gây nghiện
Trung tâm Kiểm soát và phòng bệnh Hoa Kỳ cho biết 35% người Mỹ trưởng thành không ngủ đủ giấc, tăng 29% so với 10 năm về trước.
Cụ thể, trung tâm hiện ước tính 70 triệu người Mỹ trưởng thành ngủ dưới 6 tiếng mỗi đêm.
Điều này gây ra hậu quả thiếu tập trung và ghi nhớ trong công việc. Thiếu ngủ cũng là một trong những nhân tố làm tăng rủi ro tai nạn ô tô và tai nạn ở công trường.
Ngoài ra, thiếu ngủ còn dẫn đến nhiều vấn đề về sức khỏe như bệnh về tim, béo phí và trầm cảm.
"Đây có lẽ là vấn đề lớn nhất chưa được giải quyết thuộc lĩnh vực sức khỏe công cộng ở thời đại chúng ta," Colin Espie, giáo sư về giấc ngủ ở Đại học Oxford, nói. "Giấc ngủ rất quan trọng giúp duy trì trạng thái khỏe mạnh của của ta."
Thật ngạc nghiên, Walker nói, công nghệ lại có vai trò quyết định tới giấc ngủ ban đêm của chúng ta. Hiện trên thị trường, có rất nhiều loại thiết bị giúp điều khiển và hỗ trợ giấc ngủ. Và ông hi vọng rằng, việc sử dụng công nghệ máy học (machine learning) sẽ tạo ra cách can thiệp mới tới việc thiếu ngủ của ai đó.
"Hoàn toàn có thể sản xuất ra một đơn thuốc cho mỗi người để cải thiện giấc ngủ," ông nói. "Nếu nhìn vào lịch ngày tiếp theo của mình mà thấy có một cuộc gọi vào sáng sớm thì bạn hãy chuẩn bị sẵn sàng đi ngủ từ bây giờ để có thể có một giấc ngủ đầy đủ."
Tương tự, ông gợi ý rằng, thuật toán cũng dần giúp điều chỉnh được thời gian đi ngủ cho nhiều tuần, giúp chúng ta chuẩn bị tốt cho những chuyến đi ra nước ngoài.
"Không nghi ngờ gì rằng giấc ngủ của chúng ta đã bị làm phiền bởi các thiết bị điện tử," ông nói. "Nhưng tôi nghĩ rằng, công nghệ cũng có thể là lời giải cho vấn đề giấc ngủ của chúng ta."
Richard Gray
No comments:
Post a Comment
Note: Only a member of this blog may post a comment.