"Tôi từng dành cả ngày trước máy tính, từ sáng sớm," Pedro, chàng trai 21 tuổi từ thành phố Vitoria nằm ở phía đông nam Brazil.
"Tôi đăng ảnh, viết về một ngày của mình, kết bạn. Và rồi tôi sẽ nêu ý kiến về một số chính trị gia, đặc biệt khi diễn ra các màn tranh luận của các ứng viên trên ti vi."
Có thể những điều này nghe không giống một ngày bình thường của các thanh niên sử dụng mạng xã hội, nhưng Pedro (không phải tên thật) thực chất đang miêu tả thời gian mình là một "người máy", được trả tiền để sử dụng các tài khoản giả trên mạng xã hội nhằm làm ảnh hưởng ý kiến của công chúng.
Ba năm trước, trong thời gian nóng diễn ra chiến dịch tổng tuyển cử, Pedro cho biết anh làm việc ở một công ty truyền thông tại Rio với khách hàng là những chính trị gia hàng đầu.
Anh nói rằng với khoảng 360USD mỗi tháng, anh sử dụng 20 tài khoản giả trên Facebook và Twitter để tạo danh tiếng cho các khách hàng của công ty.
BBC Brasil đã có cuộc trò chuyện với Pedro trong một cuộc điều tra về việc sử dụng tài khoản mạng xã hội giả trong cuộc tổng tuyển cử năm 2014 ở nước này.
Không có chứng cứ nào cho thấy các tài khoản này có ảnh hưởng đến kết quả, và thậm chí các ứng viên cũng không biết chuyện gì đã xảy ra, nhưng cuộc điều tra đã cho thấy một biện pháp mới được sử dụng trên chính trường Brazil.
Câu chuyện của Pedro cũng giống 3 thanh niên khác, cũng là các "nhà hoạt động" mạng xã hội trong chiến dịch 2014.
"Mọi thứ đều được kiểm soát. Nếu tôi online mà không đăng phản hồi, tôi có thể bị kỷ luật. Vì vậy mỗi lần đi vệ sinh tôi cũng phải báo với cấp trên."
Khi bắt đầu công việc, họ nhận một danh sách lý lịch giả cùng ảnh và thông tin cá nhân cơ bản.
Nhiệm vụ đầu tiên của họ là dành hàng tháng trời để xây dựng hay "kích hoạt" các tài khoản này, đăng tải các cấu chuyện hàng ngày để cho thấy họ là người thật.
Sau một thời gian, các nhà hoạt động sẽ bắt đầu nói chuyện chính trị.
Và dần dần họ sẽ bắt đầu tương tác với nhau và với người thật, xây dựng mạng lưới bạn bè.
Các nhà hoạt động thường sử dụng phần mềm quản lý mạng xã hội Hootsuite, để quản lý nhiều tài khoản một lúc.
Họ sẽ ca ngợi bất kỳ chính trị gia nào trả tiền để được ủng hộ, công kích các đối thủ và đôi khi cùng các tài khoản giả khác tạo nên các chủ đề thành trào lưu.
"Chúng tôi có thể chiến thắng [tranh luận] với sự ủng hộ lớn, vì chúng tôi bình luận quá nhiều so với những gì công chúng có thể phản đối," một nhà hoạt động nói với BBC Brasil. "Hoặc chúng tôi có thể động viên những người thật - những nhà hoạt động thật chiến đấu cho chúng tôi."
Bức ảnh người phụ nữ đã qua đời
Việc sử dụng thông tin cá nhân và các bài viết phi chính trị giúp các tài khoản khó bị phát hiện hơn vì nó không giống những mẫu tự động mà các mạng xã hội sử dụng để tìm tài khoản giả.
Những người sở hữu tài khoản như thế này được gọi là "người máy" vì có sự pha trộn giữa các bài tự động và các bài viết thật.
Các "người máy" thể hiện sự ủng hộ với một số chính trị gia và các chính sách của họ
Cuộc điều tra của BBC Brasil đã phát hiện ít nhất 100 tài khoản ảo trên Twitter và Facebook được sử dụng trong thời kỳ diễn ra cuộc bầu cử năm 2014.
Tất cả đều sử dụng ảnh lấy cắp từ các website báo chí và các trang mạng xã hội hiện có.
BBC Brasil đã tìm ra khá nhiều trong số đó. Một ảnh đại diện là hình ảnh nạn nhân nữ đã bị sát hại được đăng trên báo chí địa phương. Một tài khoản khác lại sử dụng hình ảnh của diễn viên nổi tiếng tại Hy Lạp.
Một số hình ảnh được thay đổi bằng máy tính để khó bị phát hiện. Đây là trường hợp của bức ảnh bị đánh cắp từ tài khoản của nhà báo André Moragas từ Rio, được dùng trên tài khoản giả của "Jonh Azevedo".
Tài khoản của Jonh được lập năm 2012 và trong vài năm chỉ đăng thông tin cá nhân.
"Con trai vừa hoàn thành một học kỳ nữa tại trường đại học!", một bài viết ghi. "Rất tự hào!"
Chiến lược dài hơi
Khi xảy ra cuộc bầu cử Tổng thống năm 2014, tài khoản "Jonh Azevedo" bắt đầu trở nên chính trị hóa, đăng những thông tin ủng hộ một ứng viên đối lập.
"Tôi nghĩ họ đã nuôi một tài khoản giả và để nó trưởng thành," André Moragas, người có ảnh bị sử dụng cho tài khoản "Jonh" nói.
"Người này không chỉ mới xuất hiện ngày hôm qua, mà từ 5 năm trước, kết nối với mọi người và thu thập người ủng hộ."
Cuối cùng thì Jonh Azevedo bị lộ vì những người dùng Twitter khác cảm thấy nghi ngờ trước phong cách lặp đi lặp lại của anh ta. Họ báo cáo rằng tài khoản này đã đăng duy nhất một câu nói - "Cần phải nghỉ ngơi" - 20 lần trong vòng 2 tháng.
Một số tài khoản còn được "tái chế".
Brasil tìm thấy tài khoản "Fernanda Lucci", xuất hiện trên 3 cuộc hội thoại khác nhau trong 3 thời điểm năm 2014, ủng hộ 3 ứng viên khác nhau.
"Ngây thơ"
Khi nhìn lại, 4 nhà hoạt động có những cảm xúc khác nhau về công việc họ đã làm.
"Khi đó tôi đã có một chút ngây thơ," một người phụ nữ nói: "Tôi có truy cập hạn chế với các tài khoản và không thể kiểm tra chúng."
Nhưng một người khác không hối hận.
"Bạn chỉ là một người đeo mặt nạ là một người khác," anh nói. "Các phản hồi mạnh mẽ, tương tác tốt. Bạn cảm thấy mình đã thật sự tạo nên sự khác biệt cho chiến dịch."
Rất nhiều tài khoản giả được Brasil phát hiện đã ngừng hoạt động từ cuộc bầu cử 2014.
Cả Twitter và Facebook nói rằng họ đang tiếp tục tìm kiếm, ngăn chặn và xóa bỏ các tài khoản giả.
Công việc này có thể sẽ khó khăn hơn nữa vào năm sau khi người dân Brazil lại chuẩn bị một cuộc bầu cử mới.
Facebook đã xóa hàng chục ngàn tài khoản giả tại Pháp mà Đức trước kì bầu cử ở cả hai nước trong năm nay, và họ cho biết biện pháp tương tự cũng đang được cân nhắc đối với Brazil.
Chiến dịch năm 2018 được cho là sẽ căng thẳng hơn 4 năm trước, và với "tin giả" và các "nhà máy troll" (tên gọi các công ty trả tiền cho nhân viên sử dụng tài khoản mạng xã hội giả) ngày càng phổ biến trên thế giới, tất cả mọi người sẽ nhắm mắt trước vai trò của mạng xã hội.
No comments:
Post a Comment
Note: Only a member of this blog may post a comment.