Tuesday, June 25, 2019

Nhút nhát có thể khiến bạn kém hạnh phúc?

BM
Bài viết này được biên tập lại từ chương trình "Tại sao tôi nhút nhát?", một phần trong loạt chương trình Crowd Science do Datshiane Navanayagam trình bày và Cathy Edwards sản xuất.

Ý tưởng phải giao tiếp tại nơi tiệc tùng có khiến bạn lạnh gáy hay rùng mình không? Hoặc ý nghĩ phải thuyết trình trong khán phòng đầy người có khiến bạn cảm thấy thực sự phát bệnh không?

Nếu có, thì bạn không phải là người duy nhất bị như vậy.

BM
  
Akindele Michael từng là đứa trẻ nhút nhát. Lớn lên ở Nigeria, ông thường ru rú ở trong nhà. Vấn đề là cha mẹ ông lại không phải những người rụt rè. Ông tin rằng quá trình lớn lên và sống dưới sự che chở như vậy có liên hệ tới tính cách nhút nhát của ông - nhưng ông có đúng không?

Thalia Eley, giáo sư về di truyền học phát triển hành vi tại trường King's College London, nói rằng ông chỉ đúng một phần.

BM
  
"Chúng ta nghĩ rằng sự rụt rè là một xu hướng tính cách và tính khí đó giống như đã được định sẵn hoặc thuộc về tính cách," bà nói. "Khi những đứa bé rất nhỏ bắt đầu có tương tác với người khác, bạn sẽ thấy sự khác biệt trong mức độ thoải mái khi chúng trò chuyện với một người lớn không quen biết."

Bà cho biết chỉ có khoảng 30% tính cách rụt rè, nhút nhát là do di truyền, và phần còn lại là phản ứng của chúng ta đối với môi trường sống xung quanh.

Hầu hết những gì ta hiểu biết về tính nhút nhát di truyền đến từ các nghiên cứu so sánh sự rụt rè ở những cặp song sinh cùng trứng - vốn là những người có bộ gene giống nhau đến hoàn hảo, với những cặp song sinh khác trứng - là những anh em chỉ có một nửa số lượng gene giống nhau.

BM
Có đến 70% tính cách rụt rè, nhút nhát không phải do gene di truyền mà là phản ứng của chúng ta đối với môi trường

Trong thập niên vừa qua, những nhà khoa học như Eley đã bắt đầu quan sát DNA để cố gắng phát hiện, tìm ra những biến thể di truyền có thể ảnh hưởng đến tính cách và sức khỏe tâm thần.

Mỗi biến thể di truyền chỉ có thể gây ra tác động cực nhỏ, nhưng khi bạn quan sát hàng ngàn tổ hợp gene thì tác động trở nên rõ ràng hơn. Nhưng thậm chí ngay cả khi đó thì tác động của di truyền đến tình trạng rụt rè, nhút nhát vẫn chưa thể khoanh vùng, làm rõ được.

"Sẽ không phải là một, 10 hay hàng trăm gene có liên quan, mà đó là hàng ngàn gene,"Eley nói. "Vì vậy nếu bạn nghĩ về toàn bộ bộ gene ở cả cha và mẹ [của đứa trẻ] thì sẽ có hàng trăm ngàn biến thể di truyền liên quan đến tính cách này."

BM
  
Vì vậy, hầu như môi trường là yếu tố quan trọng hơn trong việc phát triển những xu hướng tính cách rụt rè, bà nói. Và một trong những điều thú vị về di truyền là nó khiến ta xác định được những khía cạnh môi trường phù hợp với khuynh hướng thực sự của ta.

Chẳng hạn, một đứa bé nhút nhát có thể có xu hướng tự cô lập bản thân nhiều hơn trên sân chơi, và bé thường quan sát mọi người thay vì tham gia chơi cùng. Điều này sau đó sẽ khiến em cảm thấy thoải mái hơn khi một mình vì đó đã là trải nghiệm quen thuộc mà em có.

"Đây không phải là do yếu tố này hay yếu tố khác; cả hai yếu tố [di truyền và môi trường] cùng gây ra tác động," Eley nói. "Đó là hệ thống năng động. Và vì vậy, bạn luôn có thể thay đổi điều đó qua liệu pháp tâm lý hướng dẫn bạn các kỹ thuật thích nghi."

Vậy sự nhút nhát có gì không tốt?

BM
 Một đứa trẻ nhút nhát sẽ có thể có xu hướng tự cô lập bản thân trên sân chơi - và cảm thấy thoải mái hơn khi ở một mình

Chloe Foster, nhà tâm lý học tại Trung tâm Rối loạn Căng thẳng và Chấn thương ở London, nói rằng bản thân sự nhút nhát là phổ biến, kthường và không có vấn đề gì trừ khi nó phát triển thành một dạng căng thẳng khi họ phải có các hoạt động giao tiếp xã hội.

Foster nói những người mà bà điều trị tìm kiếm sự giúp đỡ vì "họ bắt đầu tránh né rất nhiều việc họ cần phải làm".

Đó có thể là vì họ không thể nói chuyện với mọi người tại nơi làm việc, gặp khó khăn khi giao tiếp xã hội hoặc bị rơi vào tình huống mà họ cảm thấy bản thân bị phán xét hoặc bị người khác đánh giá.

Eley nói có thể có nguyên nhân từ quá trình tiến hóa khiến một số người phát triển cá tính rụt rè, nhút nhát.

"Trong một nhóm, nếu có người đi ra ngoài khám phá, giao lưu với các nhóm khác thì đó là điều hữu ích. Nhưng cũng hữu ích nếu có người không thích mạo hiểm; chẳng hạn như họ để ý, cảnh giác trước các mối đe dọa có thể có, và chú trọng hơn vào việc bảo vệ con cái hơn."

BM
  
Bà nói liệu pháp hành vi nhận thức (cognitive behavioural therapy - CBT) là liệu pháp tâm lý hiệu quả nhất cho những người có tính nhút nhát và căng thẳng khi phải giao tiếp xã hội. Liệu pháp này cố gắng thay đổi suy nghĩ và mô thức hành vi của bạn, cho nên nó có tác dụng rõ rệt.  

BM
Tập trung vào mọi người trong phòng thay vì cố để ý xem liệu mình nói có đúng không có thể sẽ giúp bạn bình tĩnh hơn khi phát biểu, các chuyên gia nói

Liệu pháp CBT giúp bạn xác định được những suy nghĩ tiêu cực đó, và nó cũng giúp bạn nhận ra rằng có một số hành vi mà ta ngỡ là sẽ hữu ích, chẳng hạn như tập dượt trước khi trình bày, hoặc né tránh ánh nhìn của người khác, thực ra lại có thể khiến bạn cảm thấy căng thẳng hơn.

"Thường là ý nghĩ bị phê bình nghiêm trọng sẽ xuất hiện trong đầu bạn vào trước, trong khi và thậm chí sau khi sự kiện đã diễn ra," Foster nói.

Đôi khi vấn đề lại nằm ở chỗ những người nhút nhát thường tự đề ra tiêu chuẩn quá cao cho bản thân khi họ cần làm một số thứ, và họ khổ sở vì điều đó.

"Họ có thể nghĩ họ không nên nói vấp… hoặc họ nên rất, rất thú vị, và mọi người nên tập trung chăm chú nghe những gì họ phát biểu trong suốt thời gian đó."

Nếu họ có thể tự giải phóng một số áp lực, cho phép bản thân có những quãng nghỉ ngắn để thở, thì việc đó có thể giúp giảm bớt một chút căng thẳng.

Một điều khác nữa có thể hữu ích là tập trung vào những gì xảy ra bên ngoài xung quanh bạn, thay vì tập trung vào bên trong bản thân xem cơn căng thẳng diễn ra thế nào. Tập trung vào khán giả thay vì bản thân có thể giúp bạn ít bị mắc kẹt vào chuyện liệu bạn có nói vấp hay không.

BM
  
Bà cũng đề nghị bạn thử thách bản thân trong việc trở nên cởi mở hơn đối với những tình huống mới. "Bạn càng đưa bản thân vào những tình huống giao tiếp xã hội bao nhiêu, thì bạn càng tự tin hơn bấy nhiêu," bà nói. "Nhưng hãy nhớ nên tiếp cận những tình huống xã hội theo cách mới."

Điều này có nghĩa là hãy thay đổi kịch bản của bạn. Hãy tự hỏi bản thân bạn sợ nhất điều gì trong các tình huống giao tiếp xã hội. Bạn có lo lắng mình thể hiện chán quá không? Hoặc bạn không còn gì để nói tiếp? Bạn càng hiểu hơn về sự căng thẳng của bản thân thì bạn càng có khả năng thách thức chúng.

Jessie Sun, nghiên cứu sinh tiến sĩ tại Đại học California Davis, người làm đề tài nghiên cứu về tâm lý học nhân cách, nhấn mạnh rằng sự nhút nhát và tính hướng nội không phải là cùng một thứ.

BM
Văn hóa phương Tây nhấn mạnh nhiều đến yếu tố giao tiếp bằng ánh mắt - nhưng không phải nền văn hóa nào cũng thoải mái với điều này

Bà giải thích rằng mọi người thường nghĩ rằng người hướng nội có nghĩa là người có xu hướng hướng về bên trong bản thân hoặc có sự thích thú khám phá suy nghĩ, nhưng với các nhà tâm lý, đó lại là một phần khác trong nhân cách con người - mức độ cởi mở trong việc đón nhận các trải nghiệm.

Những người nhút nhát thường là người hướng nội, nhưng họ cũng có thể là người hướng ngoại gặp căng thẳng khi tìm cách quảng giao. Trong lúc đó, những người hướng nội không hề nhút nhát có thể rất giỏi xã giao, thế nhưng họ thích ở một mình hơn.

Sun cho biết "tính cách từ lâu đã là một trong những chỉ dấu mạnh mẽ nhất về hạnh phúc và sự hướng ngoại đặc biệt có quan hệ chặt chẽ với cuộc sống hạnh phúc."

"Những người hướng ngoại có xu hướng trải nghiệm nhiều cảm xúc như phấn khích, nhiệt thành và niềm vui, trong khi đó những người hướng nội có xu hướng ít trải nghiệm những cảm giác này hơn," bà nói.

Nhưng liệu người hướng nội có thể đạt được niềm vui và sự nhiệt thành đó không - nếu họ tỏ ra hướng ngoại?

Sun và đồng nghiệp của bà thực hiện một thí nghiệm. Họ yêu cầu mọi người hành động như thể là người hướng ngoại trong suốt một tuần - đây là khoảng thời gian dài với những người nhút nhát. "Chúng tôi yêu cầu họ hành xử mạnh mẽ, nói chuyện nhiều, cởi mở, chủ động và quyết đoán càng nhiều càng tốt," bà nói.

BM
  
Họ nhận thấy rằng với những người vốn đã khá hướng ngoại, thì việc tỏ ra hướng ngoại liên tục trong một tuần có nghĩa là họ trải nghiệm nhiều cảm xúc tích cực hơn và họ cảm thấy "là chính mình" - thấy được là chính họ nhiều hơn.

Nhưng với những người hướng nội thì họ không trải nghiệm thêm nhiều cảm xúc tích cực như vậy.

Còn những người cực kỳ hướng nội thì thực ra họ cảm thấy mỏi mệt và có nhiều cảm xúc tiêu cực hơn. 

BM
Những người hướng ngoại có xu hướng có nhiều cảm xúc về hạnh phúc hơn, nhưng việc yêu cầu người hướng nội "giả vờ" có thái độ hướng ngoại có thể khiến họ thấy mệt mỏi

Sun nói: "Tôi nghĩ rằng bài học chính ở đây là có lẽ yêu cầu người hướng nội hoặc người rất nhút nhát hành xử như người hướng ngoại ở mức tối đa trong suốt tuần sẽ là đòi hỏi quá mức, [nhưng họ] có thể cân nhắc tới việc tỏ ra là người hướng ngoại trong một số ít tình huống."

Ta đã thấy môi trường đóng vai trò quan trọng trong việc ta có trở nên rụt rè hay không, nhưng liệu văn hóa có ảnh hưởng đến hạnh phúc của bạn hay không nếu bạn là người bản chất là người hướng nội?

Mỹ được cho là quốc gia coi trọng sự tự tin, coi trọng hành vi hướng ngoại hơn sự hướng nội, trong khi đó nhiều nghiên cứu nhận thấy ở nhiều nơi tại Châu Á như Nhật Bản và Trung cộng, tính cách lặng lẽ và kín đáo được coi trọng hơn.

Thái độ với giao tiếp bằng ánh mắt cũng khác nhau cực kỳ nhiều giữa các quốc gia.

BM
  
Kris Rugsaken, giáo sư nghiên cứu về Châu Á tại Đại học Ball, nay đã nghỉ hưu, cho biết "trong khi có giao tiếp tốt bằng ánh mắt được phương Tây ca ngợi và đón nhận thì đó là dấu hiệu của sự thiếu tôn trọng và thách thức trong các nền văn hóa khác, như ở Châu Á và Châu Phi."

"Nhóm người càng có ít giao tiếp bằng ánh mắt với một cá nhân, thì họ càng tỏ ra trọng thị cá nhân đó."

Dù có sự khác biệt văn hóa, Sun cho biết nghiên cứu có vẻ cho thấy người hướng ngoại có xu hướng hạnh phúc hơn ngay cả ở những quốc gia nơi sự hướng nội được tôn trọng hơn nhưng mức độ hạnh phúc ở quốc gia đó cũng thấp hơn.

Vì vậy trong khi nghiên cứu cho rằng người hướng ngoại sẽ có kết cục hạnh phúc hơn bất kể họ ở đâu trên thế giới, thì hướng nội không nhất thiết là điều tiêu cực.

BM
  
"Đừng nghĩ về sự hướng nội là chứng gì đó cần chữa trị," Susan Cain viết trong cuốn "Tĩnh lặng: Sức mạnh của người hướng nội trong một thế giới không ngừng nói" (Quiet: The Power of Introverts in a World that Can't Stop Talking): "Người nói giỏi nhất không nhất thiết cũng là người có ý tưởng tốt nhất."



Sarah Keating

BM

Thế hệ thứ hai ở Anh làm nghệ thuật 'theo trái tim mách bảo'
Trump chính thức đạp cho Tàu cộng té vào bẫy nợ
Thế trận mới tại Biển Đông...
Nàng dâu Mỹ viết về món ăn Việt
Chiến lược toàn cầu: thực tế đối chọi với ảo tưởng
Việt Kiều Mỹ bị tuyên án 12 năm tù tội 'âm mưu lật đổ chính quyền'
Có phải Trung cộng đang trong thời điểm tan rã?
Tại sao chúng ta hành xử giống những người xung quanh?
Hệ thống vũ khí của Iran bị Mỹ tiến hành tấn công mạng
Ký hiệu đô la ra đời như thế nào
Trump nói quân đội Mỹ đã nạp đạn và lên cò' đáp trả Iran
Cách viết thư tự động 'tôi đang đi vắng' đạt hiệu quả
Tội phạm 'giả điên' để thoát tù như thế nào
Tàu cộng điếng hồn khi hay tin FED hạ lãi suất ngân hàng
Cảnh sát di trú ICE ruồng bắt các gia đình di dân bất hợp pháp
Giả sử phương Tây lại cấm vận Trung cộng lần nữa
Tàu cộng chơi ngu gắp lửa bỏ tay Iran nhưng phồng chân
G20 tại Osaka là đấu trường để ông Trump “nổ tung” Tàu cộng với WTO
51 năm sau, đứa trẻ mồ côi thành tướng…
Việt Nam có đang xích lại gần Hoa Kỳ, xa Trung cộng?

No comments:

Post a Comment

Note: Only a member of this blog may post a comment.