"Nếu không phải là vì chuột cống thì tôi đã không có việc làm," Phil Merrill, người đứng đầu chương trình kiểm soát chuột tại tỉnh Alberta của Canada, nói.
"Tôi không thích nhưng cũng không ghét chúng. Tôi tôn trọng chúng. Chúng là những kẻ rất biết thích nghi với hoàn cảnh. Và chúng thách thức hoàn cảnh."
Nhìn từ nhiều khía cạnh thì lũ chuột nâu, còn được gọi là chuột cống Na Uy, rất đáng nể.
Chúng là loài sinh sôi nảy nở vô cùng nhanh chóng, thời gian mang thai ngắn và mỗi lứa đẻ nhiều con. Chúng hầu như cái gì cũng chén hết, từ rác thải gia đình, thức ăn thối rữa, cho đến ngũ cốc, và sống ở bất kỳ nơi nào có người sống.
Chúng có thể nhai gặm cả kim loại, bơi được một quãng dài, ngã từ trên cao 15 mét xuống cũng không chết, có thể từ toilet nhô lên.
Có nguồn gốc từ miền bắc Trung cộng, lũ chuột cống này lan tràn ra mọi châu lục, trừ châu Nam Cực.
Trong lúc có một số loài khác đang suy giảm về số lượng, thì chuột cống lại có vẻ phát triển con đàn cháu đống, mà hiển nhiên là trong các khu vực đô thị. Chúng được coi là một trong những loại xâm thực hung hăng nhất thế giới, gây hại cho đời sống tự nhiên bản địa, làm hỏng đồ đạc nhà cửa, gây nhiễm bẩn thức ăn và làm lây truyền bệnh dịch.
Chi phí để đối phó với chúng tốn mất 19 tỷ đô la Mỹ mỗi năm, chiếm một phần sáu ngân khoản thường niên khoảng 120 tỷ đô la cho việc xử lý toàn bộ các loài xâm thực.
Năm 2017, thị trưởng New York đã cam kết chi 32 triệu đô là để xử lý nạn chuột cống trong thành phố. Tại Mumbai, hầu hết các vụ hoả hoạn xe cộ đều do chuột cống gây ra. Người ta nói rằng bạn không bao giờ ở cách xa một con chuột cống quá sáu bộ (1,8m) - điều này có thể không đúng, nhưng có lẽ bạn ngay tại lúc này cũng không cách quá xa một con chuột.
Trừ khi bạn đang ở tỉnh Alberta của Canada.
Là nơi có các thành phố Calgary và Edmonton, với dân số vào khoảng 4,3 triệu người, Alberta nổi tiếng về dầu lửa, về các công viên quốc gia và môn khúc côn cầu. Nhưng nó cũng có một thứ ít nổi tiếng hơn: đây là nơi duy nhất trên thế giới có các khu vực dân cư nơi đô thị và nông thôn không vấp phải vấn nạn chuột.
Vậy làm thế nào mà một vùng có diện tích bằng Texas lại có thể làm được điều mà có lẽ không đâu khác trên thế giới làm được? Là nhờ vào may mắn hay đó là kết quả của ý tưởng xuất sắc? Và Alberta đạt được gì trong việc duy trì tình trạng không có chuột cống?
Alberta xử lý nạn chuột cống ra sao? (1) là vùng có nhiệt độ thấp ở phía bắc; (2) là Dãy núi Rocky; (3) Vùng núi Montana. Chuột xâm nhập từ vùng biên giới phía đông, cho nên khu vực kiểm soát chuột được thiết lập - vùng đánh dấu vàng trên bản đồ. Các điểm có chuột đã giảm mạnh từ thời thập niên 1950 tới nay, và đến 2003, Alberta không còn chuột
"Giết ngay nếu nhìn thấy!"
"Chúng tôi có lợi thế địa lý," Merrill nói. "Chúng tôi đã khởi đầu trước khi có chuột - lũ chuột cống này đến biên giới phía đông của chúng tôi vào khoảng năm 1950 - và chúng tôi nói rằng chúng tôi không muốn có chuột cống, cho nên chúng tôi đã kiểm tra toàn bộ các trang trại dọc biên giới nơi có chuột và đánh bả chết hết. Chúng tôi không cho phép có thêm chuột xâm nhập."
Tình trạng địa lý đương nhiên đóng vai trò quan trọng - với một vùng rộng lớn thò có một số khu vực có khả năng là điểm chuột xâm nhập. Chuột cống không thể chịu đựng được cái lạnh của miền bắc, cũng không sống được ở Rặng núi Rocky ở phía tây. Biên giới phía nam với Montana là vùng địa hình núi, lại quá thưa dân nên chuột không thể lây lan rộng.
Thế cho nên nơi cần phòng vệ chỉ còn là đường biên giới phía đông.
Chuột tới bờ biển đông của Bắc Mỹ vào cuối thế kỷ 18 và từ từ lan ra phía tây, đến được vùng Saskatchewan ở kế bên vào thập niên 1920.
"Chúng tôi không khôn gì hơn vùng Saskatchewan," Merrill nói. "Bọn chuột cống tới chỗ họ trước khi tới chỗ chúng tôi chừng 30 năm. Các chính quyền [tỉnh] khi đó chưa được phát triển cho lắm - Saskatchewan chưa sẵn sàng đối phó. Tới lúc chúng lan đến biên giới chúng tôi thì chúng tôi đã có bộ y tế và bộ nông nghiệp, và chúng tôi đã có một hệ thống sẵn sàng để bắt tay vào việc."
Và họ đã làm được. Vào năm 1950, chuột cống bị xếp vào nhóm gây hại, và việc kiểm soát chuột được coi là điều bắt buộc.
Thuốc chuột được dùng để giết loài gặm nhấm lúc này đã tới Alberta, và được đặt trong các tòa nhà có thể bị chuột tấn công nằm khắp dọc vùng đất kéo dài 300km, rộng 20-50km ở biên giới phía đông.
Một khu vực kiểm soát chuột được thiết lập (và vẫn được duy trì cho tới ngày nay), và các nhân viên kiểm soát vật gây hại (pest control officer - PCO) được bổ nhiệm để đảm nhận công việc này.
Song song với việc đó, công tác giáo dục dân chúng cũng được khởi động. Hầu hết người dân Alberta đều chưa từng nhìn thấy chuột cống, cho nên chính quyền đã ra chiến dịch nhằm giúp người dân biết cách phân biệt chúng với các loài gặm nhấm bản địa với việc phân phát hàng ngàn poster quảng bá thông tin.
"Chúng rất hiệu quả về mặt thị giác," Lianne McTavish, giáo sư lịch sử nghệ thuật, thiết kế và văn hóa thị giác tại Đại học Alberta, nói. Ông là người đã thẩm định các chủ đề được đăng trong các tấm poster đó.
"Chúng thực sự chú trọng vào phần đuôi... họ muốn người dân tập trung vào chuột Na Uy chứ không phải các loài chuột khác."
Các tấm poster có đăng kèm những khẩu hiệu đầy sôi sục, chẳng hạn như 'Diệt Chuột Ngay Lập Tức Nếu Thấy!', hay 'Nó là Mối Đe Dọa Tới Sức Khỏe, Nhà Cửa, Nền Công Nghiệp!', mô tả bọn chuột như những kẻ xâm lăng và mang nặng tính hô hào thời chiến, McTavish nói.
Một chủ đề khác nữa là so sánh nhà nông tốt, những người giữ gìn nhà cửa vườn tược gọn gàng, với nhà nông tồi, những người luộm thuộm và làm nguy hại cho cả láng giềng.
"Vào lúc đó, có rất nhiều loại chiến dịch - chó sói đồng cỏ, châu chấu - nhưng chiến dịch diệt chuột là điều mọi người đều ủng hộ, còn chính quyền thì bỏ tiền vào duy trì động lực chống lại loài gặm nhấm này," bà nói. "Đó cũng là chiến dịch đầy cảm xúc 'chúng là những kẻ xâm lăng, chúng rất nguy hiểm'. Họ vận động để tranh thủ được tình cảm của mọi người, và khuấy lên nỗi sợ vô cớ đối với chuột, điều mà họ không thể làm được đối với những loài động vật khác."
Điều tra các bãi rác
Là nơi có Calgary và Edmonton, với dân số khoảng 4,3 triệu người, Alberta có diện tích lớn bằng Texas nhưng đã thành công trong việc giữ cho toàn vùng không có chuột nâu
Vào thời thập niên 1950, tin tức nói mỗi năm có trên 500 địa điểm bị chuột cống hoành hành trong vùng kiểm soát chuột, nhưng một thập niên sau, con số này đã giảm xuống đáng kể.
Tới thập niên 1970, Merrill nói, chỉ còn khoảng 50 địa điểm mỗi năm, rồi tới thời những năm 1990 còn ở mức 10-20 địa điểm. Vào năm 2003, lần đầu tiên con số này đạt mức zero.
Ngày nay, vùng kiểm soát chuộc vẫn được thanh tra định kỳ, và các vùng có chuột hoành hành được xử lý một cách hiệu quả.
Các nông trại nằm gần biên giới nhất được kiểm tra hai lần một năm, còn các địa điểm kế tiếp, một lần mỗi năm.
Nghe có vẻ là nhiều, Merrill nói, nhưng sự hiện đại hóa nông trại, chẳng hạn như việc sử dụng nhiều bể thép để chứa ngũ cốc hơn, khiến cho chuột ít có cơ hội tiếp cận vào nguồn lương thực hơn.
"Chúng tôi kiểm tra các điểm cho gia súc gia cầm ăn, các nơi ủ thức ăn cho gia súc gia cầm, các thùng chứa lương thực bằng gỗ," Merrill nói. "Nếu như chúng tôi đẩy được lũ chuột vào nơi toàn là thùng chứa bằng kim loại thì chả mấy mà chúng tiêu tùng. Các PCO có thể xử lý được 25-30 địa điểm trong một ngày."
Nông dân được khuyến khích duy trì các biện pháp đặt bẫy để phòng ngừa, sử dụng thuốc warfarin, một loại chất chống đông máu. Có những loại thuốc chuột hiệu quả hơn, Merrill nói, nhưng warfarin ít gây tác hại cho môi trường tự nhiên, bởi nó chỉ tồn tại trong cơ thể con chuột trong một thời gian ngắn, chỉ bằng phân nửa so với các loại thuốc chuột khác. Điều này khiến các loài săn mồi, như diều hâu, sẽ ít bị tác động hơn nếu ăn phải con chuột bị đánh bả.
Khi chuột xuất hiện nhiều, đa phần mọi người đều muốn được trợ giúp. "Một số thì hơi hơi ngần ngại, họ có chuột trong nhà nhưng không muốn để người khác biết. Nhưng đa phần mọi người đều muốn diệt sạch chúng," ông nói. "Chúng tôi quay trở lại nhà họ hàng tuần cho tới khi không còn con chuột nào mới thôi."
Chuột xạ hương là loài gặm nhấm khá lớn, có khả năng tìm kiếm được thức ăn trong mùa đông, dưới độ sâu cả mét bên dưới lớp băng tuyết, trong nước giá lạnh và ở nơi hầu như tăm tối
Có một công việc khác nữa, đó là điều tra các điểm xem có chuột không, thông qua đường dây nóng. Hầu hết các trường hợp là do người dân nhận lầm chuột cống với chuột xạ hương (muskrat) bản địa, nhưng cũng có trường hợp đúng là có chuột thật.
Vào buổi sáng tôi gặp Merrill, người đã bẫy chuột ở gần Innisfail, phía tây vùng kiểm soát chuột.
Nơi có chuột là một garage để xe mà ông dùng chung với người hàng xóm, người vừa từ vùng British Columbia trở về; chuột đã chui lên xe ông hàng xóm theo về.
"Chuyện đó xảy ra khá phổ biến," Merrill nói. "Chúng tôi mỗi tháng có khoảng hai vụ được xác nhận là có chuột." Lời khuyên của ông - đặt thêm một cái bẫy chuột nữa xem còn sót con nào không. "Nếu chỉ có một con chuột thôi thì diệt trừ không khó."
Tuy nhiên, không phải lúc nào cũng đơn giản thế. Có những lúc Merrill phải biến thành thám tử, chẳng hạn như lúc tới bãi rác thải ở thành phố Medicine Hat hồi 8/2012.
"Chúng tôi có 21 con chuột trong các nông trại quanh thành phố, và có 18 con ở trong thành phố. Chúng tôi biết rằng như vậy nghĩa là bị nạn chuột hoành hành rồi, nhưng mà tìm không ra chúng. Chúng tôi tới bãi rác sáu lần, ở các bãi rác rất khó phát hiện được chuột vì rác thải bay lung tung. Cuối cùng, một trong các PCO tìm thấy chúng vào ban đêm."
Tình trạng chuột hoành hành trở thành tin chính trên các báo quốc gia, thậm chí báo quốc tế, với câu hỏi được đặt ra về vị thế vùng đất không bóng chuột của Alberta.
Tới tháng Mười, tình hình được kiểm soát và ổ chuột bị phá huỷ. Số chuột diệt được, theo Merrill nhớ, đếm ra ít nhất 300 con.
Về nguồn làm lây nhiễm, người ta cho rằng bọn chuột đã tới theo đám rơm rạ còn sót lại trong những máy móc nông nghiệp được đưa tới Alberta để tái sử dụng.
Phí tổn
Hình vẽ hồi Thế kỷ 19 mô tả chuột nâu, loài vật còn được gọi với các tên chuột cống, chuột Hanover, chuột Na Uy, hay chuột bến cảng
Merrill, 67 tuổi, đã làm công việc kiểm soát côn trùng và các loài vật có hại kể từ 1970. Ông nhanh chóng chỉ ra những thay đổi khiến cho công việc của ông trở nên dễ dàng hơn, chẳng hạn như các khu nhà hiện đại hơn trong các nông trại, hay công tác kiểm soát tại Saskatchewan, nơi tỷ lệ bị nhiễm chuột đang giảm. Công tác diệt chuột cũng nhận được sự hỗ trợ từ các vùng thành thị ở Alberta, với việc mỗi vùng đều bổ nhiệm một nhân viên làm công tác kiểm soát chuột bọ khi cần.
Bản thân chương trình kiểm soát chuột tiêu tốn chưa tới 500.000 đô la Canada (372 ngàn đô la Mỹ) mỗi năm, được dùng để trả lương cho Merrill, sáu nhân viên làm việc ở khu vực kiểm soát chuột, và để mua thuốc chuột.
Có vẻ như đây là một khoản đầu tư khôn ngoan; hồi năm 2004, Hội đồng Nghiên cứu Alberta (ARC) ước tính chi phí hàng năm để đối phó với chuột có thể tới 42,5 triệu đô la Canada (31,6 triệu đô la Mỹ).
Các số liệu của ARC được đưa ra một phần dựa trên nghiên cứu của Mỹ theo đó giả thuyết rằng mỗi con chuột trưởng thành sẽ tiêu thụ hoặc phá huỷ lượng ngũ cốc hoặc đồ vật khác có giá trị 15 đô la một năm.
Con số này bao gồm cả các vụ hoả hoạn phát sinh do chuột gặm nhấm dây điện, làm nhiễm bẩn thực phẩm và các thiệt hại khác liên quan tới dịch bệnh. ARC ước tính là nếu như mỗi nông trại có 20 con chuột và một gia đình có một thì tổng số chuột ở Alberta sẽ là 2,1 triệu con.
Larry Roy, đồng tác giả của bản phúc trình ARC, nói ông nghĩ rằng đó là "một ước tính rất chuẩn xác, đáng tin khi đó". Việc ước tính tác động kinh tế của các loài xâm thực như chuột là rất khó, ông nói, và để đưa ra được dữ liệu chính xác hơn sẽ cần phải có công tác khảo sát tốn kém hơn.
Hồi 2017, thị trưởng New York cam kết chi 32 triệu đô la để xử lý nạn chuột. Tại Mumbai, hầu hết các vụ xe hơi bốc cháy đều do chuột gây ra. Nạn chuột khiến nước Mỹ phải chi 19 tỷ đô la mỗi năm, bằng một phần sáu ngân sách dự toán 120 tỷ mỗi năm dành cho việc đối phó với các loài xâm thực có hại
Delinda Ryerson, giám đốc điều hành của Hội đồng Kiểm soát Các loài Xâm thực Alberta, tin rằng con số ước tính "nằm trong phạm vi phù hợp nhưng có phần bảo thủ". Chẳng hạn như khó có thể nêu giá trị của tác động tiềm ẩn đối với đời sống tự nhiên bản địa, như với các loài chim làm tổ trên mặt đất ở Alberta, đối tượng có thể bị chuột tấn công, phá ổ trứng.
Nói tới vấn đề y tế thì hiện chưa có đủ thông tin để thẩm định việc không có chuột có ý nghĩa ra sao đối với Alberta, theo Kaylee Byers, nghiên cứu sinh tiến sỹ tại Đại học British Columbia, người theo đuổi đề tài những rủi ro y tế do chuột nơi đô thị gây ra.
Những bài học từ Alberta
Một thông báo của Bộ Y tế về việc đặt bả chuột tại Brooklyn, New York
Liệu kinh nghiệm của Alberta có ích gì cho thế giới nói chung hay không? Ngày nay, các dự án kiểm soát chuột hầu như đều nhằm diệt bỏ hoàn toàn loài vật này khỏi địa phương của mình, thay vì ngăn chặn việc chuột xâm nhập vào. Động cơ cũng hoàn toàn khác: bước đi của Alberta chủ yếu là vì lý do kinh tế.
"Theo tôi thì rất nhiều cuộc diệt trừ chuột trên thế giới là dựa trên phân tích về ích lợi thu được so với chi phí bỏ ra, nhưng rất khó để xác định số lượng, và trong hầu hết các trường hợp, chúng ta làm để bảo tồn đời sống hoang dã bản địa chứ không phải vì lý do kinh tế," Tony Martin, người dẫn đầu một dự án diệt chuột tại đảo South Georgia ở Nam Đại Tây Dương, nói.
Tại đó, chuột bị đánh bả do trực thăng thả xuống - dự án kéo dài tám năm với chi phí 10 triệu bảng Anh.
Công tác của Martin chủ yếu có ngân khoản từ các nhà hảo tâm.
Ông nói rằng tuy dự án của ông và dự án tại Alberta rất khác nhau, nhưng ông "rất ngưỡng mộ" những gì Alberta đã đạt được. "Kết quả mà họ đã đạt được là tốt hơn rất nhiều so với bất kỳ nơi nào khác trên thế giới, và là điều cực kỳ kinh ngạc. Đây là điều độc đáo; nó không phải chỉ là một thị trấn mà là cả một vùng địa hình rộng lớn không bóng chuột."
Ông nhấn mạnh rằng tâm lý dân chúng là "yếu tố đơn lẻ quan trọng nhất" đem đến sự thành công cho các dự án. "Bạn cần phải thu hút được sự quan tâm, ủng hộ của người dân." Sự phản đối dù chỉ là ở mức độ nhỏ cũng có thể làm hỏng dự án - tại hòn đảo Lord Howe nhỏ xíu của Úc, việc diệt chuột chỉ mới bắt đầu sau 20 năm tranh luận.
Tại Alberta, có vẻ như không có mấy ý kiến tranh luận về việc phải kiểm soát chuột. McTavish nói hồi 2007 khi cô chuyển tới đây, cô để ý thấy cảnh sát "có vẻ rất tự hào" về việc này. "Có vẻ như việc này có liên quan tới bản sắc Alberta: là người dân Alberta có nghĩa là biết về chiến dịch diệt chuột và tham gia tích cực vào việc đó," cô nói.
Phil Merrill nói rằng sự ủng hộ của người dân là vô cùng quan trọng. "Nếu như ở sân nhà ai đó bị nhiễm chuột, chúng tôi sẽ được báo tin ngay. Chúng tôi tin chắc là mọi người sẽ báo tin cho chúng tôi."
Có một số ít người không hài lòng - những người phản đối lệnh cấm nuôi chuột làm thú cưng và một số người nuôi rắn (chuột cần phải để đông lạnh làm thức ăn cho rắn). Nhưng hầu hết "mọi người đều rất hài lòng về việc họ không phải đối phó với chuột."
"Một số người yêu động vật thì nghĩ rằng chúng tôi cố tình nhắm vào chuột, mà tôi đoán là chúng tôi quả có thể thật, nhưng chúng tôi có lập luận tốt để giải thích: chúng tôi yêu thích các loại chuột xạ hương và chuột rừng (packrat, hay woodrat) bản địa. Nếu như chúng có thể sống trong môi trường tự nhiên nơi không có con người thì tốt thôi, xin mời. Nhưng nếu chúng chén lương thực của chúng ta, phá phách bãi rác và nơi ở của chúng ta, thì chúng tôi không muốn thấy chúng."
Philippa Fogarty
No comments:
Post a Comment
Note: Only a member of this blog may post a comment.