Khi nói đến trách nhiệm thì thế hệ thiên niên kỷ (những người sinh ra vào khoảng từ giữa thập niên 1990 cho tới đầu thập niên 2000, hay còn gọi là Thế hệ Y) mang rất nhiều tiếng xấu.
Họ nhảy việc xoành xoạch. Họ trì hoãn việc kết hôn. Họ vung tiền có các món phung phí như bánh mì sandwich phết trái bơ thay vì gửi tiết kiệm để dành mua nhà hay dành dụm cho lâu dài.
Một khảo sát thực hiện trên 1.037 người Mỹ mới đây cho thấy chưa tới một phần ba thế hệ Y đóng tiền vào quỹ hưu trí trong khi một nghiên cứu khác do Merrill Edge thực hiện cho thấy họ đang dành dụm tiền - chỉ có điều không phải là để lo cho việc nghỉ hưu sau này.
Vậy có phải là Thế hệ Y thật sự không giỏi quản lý tiền bạc hơn những thế hệ trước?
Tâm lý tuổi trẻ?
Có lẽ không phải vậy. Từ thập niên này đến thập niên khác, thanh niên vẫn lảng tránh việc phải chuẩn bị cho khi về già. Sự miễn cưỡng này không có gì mới mẻ. Chẳng hạn như một nghiên cứu từ năm 1998 cho thấy những người trẻ thuộc thế hệ bùng nổ dân số đang dành dụm ít hơn để nghỉ hưu so với những người lớn tuổi hơn cùng thế hệ.
Douglas Hershey, giám đốc của Phòng Nghiên cứu về Kế hoạch Nghỉ hưu thuộc Đại học Bang Oklahoma nói rằng điều này xảy ra với thế hệ trẻ nói chung chứ không cứ là đặc trưng của Thế hệ Y.
Các số liệu cho thấy thế hệ thiên niên kỷ chủ động quản lý tốt tiền bạc của họ, nhưng lại không để tiền dành dụm cho cuộc sống khi về hưu sau này
"Tôi không nghĩ là có nhiều khác biệt giữa Thế hệ Y với thế hệ bùng nổ dân số khi họ trong độ tuổi 20 trong cách nghĩ cũng như thái độ về tầm quan trọng của việc chuẩn bị cho tuổi hưu."
Quan trọng hơn, ông cho biết, là một số đặc điểm tâm lý ảnh hưởng đến cách chúng ta dành dụm tiền bất kể độ tuổi.
Một nhân tố ông chỉ ra là tầm nhìn dài hay ngắn về tương lai. "Một số người nhìn về 5, 10 hay 20 năm trong khi những người khác thì quan tâm đến hiện tại hơn. Đây là một nét tính cách tương đối bền vững. Con người có xu hướng thể hiện điều này trong suốt cuộc đời."
Ông nói thêm rằng việc tận tâm và tỉ mỉ đến từng chi tiết là những yếu tố dự đoán quan trọng về việc liệu một người nào đó có lên kế hoạch và dành dụm cho tuổi già hay không.
Ngay cả như thế, ông cũng chỉ ra những mối bận tâm về tài chính sát sườn hơn cho thế hệ hiện tại, chẳng hạn như giá nhà và chi phí giáo dục tăng cao.
Trả nợ trước đã
Sophia Bera, 33 tuổi, là một chuyên gia hoạch định tài chính ở Austin, Texas và là người sáng lập công ty Gen Y Planning vốn chủ yếu làm việc với những người dưới 36 tuổi. Cô phát hiện ra rằng thế hệ thiên niên kỷ quan tâm nhiều hơn đến việc phải trả làm sao cho nhanh hết nợ vay khi học đại học hơn là dành dụm để nghỉ hưu.
"Nếu họ học trường luật hay trường y, họ nói rằng họ biết là cần phải để dành tiền để đến lúc nghỉ hưu nhưng họ thật sự muốn xử lý các khoản nợ từ thời sinh viên trước. Đối với thế hệ thiên niên kỷ thì việc hết nợ gần giống như một giấc mơ Mỹ mới vậy, lớn hơn là có được một căn nhà bởi vì nó gây ra căng thẳng nhiều hơn."
Cô nói rằng các khách hàng của cô thường quyết định trả hết nợ trước các ưu tiên khác ngay cả khi việc hoãn trả nợ sẽ có lợi hơn về mặt tài chính.
Những thông tin mới đây rằng Thế hệ Y không dành dụm đủ để nghỉ hưu cũng có thể được giải thích bằng cái cách mà họ tiếp cận vấn đề này trong thời đại ngày nay.
Đưa ra kết luận chung có thể không chính xác bởi vì các nước khác nhau có các chế độ hưu trí khác nhau.
Một số nước như Úc và Thụy Sỹ thực hiện chương trình lương hưu bắt buộc vốn yêu cầu những người làm công ăn lương phải đóng tiền vào một tài khoản nghỉ hưu.
Các nước khác, trong đó có Mỹ, có chương trình đóng bao nhiêu hưởng bấy nhiêu như chương trình An sinh Xã hội vốn có mục đích giúp cho người về hưu thoát khỏi cảnh đói nghèo. Chương trình này còn được tăng cường bởi các khoản đóng góp nghỉ hưu cá nhân mà công ty sẽ chi trả cho nhân viên.
Tuy nhiên chương trình lương hưu trong hàng chục năm qua và các chính sách bảo hiểm xã hội như an sinh xã hội đang gặp áp lực hơn bao giờ hết.
Chuyển vai trò đóng góp vào quỹ hưu bổng
Một thay đổi lớn trong vòng vài thập niên qua là việc chuyển trách nhiệm đóng tiền cho quỹ lương hưu khỏi các công ty và đưa về cho các cá nhân, theo Philip Davis, giáo sư về ngân hàng và tài chính tại Đại học Brunel ở London và là chuyên gia tại Viện Nghiên cứu Kinh tế và Xã hội Quốc gia.
"Thay đổi lớn trong các quỹ hưu trí này là chúng ta đang chuyển từ việc có quỹ hưu vốn đảm bảo cho người về hưu có thu nhập cố định cho đến khi qua đời sang việc mỗi người đóng góp với số tiền họ muốn và khi nghỉ hưu, số tiền họ được chi trả sẽ phụ thuộc vào độ kinh doanh lỗ hay lãi trên thị trường của quỹ hưu bổng mà họ đã đóng tiền vào."
Với gánh nặng chuyển lên vai người làm công ăn lương phải tìm hiểu về sự thay đổi này, không khó để nhận thấy tại sao một số người trẻ tuổi lại muốn mũ ni che tai, không quan tâm.
Tuy nhiên không phải ai cũng như vậy.
Cuộc khủng hoảng tài chính kéo dài cả thập niên khiến nhiều người không muốn đầu tư vào cổ phiếu.
Angel Fernandez Amores là một cựu tư vấn 30 tuổi ở Madrid. Anh nói rằng đa số những người mà anh biết đang có kế hoạch dựa vào hệ thống hưu bổng công ở Tây Ban Nha. "Phải nói rằng Tây Ban Nha không phải ở trong hoàn cảnh tốt nhất. Bức tranh dân số đang thay đổi rất nhiều và liệu quỹ lương hưu này có bền vững về lâu dài hay không thì vẫn còn phải chờ xem."
Cuộc khủng hoảng kinh tế kéo dài một thập niên khiến anh học cách phải dành dụm cho lúc về hưu và cuối cùng, cách đây vài năm anh quyết định mua bất động sản ở Madrid để đầu tư, khi mà giá nhà ở mức thấp trong lịch sử.
"Tôi không nghĩ là mình sẽ có lúc sống ở đó với gia đình. Tuy nhiên đó là một khoản đầu tư tuyệt vời cho một người trẻ, hoặc trong tương lai thì thu nhập từ đó sẽ giúp tôi có tiền sống khi về hưu," anh cho biết.
Đầu tư bất động sản
Có lẽ những người thuộc Thế hệ Y, trong đó nhiều người đã trải sống qua cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu, cho nên họ tránh xa việc đầu tư vào cổ phiếu và đặt niềm tin vào bất động sản nhiều hơn, coi đó như một nguồn để có thu nhập khi về già.
Bera cho biết nhiều khách hàng của cô đang hỏi về các bất động sản đầu tư, nhất là những người sống ở các thành phố nơi giá nhà tăng phi mã.
"Thay vì mua nhà để ở, họ muốn dành dụm để mua một căn nhà ở đâu đó và cho thuê để lấy thu nhập."
Cô Nicole Wong, một bác sĩ thú y 28 tuổi đến từ Hong Kong, dự định sẽ sử dụng thu nhập từ tiền cho thuê nhà khi về hưu. Hiện tại công đang sống ở Brisbane, Úc. Cô nói cô đã tính mình sẽ cần bao nhiêu tiền khi nghỉ làm việc tùy vào cô sẽ sống được bao nhiêu năm và rằng ưu tiên của cô là mua một căn nhà.
"Tôi cũng dự định sẽ đầu tư ít nhất vào một bất động sản và mua một số loại cổ phiếu để có tiền sống khi về hưu." Cô cho biết nhiều bạn bè của cô ở Hong Kong đều có kế hoạch sẽ chuyển đến nơi khác có mức chi phí sinh hoạt rẻ hơn khi về hưu.
Và cũng có những người nghĩ rằng họ sẽ không bao giờ cần phải nghỉ hưu. Ít nhất một khảo sát cho thấy 30% những người trẻ tuổi trong độ tuổi 18-24 không hề có ý định nghỉ hưu. Cho nên, ai biết được liệu thế hệ thiên niên kỷ vốn đã làm gián đoạn nhiều ngành nghề rồi đây có thể sẽ tái định nghĩa việc nghỉ hưu cũng nên.
Tiffanie Wen
No comments:
Post a Comment
Note: Only a member of this blog may post a comment.