Hai ngày sau khi hành trình đi tới Mặt Trăng bắt đầu, thảm họa giáng xuống tàu không gian Apollo 13. Một bộ phim đã tìm hiểu về câu chuyện đầy kịch tính này, và nhà du hành vũ trụ Jim Lovell nhớ lại những nỗ lực phi thường nhằm đưa phi hành đoàn trở về.
Ngày 14/4/1970, phi hành đoàn trên chiếc phi thuyền Apollo 13, gồm Jim Lovell, Jack Swigert và Fred Haise, đang trong ngày thứ hai của hành trình tới Mặt Trăng. Mọi thứ có vẻ suôn sẻ.
Vào đầu ngày, tại trạm kiểm soát đặt ở Houston, chuyên viên giữ liên lạc với khoang phi hành (capsule communicator - Capcom) là Joe Kerwin báo rằng phi thuyền "hoàn toàn ổn", và nói đùa với phi hành đoàn rằng "chúng tôi buồn muốn khóc ở đây."
Thật ra, lần thứ ba đáp xuống Mặt Trăng của Nasa đã hoàn toàn không dự đoán trúng tâm lý công chúng.
"Mọi người không mấy quan tâm," Lovell (năm nay đã 89 tuổi) nói. "Trên mặt báo, người ta chỉ thấy thông tin về hành trình của Apollo 13 đăng trên mỗi trang tin thời tiết, chỉ có vậy thôi."
Sau khi đã bay được 55 giờ 46 phút, phi hành đoàn kết thúc phần nói chuyện trực tiếp qua truyền hình với Trái Đất. Họ vừa cho khán giả tham quan một vòng buồng điều khiển và bộ phận đáp xuống Mặt Trăng. Thế nhưng không một kênh truyền hình lớn nào tiếp sóng và phát đi đoạn video đó.
Jim Lovell (trái) nói rằng công chúng khi đó đã bắt đầu coi chương trình chinh phục không gian của Hoa Kỳ là nhàm chán
"Giới truyền thông không có ai ngồi tại trung tâm kiểm soát cả," Sy Liebergot, người có nhiệm vụ ngồi đằng sau thiết bị điều khiển Eecom nói. "Họ thấy là công chúng không quan tâm tới việc đang có hành trình bay vào không gian rồi đáp xuống Mặt Trăng."
Khi đó chỉ vừa mới học xong đại học, Liebergot là một trong số hàng chục chàng trai trẻ, đa phần ở độ tuổi ngoài 20, được tuyển vào vị trí ngồi theo dõi, kiểm soát sứ mệnh chinh phục vũ trụ. Là người chịu trách nhiệm theo dõi các hệ thống hỗ trợ khẩn cấp cho tàu Apollo, ông xuất hiện trong bộ phim tài liệu Mission Control: The Unsung Heroes of Apollo.
Chris Kraft là người phát triển ra nguyên tắc cần theo dõi các chuyến bay có chở theo phi hành đoàn từ một phòng đơn lẻ bằng một chuỗi những mệnh lệnh rõ ràng. Ông là người đã mài giũa ý tưởng về việc phải có thử nghiệm hàng không. Kraft coi việc điều khiển hành trình bay như một dàn nhạc giao hưởng, trong đó các bộ phận riêng rẽ được kết nối với nhau bởi một nhạc trưởng, mà trong trường hợp này thì nhạc trưởng chính là Giám đốc Chuyến bay (Flight Director).
Mọi mệnh lệnh được đưa thông qua 'Chuyến bay' và được nối với các phi hành gia thông qua một Capcom đơn lẻ - thường là một phi hành gia. "Chúng tôi ngồi ở Trái Đất nhưng biết về tàu vũ trụ và cách hoạt động của nó nhiều hơn là phi hành đoàn trên tàu," Liebergot nói.
Những gì có thể làm đều đã được làm nhằm loại bỏ những bối rối nhầm lẫn hoặc chồng chéo lộn xộn trong quá trình ra quyết định. Trên thực tế thì kịch tính là thứ cuối cùng mọi người muốn phải chứng kiến.
"Mười ba," người phụ trách liên lạc với Capcom là Jack Lousma nói trước khi phi hành đoàn tới lúc nghỉ đêm. "Chúng tôi có thêm một thứ cần các anh làm ngay khi có thể: Chúng tôi muốn các anh khuấy các bể chứa cryo lên."
Hành trình của Apollo 13 lẽ ra sẽ là chuyến đáp xuống Mặt Trăng lần thứ ba của con người
Những bể chứa này, được đặt trong khoang dịch vụ của chiếc phi thuyền, là phần thuộc trách nhiệm theo dõi của Liebergot. Chúng lưu giữ oxy và hydro, là các thành phần sẽ được chuyển hóa thành điện và nước trong ba bộ pin, qua đó cung cấp điện cho khoang phi hành và nước uống cho các phi hành gia.
Việc chỉ dẫn bật theo định kỳ các chân vịt để khuấy bể chứa là nhằm đảm bảo chất lỏng trong bể nhiên liệu được trộn đúng cách, qua đó đảm bảo các thiết bị đo sẽ đọc được chính xác các chỉ số.
Swigert bật công tắc các chân vịt. Hai phút sau, có một tiếng nổ và chuông báo động chính vang lên.
Ở mặt đất, Liebergot đang trong tiếng đồng hồ cuối cùng của phiên trực tám tiếng, và là người đầu tiên phát hiện ra trục trặc. "Dữ liệu nhảy điên loạn, có rất nhiều xáo trộn diễn ra liên tục trong phòng," ông nói. "Chúng tôi không biết là mình đang nhìn thấy cái gì nữa."
Phiên làm việc tám tiếng đó rốt cuộc đã chỉ kết thúc sau đó ba ngày.
"Houston, chúng tôi gặp trục trặc ở đây," Lovell nói với trung tâm kiểm soát. "Tôi thấy có vẻ như nhìn ra chỗ cửa hầm thì chúng tôi đang xả ra cái gì đó. Chúng tôi đang xả ra không trung thứ gì đó."
Phần hư hại của chiếc tàu vũ trụ được nhìn rõ khi phi hành đoàn trôi ra xa, trên phần module được thiết kế để đáp xuống Mặt Trăng
Sự việc trở nên rõ ràng, rằng đó không phải là lỗi của thiết bị đo đạc từ xa.
"Khi vụ nổ lần đầu tiên xảy ra, chúng tôi không biết là điều gì đã xảy ra," Lovell nói. "Cho mãi tới khi tôi thấy khí oxy thoát ra và nhìn thấy trên bảng điều khiển là chúng tôi đã mất toàn bộ khí oxy ở một bể chứa trong lúc đang tiếp tục mất nhanh ở bể chứa thứ hai, thì tôi nhận ra rằng chúng tôi gặp chuyện tồi tệ nghiêm trọng rồi."
Các kênh truyền hình đổ xô tới tìm kiếm thông tin, các chương trình phát sóng bị gián đoạn để đưa tin về trung tâm kiểm soát, Giám đốc Chuyến bay Gene Kranz đã chỉ đạo đội ngũ của mình "giải quyết vấn đề". Tất cả mọi người trong phòng điều khiển được lệnh chỉ nói chuyện qua bộ tai nghe gắn microphone, gọi cho các nhân viên hỗ trợ của mình để tìm hiểu xem trục trặc phát sinh ở chỗ nào.
"Chúng tôi chưa bao giờ vấp phải tình huống là không thể đưa được phi hành đoàn còn sống trở về," Liebergot nói. "Đó không phải là cách làm việc của những người kiểm soát chuyến bay."
Nhóm kỹ thuật làm việc từ trạm kiểm soát đã làm việc liên tục không nghỉ để tìm phương án đưa phần module mong manh trở về Trái Đất
Nhưng ở cách xa 322 ngàn km và vẫn trên đường bay ra xa Trái Đất hơn nữa, Lovell không chắc lắm về điều này. "Chúng tôi không có bất kỳ giải pháp nào để đưa tàu trở về, hay chính xác là cần phải làm gì," ông nói. "Đó có lẽ là điểm tinh thần mọi người xuống rất thấp trong chuyến bay, khi mà chúng tôi không rõ là liệu mình có thể quay trở về Trái Đất được hay không."
Là người chịu trách nhiệm về những hệ thống đang có vấn đề, vai trò của Liebergot lúc này là phải nỗ lực giữ lại được càng nhiều oxy càng tốt để có thể cấp năng lượng cho chiếc phi thuyền bị hư hại được lâu nhất. Chiến lược của ông, theo đó sử dụng các bước khẩn cấp trong trường hợp pin cấp nhiên liệu bị hỏng, là bắt đầu giảm bớt năng lượng cấp cho phi thuyền bằng cách giảm bớt mức tiêu hao đối với bộ pin nhiên liệu còn lại.
"Nhiệm vụ là tìm cách giữ cho bộ pin nhiên liệu tại module điều khiển hoạt động được đủ lâu để các phi hành gia có thể chuyển sang khoang đáp xuống Mặt Trăng và làm cho các hệ thống đó hoạt động," ông nói. "Và đó là điều chúng tôi đã thực hiện thật đúng tuần tự, đúng trình tự xử lý trục trặc để giúp cho bộ pin đó hoạt động được lâu hơn."
Trong vũ trụ, phi hành đoàn không khoanh tay ngồi chờ chỉ dẫn. Họ đã bắt đầu dịch chuyển để kết nối đầy đủ với khoang đáp xuống Mặt Trăng, tuy Lovell nhanh chóng nhận ra rằng mọi sự sẽ không mấy dễ chịu.
Bất chấp những lo lắng về chuyện dù có thể không bung ra, phần module đã trở về Trái Đất được an toàn
"Khoang đáp xuống Mặt Trăng rất mỏng manh," ông nói. "Nó chỉ được thiết kế để phục vụ cho hai người trong vòng hai ngày, trong lúc tôi nhận thấy chúng tôi gồm ba người và cần bốn ngày để quay về."
"Chúng tôi cuối cùng nhận ra rằng chúng tôi sẽ không thể đáp xuống Mặt Trăng được, sứ mệnh thế là đã hỏng," Liebergot nói. "Quyết định được đưa ra là phi hành đoàn sẽ bay vòng quanh Mặt Trăng để tìm cach trở về Trái Đất."
Trong những ngày tiếp theo, những người kiểm soát chuyến bay làm việc liên tục - chỉ tranh thủ chợp mắt ít phút ngay tại bàn mỗi khi có thể - để tìm cách đưa phi hành đoàn Apollo 13 trở về.
Có đủ thứ vấn đề cần phải xử lý. Họ lên kế hoạch là cứ để cho thiết bị đẩy cháy liên tục, và tìm ra cách để duy trì sự sống cho các phi hành gia - dùng một vỏ nhựa, một chiếc tất cũ và băng keo để gắn cố định chiếc máy lọc carbon dioxide hình vuông từ module điều khiển vào các hốc tròn đặt máy lọc ở bộ phận đáp xuống Mặt Trăng.
"Đó là sự phối hợp kỳ diệu giữa hai nhóm," Lovell nói. Không nhóm nào có được một khoảnh khắc dễ thở.
"Một nhóm ngồi trong phòng kiểm soát tiện nghi, uống cà phê nóng và hút thuốc lá, nhưng có nhiệm vụ phải tìm ra các phương án đưa chúng tôi trở về... và nhóm thứ hai trong một chiếc phi thuyền lạnh lẽo, bị hư hại, có nhiệm vụ thực thi thật chính xác các quyết định mà nhóm kia đưa ra."
Sự trở về thành công của module khiến cả trạm kiểm soát bùng lên vui sướng
Ngay cả khi nhóm Eecom của Liebergot tìm được cách để cấp lại năng lượng để khoang chứa phi hành đoàn có thể quay trở về Trái Đất an toàn thì cũng không có gì đảm bảo là các phi hành gia sẽ sống sót.
Trong nỗ lực tiết kiệm năng lượng, nhóm kiểm soát hành trình buộc phải hy sinh nguồn điện nhằm giữ ấm cho các hệ thống dù. "Nếu như các pháo phóng dù bị hỏng," Lovell nói, "chúng tôi có thể sẽ bay quá nhanh, không thể sống sót được nếu đáp xuống mặt nước."
Chỉ cho tới khi vào ngày 17/4, khi khán giả xem truyền hình trên toàn thế giới nhìn thấy buồng capsule của Apollo 13 treo dưới ba chiếc dù rơi xuyên qua những tầng mây rồi rớt xuống Thái Bình Dương thì những người làm việc tại trạm kiểm soát mới chắc rằng họ đã thành công. Phi hành đoàn trở thành những anh hùng quốc tế. Sau khi những điếu xì gà ăn mừng thắng lợi được chuyền tay nhau trong phòng kiểm soát, Liebergot và nhóm Eecom của ông về nhà đi ngủ. Vào ngày sau, họ trở lại làm việc, lên kế hoạch cho chuyến đi tiếp theo.
Cuộc giải cứu thành công ba phi hành gia khiến cho chương trình chinh phục không gian của Hoa Kỳ lại xuất hiện trên trang nhất các báo
Ngày nay, chúng ta hầu như sẽ luôn nhìn thấy cả phụ nữ chứ không chỉ có nam giới ngồi sau các thiết bị điều khiển, kiểm soát các chuyến bay, nhưng những nguyên tắc mà Chris Kraft đặt ra ban đầu từ thời thập niên 1960 thì vẫn được giữ nguyên. Mỗi sứ mệnh chinh phục không gian là một nỗ lực của cả nhóm. Đằng sau mỗi phi hành gia có hàng trăm người làm việc hết mình để đảm bảo phi hành đoàn còn sống trở về Trái Đất.
Và, nói như Lovell thì sứ mệnh của Apollo 13 vẫn hiện diện trong những giờ đồng hồ đẹp nhất của nó. "Nhìn lại sau nhiều năm suy nghĩ về sự kiện này," ông nói, "thì vụ nổ trên Apollo 13 có lẽ là điều tuyệt vời nhất có thể xảy ra đối với chương trình chinh phục không gian."
Richard Hollingham
No comments:
Post a Comment
Note: Only a member of this blog may post a comment.