Cứ mỗi tuần, có ba triệu người trên thế giới chuyển đến sống ở thành phố.
Con số đó tương đương với số dân hiện thời của San Diego hay Kiev chuyển đến khu vực thành thị cứ mỗi bảy ngày. Điều này có nghĩa là cứ mỗi tháng là có một Moscow hay một Rio de Janeiro mới.
Cho đến năm 2030, 60% dân số thế giới sẽ sống ở các thành phố. Điều này sẽ tạo ra áp lực khổng lồ đối với các đô thị hiện tại trên thế giới.
Trong khi đó, các thành phố này còn phải đối phó với biến đổi khí hậu – khoảng 90% các thành phố lớn nhất trên thế giới nằm ở sát biển do đó dễ bị tổn thương trước tình trạng nước biển dâng.
Để đối phó với vấn đề này, một số các kỹ sư, các nhà nghiên cứu và các kỹ thuật gia nói rằng chúng ta nên xem xét lại cách xây dựng các thành phố và có lẽ đã đến lúc làm điều gì đó hoàn toàn khác. Thay vì xây dựng các thành phố trên đất liền thì hãy làm các thành phố nổi trên đại dương.
Nhưng liệu ý tưởng này có thật sự khả thi? Những thành phố như thế này sẽ như thế nào trên thực tế và chúng sẽ hoạt động như thế nào?
Mặt nước là bạn
Nhà nổi tại Amsterdam
Nên nhớ rằng các thành phố từ lâu đã lấn ra biển khi mà người ta tìm kiếm thêm không gian để xây chỗ ở cho số dân ngày càng đông.
Chẳng hạn như 25% diện tích lãnh thổ Singapore được xây trên vùng đất lấn biển, trong khi 20% Tokyo là các hòn đảo nhân tạo được bồi đắp ra biển.
Chính quyền Dubai cũng đã cho xây toàn bộ các khu phức hợp sang trọng trên các hòn đảo nhân tạo, còn những dải đất rộng lớn ở Hà Lan là được bồi đắp trên Biển Bắc với một hệ thống đê điều chằng chịt vốn được dùng để bảo vệ các khu đô thị khỏi bị nước biển nhấn chìm trong hàng trăm năm.
Tuy nhiên, thay vì ngăn chặn đà xâm thực của biển cả vào đất liền, một số người tin rằng đã đến lúc ngừng chiến đấu với đại dương; thay vào đó là hãy hợp tác với nó.
Những người đi tiên phong trong công nghệ nước nói rằng giải pháp cho tình trạng thiếu nhà ở cũng như các tệ nạn xã hội ở nhiều thành phố chật chội đang ngày phình ra nhanh chóng có thể là mở rộng ra trên mặt nước.
“Chúng tôi phải bắt đầu sống chung với mặt nước như một người bạn chứ không phải lúc nào cũng như kẻ thù,” ông Koen Olthuis, người sáng lập công ty kiến trúc WaterStudio của Hà Lan, cho biết. Công ty này đang thiết kế và xây dựng những mặt bằng nổi có thể sử dụng như nền móng để nâng các tòa nhà.
Ban đầu họ chỉ tập trung xây dựng những căn biệt thự hay văn phòng riêng lẻ, nhưng ông Olthuis tin rằng có khả năng xây dựng được toàn bộ một thành phố bằng cách này.
“Hãy tưởng tượng một thành phố mà chúng ta có thể cắm nút để chơi trò nhà nổi và xây dựng nổi,” ông giải thích. “Bạn có thể điều chỉnh thành phố theo mùa… để cho các công trình có nhịp sống của chúng.”
Giải pháp cho khu ổ chuột
Đó là một viễn cảnh hấp dẫn và viễn cảnh đó chỉ có được khi chúng ta có thành phố nổi.
Tuy nhiên, Olthuis và các đồng sự của ông đang điều chỉnh công nghệ này để cung cấp thực phẩm, nơi trú ẩn vệ sinh và năng lượng cho các khu ổ chuột ở một số nơi vào loại nghèo nhất trên thế giới.
Phần nhiều các khu ổ chuột trên thế giới nằm bên bờ sông hay bờ hồ cho nên dễ bị ảnh hưởng của lụt lội. Tuy nhiên điều này cũng đem đến cơ hội.
Xây dựng lấn biển có thể gây hỗn loạn cho hệ sinh thái đại dương
Công ty WaterStudio đang phối hợp với UNESCO để xây dựng các trường học nổi nhỏ ở những khu ổ chuột kế mặt nước. Nó được tài trợ một phần bởi một dự án có mục tiêu là giúp cho 70.000 trẻ em ở Bangladesh có thể đến trường.
Olthuis và nhóm làm việc của ông đã lắp các container chở hàng lên trên các nền móng nổi được làm từ hàng ngàn chai nhựa thải ra. Năm cấu trúc đầu tiên loại này – gồm có một lớp học, một nhà vệ sinh, một cái bếp và một phòng phát điện được kết nối với các tấm năng lượng mặt trời nổi – sắp được hoàn thành cho Korail, một khu ổ chuột nhìn ra mặt nước ở Dhaka, Bangladesh.
Cái hay của phương pháp này, theo Olthuis, là nếu như có thay đổi trong quy định hay khu ổ chuột bị giải tỏa thì trường học nổi này có thể được đưa đến nơi khác sử dụng.
“Ta có thể bỏ chúng lên xe tải và đưa chúng đến một thành phố khác,” ông nói.
Độc lập trên biển?
Tuy nhiên, tầm nhìn về thành phố nổi của Olthuis là một cụm các thành phố trên mặt nước vẫn còn gắn với đất liền bằng một sợi dây neo buộc. Có một số người đang mơ cắt đứt luôn toàn bộ các dây buộc này.
Dubai đã có những công trình phức hợp được xây dựng trên đảo nhân tạo vươn ra biển
“Chúng tôi tin rằng chúng tôi có thể tạo ra thế giới tốt đẹp hơn trên đại dương,” ông Joe Quirk, một tác giả và là người tự xưng là người theo thuyết ‘phục hưng đại dương’, nói. Ông cũng là phát ngôn nhân của Viện Seasteading vốn hy vọng tạo ra những cộng đồng nổi có thể thử thách các hình thức quản trị sáng tạo mới.
Viện Seasteading, vốn được kinh tế gia Patri Friedman và nhà đầu tư ở Thung lũng Silicon Peter Thiel thành lập vào năm 2008, cho biết rằng bằng cách di chuyển các thành phố nổi ra các vùng biển quốc tế họ có thể thành lập các quốc gia ‘khởi nghiệp’ với hệ thống luật lệ riêng.
Bằng cách xây dựng các thành phố đại dương mở được cấu thành từ các khu nhà kéo dài 50 mét kết nối với nhau, nó cho phép người dân muốn gia nhập hay từ bỏ tùy ý.
“Sẽ rất khó cho một nhà độc tài nào đó có thể leo lên nắm quyền trên hệ thống cấp bậc tự nhiên này nếu như lãnh thổ của ông ta có thể tan rã dưới chân ông ta và người dân có thể bỏ đi nếu ông ta hành xử điên rồ,” Quirk nói với chúng tôi.
Ông tin rằng thay vào đó những xã hội trên mặt nước như thế sẽ được định hình bởi các quy luật thị trường vốn không bị chi phối bởi tham vọng chính trị cũng như các vấn đề mà các chính phủ truyền thống trên mặt đất phải đối mặt.
Chúng ta vẫn phải chờ xem liệu một thiên đường về chính trị như thế có đạt được hay không – và liệu xây dựng một xã hội không có ràng buộc bởi các quy định hiện tại có khả thi không trên thực tế do tính chất khó đoán của bản chất con người.
Trước đó có người đã từng thử nghiệm kịch bản này. Vào năm 1967, ông Roy Bates, vốn là một nhân viên đài phát thanh lậu, đã chiếm một nơi từng là ụ súng phòng không trên Biển Bắc và tuyên bố lập nên một quốc gia độc lập gọi là Công quốc Sealand.
Tuy vậy, nơi này không hề được công nhận chính thức là một quốc gia. Theo Liên Hiệp Quốc thì các hòn đảo, công trình và cơ quan lắp đặt nhân tạo không có được quy chế của hòn đảo do đó chúng không được hưởng những quyền được quy định đối với các hòn đảo.
Tuy nhiên cũng có những người nhận thấy có một rào cản căn bản trong việc xây dựng các quốc gia hay thành phố trên biển – đó là thời tiết.
Nền văn minh đại dương
Bất cứ cộng đồng nổi nào cũng phải chịu được điều kiện khắc nghiệt giữa biển khơi nơi sóng có thể cao đến 20 mét và bão có thể gầm thét trong nhiều ngày.
“Khi mà bạn ở giữa biển trước những ngọn sóng cao như thế thì bạn chỉ có thể làm được một điều: đó là trồi lên và sụp xuống cùng với chúng,” ông Philip Wilson, giáo sư cơ khí tàu thuộc Đại học Southampton, nói. Ông tỏ ý nghi ngờ khả năng con người có thể xây dựng được một công trình nổi trên biển mà không hề bị ảnh hưởng trước điều kiện khắc nghiệt của biển khơi.
“Ở ngoài đại dương có không gian rộng lớn hơn cho gió thổi và do đó sóng ở ngoài đó lớn hơn nhiều. Nếu ta xây dựng một thành phố nổi mà hết phân nửa cư dân ở đó bị say sóng thì nó không hề khả thi về mặt kinh tế chút nào. Người ta sẽ không muốn sống như thế,” ông nói.
Những công trình Bắc Kinh xây đảo nhân tạo tại Biển Đông đã và đang gây tranh chấp
Quirk chỉ ra rằng những con tàu du lịch xa xỉ khổng lồ nơi mà du khách có thể nhâm nhi ly martini vào buổi chiều mà không phải băn khoăn gì về tâm trạng hay nhịp sống của đại dương. Các giàn khoan dầu cũng được giữ cho ổn định ở những môi trường tương đối nguy hiểm. Nhưng ngay cả ở trên những công trình này vẫn không hề dễ chịu chút nút nếu xảy ra gió bão dữ dội.
Thay vào đó, dường như tương lai của các thành phố nổi sẽ nằm gần với đất liền. Dự án đầu tiên của Viện Seasteading là xây dựng một trung tâm kỹ thuật cao bao gồm các hòn đảo nổi trong vùng biển được bảo vệ thuộc quần đảo Tahiti, Polynesia thuộc Pháp vào năm 2020. Hơn 1.000 người đã bày tỏ mong muốn được sống ở đó, nhưng với giá 15 triệu đô la một khoang – và cứ 11 khoang có lẽ đủ chỗ làm nhà cho 200-300 người – cuộc sống ở đó không hề rẻ.
Giá trị thật sự của các thành phố nổi có lẽ là ở chỗ nó tạo thêm không gian để những trung tâm đô thị đã trở nên quá đông đúc của thế giới có thể mở rộng ra. Nhiều khả năng là một dạng thành phố lai sẽ xuất hiện với những lợi ích của thành phố trên đất liền và thành phố nổi kết hợp lại với nhau bằng cách mở rộng các thành phố ra vùng biển xung quanh. Khi công nghệ phát triển để giúp chúng ta chế ngự được những trở ngại của cuộc sống trên biển, những thành phố nổi này khi đó có thể mở rộng ra hơn nữa về phía đại dương.
Ellie Cosgrave
No comments:
Post a Comment
Note: Only a member of this blog may post a comment.