Nước mắt chảy dài xuống gò má khi Yannes nói với George rằng tình yêu của họ không còn nữa.
Trong suốt cuộc đi dạo, cô gái Hong Kong 28 tuổi buông tiếng thở dài nhẹ nhõm và chậm rãi đi bộ về nhà với trái tim tan vỡ.
Đó là lần thứ ba hai người nói lời chia tay chỉ trong thời gian khoảng hai tháng. Lần này, Yannes nói sẽ không còn gì để quay lại nữa.
"Tôi nhớ anh ấy rất nhiều và liên tục nhớ lại những ký ức hạnh phúc trong tâm trí," Yannes kể lại về mỗi lần chia tay trước của họ.
Sự nhung nhớ thời gian hạnh phúc trước đây nhanh chóng chiến thắng cô "vì vậy tôi lại quay lại và quay lại.
Nhưng suy nghĩ của hai chúng tôi đã quá khác nhau và điều đó chẳng hề thay đổi gì. Tôi xóa tất cả hình ảnh của anh trên mạng xã hội của tôi, và tôi biết đây là lần cuối cùng chúng tôi bên nhau."
Khao khát khơi lại ngọn lửa tình cũ hóa ra là điều rất phổ biến trong đời ta.
Gần hai phần ba trong số sinh viên gặp phải tình yêu luẩn quẩn hợp tan, mà một nửa trong số đó tiếp tục có quan hệ tình dục với nhau dù đã chia tay.
Ranh giới mờ nhạt của tình yêu cũ vẫn tiếp diễn dù sau khi họ đã thề nguyền trong đám cưới.
Hơn một phần ba các cặp đôi chung sống với nhau và một phần năm các cặp đã kết hôn vẫn tiếp tục quay lại với tình cũ dù vẫn đang sống với người hiện tại.
Cảm giác này đã tạo cảm hứng cho vô số ca khúc, tiểu thuyết, kịch nghệ, các chương trình truyền hình thực tế và điện ảnh - chia tay và tìm kiếm sự tha thứ có lẽ là điều bắt rễ cực kỳ sâu từ trong tâm lý con người.
Nhưng tại sao ta lại có ý định hàn gắn một mối quan hệ đã không thành?
Ban đầu khi hai người chia tay, họ thường trải qua giai đoạn gọi là "phản kháng", theo mô tả của nhà thần kinh học Helen Fisher từ Học viện Kinsey.
Ở giai đoạn này, người bị chối từ sẽ trở nên ám ảnh với ý nghĩ cố gắng níu kéo người đòi chia tay.
Người trẻ thường cố bám lấy các mối quan hệ hết chia tay lại tái hợp với nhau
Fisher và nhóm nghiên cứu thử quét não của 15 người vừa bị người yêu đòi chia tay, sử dụng kỹ thuật chụp cộng hưởng từ MRI.
Khi những người này được cho xem hình ảnh người yêu cũ, thì vùng não có liên quan đến cảm giác đạt được và mất mát, vùng điều chỉnh cảm xúc và khao khát được kích hoạt, và vùng não thể hiện sự gắn bó và tình yêu lãng mạn cũng được kích hoạt.
"Sau khi bị từ chối, bạn không ngừng yêu người đó, mà thậm chí còn thấy yêu hơn trước. Vùng não chính liên hệ với sự nghiện ngập cũng được kích hoạt," Fisher nói.
Vào khoảnh khắc này, người bị nói lời chia tay trải qua thời gian có hàm lượng dopamine và chất dẫn truyền thần kinh norepinephrine tăng lên trong cơ thể. Đây là các hoạt chất liên quan đến việc tăng mức độ căng thẳng và thôi thúc sự cầu cứu, Fisher giải thích.
Bà gọi đây là "sự cuốn hút từ cảm xúc vỡ mộng". Đây được cho là nguyên nhân gây ra tình trạng trong khoảnh khắc cảm xúc lên cao, người bị chia tay sẽ làm những việc kịch tính nhằm chiếm lại người mà họ khao khát.
Ở cả đàn ông và phụ nữ, hạt nhân accumbens - là một cấu trúc não dưới vỏ, thuộc mạch thưởng não cho phép ý chí chuyển thành hành động và cho phép thực hiện các hành vi tìm kiếm niềm vui - đều được kích hoạt.
Đây là vùng não lớn có liên hệ với sự nghiện ngập. Người tham gia nghiên cứu của Fisher "ám ảnh" với người yêu đã 'đá' họ, và khao khát cảm giác được quay lại với người ấy.
"Sự lo âu vì chia lìa giống như chú chó con bị tách khỏi mẹ và bị bỏ lại một mình trong xó bếp: chú chó chạy vòng quanh, sủa và rên rỉ," Fisher nói thêm.
"Các cặp đôi chia tay và quay lại với nhau nhiều lần vẫn còn si mê và có cảm giác với nhau, vì vậy họ không thể rành mạch chia tay cho đến khi cắt cơn [si mê]."
Cũng như phản ứng hóa học trong não, con người cố gắng tìm lại mối quan hệ từng đổ vỡ vì toàn bộ tình cảm này có lý do về mặt hành vi.
Nếu một người đã hẹn hò với người mới sau khi chia tay, thì quá trình này có thể nhanh chóng tẩy bỏ cảm xúc cũ, làm giảm khả năng hai người quay lại bên nhau.
Một số người khác lại trải qua cảm giác đam mê tương hợp hơn sau khi chia tay, khiến họ dễ có khả năng tha thứ cho nhau hơn.
Cảm giác tình yêu dang dở cũng khiến cho các bên cố gắng thử lại lần nữa, Rene Dailey, giáo sư chuyên nghiên cứu về các mối quan hệ hết chia tay lại làm lành, Đại học Texas, cho biết.
Hành vi chia tay không tốt đã có từ lâu đời, nhưng gần đây chúng đã có cụm từ riêng mô tả, như kiểu ma ám
"Cặp đôi có thể trải qua rất nhiều xung đột [trong] thời gian chia tay nhưng vẫn cảm thấy gắn bó hoặc yêu thương người kia," Dailey chia sẻ. "Vì vậy có thể đó là vì họ không thể kiểm soát hoặc giải quyết mâu thuẫn. Nếu cuộc chia tay không rõ ràng, người ta có thể nghĩ họ có thể tạo ra thay đổi tích cực cho tình yêu và cố gắng thử lại."
Dailey cũng cho biết, thuyết gắn bó, vốn phổ biến trong một số lĩnh vực tâm lý và hay được giới truyền thông nhắc đến và coi đây là lý giải một phần sự hợp nhau trong hẹn hò, lại không giải thích được sự hòa giải trong tình yêu.
Thuyết gắn bó cho rằng hành vi của người chăm sóc dành cho đứa trẻ sẽ định hình cách gắn bó yêu thương của đứa bé khi nó trưởng thành - đó có thể là sự bền chặt, lo âu hay né tránh với người yêu trong đời.
Dạng thức gắn bó bền chặt làm tăng việc giao tiếp đem đến những cảm xúc lành mạnh, trong khi những người có kiểu gắn bó lo âu có xu hướng nghi ngờ giá trị bản thân và cố gắng quá mức để duy trì sự gần gũi.
Nhóm thứ ba là những người có dạng thức gắn bó né tránh; họ được coi là không kiểm soát được cảm xúc và luôn cảm thấy muốn né tránh sự gần gũi.
Theo thuyết này, những người có dạng thức gắn bó lo âu hay né tránh được cho là dễ bị hấp dẫn lẫn nhau và thấy rất khó chia tay thực sự.
Nhưng các nghiên cứu lại không cho hậu thuẫn cho thuyết này.
"Chúng tôi thấy hầu như không có sự khác biệt giữa những cặp đôi hết chia tay lại quay lại trong những cách thức gắn bó kiểu lo âu hay gắn bó né tránh, và cũng hầu như không có mấy khác biệt trong cách mà dạng thức gắn bó ảnh hưởng đến chất lượng mối quan hệ của đôi yêu nhau.
"Tuy rằng thuyết gắn bó có vẻ như đưa ra được giải thích thỏa đáng, nhưng trong trường hợp này chúng tôi không thấy vậy," Dailey giải thích.
Như trong trường hợp Yannes, sự nhung nhớ và cô đơn đóng vai trò trong việc tha thứ cho tình cũ.
"Khi người ta cảm thấy bản thân muốn quay lại với người cũ dù rằng họ không đối xử tốt với mình, thường là do cảm xúc cô đơn, nhung nhớ những điều tốt đẹp về mối quan hệ đó, và cảm giác mất mát, đau buồn đi cùng với cuộc chia tay," Kristen Mark, giáo sư chuyên về sức khỏe tình dục từ Đại học Kentucky, nói.
Bà giải thích sự nhung nhớ mối quan hệ đã qua thường xuất hiện trở lại khi chất lượng của mối quan hệ hiện tại bắt đầu xấu đi.
Những người sợ phải cô đơn thường khao khát quay lại với người cũ hơn
Những người sợ hãi phải độc thân thường sẽ khao khát quay trở lại với người cũ nhiều hơn và cảm giác muốn nối lại mối quan hệ cũ cũng mạnh mẽ hơn so với người khác.
Điều này có thể giải thích hành vi của Yannes trong không khí cuộc sống hiện tại. Cô nói cô cảm thấy cô đơn trong đợt bùng phát dịch bệnh virus corona, điều đó thúc đẩy cô gặp lại người yêu cũ và định hàn gắn mối quan hệ lại.
Sự cô đơn mà người độc thân trải qua trong thời cách ly có thể trầm trọng hơn vì mạng xã hội, vì nó khiến người ta dễ dàng nhìn thấy người yêu cũ trên mạng hơn.
Khao khát thoát khỏi cô đơn bằng mọi giá có thể khiến người ta rơi vào vòng tay của người yêu cũ, theo Gail Saltz, phó giáo sư tâm thần tại Bệnh viện New York Presbyterian thuộc Trường Y Weill-Cornell.
"Facebook và các mạng xã hội khác cho phép mọi người tìm thấy người cũ và đưa họ quay trở lại bên nhau," Saltz chia sẻ.
"Ta có xu hướng nghĩ về mối quan hệ cũ đẹp dẽ hơn thực tế và quên rằng mọi người cũng thay đổi theo thời gian. Mạng xã hội khiến ta khó mà khép lại mối quan hệ cũ để sống tiếp - lén lút xem lại nội dung người yêu cũ đăng trên mạng có thể rất không lành mạnh."
Mạng xã hội khiến cuộc chia tay khó chịu hơn.
Có lẽ cũng không ngạc nhiên gì khi Thế hệ Thiên niên kỷ (ra đời trong khoảng thờI gian từ đầu thập niên 1980 đến đầu thập niên 2000) và Thế hệ Z (sinh từ cuối thập niên 1990 đến đầu thập niên 2010) thậm chí dễ bị ảnh hưởng hơn bởi hành vi chia tay tiêu cực, theo Berit Brogar, giáo sư tại Đại học Miami chuyên về triết học về cảm xúc và là tác giả cuốn sách viết về tình yêu, "On Romance".
"Những hành vi chia tay tồi tệ có thể đã tồn tại lâu đời không thua gì tình yêu lãng mạn,"
Brogaard nói. "Nhưng chúng đã thịnh hành đến mức người ta đã phải phân loại và đặt tên cho chúng - như đeo bám [qua mạng xã hội], tàu ngầm, hờ hững, thả thính, theo dõi, bám đuổi và nhiều từ khác nữa."
Nhóm trẻ hơn trong Thế hệ Thiên niên kỷ và Thế hệ Z dễ lâm vào tình trạng lo âu, trầm cảm, và lệ thuộc nhiều hơn vào sự chấp thuận của xã hội so với nhóm lớn tuổi hơn trong Thế hệ Thiên niên kỷ, vì vậy nhóm Thiên niên kỷ trẻ và nhóm Z dễ rơi vào các mối qua hệ kiểu hết chia tay lại làm lành, Brogaard cho biết thêm.
Thế hệ Thiên niên kỷ và Thế hệ Z sinh ra, lớn lên cùng máy tính xách tay và máy tính bảng, nên họ có xu hướng tìm kiếm hẹn hò trên mạng nhiều hơn.
Và thế là ngành huấn luyện cá nhân ra đời, mà chỉ riêng ở Hoa Kỳ đã có giá trị hơn một tỷ đô la Mỹ vào năm 2018, với một thị trường đặc biệt chuyên dành cho người bị tổn thương trong tình yêu bắt đầu xuất hiện.
Những huấn luyện viên dành cho người mới chia tay giờ đây hứa hẹn giúp đỡ khách hàng sống tiếp hoặc khơi lại lửa lòng trong tình yêu cũ.
Nhiều người giới thiệu mẹo và chiến lược trên blog, trên Youtube và chương trình radio trên podcast, và đã được hàng triệu lượt xem đón nhận.
Trong số những nguyên tắc phổ biến, thì nguyên tắc "không liên lạc" (từ khoảng 30 ngày đến 60 ngày, một số người cho rằng nên ngừng liên lạc vĩnh viễn) là một chiến thuật được nhiều người áp dụng.
Người ta cho rằng thời gian này nên dành để phát triển bản thân. Nhiều người cho rằng bạn nên gửi tin nhắn đến người cũ để làm họ nhớ lại thời gian tốt đẹp từng có bên nhau, và cho người cũ thấy bạn đã thay đổi ra sao trong thời gian này.
Nhà thần kinh học và nhà nghiên cứu ngành nhân loại học Helen Fisher đồng ý rằng quy tắc "không liên lạc" là hữu ích.
Bà cho biết khoảng thời gian ít nhất 90 ngày đã được chứng minh là có hiệu quả giúp cai các loại chất gây nghiện.
Nhưng liệu cách này có tác dụng với tình yêu không?
"Cách thức tăng tốc quá trình hàn gắn vết thương lòng cũng tương tự như cai nghiện - bạn bỏ người yêu cũ qua một bên, ngưng xem họ trên mạng xã hội và không liên lạc với họ," Fisher nói.
Brogaard cũng cho biết quy tắc này "không có cơ sở khoa học". Cường độ của những cảm xúc dâng trào, như sự giận dữ, phản bội và các cảm xúc khác - có xu hướng giảm dần theo thời gian.
Lilian, người Hong Kong, gần 30 tuổi, là một trong những người dùng internet vừa mới chia tay tìm cách hàn gắn lại với bạn trai cũng trên mạng internet chỉ vài ngày sau khi chia tay.
Cô tình cờ tìm thấy những video của một huấn luyện viên chuyên về hẹn hò trên mạng xã hội.
Lilian nhận thấy vị huấn luyện viên giới thiệu những mẹo tạo ra khoảng cách với người yêu cũ và cố gắng khiến mình hấp dẫn trở lại.
"Chúng trấn an tôi sau khi chia tay, nhưng cũng khiến tôi cảm thấy lo lắng hơn. Vị huấn luyện viên về chia tay khuyên tôi nên đợi 30 ngày rồi hãy liên hệ lại với bạn trai cũ, và lần sau ăn mặc đẹp hơn khi chúng tôi gặp lại để thể hiện rằng tôi đã cải thiện bản thân, nhưng tôi không đợi lâu được đến vậy," Lilian nói.
Một mẹo mà huấn luyện viên tình cảm thường gợi ý là cố gắng cải thiện hình ảnh bản thân trong lần kế tiếp khi gặp lại người cũ
Mặc dù các huấn luyện viên này có thể xuất hiện như một biện pháp trấn an tức thì đối với người chia tay tình yêu, nhưng những gợi ý từ họ không hẳn là đáng tin cậy về mặt khoa học.
"Huấn luyện viên về chia tay có thể không được huấn luyện đàng hoàng - cả về cách qua đào tạo chuyên nghiệp hay tự học hỏi - trong các lĩnh vực liên quan như khoa học thần kinh, tâm lý học, khoa học nhận thức, triết học hay công tác xã hội," Brogaard cho biết.
Các nhà tâm lý học cho biết thêm một số người còn đạo văn của những người được huấn luyện bài bản, nhưng họ không thể kiểm chứng được thông tin mà họ đạo lại từ người khác.
"Dịch vụ của họ có thể đắt hơn của một chuyên viên trị liệu tốt, nhưng không có bất cứ bằng chứng nào cho thấy lời khuyên của họ là đúng. Có thể là bạn đang phí thời gian và tiền bạc mua dịch vụ của họ," bà lý giải.
"Sách của họ đôi khi có giá mềm hơn, nhưng không được phối kiểm đồng đẳng và phần lớn nội dung sách là vô dụng trong thực tế."
Các chuyên gia vẫn có những quan điểm bảo lưu trong ngành này, là ngành cho đến nay vẫn hầu như không có định chế kiểm soát.
Dailey nhắc lại nhận xét của Brogaard rằng rất nhiều huấn luyện viên về chuyện chia tay "không đủ trình độ cho lời khuyên," trong khi đó Saltz cho rằng đây là mảng "chưa được quy định kiểm soát" gì.
"Gần như ai cũng có thể tự gọi bản thân là huấn luyện viên. Vì vậy tôi rất cảnh giác với thị trường đó. Người đó đã được huấn luyện bao nhiêu, ở mức độ nào và trình độ chính thức tới mức nào? Khóa học kéo dài vài tuần hay vài ngày không phải là sản phẩm của chuyên gia trị liệu. Ai huấn luyện họ, huấn luyện kiểu gì?" Saltz đặt câu hỏi.
Brogaard khuyên rằng những người mới chia tay nên đọc các sách về tình yêu tan vỡ và các mối quan hệ từ những nguồn đáng tin cậy, gồm đề tài khoa học đã được thẩm định về mặt học thuật trên Google Scholar, thay vì tốn tiền đi học các khóa huấn luyện về chia tay.
Nhưng bà cảnh báo không nên dành quá nhiều thời gian và sức lực cố gắng níu kéo người ta quay lại bên mình.
"Nếu như bạn phải từ bỏ những quy tắc của bản thân để quay lại với người cũ, liệu có đáng không?"
Họ cho rằng không có "mẹo" nào giúp hàn gắn ngoài cách trò chuyện thành thật về những gì sai lầm khúc mắc đã xảy ra trong mối quan hệ cũ.
Với người không thể hàn gắn với tình cũ, điều tốt lành là sau giai đoạn "phản kháng", não họ có thể bước vào giai đoạn "từ bỏ/thất vọng", sau đó cuối cùng họ chấp nhận, không quan tâm nữa và trưởng thành, Fisher cho biết.
"Bạn trải qua đau đớn và lo âu cực độ, nhưng cuối cùng rồi sẽ hồi phục," Fisher kết luận. "Bạn sẽ không bao giờ quên người đã rời bỏ bạn, nhưng bạn sẽ sống tiếp và yêu người khác."
Chermaine Lee
No comments:
Post a Comment
Note: Only a member of this blog may post a comment.