Chị Hwang Mi-sun thường lắng nghe tiếng thở nặng nề của con trai khi bé vào giấc nồng mỗi đêm trong căn hộ của gia đình chị ở Seoul.
Từ nhỏ, bé đã bị bệnh đường hô hấp.
Nay lên bốn, bé đã được cho dùng nhiều loại thuốc, trong đó có điều trị bằng steroid liều cao. Nhưng sau bốn lần tới bệnh viện, bác sĩ của bé lại có thêm lời khuyên.
Bác sĩ khuyên chị Hwang nên giữ con trai trong nhà để đỡ bị ảnh hưởng của không khí ô nhiễm ở Hàn Quốc.
"Thật là buồn khi con tôi không những học nói những từ như cha, mẹ mà còn học cả từ bụi mịn từ khi còn bé," chị nói với tôi. "Tôi thậm chí còn nghĩ đến chuyện chuyển sang nước khác sống nhưng tôi thực sự rất muốn sống ở Hàn Quốc. Vậy nên tôi sẽ làm hết sức để giải quyết vấn đề này."
Con trai chị Hwang Mi-sun bị khó thở từ khi mới lọt lòng
Chị quyết định bắt đầu đi vận động và gia nhập một tổ chức mang tên Các bà mẹ Chống Bụi Mịn. Nhóm này tổ chức các cuộc biểu tình và vận động chính phủ về ô nhiễm.
"Bụi mịn", cái làm các bà mẹ lo lắng, được hiểu là cát cuốn từ sa mạc Mông Cổ và Trung cộng theo các đợt gió mạnh tại các thời điểm khác nhau trong năm. Cát này được thổi tới bán đảo Triều Tiên.
Nhưng cách mô tả nghe có phần lãng mạn giấu đi thực tế mà người Hàn Quốc đang phải đối mặt.
Không khí ở đây có chứa các chất gây ung thư, những hạt nano không thấy bằng mắt thường gọi là PM2.5 có khả năng thâm nhập sâu vào hệ hô hấp của chúng ta và là tác nhân gây ra nhiều bệnh trong đó có ung thư. Phổi của trẻ em và người cao tuổi là dễ bị ảnh hưởng nhất.
'Vi phạm quyền được thở căn bản của chúng tôi'
Hồi đầu năm nay, nồng độ bụi mịn PM2.5 đo được là 118 microgram trên một mét khối, cao nhất từ khi bắt đầu đo hồi 2015, theo số liệu của Viện Nghiên cứu Môi trường Quốc gia Hàn Quốc.
Chị Hwang đưa gia đình rời Seoul ra ngoại ô sống để giúp con trai đỡ hít phải "bụi mịn". Nhưng chị vẫn muốn làm điều gì hơn nữa. Tổ chức vận động mà chị tham gia được phép trình các bằng chứng về tình trạng ô nhiễm không khí trước các chính trị gia tại Quốc Hội.
Buổi điều trần đầy bức xúc khi các bà mẹ thay nhau tả chi tiết tác hại của ô nhiễm tới gia đình họ. Nhiều người đưa con nhỏ theo, chúng đeo khẩu trang và ngồi trên lòng mẹ.
"Ô nhiễm không khí vi phạm quyền được thở cơ bản của chúng tôi. Tôi không nghĩ đây là một quốc gia nếu chúng ta thậm chí không có quyền để thở," một phụ nữ nói.
"Trẻ em chỉ muốn ra ngoài vui chơi. Chẳng cần gì đặc biệt, chỉ cần được thưởng thức sự thay đổi của các mùa. Thật đau lòng khi nghĩ rằng chúng ta đang tước đi điều đó khỏi trẻ em," một bà mẹ khác nói.
Ô nhiễm có thể kích hoạt nhiều bệnh trong đó có ung thư
Người dân Hàn Quốc ngày một lo lắng về tác động của ô nhiễm tới sức khỏe của họ - 97% số người được Bộ Môi trường hỏi năm ngoái cho biết ô nhiễm không khí gây đau đớn về thể xác hoặc tâm lý cho họ.
Phản ứng của chính phủ là tuyên bố "bụi mịn" là thảm họa xã hội và duyệt chi tiền từ quỹ khẩn cấp.
Nền kinh tế lớn thứ tư trên thế giới đã chi hàng tỷ đô la trong vài thập kỷ qua để bảo vệ mình trước nguy cơ chiến tranh từ Bắc Hàn - giờ đây nước này chuyển mối quan tâm sang tác hại của không khí ô nhiễm đến người dân.
Nhưng kẻ thù mới này là từ bên trong hay bên ngoài?
Các chuyên gia không nhất trí. Một số người nói không khí ô nhiễm đến từ Trung cộng - các nghiên cứu cho thấy tới 60% ô nhiễm không khí của Hàn Quốc đến từ các nhà máy than và khu công nghiệp của nước láng giềng phía Tây.
Những người khác lại cho rằng vấn đề là ở ngay tại Hàn Quốc.
Chất gây ô nhiễm nguy hiểm trong gió
Để tìm hiểu rõ hơn, một nhóm quan chức từ Bộ Môi trường đã lên một chuyến bay điều tra trên Biển Vàng, bay giữa khu vực bán đảo Triều Tiên và Trung cộng.
Researcher are looking into the content and origin of the "fine dust"
Chúng tôi được phép đi cùng họ. Bên trong chiếc máy bay nhỏ được thiết kế đặc biệt, không gian hết sức chật hẹp. Nhưng họ giới thiệu các thiết bị cho tôi. Chúng tôi phải len lỏi vào những khoảng trống chật hẹp giữa những chiếc máy tính và thiết bị đo lường các loại.
Trong tiếng động cơ ồn ào, nhà nghiên cứu trưởng cho tôi biết kế hoạch là sẽ lấy mẫu không khí khi chúng tôi bay qua bán đảo Triều Tiên và đo nồng độ các chất gây ung thư và ô nhiễm khác nhau.
Từ trên không có thể thấy ô nhiễm đậm đặc bao phủ Hàn Quốc
Các thiết bị có thể nhận biết loại hạt bụi nào đến từ những ngành công nghiệp như nhà máy nhiệt điện chạy than, và những chất gây ô nhiễm nào là do gió cuốn. Điều này giúp các nhà khoa học có căn cứ để biết liệu không khí ô nhiễm bắt nguồn từ Trung cộng hay Hàn Quốc.
Khi chúng tôi bay trên bán đảo, chúng tôi đến gần vài nhà máy điện của Hàn Quốc. Than cung cấp 40% lượng điện của cả nước, sau đó là hạt nhân rồi khí đốt. Năm ngoái, Hàn Quốc nhập khẩu than ở mức cao kỷ lục.
Chính phủ đã đóng cửa một số nhà máy điện già cỗi, nhưng vẫn có kế hoạch xây dựng nhà máy mới trong 5 năm tới, điều làm cho những người vận động cho không khí sạch rất tức giận.
Trước khi bay khảo sát, tôi có nói chuyện với Lee Ji-eon, một đại diện của tổ chức phi lợi nhuận Liên đoàn Phong trào Môi trường Hàn Quốc (Korean Federation for Environmental Movements (KFEM)).
"Tất cả các kế hoạch xây dựng nhà máy nhiệt điện cần phải được ngưng lại," ông nói. "Chúng ta cũng cần có lộ trình giảm tỷ lệ điện do các nhà máy chạy bằng than cung cấp xuống dưới 20% vào năm 2030."
Chính phủ chưa mạnh tay như vậy, nhưng đã công bố một quy hoạch năng lượng tổng thể mới để tăng năng lượng tái tạo lên 20% vào năm 2030.
Vấn đề chính trị
Trở lại chuyến bay, sau khi bay một giờ trên Biển Vàng, chúng tôi không còn nhìn thấy gì ngoài cửa sổ nữa. Không khí không những mờ mịt, mà còn rất đặc nên chỉ có vài tia sáng có thể xuyên qua. Chúng tôi ở độ cao cách mặt biển 500m và các nhà khoa học đang bận rộn ghi lại các thông số về sulphur dioxide và chất mà họ tả cho tôi là carbon đen.
Nhà nghiên cứu trưởng Ahn Joon-young đang chỉ vào một vài kết quả. Dường như càng bay gần Trung cộng, không khí càng ô nhiễm hơn. Ít nhất là trong ngày hôm nay.
"Mục tiêu nghiên cứu của tôi là: ô nhiễm này là từ đâu đến, ô nhiễm chừng nào là đến từ Hàn Quốc, và chúng ta cần hợp tác điều gì với các nước khác để làm giảm ô nhiễm không khí của chúng ta," ông nói với tôi.
"Tôi thấy có mật độ carbon đen và sulphur dioxide cao hơn trên biển so với trên đất liền. Như vậy có nghĩa là một số chất gây ô nhiễm đã đi từ những khu vực khác tới Hàn Quốc."
Khi tôi hỏi ông liệu chúng đi từ đâu đến, ông cười.
"Tôi nghe nói đó là một vấn đề chính trị," ông trả lời.
Quá ít và quá muộn?
Ông Ahn Joon-young có thể không muốn nhắc tên Trung cộng trước ống kính, nhưng các quan chức Hàn Quốc khác lại thẳng thắn hơn nhiều.
Thị trưởng Seoul, Park Won-soon, nói hồi đầu năm nay rằng các nhà nghiên cứu môi trường kết luận rằng Trung cộng gây ra 50-60% tình trạng ô nhiễm của Hàn Quốc.
Trung cộng đã nói trong nhiều dịp rằng họ không hoàn toàn có lỗi về không khí ô nhiễm của Hàn Quốc, và khuyến khích Seoul có trách nhiệm nhiều hơn.
Trẻ em và người già dễ chịu tác động của ô nhiễm nhất
Lee Ji-eon từ tổ chức KFEM đồng ý. "Đổ lỗi cho người khác không bao giờ giải quyết được vấn đề - nhất là khi có những điều chúng ta có thể làm được."
"Nếu chúng ta yêu cầu Trung cộng hành động, chúng ta sẽ có lập luận thuyết phục hơn nếu ta đương đầu với vấn đề của chính chúng ta trước. Chẳng hạn, chúng ta biết rõ rằng xe chạy bằng dầu diesel làm tăng bụi mịn ở đô thị, nhưng tổng số xe chạy bằng diesel lại vẫn tăng. Đây là chỉ dấu rõ ràng của thất bại về chính sách."
Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in đã bổ nhiệm cựu Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Ban Ki-moon là người phụ trách giải quyết tình trạng bụi mịn. (Ông đứng đầu ủy ban khí hậu quốc gia và ô nhiễm bụi mịn của tổng thống).
Phụ huynh nói họ muốn con họ được sống một cuộc sống bình thường và vui chơi ngoài trời.
Vị tổng thống nhấn mạnh sự cần thiết phải xác định nguồn gốc của bụi mịn trước khi hoạch định chính sách mới. Chúng ta sẽ chờ kết quả từ các chuyến bay khảo sát trên Biển Vàng trong một tháng liền.
Các nhà hoạt động môi trường ủng hộ quyết định bổ nhiệm này cũng như nghiên cứu đang được tiến hành, nhưng họ cho rằng những động thái này vẫn là quá ít và quá muộn đối với những người đang có vấn đề sức khỏe trầm trọng.
Hàng năm, 18.000 người được cho là chết từ các bệnh liên quan đến ô nhiễm ở Hàn Quốc, theo Tổ chức Y tế Thế giới WHO.
Vấn đề này cũng thường xuyên xuất hiện trên mặt báo và được người dân quan tâm, nhưng thường theo mùa. Các chính trị gia chịu nhiều áp lực giải quyết vấn đề mỗi khi tình trạng bụi mịn tồi tệ nhất trong mùa xuân và mùa đông.
Nhưng những người như chị Hwang Mi-Sun luôn luôn ý thức rằng gia đình họ gặp rủi ro. Chị tin rằng cần có hành động quyết liệt ngay bây giờ nếu Hàn Quốc muốn bảo vệ sức khỏe cho thế hệ sau.
"Tôi không đòi hỏi nhiều. Tôi chỉ muốn con tôi được chạy chơi bên ngoài dưới bầu trời xanh và có thể nghịch đất. Đó là mong muốn lớn nhất của tôi."
Laura Bicker
No comments:
Post a Comment
Note: Only a member of this blog may post a comment.