Việc nhiều người Mỹ đang phẫn nộ giật sập các tượng đài tại Hoa Kỳ đang trở thành cơn sốt xã hội của quốc gia mà sự phân hoá giữa các thành phần dân chúng ngày càng bốc lửa.
Khởi đi từ phong trào "Black Lives Matter", đòi công lý, bình đẳng đối xử, tôn trọng mạng sống người Mỹ gốc Phi Châu, nhiều tượng đài trong đó đa số là các nhân vật thuộc phía Confederate - Liên minh Miền Nam Hoa Kỳ đã bị bôi bẩn, chặt đầu hoặc giật sập.
Confederate bao gồm bao gồm 11 tiểu bang miền Nam nước Mỹ đã tách ra khỏi Hiệp Chủng Quốc vào năm 1861, chống lại chính phủ để bảo vệ chế độ nô lệ và từ đó dẫn đến cuộc nội chiến Hoa Kỳ kéo dài đến năm 1865.
Trong vòng một tháng, từ khắp các tiểu bang - Alabama, Massachusett, Georgia, Florida, Indianapolis, Kentucky, North Carolina, Pennsylvania, Virginia, Tennessee... - nhiều dấu ấn của quá khứ Hoa Kỳ bị xoá bỏ.
Những tượng đài bị nhắm đến ngoài các tướng lãnh, nhân vật lịch sử của Confederate còn có Tổng thống George Washington - người được xem là "Founding Father" của Hiệp Chủng quốc Hoa Kỳ, Christopher Columbus - người khám phá châu Mỹ. Tượng của Tổng thống Andrew Jackson tại thủ đô Washington D.C. cũng đang bị tấn công vì những hành xử tàn ác, bất công đối với người Da Đỏ bản xứ qua đạo luật "Indian Removal Act" của ông.
Những người ủng hộ việc giật sập tượng đài đưa ra lý do đây là những nhân vật từng sở hữu nô lệ, làm giàu bằng nô lệ, trấn áp người da màu, bóp nghẹt văn hoá của các sắc dân thiểu số, phản quốc - chống lại chính quyền của Hiệp Chủng Quốc để tiếp tục bảo vệ và cổ xuý cho chế độ nô lệ. Đây là dấu tích của tội ác không thể được trưng bày như một biểu tượng vinh danh...
Những người chống lại việc này cho đó là hành động xoá bỏ di tích lịch sử cần được bảo tồn. Tổng thống Donald Trump tuyên bố đã ra lệnh chính phủ bắt giam bất cứ ai kéo sập tượng đài, di tích lịch sử và cảnh báo họ có thể đối diện với án tù 10 năm.
Đó là chuyện của Hoa Kỳ.
Đối với người Việt Nam, liệu chúng ta có cần quan tâm?
Không nằm trong sự đồng hoá những nhân vật lịch sử của Hoa Kỳ với Việt Nam (Confederate với Cộng sản), câu trả lời vẫn là có bởi vì một ngày nào đó người Việt cũng sẽ phải đối diện với câu hỏi: Chúng ta có thái độ và hành động gì đối với các "di tích lịch sử" của cộng sản la liệt khắp nơi trên đất nước? Những "di tích" này vinh danh những "anh hùng", "thành tích cách mạng" của đảng cộng sản - trong đó có "cha già dân tộc" Hồ Chí Minh.
Toàn bộ người Việt, lúc đó chưa chắc là một tập thể hơn 100 triệu người "đồng lòng một mối", có cùng một quan điểm trong việc giải quyết?
Bảo vệ di tích lịch sử hay xoá bỏ những vinh danh của tội ác?
Từ "cuộc chiến tượng đài" đang diễn ra tại nước Mỹ, không ít thì nhiều cũng cho chúng ta cơ hội để quan sát, phân tích, thảo luận và rút tỉa kinh nghiệm.
Sẽ khá đơn giản và dễ dàng để một người có câu trả lời riêng - dựa vào cảm nhận, kinh nghiệm đau thương của bản thân là nạn nhân cộng sản hay quá khứ huy hoàng của riêng cá nhân nhờ vào đảng độc tài. Nhưng với hơn 100 triệu người - trong đó đa số đã sinh ra và lớn lên dưới hệ thống nhồi sọ và tẩy não của chế độ độc tài cộng sản thì phương hướng giải quyết nào để có sự hợp tình, hợp lý tối đa mà không tạo thêm sự phân hoá dân tộc?
Vũ Đông Hà
No comments:
Post a Comment
Note: Only a member of this blog may post a comment.