Tuesday, January 7, 2020

Cuộc chiến đường biên Mỹ-Canada ít ai biết

BM
Nằm giữa nhóm đảo Haida Gwaii trên bờ biển phía bắc British Columbia và phần mũi cực nam của vùng Panhandle của Alaska (tức là vùng đông nam Alaska) là eo biển Dixon Entrance giàu tài nguyên, nơi thu hút cá kình, hải âu lớn và năm loài cá hồi, nơi sóng vỗ vào những đoạn bờ biển đầy vách đá và những khu rừng xanh ngắt của Đảo Prince of Wales và phần đại lục.

Khi lướt tàu trên sóng biển, có lúc ta đã rời khỏi vùng biển Canada và đi vào vùng biển Hoa Kỳ lúc nào không biết.

Thực sự, cách duy nhất để ta biết được là mình đang di chuyển từ nước này sang nước kia là phải dựa vào việc các thiết bị điện tử tự động chỉnh giờ chậm lại một tiếng để khớp với Giờ Chuẩn Vùng Alaska ngay sau khi ta chạy vượt tàu Ngư nghiệp Canada đang tuần tra ngăn ngừa các vụ vi phạm đường biên.

BM
  
Trên thực tế, đường ranh giới nơi mà chúng ta đi từ Canada sang Hoa Kỳ nói trên từ lâu nay đã phát sinh tranh chấp.

Thậm chí ngay cả trước khi người châu Âu đặt chân đến thì người Haida, Tlingit và Tsimshia bản địa thỉnh thoảng đã đánh nhau để giành giật đất, biển trong vùng lãnh thổ giàu tài nguyên này.

BM
  
Những ngày này, cuộc tranh chấp đường biên vẫn tiếp tục giữa những đối thủ mới, và thứ tài sản nằm ở tâm điểm của cuộc tranh cãi đã chuyển từ lông thú và vàng sang một nguồn lợi mới là cá hồi.

Tranh chấp lãnh thổ kéo dài

BM
  
Mặc dù Mỹ và Canada có chung đường biên giới ngỏ dài nhất trên thế giới, nhưng eo biển Dixon Entrance là một trong bốn điểm tranh chấp biên giới dai dẳng giữa hai nước láng giềng thân thiện này.

Cuộc cãi vã bắt nguồn từ Thế kỷ 18, thời mà những kẻ thực dân có mặt tại vùng Alaska's Panhandle (gồm một chuỗi các dải núi hẹp, vịnh hẹp và các nhóm đảo giáp biên với vùng British Columbia hiện nay) gồm có Anh và Nga, sau đó là Mỹ.

Khi hạm đội Nga đến Alaska vào năm 1732, họ phát hiện ra rằng khu vực này rất nhiều rái cá biển, và họ đã đặt quan hệ buôn bán lông thú với thổ dân.

BM
  
Đến thời thập niên 1760, Thuyền trưởng James Cook đến đây. Ông bắt đầu lập bản đồ và khảo sát vùng Bắc Thái Bình Dương cho người Anh.

Rồi đến đầu thập niên 1800, các nhà thám hiểm người Mỹ Meriweather Lewis và William Clark đến được Tây Bắc Thái Bình Dương.

BM
  
Điều này mở ra một cuộc tranh chấp lãnh thổ.

Cộng đồng thổ dân nhanh chóng bị dịch bệnh và chiến tranh tàn phá, và trong suốt thời kỳ là thuộc địa của Nga, biên giới phía nam và phía đông của vùng Panhandle chưa bao giờ được xác lập một cách cương quyết.

Hiệp ước Saint Petersburg 1825 ký giữa Anh và Nga xác lập đường biên giới ven biển phía nam của vùng Panhandle, gần với Prince Rupert, British Columbia hiện nay - nhưng địa hình núi non hiểm trở khiến hầu như toàn bộ khu vực này vẫn chưa được điều tra đo đạc cụ thể.

BM
  
Năm 1867, Hoa Kỳ mua đứt Alaska từ Nga.

BM
  
Vài năm sau, vùng British Columbia nhập vào Canada.

Ottawa đề nghị với Washington, DC rằng đã đến lúc cần có một cuộc khảo sát địa hình chính thức về vùng Panhandle để hai nước có thể đạt thoả thuận về đường biên, nhưng Mỹ thấy rằng đây là công việc quá tốn kém đối với một mảnh đất xa xôi hẻo lánh như thế.

Nhưng rồi người ta phát hiện ra vàng ở đây, đầu tiên là ở British Columbia và sau đó, vào năm 1897 là ở Klondike thuộc vùng lãnh thổ Yukon, miền tây bắc Canada.

BM
  
Ước tính 100.000 người tìm vàng đã đổ tới vùng đất này, và hóa ra một trong những cách dễ nhất để đến được các mỏ vàng là di chuyển bằng đường biển qua eo biển Dixon Entrance, vào các vịnh hẹp và sau đó lên đất liền, đi băng qua Panhandle.

Canada muốn chặn dòng người đổ vào vùng lãnh thổ của mình, nhưng Mỹ không đời nào nhả ra bất kỳ phần đất nào mà họ chỉ mới không lâu trước đó còn coi là không đáng để phải lập bản đồ.

Hai nước đã cố gắng tìm giải pháp nhưng cho đến tận năm 1899, tình hình vẫn bế tắc. 

Xác lập đường biên

BM
Eo biển Dixon Entrance tiếp giáp với phần bờ biển nhiều núi đá và các rừng cây xanh của hòn đảo Prince of Wales và phần Canada đại lục

Một toà trọng tài quốc tế được thành lập vào năm 1903 để giải quyết Tranh chấp Đường biên Alaska.

Gồm sáu luật gia bất thiên vị đến từ các quốc gia Hoa Kỳ, Canada và Anh, toà trọng tài cuối cùng đã xác lập đường biên giới phía đông Alaska nằm cách nơi mặt nước biển tiếp giáp đất liền 56km.

Đường biên phía nam, được gọi là đường A-B, kéo dài từ mũi Cape Muzon, điểm cực nam của Đảo Dall thuộc Alaska, nối với Portland Channel ở phía đông, cắt qua eo biển Dixon Entrance, luồn lách quanh một vài hòn đảo trước khi gặp Portland Canal và chạy vào rặng núi Coast Mountains.

Canada bị thiệt bởi quyết định này, nhưng rồi lại thêm một vấn đề mới phát sinh.

BM
  
Theo quan điểm của Canada, đường A-B được dùng để phân chia ranh giới giữa hai nước, cả trên đất liền và trên biển.

Nhưng Mỹ lại có ý kiến khác; họ tuyên bố rằng quyết định về đường A-B chỉ liên quan đến biên giới trên bộ, còn theo luật hàng hải thì biên giới trên biển thực sự phải nằm cách đường A-B 20km về phía nam, nghĩa là sẽ chia đôi eo biển Dixon Entrance.

Sự bất đồng này vẫn tiếp tục đến tận ngày nay.

Hàng năm có khoảng 1,5 triệu người du lịch trên đại dương qua lại đường ranh giới đang tranh cãi này.

BM
  
Họ say sưa ngắm nhìn những dãy núi cao vút và những hòn đảo đẹp như tranh vẽ từ boong tàu du lịch, từ phà và thuyền buồm, nhưng không mấy ai biết về tình trạng tranh chấp đường biên nơi đây.

Có vẻ kỳ lạ khi hai đồng minh thân thiết đến vậy mà lại không thể thỏa hiệp về quyền sở hữu đối với hành lang trên biển chỉ rộng 80km và dài 50km này vì lợi ích của một mối quan hệ quốc tế hữu hảo hơn.

Nhưng điều này là có lý do của nó: đây chính là nơi có hành trình di chuyển hàng năm của cá hồi Thái Bình Dương.

"Cuộc chiến cá hồi"

BM
  
Với sản lượng dồi dào và hành trình di chuyển tự nhiên hàng năm, cá hồi đã trở thành nguồn hải sản giá trị, và đánh bắt cá hồi đã trở thành ngành công nghiệp chủ chốt trong nền kinh tế vùng Tây Bắc Thái Bình Dương.

Từ thời thập niên 1880 cho tới thập niên 1950, hơn 100 nhà máy và làng chài mọc lên khắp British Columbia. Trong những năm gần đây, sản phẩm cá hồi tự nhiên từ nơi này đã được xuất khẩu đến 53 quốc gia khác nhau.

BM
BM
  
Trong cơn sốt đổ xô vào loài thủy sản đắt giá như vàng này, Dixon Entrance chính là nơi trúng số: có đến năm loài cá hồi di chuyển qua vùng nước này, gồm cá hồi đỏ (sockeye), cá hồi coho, cá hồi chinook, cá hồi chó (chum), và cá hồi hồng, mỗi loài đều bơi ngược từ đại dương trở về dòng sông quê hương nơi chúng được sinh ra ở các bang Alaska, tỉnh bang British Columbia, bang Washington hoặc bang Oregon để đẻ trứng rồi chết. 

BM
Đánh bắt cá hồi trở thành ngành công nghiệp chủ chốt trong nền kinh tế vùng Tây Bắc Thái Bình Dương

Việc đánh bắt cá hồi hàng năm khi chúng trên đường bơi về dòng sông quê hương được thực hiện bằng hai kiểu tàu cá tuân thủ theo hai bộ quy định khác nhau.

Vì không có biên giới chính thức, ngư dân hai nước đều cố gắng tranh thủ đánh bắt cá hồi từ vùng biển có tranh chấp.

Cuộc đụng độ vẫn đang diễn ra là kết quả của một cuộc chiến chậm rãi, âm ỉ nhưng cũng có lúc trở nên sục sôi - chẳng hạn như thời thập niên 1990 với những vụ việc được gọi là "các cuộc chiến cá hồi" giữa ngư dân Canada và ngư dân Alaska.

BM
  
Kể từ thập niên 1930, Mỹ và Canada đã cố gắng xác định xem ai là người "sở hữu" cá hồi.

Khái niệm mang tính chất "chim trời cá nước" này vừa chính xác cụ thể vừa mơ hồ trừu tượng: vì mỗi con cá hồi khi bơi trở lại thì nó không chỉ quay trở lại một con sông cụ thể, mà là đến một địa điểm chính xác của dòng sông đó, và việc đánh bắt bừa bãi, không kiểm soát đã khiến một số loài cá hồi trở thành tuyệt chủng cục bộ; thậm chí trong một số trường hợp điều này còn đang huỷ hoại cả việc đánh bắt làm thức ăn cho người bản địa.

BM
  
Phải mất 15 năm, Hiệp ước Cá hồi Thái Bình Dương, với mục tiêu đảm bảo rằng ngư dân từ cả hai nước được phép đánh bắt cá hồi với mức độ phải chăng trong mùa đẻ trứng ở các con sông cần điều tiết dọc theo vùng Bờ biển Thái Bình Dương, cuối cùng cũng được ký kết vào năm 1985.

Tuy nhiên, khi các phần của hiệp ước hết hạn vào năm 1992, một vụ việc quốc tế kéo dài sáu năm bắt đầu diễn ra, với việc cả Canada và Hoa Kỳ thỉnh thoảng bắt giữ các tàu đánh cá của nhau.

Căng thẳng leo thang khi vài trăm ngư dân Canada chặn giữ một chiếc phà của bang Alaska ở Prince Rupert trong ba ngày vào năm 1997 và bắt giữ hành khách làm con tin.

Một thỏa thuận mới có thời hạn 10 năm về tăng cường quản lý khoa học và quyền đánh bắt cá bản địa được ký vào năm 1999 đã giúp giảm bớt xung đột, nhưng vẫn không giải quyết được vấn đề tranh chấp đường biên.

Tình trạng bế tắc vẫn âm thầm tiếp diễn.

Khiếu nại, phản đối

BM
  
Thông thường thì Canada và Hoa Kỳ tự kiểm soát ngư dân của mình ở vùng biển có tranh chấp, nhưng thỉnh thoảng vẫn phát sinh các cuộc đụng độ nhỏ khi ngư dân Canada chạm trán các tàu cá Alaska hoạt động trong vùng biển tranh chấp và gọi điện tới đường dây nóng 24/24 chuyên trách về các vi phạm liên quan đến cá hồi.

Bằng cách chuyển nộp các dữ liệu toạ độ GPS và các hình ảnh tàu cá vi phạm, họ có thể nộp đơn khiếu nại lên Bộ Thủy sản và Đại dương Canada.

Do tàu vi phạm đa phần là tàu Mỹ nên chính quyền Hoa Kỳ thấy không có nhu cầu phải mở một đường dây nóng tương tự như của Canada.

Trong khi đó, tại Canada, một phong trào đề cao các quyền và nhu cầu của người dân bản địa đã khiến việc đánh bắt phục vụ nhu cầu của người bản địa được ưu tiên.

Vì vậy, khi một phần của Hiệp ước Cá hồi Thái Bình Dương hết hạn vào ngày 31/12/2019, tình trạng trữ lượng cá hồi được cho là sẽ giảm đi rất có thể sẽ lại phá vỡ thỏa thuận đình chiến đường biên vốn khó khăn lắm mới đạt được.

BM
  
Đứng ở rìa Sông Adam vào tháng 11 năm ngoái, nơi cách eo biển Dixon Entrance gần 1.500km về phía đông nam (theo đường cá bơi), Tanner Francois, người dân tộc Secwepemc bản địa, cất tiếng hát bài ca cá hồi, cảm ơn cá đã thực hiện cuộc hành trình dài đầy nguy hiểm quay trở về nơi đẻ trứng.

Trong truyền thuyết địa phương, có câu chuyện về những dòng sông đỏ tuyền và đặc nghẹt cá hồi sockeye, đến mức bạn có thể đi bộ qua lưng cá sang đến bờ bên kia mà chân không ướt.

Nhưng vào buổi sáng se lạnh này, chỉ vài ngư dân còn ở lại trên dòng sông đợi đợt trở về cuối cùng của mùa sinh sản.

BM
Một phong trào đề cao các quyền và nhu cầu của người bản địa đã làm cho nghề cá bản địa được ưu tiên

Cuộc trở về hàng năm qua Dixon Entrance đưa cá hồi vào các dòng sông chảy qua phần lớn British Columbia, khiến cá hồi trở thành một vị trí trung tâm trong tâm trí của người dân Canada bản địa và của nhiều người British Columbia.

Thực hiện một hành trình khứ hồi lên tới 4.000km từ các con sông và suối đầu nguồn, ra biển và sau đó lại quay trở về, cá hồi không chỉ nuôi sống nền kinh tế mà còn nuôi sống cả cá voi, gấu và đại bàng sống dựa vào sông. Và rồi đến lượt mình, những loài động vật này lại nuôi rừng phát triển.

"Nếu không có cá hồi, chúng ta sẽ không là gì cả," Francois nói.

BM
  
Vì vậy, người dân nơi đây luôn dọn sạch những con sông và dòng suối để bảo vệ khu vực có cá hồi sinh sống.

Học sinh được học thực hành tại các trại ươm cá hồi ở địa phương và thả cá con mới nở ra sông vào mỗi mùa xuân.

Người dân bản địa hát mừng cá hồi vượt qua sông qua núi trở về dòng sông quê nhà. Và ngư dân của Dixon Entrance cẩn trọng bảo vệ phần biển của mình, luôn cảnh giác trước chuyện đường biên bị xâm phạm, sẵn sàng gọi số điện thoại 1-800 để giải quyết tranh chấp ngoại giao.

Trong khi đó, cá hồi cứ bơi theo cuộc sống tự nhiên của nó - mặc kệ những tranh cãi chính trị về biên giới.

BM
  
Tàu du lịch vẫn lướt trên sóng đại dương, hành khách đi trên phà hầu như cũng chả quan tâm đến chuyện bất đồng ý kiến về phân chia lãnh thổ giữa hai nước.

BM

Họ trầm trồ ngạc nhiên trước phong cảnh và cuộc sống nơi đây; những đỉnh núi phủ tuyết trắng, những ngọn núi xanh mượt như nhung vươn tới bầu trời, thác nước, rái cá biển, cá voi sát thủ, chim biển và gấu - mà không biết rằng mọi thứ tuyệt đẹp và hoàn hảo này có liên quan mật thiết với loài cá hồi đang bơi lội dưới tầng nước sâu bên dưới.



Diane Selkirk

BM

Ném bom Hà Nội 1972 _ Nixon có đạt mục tiêu?
Iran không nguy hiểm bằng Trung cộng và Nga!
Tehran chưa kịp hoàn hồn _ Mỹ bồi thêm một đòn nữa
Bí quyết chinh phục thành công mọi việc theo phong cách Hemingway
56 người chết vì giẫm đạp ở đám tang tướng Soleimani
Ông Trump nghe ai khi quyết định hạ sát Qassem Soleimani
Mỹ hạ sát tướng Iran Qassem Soleimani
TT Trump áp lệnh trừng phạt Iraq nếu lính Mỹ phải rời đi
Sức mạnh quân sự của Iran đáng sợ tới mức nào?
Vì sao trẻ châu Á thường giỏi toán hơn trẻ châu Âu
Reaper MQ-9 là drone đã bắn chết tướng Soleimani?
2020 sẽ là một năm của những sự kiện lớn đối với nước Mỹ
Ngôi làng cổ phủ tuyết như cổ tích
Hai tướng Thẩm Nhất Minh và Qassem Soleimani chết với hai ý nghĩa khác nhau
Cuộc tiến thoái sinh tồn giữa hổ và người ở Ấn Độ
Mỹ từng “xuống nước” với Iran
Tổng thống Trump quyết định tiêu diệt tướng Iran như thế nào
Mỹ tốn nửa triệu USD để ám sát tướng Iran
Kinh tế Việt Nam liệu có như số liệu GDP?
Nhìn lại quá khứ xung đột giữa Iran và Mỹ

No comments:

Post a Comment

Note: Only a member of this blog may post a comment.