Tại Ấn Độ, các tháp làm tang lễ để xác chết cho kền kền ăn thịt
Trong vòng 50.000 năm qua, ước tính đã có khoảng 101 tỷ người từng sinh ra và chết đi trên hành tinh của chúng ta. Dù muốn hay không thì tất cả những ai đang còn sống vào hôm nay - hiện đang là khoảng bảy tỷ người - sẽ đoàn tụ cùng với những người quá cố trong vòng thế kỷ tới. Vậy thì chúng ta phải làm gì với toàn bộ các tử thi đó?
An táng ngày càng khó
Khi mà dân số thế giới đang tiếp tục gia tăng và tràn ngập các thành phố đông đúc thì các phương pháp xử lý người chết truyền thống đang trở nên bế tắc.
Các vấn đề nảy sinh bao gồm tình trạng kền kền ngày càng ít đi ở Ấn Độ - vốn khiến cho cộng đồng người theo Hỏa giáo từ bỏ tập quán thiên táng có từ cả ngàn năm nay, cho đến những bộ hài cốt đã chôn 40 năm ở Đức mà vẫn còn nguyên vẹn một cách bí hiểm, không phân hủy sau hàng chục năm nằm dưới lòng đất.
Ở nhiều nước châu Âu, sử dụng lại các ngôi mộ để chôn cất người khác sau 15-20 năm là điều bình thường, tuy nhiên gần đây một số các hài cốt được chôn dưới các ngôi mộ này lại không hề phân hủy.
Trong khi đó thì ở Hong Kong, rất khó kiếm chỗ để an táng người chết cũng như kiếm nhà cho người sống. Nhiều nhà để tro cốt đã không còn chỗ trống, khiến cho các nhà tang lễ phải cất các lọ tro cốt của hàng trăm ngàn người chết ở những căn phòng phía sau để chờ chính quyền tìm chỗ an trí chúng. Ngay cả khi có chỗ thì những hộc trống đắt tiền vốn chỉ vừa đủ để để một hũ cốt có thể có giá đắt như một căn hộ hạng sang.
Trong các giải pháp điên rồ và đôi khi tàn nhẫn, có cả biện pháp dùng vôi để hóa lỏng những bộ hài cốt đã phân hủy một phần để lấy chỗ trống chôn người khác và thông qua xổ số để phân phối chỗ trong nhà để cốt.
Thế nhưng có lẽ biện pháp khiến chúng ta kinh ngạc nhất là giải pháp thu hút sự chú ý nhiều nhất: nghĩa trang thẳng đứng.
Nghĩa trang theo chiều dọc
Những nghĩa trang cao tầng này về cơ bản có nhiều tầng để quan tài được xếp gọn gàng theo hàng lớp các ngăn hoặc hộc kéo. Cách làm đem đến hiệu quả sử dụng không gian gấp bảy lần cách chôn dưới đất trong khi tự bản thân những những công trình này tạo thành những điểm nhấn kiến trúc có sự thu hút gấp bội.
Những công trình như vậy đã xuất hiện, từ Israel cho đến Brazil, với nhiều bản thiết kế các tòa tháp nghĩa trang nữa đang được vẽ ở các thành phố như Oslo, Verona, Mexico City, Mumbai và Paris.
Liệu chúng có giúp giải quyết vấn đề? Và liệu chúng có trở nên phổ biến?
"Thiếu không gian là một vấn đề lớn. Ở ngay nơi tôi ở, đã có một số quận của London không còn một chỗ chôn cất nào cả," ông Gary Burks, người quản lý nghĩa trang và đài hỏa táng khu vực City of London (tức trung tâm tài chính của London) nằm ở đông London, nói.
Tại các cơ sở như thế này tại Nhật Bản, tro cốt được giữ trong các hũ đựng đặt dưới các tượng Phật phát sáng, khiến nhiều người có thể được sắp xếp an nghỉ trong cùng một phòng.
Ở những thành phố có đông dân Hồi giáo hay Do Thái giáo, tình hình còn cấp bách hơn, bởi vì hỏa táng là một điều đại kỵ trong tôn giáo của họ.
Một nghiên cứu dự đoán nếu vào năm 2050 việc chôn cất vẫn còn phổ biến như hồi năm 2014 thì thế giới cần phải bỏ ra thêm một diện tích đất khoảng 6.500 km vuông nữa - tức một diện tích đất lớn gấp năm lần New York.
Có một thực tế là chúng ta đã để người chết an nghỉ trong các tòa nhà qua hàng thiên niên kỷ.
Một ví dụ là nghĩa trang Des Innocents vốn từng nằm ngay giữa trung tâm Paris. Vào thời Trung cổ đó là một nghĩa trang hết sức đông đúc - nơi mà các hài cốt được chất cao đến mức người ta có thể trông thấy khi nhìn qua tường sân nhà thờ.
Nghĩa trang này chủ yếu là các nấm mồ tập thể với đến 18.000 người chết được dồn vào một cái hố duy nhất.
Để có thêm chỗ trống, người dân đã có hành động triệt để là dọn xương từ các nấm mồ lên và để chúng vào trong những tòa nhà có mái vòm dọc theo các bức tường của nghĩa trang được gọi nhà mồ.
Những địa điểm chôn cất theo chiều dọc có từ rất sớm này không hoàn toàn thành công.
Văn minh hơn
Nhiều thi thể trong số này vẫn còn đang phân hủy khi chúng được dời đi, khiến cho một du khách đến Paris vào cuối thế kỷ 18 đã mô tả đến nơi này giống như là "bị cuốn vào một ống cống đầy hôi thối".
Cuối cùng, nghĩa trang và các nhà mồ của nó đã bị bỏ hoang sau khi mưa dầm dề làm ngã đổ một bức tường ngầm giữa một nấm mồ tập thể và một ngôi nhà sát bên khiến các thi thể tràn vào hầm rượu của căn nhà.
Ngày nay các nghĩa trang trên mặt đất đã văn minh hơn rất nhiều. Các nghĩa trang Công giáo La Mã ở thành phố New Orleans, bang Louisiana thường được gọi là 'thành phố của người chết' do tập trung số lượng lớn các nấm mộ cao ngất bạc màu dưới ánh nắng mặt trời. Những nghĩa trang này được ưa chuộng do những lý do hoàn toàn thực tế bởi vì thành phố được xây dựng trên một đầm lầy.
Cho đến nay, nghĩa trang cao nhất là Nhà tưởng niệm Necrópole Ecumênica ở Santos, Brazil. Hiện tại đây là nghĩa trang có độ cao khủng lên đến 32 tầng với không gian có thể chứa đến 14.000 hài cốt.
Khi được xây dựng lần đầu tiên vào năm 1983, nó có quy mô khiêm tốn hơn nhiều, tuy nhiên nhu cầu về 'những nấm mộ có tầm nhìn' lớn đến mức nghĩa trang này tiếp tục được xây thêm tầng. Một lần nữa nó đang tiếp tục được mở rộng đến độ cao cuối cùng là 108 feet (32m).
Ngoài phòng để hũ cốt, quan tài và lăng mộ gia đình, nơi này còn có phòng tiễn biệt linh cữu, các hầm mộ, một đài hỏa táng, một nhà nguyện, một bảo tàng các phương tiện giao thông và lạ lùng là còn có một tiệm bán đồ ăn nhẹ trên mái nhà.
Xung quanh công trình là các khu vườn xinh đẹp, trong đó có một khu rừng và một đầm phá với các con rùa tắm nắng và có thác nước riêng. Thậm chí ở đây còn có một khu vực bảo tồn với kế hoạch nhân giống loài chim toucan.
Mỗi tầng có các dãy gồm những lô có đánh số có đến 150 ngôi mộ được trang bị hệ thống thông gió phức tạp. "Người thân bước lên thang máy và khi họ đến đúng tầng nơi thì quan tài đã chờ đợi sẵn," bà Priscila Trevisani, vốn có ông bà an nghỉ ở đây, cho biết.
Cũng giống như nhiều quốc gia châu u khác, các ô chôn cất được cho thuê thay vì bán. Một khi thi thể phân hủy hết - quá trình này mất khoảng ba năm - hài cốt của họ sẽ được đưa vào hũ cốt đặt trong tòa nhà.
Sạch sẽ và sáng sủa
"Bởi vì ở đây không chôn cất trong lòng đất nên có cảm giác sạch sẽ hơn nhiều. Mọi thứ đều sáng sủa với ánh sáng tự nhiên khi bức vách bên mỗi lối đi mở ra," bà nói. "Cảm giác rất yên ắng và tĩnh lặng. Từ các tầng cao ở đây ta có thể nhìn thấy thành phố và biển do công trình này được xây trên một khu đất cao. Ở phía bên kia ta có thể thấy núi Serrat."
Ở Santos, hiệu quả sử dụng không gian không thật sự là một yếu tố quan trọng, nhưng các nghĩa trang theo chiều dọc đang bắt đầu mọc lên.
Tuân thủ các quy định mới hạn chế mua đất mộ ở các nghĩa trang ngoài trời ở Tel Aviv, Nghĩa trang Yarkon hiện đang xây dựng một tòa nhà chôn cất cao tầng có chỗ chôn cất cho 250.000 người.
Lúc đầu những người Do Thái cực bảo thủ tỏ ý nghi ngờ nhưng sau đó các giáo sỹ địa phương đã tuyên bố những nghĩa trang kiểu này là chính đáng. Các tháp chôn cất này có các đường ống trong đó có đất cát, do đó mỗi tầng của nghĩa trang này vẫn được kết nối với mặt đất.
"Nghĩa trang theo chiều ngang không thật sự hiệu quả," ông Chandrasegar Velmourougane, người thiết kế một nghĩa trang theo chiều đứng cho Paris cùng đồng nghiệp Fillette Romaric vào năm 2011, nhận định.
Trong một diện tích có chiều dài 25 mét và chiều rộng 25 mét, nghĩa trang này có thể chôn cất 200 người dưới lòng đất - hay khoảng 1.480 người nếu họ được chôn theo từng lớp nằm ở phía trên mặt đất.
Những giải pháp khác thường này cũng mở ra cơ hội hiện đại hóa việc chôn cất vào thế kỷ 21. "Trong công trình mà chúng tôi thiết kế, mỗi người được chôn cất ở đất có một thanh gỗ tưởng niệm gắn vào mặt ngoài của tòa nhà. Thanh gỗ này chỉ được chiếu sáng mỗi năm một lần vào ngày tưởng niệm người đó. Đó là một cách thể hiện sự hiện hữu của họ với thế giới xung quanh," Velmourougane nói.
Tái sử dụng các huyệt mộ
Tuy nhiên cũng có những suy tính thực dụng. Những bia mộ cỏ mọc um tùm ở các nghĩa trang là lời nhắc nhở rằng cuối cùng thân nhân của người chết - cùng với bất cứ ai biết họ - cũng sẽ về bên kia thế giới.
Tất cả những điều này là không thành vấn đề nếu như họ được chôn vào lòng đất nhưng trải qua hàng trăm năm sau khi những nghĩa trang này không còn chỗ trống thì các nghĩa trang thẳng đứng cũng trở nên không còn ai đến nhận. Cách duy nhất để cho mọi việc hiệu quả là tái sử dụng các nấm mộ đã được chôn cất.
Tất nhiên, không phải ai cũng cùng suy nghĩ như vậy. Nghĩa trang City of London đã bắt đầu tái sử dụng một số nấm mộ, nhưng thường thì họ không đụng chạm gì tới các hài cốt nằm trong đó.
"Hồi trước rất nhiều mộ huyệt ở Nghĩa trang City of London được thiết kế để chôn cất được sáu người," Burks nói. "Một số mộ huyệt được đào sâu tới 10 hay 12 feet, nhưng rồi mới chỉ được dùng để chôn cất hai người."
Ít nhất ở London, còn lâu nữa mới tới lúc công chúng cảm thấy bình thường trước việc các nấm mộ bị khai quật - trên thực tế thì việc này thậm chí còn là không hợp pháp.
"Đây là một điểm rất quan trọng bởi vì mặc dù bạn được phép dùng lại một nấm mồ sau 75 năm không ai ngó ngàng tới thì điều này đối với các nấm mộ ở trên mặt đất là không thể xảy ra," Burk giải thích.
Trevisani có một cái nhìn tích cực hơn. "Tất cả chúng tôi đều cho rằng đó là cách tốt để tôn vinh ông bà. Trước hết là để ông bà ở cạnh bên nhau ở thành phố mà họ đã chọn để sinh sống và với một quang cảnh dễ chịu ở một nơi yên tĩnh. Nhưng cũng là vì họ không chiếm đất ở một nghĩa trang thông thường."
Zaria Gorvett
No comments:
Post a Comment
Note: Only a member of this blog may post a comment.