Monday, June 10, 2019

Bài phát biểu xúc động của TT Trump ở lễ kỷ niệm trận Normandy

BM

Tổng thống Trump đã có bài phát biểu đầy xúc động tại lễ kỷ niệm 75 năm quân Đồng minh đổ bộ lên bờ biển ở Normandy năm 1944, sự kiện bước ngoặt giúp Thế chiến II sớm kết thúc.

Một loạt nhà báo có mặt tại sự kiện kỷ niệm ở Normandy, Pháp, đánh giá đây là bài diễn văn hay và “tổng thống nhất” của ông Trump kể từ khi ông nhậm chức từ 2017 tới nay. PV dịch lại bài diễn văn này:

***

BM
  
Tổng thống Macron, phu nhân Macron, và người dân Pháp; đệ nhất phu nhân của nước Mỹ và các thành viên quốc hội; các vị khách quý, cựu binh và đồng bào nước Mỹ của tôi:

Chúng ta đang đứng cùng nhau ở Đài tưởng niệm Tự do. Trên những bãi biển này, những bờ dốc này cách đây 75 năm, 10.000 người đã đổ máu, và hàng nghìn đã hy sinh, vì những người anh em của họ, vì đất nước, và vì sự sống còn của tự do.

Hôm nay, chúng ta tưởng nhớ những người đã ngã xuống, và chúng ta vinh danh tất cả những ai từng chiến đấu ở Normandy. Họ đã chiến thắng trận này là vì nền văn minh (của chúng ta).

BM
Tổng thống Trump và phu nhân Melania Trump cùng các cựu binh tại lễ tưởng niệm ở nghĩa trang Normandy.

Với hơn 170 cựu binh Thế chiến II đến dự với chúng tôi hôm nay: Họ là những người Mỹ vĩ đại nhất từng sống. Là niềm tự hào của đất nước. Là vinh quang của nền cộng hòa. Và chúng tôi cám ơn họ tự tận sâu thẳm trái tim.

Ở đây với các bạn còn có 60 cựu binh từng đổ bộ trong ngày D-Day. Chúng tôi mãi mãi mang ơn họ. Hôm nay, chúng tôi thể hiện lòng biết ơn bất diệt đó.

BM

Khi còn trẻ, những thanh niên này đã nhập ngũ cho một chiến dịch vĩ đại – chiến dịch vĩ đại nhất mọi thế hệ. Đây là câu chuyện của trận chiến anh hùng vĩ đại, và là cuộc đấu khốc liệt, lâu dài giữa cái tốt và cái xấu.

Vào ngày 6/6/1944, họ gia nhập đoàn quân giải phóng với sức mạnh phi thường và quy mô vô tiền khoáng hậu. Sau nhiều tháng lên kế hoạch, lực lượng Đồng minh đã chọn bãi biển cổ xưa này để bắt đầu chiến dịch tiêu diệt hoàn toàn lực lượng bạo tàn của đế chế quốc xã khỏi bề mặt Trái Đất.

Trận chiến bắt đầu từ bầu trời phía trên. Trong những giờ đầu căng thẳng lúc nửa đêm, 1.000 máy bay gầm rú trên đầu với 17.000 lính không quân Đồng minh chuẩn bị nhảy xuống từ bóng tối, lên trên những hàng cây kia.

BM

Rồi tới bình minh. Những kẻ thù chiếm cứ điểm trên cao nhìn thấy hạm đội hải quân lớn nhất trong lịch sử. Chỉ vài hải lý ngoài bờ là 7.000 con tàu với 130.000 chiến binh. Họ là công dân của những quốc gia tự do và độc lập, gắn kết với nhau bởi nghĩa vụ với đồng bào của mình và hàng triệu sinh linh vẫn còn chưa ra đời.

Đó là những người Anh, những người mà sự mã thượng và quả cảm đã giúp họ vượt qua những gì tồi tệ của trận chiến Dunkirk và đợt nã bom London. Bạo lực quyết liệt của đế chế quốc xã không phải là đối thủ cho sự vĩ đại của lòng tự tôn Anh. Xin cám ơn các bạn.

Đó là những người Canada, những người mà lòng tự trọng ngay thẳng và trung thành thôi thúc họ cầm súng cùng những người Anh từ những thời khắc đầu tiên.

Rồi có những người Ba Lan, những người Na Uy dũng mãnh, những người Australia dũng cảm. Rồi đó là những lính đặc nhiệm Pháp hào hiệp, những người sẽ được chào đón bởi hàng nghìn đồng bào quả cảm của họ để sẵn sàng viết chương mới trong lịch sử dài đầy dũng cảm của Pháp.

BM
Vợ chồng Tổng thống Trump và Tổng thống Macron ở nghĩa trang Normandy.

Và cuối cùng, đó là những người Mỹ. Họ đến từ những nông trại sâu trong lục địa, từ những con đường của những thành phố hào nhoáng, từ những lò luyện kim của những thành phố công nghiệp hùng mạnh. Trước chiến tranh, rất nhiều người chưa từng rời quê của mình. Giờ họ tới đây, dâng sinh mạng của mình ở vùng đất cách quê nhà nửa vòng Trái Đất.

Bãi biển này, có mật danh Omaha, được bảo vệ bởi lính quốc xã với sức mạnh hỏa lực kinh hoàng, hàng nghìn bãi mìn và chông cắm trên cát, rất sâu. Chính nơi này, hàng vạn người Mỹ đã đổ bộ.

BM

Những người lính của Không lực Mỹ lên các tàu đổ bộ sáng đó biết rằng họ mang trên vai không chỉ có ba lô người lính, mà cả số phận của thế giới. Đại tá George Taylor của Trung đoàn Bộ binh 16, tham gia đợt đổ bộ đầu tiên, từng được hỏi: Chuyện gì sẽ xảy ra nếu quân Đức chặn họ ngay ở đây, ngay ngoài bãi biển lạnh kia – nếu bị chặn? Chuyện gì sẽ xảy ra?

Người Mỹ vĩ đại này trả lời: “Trung đoàn Bộ binh 18 ở ngay phía sau. Trung đoàn Bộ binh 26 cũng sẽ tới. Rồi còn Sư đoàn 9. Còn Sư đoàn 2 Bọc Thép. Sư Đoàn 3 Bọc Thép. Và rồi còn tất cả. Có thể Trung đoàn 16 không tới được bờ, nhưng những người khác sẽ tới”.

Một trong những người lính của Taylor ở Trung đoàn 16 là y tá Ray Lambert. Ray mới chỉ 23, nhưng anh đã có ba huân chương Trái tim Tím (bị thương) và hai Ngôi sao Bạc khi chiến đấu ở Bắc Phi và Sicily, nơi anh và anh trai Bill, người đã không còn nữa, chiến đấu cùng nhau.

Trong tờ mờ sáng hôm đó, hai anh em ngồi trên boong tàu USS Henrico, trước khi lên trên hai tàu đổ bộ Higgins. “Nếu anh không còn sống”, Bill nói. “Hãy nhớ chăm nom gia đình anh”. Ray cũng nhờ anh trai mình như vậy.

 BM

Trong 31 người trên tàu của Ray, chỉ có Ray và 6 người khác lên được tới bờ. Chỉ một vài người trong số họ sống sót. Rồi họ tiến vào ngay dưới nơi mà chúng ta đang đứng ngày hôm nay – được gọi là “Easy Red”. Hết lần này tới lần khác, Ray chạy xuống nước. Anh kéo hết người này tới người khác. Anh bị bắn vào tay. Chân bị xé toạc bởi mảnh đạn. Lưng thì sụp. Anh suýt chết chìm.

Anh đã trên bãi biển hàng giờ, chảy máu và cứu người. Cho tới khi bất tỉnh. Ray tỉnh dậy ngày hôm sau ở một cái lán và nằm bên cạnh một người lính bị thương nặng khác. Anh nhìn sang và thấy anh trai Bill của mình. Họ đã tới được bờ. Đã tới được.

BM
  
Ở tuổi 98, hôm nay Ray ở đây với chúng ta, với huân chương Trái tim Tím thứ 4 và huân chương Sao Bạc thứ 3 từ Omaha. Ray, thế giới tự do chào mừng ông. Xin cám ơn, Ray.

Gần hai giờ sau khi vào bờ, hỏa lực liên tục từ những điểm cao này khiến lính Mỹ mắc kẹt trên bãi cát, giờ đây nhuốm đỏ vì máu của những người anh hùng. Khi đó, chỉ cách vài trăm mét nơi tôi đang đứng, đã diễn ra một đột phá. Trận chiến chuyển hướng và, cùng với nó, thay đổi cả lịch sử.

BM
Những người lính dựng lại cảnh của cựu binh Thế chiến II đặt hoa tưởng niệm ở bãi biển Utah ở Sainte-Marie-du-Mont, Pháp.

Dưới bãi biển, đại úy Joe Dawson, con một mục sư ở Texas, đã dẫn đại đội G vượt qua bãi mìn, tới được khe núi ở vùng đồi. Chính là vùng đồi vẫn còn đến ngày nay, chỉ dưới con đường phía bên phải tôi. Đại úy Dawson đã núp dưới một cứ điểm súng máy của địch và ném mấy quả lựu đạn. Ngay sau đó, lính Mỹ đã xông lên theo “đường máu của Dawson”. Thật là một chiến tích. Ông ấy thật sự là dũng cảm.

Trung úy Spalding và những người lính của Đại đội E xông lên và đạp tan cứ điểm của địch ở phía xa nghĩa trang này, và chấm dứt màn thảm sát với bãi biển phía dưới. Vô số lính Mỹ khác đã đi qua điểm này để tiến vào vùng đất. Họ hội quân cùng các chiến binh Mỹ khác ở bãi biển Utah cùng quân Đồng minh từ Juno, Sword và Gold, cùng không quân và những người lính ái quốc Pháp.

BM

Binh nhất Russell Pickett, của Trung đoàn bộ binh 116 nổi tiếng của Sư đoàn 29, đã bị thương trong đúng đợt đổ quân đầu trên biển Omaha. Tại bệnh viện ở Anh, binh nhất Pickett thề sẽ trở lại mặt trận. “Tôi sẽ trở lại”, anh nói. “Tôi sẽ trở lại”.

Sáu ngày sau D-Day, anh trở lại với đại đội của mình. 2/3 số đó đã chết; rất nhiều người đã bị thương chỉ trong 15 phút đầu đổ bộ. Chỉ riêng từ thị trấn nhỏ Bedford, Virginia, họ đã mất 19 người. Rồi ngay sau đó, binh nhất Pickett lại bị thương nặng vì một quả lựu đạn. Rất nặng.

Nhưng một lần nữa, anh quyết định trở lại chiến trường. Anh không quan tâm, anh phải có mặt ở đây.

Rồi anh ta bị thương lần thứ ba, và nằm bất tỉnh 12 ngày. Mọi người nghĩ anh đã chết. Mọi người nghĩ anh không còn cơ hội. Nhưng Russel Pickett là người còn sống duy nhất của Đại đội A huyền thoại. Và hôm nay, tin được hay không, khi ông lại trở về lần nữa ở bãi biển này cùng với những đồng đội của mình. Binh nhất Pickett, chúng tôi rất vinh dự khi ông có mặt đây. Một người đàn ông quả cảm.

BM

Tới tuần thứ tư của tháng 8, Paris đã được giải phóng. Một số đổ bộ ở đây đã bắt đầu tấn công tới trung tâm nước Đức. Một số đã phá cổng các trại tập trung của quốc xã để giải phóng những người Do Thái bị tra tấn bởi những nỗi kinh hoàng của Holocaust. Một số chiến binh đã ngã xuống ngoài chiến trận, một số đã nằm trên mảnh đất này mãi mãi.

Trước khi mảnh đất này được phong thánh trong lịch sử, nó thuộc sở hữu của một nông dân Pháp, thành viên của phong trào kháng chiến. Đó là những người vĩ đại. Họ mạnh mẽ và quả cảm. Bà vợ sợ hãi của ông nấp trông ngôi nhà gần đây trong ngày D-Day, ôm chặt cô con gái nhỏ. Ngày hôm sau, một người lính xuất hiện. “Tôi là người Mỹ”, anh nói. “Tôi tới đây để giúp.” Người phụ nữ Pháp quá xúc động và khóc. Vài ngày sau, bà đặt hoa trên những ngôi mộ mới lính Mỹ đó.

Hôm nay, cháu bà, cô Stefanie, là người hướng dẫn ở nghĩa trang này. Tuần này, Stefanie đã dẫn bà Marian Wynn 92 tuổi tới để thăm mộ anh trai Don của mình lần đầu.

Cả Marian và Stefanie đều ở đây với chúng ta hôm nay. Chúng ta cám ơn họ vì đã giúp giữ những ký ức về những anh hùng vĩ đại của chúng ta. Xin cảm ơn.

BM
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đỡ một cựu chiến binh ngồi xuống trong buổi lễ.

9.333 thanh niên Mỹ đã yên nghỉ dưới những cây thánh giá trắng và những ngôi sao David trên những lô đất này. Mỗi người được một gia đình Pháp tiếp nhận như người thân của mình. Họ tới từ khắp nước Pháp để tìm chàng trai của mình. Họ quỳ. Họ khóc. Họ cầu nguyện. Họ đặt hoa ở đây. Và họ không bao giờ quên. Hôm nay, nước Mỹ ôm chặt nhân dân Pháp và cám ơn các bạn vì đã trông nom những người đã hy sinh của chúng tôi. Xin cám ơn. Xin cám ơn.

Với tất cả bạn bè và đối tác của chúng tôi: liên minh yêu mến của chúng ta được tôi luyện trong lửa nóng chiến trận, trong thử thách của chiến tranh, và được chứng minh trong những phúc lành của hòa bình. Liên minh của chúng ta là không thể phá vỡ.

Trên khắp Trái Đất, những người Mỹ đều hướng về đây như thể đây là một phần linh hồn của chúng ta. Chúng ta đến không phải chỉ vì những gì họ đã trải qua. Chúng ta đến vì những gì họ đại diện.

BM
  
Đây là những thanh niên trẻ với cả cuộc đời trước mặt. Đây là những người chồng chào tạm biệt cô dâu trẻ và lãnh nhiệm vụ ra trận như thể số mệnh mình. Họ là những người cha không bao giờ được gặp những đứa con nhỏ của mình vì họ có nhiệm vụ. Và với Chúa Trời là đấng chứng giám, họ sẽ hoàn thành nhiệm vụ. Họ tới hết đợt này tới đợt khác, không một câu hỏi, không một sự ngần ngừ, không một lời phàn nàn.

Mạnh mẽ hơn cả những bàn tay chính là sức mạnh trái tim của người Mỹ.

Những thanh niên này đã chạy qua lửa của địa ngục, đi như sức mạnh mà không vũ khí nào có thể hủy diệt; lòng yêu nước mãnh liệt của những người tự do, tự trọng và chủ quyền. Họ chiến đấu không phải vì kiểm soát hay thống trị, mà là vì tự do, dân chủ và quyền tự quyết.

BM
  
Họ chiến đấu vì tình yêu ở cả gia đình và đất nước – những con đường, ngôi trường, nhà thờ, làng xóm, gia đình và cộng đồng đã cho chúng ta những người đàn ông vĩ đại vậy.

Họ tồn tại nhờ niềm tin rằng người Mỹ có thể làm được bất cứ điều gì, vì chúng ta là một dân tộc cao quý, với những con người đạo đức, cầu nguyện với Chúa Trời chân chính.

Sức mạnh phi thường này đến từ một tinh thần phi thường. Sự quả cảm có thừa là đến từ một niềm tin mãnh liệt. Những chiến tích của một đội quân xuất phát từ tình yêu sâu thẳm của họ.

Họ đối diện với số mệnh của mình, cả người Mỹ và quân Đồng minh đặt mình vào bàn tay của Chúa.

BM
  
Những người phía sau tôi sẽ nói rằng họ là người may mắn. Như một người vừa nói, “những anh hùng thì đã chôn ở đây rồi”. Nhưng chúng ta biết họ chính là những anh hùng. Chúng ta biết họ đã dũng cảm thế nào. Họ tới đây và chiến đấu vì tự do, và rồi họ trở về để cho chúng ta thấy tự do là thế nào.

Những người con nước Mỹ đưa chúng ta tới chiến thắng (trong chiến tranh) thì trong thời bình họ cũng vĩ đại. Họ xây dựng gia đình. Họ xây dựng các nền công nghiệp. Họ xây dựng một nền văn hóa đất nước là nguồn cảm hứng cho cả thế giới. Trong những thập kỷ sau này, nước Mỹ đánh bại đối thủ, giành được quyền con người, làm cách mạng khoa học, đưa người lên Mặt trăng, rồi tiếp tục thúc đẩy những bước tiến mới. Và hôm nay, nước Mỹ mạnh hơn bao giờ hết.

BM

Bảy thập kỷ trước, những chiến binh của D-Day chiến đấu với một kẻ thù ác độc có âm mư xây đế chế cả nghìn năm. Đánh bại kẻ thù đó, họ để lại di sản không chỉ là một nghìn năm mà còn là mãi mãi – chừng nào mà mỗi linh hồn đều biết tới nghĩa vụ và danh dự; chừng nào mà tự do còn bám rễ nơi trái tim con người.

Những người ngồi phía sau tôi, và những thanh niên ngồi trên sân trước mặt tôi, tấm gương của các bạn sẽ không bao giờ cũ. Huyền thoại của các bạn sẽ không bao giờ mệt mỏi. Tinh thần của các bạn – dũng cảm, không lùi bước, vì sự thật – sẽ không bao giờ chết.

Dòng máu họ rơi, nước mắt họ rơi, tính mạng họ mất, sự hy sinh họ trải qua, không chỉ thắng trận này. Không chỉ thắng cuộc chiến tranh này. Những người chiến đấu đây giành cả tương lai cho đất nước chúng ta. Họ giành được cả sự tồn tại cho nền văn minh. Và họ chỉ cho ta con đường để yêu thương, để ấp ủ, để bảo vệ đời sống chúng ta trong nhiều thế kỷ nữa.

Hôm nay, chúng ta đứng đây trên Trái Đất linh thiêng này, chúng ta cam kết là các quốc gia sẽ mãi hùng cường và đoàn kết. Chúng ta sẽ mãi cùng nhau. Người dân chúng ta sẽ luôn dũng cảm. Trái tim của chúng ta sẽ mãi trung thành. Và con cái chúng ta, con cái của chúng, sẽ mãi mãi và luôn tự do.

BM
  
Xin Chúa cầu nguyện cho những cựu binh vĩ đại của chúng ta. Cầu Chúa cầu nguyện cho các đồng minh. Chúa cầu nguyện cho những người hùng của D-Day, và Chúa cầu nguyện cho nước Mỹ. Xin cám ơn.

Xin cám ơn rất nhiều.



Zing News

BM

1 comment:

  1. Cám ơn anh/chị dịch bài diễn văn của tổng thống Trumph rất hay. Tuy nhiên, có một vài chữ anh dùng không rõ nghĩa làm bản dịch không đọc hơi bị lọng cọng. Như hai chữ "cựu binh" và "thập kỷ"; chúng quá tối nghĩa. Nên dùng chữ cựu chiến binh và thập niên thì đúng hơn.
    Một lần nữa, xin cám ơn anh/chị đã bỏ công dịch một bài diễn văn rất hay.

    Nghĩa

    ReplyDelete

Note: Only a member of this blog may post a comment.