Mèo Yontama (Tama thứ Tư) là chú mèo tam thể làm trưởng nhà ga tàu điện Wakayama, làm việc tại Ga Idakiso
Một buổi sáng tháng Năm trời trong ở trạm xe lửa Idakiso ở Nhật, một cô mèo nhỏ nằm lười tắm nắng được nhóm du khách chụp hình, rồi một em bé gãi gãi bụng mèo.
Cô mèo tam thể trắng, vàng đen này kêu gừ gừ và meo meo trong vòng tay du khách, một trong những nhân viên nhà ga nhìn mèo cười toe toét, ông chỉ xen vào để điều chỉnh chiếc nón trưởng ga trên đầu mèo khi nó sắp sụp xuống mí mắt cô.
“Có cô mèo ở ga khiến mọi người hạnh phúc,” ông nói, khi mèo đang nghịch ngợm quẹt điện thoại iPhone của du khách. “Tôi đôi khi quên mất cô mèo là sếp tôi.”
Mời bạn gặp gỡ với mèo Yontama, cô mèo mới nhất trong số những cô mèo trưởng ga tàu điện kế vị mèo Tama, nhân vật đã giải cứu tuyến hoả xa Kishigawa ở tỉnh Wakayama ở Nhật, một vùng nông thôn chủ yếu là núi non, nổi tiếng với những sườn đồi có nhiều đền thờ và những cung đường hành hương thiêng liêng.
'Trưởng ga', mèo Tama
Câu chuyện bắt đầu vào cuối thập niên 1990 với mèo tam thể tên Tama. Cô mèo này sống gần ga Kishi, ga cuối cùng trong 14 ga của đường tàu dài 14,3km kết nối những cộng đồng nhỏ với Thành phố Wakayama, trung tâm trong vùng. Nó thường đi chơi quanh nhà ga và thu hút được thiện cảm của mọi người.
Qua nhiều năm, tính cách ngọt ngào và ăn ảnh của mèo Tama đã khiến cô nổi tiếng với người đi tàu. Những người đến xem vì ngưỡng mộ bắt đầu gọi cô là “Trưởng ga” của Kishi.
Nhưng vào giữa thập niên 2000, tình trạng ít khách đi lại và vấn đề tài chính đã gần như buộc người ta phải đóng cửa đường tàu nông thôn này, và 14 ga trên đường rày hoàn toàn không còn nhân viên làm việc vào năm 2006.
Nhưng may thay, đó không phải là cái kết của đường ray xe lửa hay vai trò của cô mèo đáng yêu này với nơi đây.
“Vào năm 2006, chủ tịch hiện thời của Đường Xe điện Wakayama, ông Mitsunobu Kojima, được người dân yêu cầu hồi sinh Đường tàu Kishigawa sau khi người chủ cũ công bố đường tàu này bị bỏ,” Keiko Yamaki, một quản lý điều hành tại công ty Ryobi, công ty sở hữu Đường Xe điện Wakayama, cho biết.
Yamaki giải thích rằng chủ một cửa hàng tiện lợi gần ga Kishi, người đã nhận nuôi mèo Tama, cũng quyết định phải dời đi, nhưng trước khi ra đi, ông đề nghị nhà ga hãy chăm sóc mèo Tama. “Chủ tịch của chúng tôi luôn là người yêu thích chó, nhưng khi ông gặp mèo Tama thì mọi sự thay đổi,” Yamaki vừa nói vừa lướt qua những bức ảnh mèo trên điện thoại với hình ảnh ông Kojima vui vẻ vuốt ve “trưởng ga mèo”. “Ông ấy yêu nó ngay.”
Ở tầm vĩ mô. Ngay sau khi nhận nuôi mèo Tama, ông Kojima đặt làm một chiếc nón trưởng ga nhỏ cho cô mèo đội, và vào 1/2007, ông chính thức phong mèo Tama làm “Trưởng ga Kishi” - trưởng ga đầu tiên là mèo ở Nhật Bản.
Một toa tàu trên đường rày Tamaden được tô điểm bằng râu mèo, dấu chân mèo và hình ảnh mèo Tama
Là trưởng ga, một trong những nhiệm vụ của mèo Tama là có mặt tại ga tàu và xuất hiện trên những ấn phẩm quảng cáo và truyền thông. Mèo cũng có dấu vân chân tại ga, đôi khi chào đón hành khách từ chiếc bàn đặt trên cửa quầy bán vé hoặc đằng sau cửa kính từ “văn phòng” của mèo - một phòng bán vé được chuyển đổi công năng có thêm đĩa cát đi vệ sinh và giường ngủ.
Mèo Tama cũng được những người đi tàu yêu mến và nhân viên đường rày vẽ một bức tranh chân dung cho cô.
Bức tranh này đã được mua lại, và giờ đây được treo bên cạnh nhiều bức ảnh xinh đẹp của cô mèo trong quầy hàng lưu niệm ở ga Kishi - nơi du khách có thể mua mọi thứ từ huy hiệu mèo Tama, móc gắn chìa khóa đến kẹo hiệu mèo Tama.
Thay vì được trả “tiền lương”, mèo Tama có được mọi thức ăn mà cô cần. Cô cũng được thăng chức: trong năm 2008, cô được phong tặng là “siêu trưởng ga” và thậm chí được thị trưởng của tỉnh phong tước hiệp sĩ.
Trong quá trình đó, cô nhận được một chiếc áo choàng nghi thức màu xanh đậm, với vòng cổ ren trắng, và hàng ngàn du khách bắt đầu đến nhà ga chỉ có đường tàu nhỏ xíu này để gặp cô mèo.
Trong thực tế, theo một nghiên cứu vào năm 2008 do giáo sư Katsuhiro Miyamoto từ Trường Tài chính Đại học Kanshai thực hiện, sự hiện diện của mèo Tama tại nhà ga ước tính đã thu hút được hơn 55.000 lượt khách đi lại trên Đường tàu Kishigawa so với mức mong đợi trong năm 2007, và trong suốt thời gian cô làm trưởng ga từ năm 2007 đến năm 2015, cô đã đóng góp hơn 1,1 tỷ Yen (tương đương 7,85 triệu bảng Anh) cho nền kinh tế địa phương.
Với sự giúp đỡ của vị trưởng ga có râu này, Công ty Đường xe điện Wakayama cho biết lượng hành khách hàng năm đi lại trên Đường tàu Kishigawa đã tăng đến mức gần 300.000 lượt vào năm 2006.
Khi mèo Tama qua đời, đám tang của cô có hàng ngàn người tham dự và cô được phong là Thánh của Đường xe điện
Để tận dụng làn sóng yêu thích mèo Tama, vào năm 2010, công ty đường tàu đã thuê một nhà thiết kế công nghiệp đoạt giải thưởng tên là Eiji Mitooka - nổi tiếng với thiết kế tàu điện hình viên đại trơn suốt của Nhật - để nhờ ông thiết kế lại hoàn toàn ngoại thất và nội thất tàu theo chủ đề về mèo Tama. Đường ray Tamaden ra đời từ đó.
Để ngợi ca mèo Tama, ngoại thất hai toa xe trên đường tàu Tamaden giờ đây được trang trí bằng hình ảnh dấu chân mèo và 101 hình ảnh hoạt họa vẽ mèo Tama, trong đó có hình ảnh mèo Tama thỏa mãn vươn vai, vui vẻ liếm chân và tinh nghịch chực chờ vồ ai đó.
Phần trước của tàu thậm chí có cả râu mèo, trong khi nội thất tàu là sàn gỗ kiểu cũ và kệ sách cho trẻ em. Cuối cùng, khi cửa tàu mở ở mỗi ga, sẽ có tiếng meo gừ gừ qua hệ thống loa công cộng trên tàu - và đó là ghi âm thực từ tiếng mèo Tama kêu,
Đến lúc qua đời vào năm 2015, mèo Tama đã 16 tuổi và đã xuất hiện trên nhiều chương trình truyền hình nổi tiếng, trên tạp chí và báo chí khắp Nhật Bản.
Hàng ngàn người đến dự lễ tang của cô mèo ở nhà ga, để lại nhiều bó hoa và các hộp cá ngừ bên ngoài ga.
“Trưởng ga Trọn đời” là chức danh mà người ta gọi cô mèo, và sau đó cô được tưởng niệm bằng một miếu thờ nhỏ bằng chiếc điện thoại ở Nhà ga Kishi, và theo truyền thống Thần đạo của Nhật, cô đã được phong là Thánh của Đường Xe điện Wakayama.
Để vinh danh ngày sinh nhật lần thứ 18 của mèo Tama vào năm 2017, cô thậm chí còn được tưởng nhớ trên hình ảnh logo Google Doodle. Bốn năm sau khi cô mèo qua đời, tài khoản Twitter của cô đã có hơn 80.000 người theo dõi và con số này vẫn tiếp tục tăng.
“Đường tàu Tamaden đã trở nên nổi tiếng với mọi người đủ lửa tuổi,” Yamaki nói.
“Chúng tôi gặp rất nhiều trẻ em cùng gia đình và người già đưa cháu họ đến. Nhưng cũng có người trên tàu, các cặp đôi và rất nhiều du khách nước ngoài đến để đi tàu và xem chú mèo trưởng ga.”
Đội ngũ kế cận
Ngày nay, một trong những người học việc trước đây của mèo Tama, là mèo Nitama tám tuổi (tên có nghĩa là “Mèo Tama thứ hai), làm trưởng ga Kishi, với chú mèo Yontama bốn tuổi (“Mèo Tama thứ tư”) làm trợ lý trưởng ga cho cô ở Idakiso.
Cả hai làm việc từ 10 giờ sáng đến bốn giờ chiều với hai ngày nghỉ mỗi tuần: Mèo Yontama nghỉ thứ Hai và thứ Sáu, còn mèo Nitama nghỉ thứ Tư và thứ Năm.
Vậy còn Mèo Tama thứ ba thì sao? Cô hiện là nhân viên của Hãng Đường xe điện Okayama và làm quyền giám đốc Bảo tàng Okaden.
Khi mèo Tama qua đời, những người hâm mộ yêu quý cô để nhiều bó hoa tưởng niệm và hộp cá ngừ để tưởng nhớ cô, và giờ cô có một miếu thờ bên ngoài ga Kishi
Trong khi mèo Tama và những người thừa kế đóng vai trò chính trong việc hồi sinh Đường tàu Kishigawa, Yamaki chỉ ra rằng sự hồi sinh này không hẳn hoàn toàn phụ thuộc vào các chú mèo.
Công ty đường tàu cũng đã thuê Mitooka thiết kế những con tàu theo chủ đề khác để thu hút du khách, trong đó có tàu quả dâu (Ichigo Densha) và tàu mận ngâm (Umeboshi Densha) - đây là hai loại trái cây mà tỉnh Wakayama nổi tiếng.
Năm 2009, Mitooka cũng thiết kế một ngôi nhà mới cho Ga Kishi, một ngôi nhà mái tranh nhỏ có hình đầu chú mèo. Hai chiếc tai nhỏ nổi bật trên mái nhà, cửa nhà là miệng mèo và hai cửa sổ hình tròn nhô ra từ mái nhà xéo là mắt mèo - mỗi cửa sổ đều có ánh sáng vàng khi ngôi nhà bật điện vào ban đêm.
“Nhà ga trở nên sống động như một chú mèo thật khi lên đèn,” Yamaki cho biết. “Người ta nói mèo xua đuổi ma quỷ và điều không lành. Có lẽ nhà ga đã làm được điều này.”
Mèo Nitama tạo dáng với chiếc nón trưởng ga dành riêng cho cô trước một khung ảnh của mèo Tama, trưởng ga mèo đầu tiên
Có lẽ thật vậy. Sau tất cả, qua lịch sử, mèo được coi là loài vật tâm linh và là biểu tượng của điều may mắn ở Nhật.
Những bức tượng nhỏ hình mèo Maneki-neko nổi tiếng, với tay trái vẫy vẫy, được cho là sẽ khiến việc buôn bán tốt lành, khiến mọi người đặt chú mèo này ở các cửa sổ trước các cửa hàng khắp thế giới.
Cũng có những đền thờ và tượng khắp Nhật Bản dành cho mèo - như miếu thờ Thánh Mèo Nekogami ở Kagoshima, nơi hai chú mèo được phong tước bởi một lãnh chúa phong kiến vì những đóng góp trong quân đội.
Có hơn 10 “đảo mèo” ở Nhật, nơi hàng trăm chú mèo tự do đi lại, giờ đây trở thành điểm đến du lịch nổi tiếng, cũng như Tokyo có rất nhiều quán cà phê trả tiền để vuốt ve mèo.
Đó là ta còn chưa nói đến mèo Hello Kitty, một trong những nhân vật hoạt hình được yêu thích nhất của Nhật.
Tại một quốc gia có vẻ yêu thích mèo, mèo Tama và những truyền nhân của cô không chỉ đem lại cực kỳ nhiều may mắn cho Đường tàu Kishigawa, mà chúng còn luôn có một vị trí trong trái tim người Nhật.
Nhưng liệu mèo Yontama nghĩ gì về tất cả điều này? Cô chỉ nhìn lên và ngọt ngào kêu meo meo.
Rob Goss
No comments:
Post a Comment
Note: Only a member of this blog may post a comment.