Thấy gì về phán quyết bất ngờ của Tối cao Pháp viện?
Trong một động thái bất ngờ, Tối cao Pháp viện Mỹ vừa đưa ra hai phán quyết về luật hạn chế phá thai ở Indiana, hé lộ cách suy nghĩ của chín vị thẩm phán - trong đó hai người được TT Trump bổ nhiệm - về vấn đề sẽ còn gây tranh cãi trong nhiều năm tới.
Quyết định của tòa cao nhất nước Mỹ tạo phản ứng khác nhau cho cả hai phía của cuộc tranh luận về phá thai.
Trong một ý kiến không ký tên, các vị thẩm phán ủng hộ một điều luật của tiểu bang Indiana là tất cả các mô bào của thai nhi - cho dù là vì sẩy thai hoặc phá thai - đều phải được chôn cất hoặc hỏa táng.
Giới đấu tranh chống phá thai xem quyết định này là một bước đầu cho việc công nhận mô bào thai không phải là chất thải y tế mà là con người xứng đáng được đối xử trang nghiêm.
Các nhóm ủng hộ quyền phá thai phản bác rằng tiền lệ của Tối cao Pháp viện không coi thai nhi là người. Mục đích của luật Indiana, tổ chức Kế hoạch Gia đình viết trong một tuyên bố, là để làm "xấu hổ và kỳ thị" những phụ nữ muốn phá thai.
Đa số thẩm phán đứng về phía Indiana, rằng quy định phải chôn cất không tạo ra "gánh nặng quá đáng" với quyền phá thai của phụ nữ và nó nâng cao lợi ích hợp pháp của tiểu bang, ngay cả khi luật không thể "hoàn hảo" trong việc giải quyết hài cốt của thai nhi trong mọi hoàn cảnh.
Phần thứ hai trong luật của tiểu bang Indiana là nơi tranh cãi gay gắt có thể bùng nổ, nhưng đã không xảy ra.
Các thẩm phán từ chối đảo ngược, hoặc thậm chí xét đến việc quyết định một phán quyết của tòa dưới vô hiệu hoá việc cấm phá thai thực hiện vì chủng tộc, giới tính hoặc "khuyết tật" của thai nhi.
Điều này có nghĩa là phụ nữ ở tiểu bang Indiana tiếp tục có quyền phá thai trong một số trường hợp.
Mặc dù có rất ít bằng chứng về việc phá thai được thực hiện vì chủng tộc hoặc giới tính ở Mỹ, các bác sĩ thường xuyên kiểm tra sự bất thường của thai nhi để cho cha mẹ có cơ hội quyết định có hủy bỏ thai nhi có dấu hiệu không ổn hay không.
Nếu Tối cao Pháp viện đã chọn xét lại phán quyết của toà dưới - với các cuộc họp giao ban pháp lý đầy đủ, tranh luận bằng miệng và đưa ra phán quyết vào năm tới - thì đó có thể là phương tiện để đảo ngược tiền lệ Roe v Wade năm 1973 bảo vệ quyền phá thai của phụ nữ trong ba tháng đầu mang thai.
Thay vào đó, tòa cao nhất nước Mỹ đã tránh né vấn đề này, khiến Jeanne Mancini, chủ tịch của March for Life lên tiếng phàn nàn.
"Không ai đáng để mất mạng chỉ vì sinh ra với hội chứng Down hoặc vì màu da," bà nói.
Thẩm phán Clarence Thomas, một thành viên bảo thủ của Tối cao Pháp viện, đồng ý với quyết định này - nhưng nói rằng các đồng nghiệp của ông cuối cùng sẽ phải hành động.
"Với khả năng phá thai có thể trở thành một công cụ thao túng ưu sinh, tòa sẽ sớm phải đối đầu với tính hợp hiến của các luật như của tiểu bang Indiana", ông viết trong một ý kiến đồng tình.
Với gần mười tiểu bang đã ban hành các quy định phá thai mới và các cấm phá thai hoàn toàn vào năm 2019, đây sẽ không phải là cơ hội duy nhất để Tối cao Pháp viện xét lại xem quyền phá thai của phụ nữ có được hiến pháp bảo vệ hay không.
Giới chống phá thai, và các cơ quan lập pháp với đa số chống phá thai, có thể tin rằng với việc ông Trump bổ nhiệm thêm thẩm phán, Tối cao Pháp viện sẽ đạt đa số để sẵn sàng hủy bỏ án lệ phá thai Roe v Wade.
Tuy nhiên, các phán quyết hôm thứ Ba - được âm thầm đưa ra mà không có nhiều thông báo - có thể là một dấu hiệu cho thấy phần lớn các thẩm phán tại tòa án tối cao này không vội vàng đảo ngược án lệ đã 46 tuổi.
Tuy nhiên, những phán quyết này sẽ không ngăn chặn đề tài phá thai bị kéo vào vòng xoáy của chính trị tổng thống Mỹ.
Một số ứng cử viên Dân chủ đang kêu gọi quốc hội bảo vệ quyền phá thai trên khắp Hoa Kỳ - bao gồm cả các tiểu bang gần đây đã ngừng cho phá thai.
Trong khi đó, ông Trump nhắc lại sự phản đối của mình đối với việc phá thai ngoại trừ các trường hợp bị hãm hiếp, loạn luân và để bảo vệ cuộc sống của người mẹ.
Cũng hôm thứ Ba, một phòng phá thai ở St Louis tuyên bố rằng họ có thể buộc phải ngừng thực hiện thủ tục vào thứ Sáu vì vẫn chưa được gia hạn giấy phép. Nếu điều đó xảy ra, Missouri sẽ trở thành tiểu bang đầu tiên quyết định không có phòng khám phá thai kể từ khi án lệ Roe v Wade ra đời. Năm tiểu bang khác chỉ có một phòng phá thai trên toàn biểu bang.
Phán quyết ở Indiana có thể cho thấy Tối cao Pháp viện không muốn dính vào chính trị phá thai vào giữa mùa chiến dịch tranh cử tổng thống.
Các thẩm phán có thể né tránh được vấn đề trong lúc này, nhưng họ sẽ khó ngăn chặn cuộc chiến ngày càng nóng bỏng với án lệ Roe v Wade và tính hợp pháp của quyền phá thai.
No comments:
Post a Comment
Note: Only a member of this blog may post a comment.