Khi nhiều quốc gia nới lỏng các lệnh phong tỏa, người dân đang quay trở lại không gian cũ mà giờ đây đã cảm thấy lạ lẫm.
Bản thân các địa điểm thì không hề thay đổi - nhưng từ việc đeo khẩu trang cho đến tránh đám đông - cách thức chúng ta được phép sinh hoạt trong môi trường công sở sẽ có khác biệt căn bản.
Phần nhiều trong số những thay đổi này có thể vẫn duy trì trong một thời gian.
Ngay cả khi đà lây lan của virus corona đã được kiềm chế, nguy cơ của làn sóng lây nhiễm mới vẫn còn đó nếu như chưa có vaccine, mà quá trình tìm ra vaccine có thể mất từ chín tháng đến hai năm.
Hơn nữa, các nhà khoa học cho biết, những căn bệnh mới, có sức tàn phá ở mức độ tương đương có thể làm tê liệt loài người trong tương lai, giống như virus corona đã gây ra cho chúng ta trong năm 2020.
Không gian công cộng mới
Đối với những người đang quy hoạch các thành phố và không gian công cộng trong tương lai, đại dịch vừa là mối đe dọa nhức nhối đòi hỏi các biện pháp tức thời - vừa là cơ hội để nghĩ lại về cách chúng ta sinh hoạt, đi lại và tụ tập.
Con người không thích nghi tốt với sự cô lập. Nhiều nghiên cứu phân tích kết quả của việc cách ly trong các đại dịch trong quá khứ cho thấy nó ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe tâm thần, đôi khi thậm chí dẫn đến căng thẳng hậu sang chấn. Khôi phục các không gian sinh hoạt xã hội ngay khi tình hình đã an toàn không chỉ là ưu tiên tài chính, các chuyên gia cho biết. Đó là cách để đảm bảo sự an lạc của mọi người và giúp họ phục hồi sau cuộc khủng hoảng sức khỏe toàn cầu.
Mọi người tắm nắng trong các ô chăng dây để đảm bảo giãn cách xã hội ở miền nam nước Pháp
Là quốc gia châu Âu đầu tiên bị phong tỏa, và cũng là một trong những nước đầu tiên từ từ nới lỏng phong tỏa, nước Ý đang được theo dõi chặt chẽ để các chuyên gia có thể đánh giá những gì có tác dụng trong ngắn hạn và những gì bền vững trong dài hạn.
Simone d'Antonio, một chuyên gia chính sách tại Rome thuộc Hiệp hội các Thành phố và Địa phương nước Ý (ANCI), viết cho cheFare rằng Ý cần khôi phục tinh thần cộng đồng trước văn hóa hoài nghi và sợ hãi.
Ông lập luận rằng nỗi sợ 'cái khác' đã là một vấn đề trước khi đại dịch, và nó chỉ trở nên tồi tệ hơn khi có nguy cơ lây nhiễm rõ ràng.
"Phục hồi từ cuộc khủng hoảng này là cơ hội để bắt đầu lại từ đầu, đương đầu với các rủi ro mới về sức khỏe cộng đồng cũng như xây dựng lại ý thức cộng đồng đã mất," ông d'Antonio nói.
Điều này có nghĩa là suy nghĩ lại về không gian công cộng.
"Những thói quen tiệc tùng của chúng ta sẽ phải thay đổi, nhưng điều này cũng có thể trở thành cơ hội," ông nói. "Ví dụ, cuối cùng thì mọi người cũng bắt đầu dùng đến các không gian công cộng bị lãng quên, chẳng hạn như các mảng xanh xuống cấp rải rác khắp Rome cũng như nhiều thành phố khác của Ý."
Ông đề cập đến những vườn bia truyền thống của Munich, nơi mọi người ăn uống trên những chiếc bàn dài ngoài trời.
Ở các thành phố khác, đó có thể là bối cảnh lý tưởng để thực hành giãn xã hội với người thân và bạn bè. Chẳng hạn như tụ tập quanh bàn thay vì trải mền ra ngồi xuống trong lúc đi dã ngoại cho phép mọi người giữ khoảng cách an toàn mà không phải bắt buộc ngồi xa nhau.
Mọi người tụ tập vào ngày đầu tiên khi các vườn bia được phép mở cửa trở lại ở Munich
Daniele Terzariol, phó thị trưởng thị trấn San Donà di Piave, gần Venice, nói rằng khi thành phố mở cửa trở lại, chính quyền "muốn tận dụng cơ hội này để làm cho không gian công cộng của chúng ta trở nên tiện dụng hơn và đẹp hơn so với trước khi bị phong tỏa".
Sắp xếp bàn ngoài trời
Để cho phép mọi người có thể tụ họp theo cách duy trì giãn cách xã hội, thị trấn đã biến các khu vực chính ở trung tâm thành khu phố đi bộ và tổ chức một cuộc tranh tài giữa các nhà hàng và quán bar để xem ai có cách sắp xếp bàn ngoài trời tốt nhất để mọi người có thể tụ tập một cách an toàn - mọi thứ từ bàn ghế có thể di dời cho đến băng dính nghệ thuật trên nền đất để khuyến khích lối đi an toàn. "Tất cả ý tưởng và vật liệu đều được hoan nghênh, nhất là nếu được tái sử dụng và có chi phí thấp," Terzariol nói.
Ở Ấn Độ, vốn đang bắt đầu mở lại từ từ các cửa hàng và giao thông nội địa, chủ nhà hàng Shefali Gandhi ở thành phố Goa cũng tin rằng không gian ngoài trời sẽ là mấu chốt.
"Ở các thành phố như Mumbai, người dân đã bị kẹt trong các căn hộ nhỏ như hộp quẹt trong hai tháng qua," bà nói. Bà tin rằng ký ức về phong tỏa sẽ còn sống động trong tâm trí mọi người trong thời gian dài và mọi người sẽ kết hợp những niềm vui của việc giao tiếp xã hội với không gian ngoài trời.
"Từ góc độ thực tiễn, các khu vườn cũng giúp dễ dàng giãn cách chỗ ngồi và vệ sinh từng bàn dễ dàng hơn," bà giải thích.
Cho dù nhà hàng và quán bar có chỗ ngồi ngoài trời hay không, mọi người cũng cần duy trì khoảng cách an toàn. Những chiếc bàn nhỏ, có thể lắp ghép cho phép bà sắp xếp lại không gian một cách phù hợp, bà nói.
Còn nếu không gian quá nhỏ để đảm bảo giữ đúng khoảng cách được, hoặc không gian trong nhà, mọi việc trở nên khó khăn hơn.
Ví dụ, ở Ý, một số người đã chỉ trích những giải pháp dựa trên nguyên tắc thiết kế phòng thủ - tìm cách giữ cho các thiết kế 'không có lỗ hổng' vì sợ rằng nó có thể bị sử dụng sai.
Một ví dụ trong các nhà hàng là sử dụng tấm nhựa để ngăn các bàn ăn, khiến thực khách không thể xáp lại quá gần. Một số người cảm thấy rằng các tấm nhựa này là không thực tế và sẽ làm mất đi niềm vui của việc ăn chung: bàn ăn kiểu này đem lại cảm giác 'đang đi thăm tù', một người dân địa phương bình luận trên Facebook.
Tầm quan trọng của niềm tin
Các nghiên cứu gần đây đã xác định niềm tin là xương sống của sự phục hồi kinh tế và xã hội.
Để trở lại 'cuộc sống bình thường' - và để sử dụng các không gian chung hoặc cộng đồng - mọi người phải cảm thấy an toàn về vật lý và tin tưởng rằng những người khác cũng đang lo nghĩ cho sự an toàn của họ.
"Sự tin tưởng là chìa khóa để xây dựng lại lòng tin của mọi người khi họ tụ tập ở các không gian công cộng hoặc riêng tư," Aditi Ratho từ tổ chức phi lợi nhuận Observer Research Foundation ở Ấn Độ, người không tham gia vào nghiên cứu, cho biết. "Khi nói đến nhà hàng, phòng gym và rạp chiếu bóng, mọi người lo lắng về các tiêu chuẩn và quy trình vệ sinh, họ muốn cảm thấy an toàn và an tâm."
Một rạp chiếu phim được lau chùi sạch sẽ để chuẩn bị đón khán giả ở Auckland, New Zealand
Sau sang chấn tập thể của việc đi qua đại dịch, bà nói, "bạn phải lồng ghép tâm lý của mọi người vào bản thiết kế".
Một trong những thách thức truyền thống của thiết kế đô thị ở Ấn Độ, bà giải thích, đó là các thành phố có mật độ dân số đông, và điều đó đặt ra một loạt rủi ro vượt ra ngoài sự lây nhiễm virus corona.
Trước khi đại dịch xảy ra, bà nói, các nhà thiết kế đô thị đã suy nghĩ cách làm sao xử lý những không gian thường đông đúc như ga tàu điện hoặc rạp chiếu phim.
"Tôi cho rằng khái niệm về rạp chiếu phim sẽ thay đổi hoàn toàn bởi vì mọi người sẽ ngày càng sử dụng các nền tảng phát trực tuyến nhiều hơn; họ sẽ ở nhà nhiều hơn," bà nói.
Nhưng giao thông công cộng vẫn rất cần thiết ở Ấn Độ.
Ở Mumbai, các kế hoạch đang được tiến hành để tái cấu trúc các chỗ chuyển tiếp trên tuyến xe điện, tức là không gian ngay bên ngoài ga nơi mọi người chuyển sang taxi, xe đạp hoặc xích lô máy để đi tiếp.
Giao thông công cộng vẫn đóng vai trò thiết yếu ở Ấn Độ, và duy trì giãn cách xã hội trên tàu xe là điều gây thách thức
Ở những chỗ này, "mọi người tụ tập rất đông và một mặt thì các thiết kế phòng thủ được vận dụng, ví dụ như giới hạn số chỗ ngồi, mặt khác các nhà thiết kế cũng đang nghĩ về khả năng tiếp cận đối với người khuyết tật và làm thế nào để việc chuyển xe lúc nào cũng an toàn cho phụ nữ," bà nói - ví dụ tránh để các bậc thang không cần thiết và đảm bảo các khu vực chuyển tiếp này được chiếu sáng tốt.
Trong các nhà hàng, khôi phục niềm tin ở các khách hàng có nghĩa là nhà bếp mở để cho họ thấy rằng món ăn được chế biến với tiêu chuẩn vệ sinh cao nhất.
Các biện pháp an toàn khác có thể sẽ ở dạng kỹ thuật số, ông Giuliano Vita, đồng sáng lập công ty khởi nghiệp Dishcovery của Ý, đang điều hành một nhóm các doanh nhân kỹ thuật số vốn đang giúp các chủ nhà hàng đổi mới dịch vụ trong thời hậu đại dịch Covid-19, cho biết.
Ông dự đoán menu kỹ thuật số sẽ bùng nổ, các menu dạng này sẽ không chỉ được dùng để đặt mua mang đi mà cả khi ăn ở nhà hàng. "Chủ nhà hàng sẽ cho in mã QR trên bàn ăn và khách hàng có thể đọc được menu bằng cách chỉ cần dùng điện thoại quét mã," ông nói.
Phòng gym sẽ lỗi thời?
Còn ở các phòng gym, Neha Motwani, người sáng lập nền tảng tìm kiếm phòng gym trực tuyến Fitternity, cho biết người ta có thể loại bỏ phòng tắm hoa sen và phòng cất đồ để đảm bảo đáp ứng được quy định về giãn cách xã hội. Họ cũng có thể phân phối lượng khách đến để có thể lau dọn trong cả ngày.
Trong đại dịch, nhiều người đã học các lớp thể hình trực tuyến.
Mặc dù tập thể hình trực tuyến vẫn có thể có sức hấp dẫn với nhiều người, Motwani nói, nhưng nó sẽ không thay thế không gian truyền thống nơi mọi người tụ họp.
"Chúng tôi đã khảo sát người dùng của mình và nhận ra rằng hơn 95% trong số họ nóng lòng chờ đợi phòng tập mở cửa lại", Motwani nói. "Họ muốn đập tay với huấn luyện viên. Họ muốn có cảm giác cộng đồng."
Tuy nhiên, phòng tập bằng tường bằng gạch sẽ khác với trước đây, ông Ben Hackney-Williams, người đứng đầu bộ phận nội dung của Escape Fitness, một công ty đặt tại Anh chuyên thiết kế và lắp đặt phòng gym ở hơn 80 quốc gia, cho biết.
Trước đại dịch, nhiều người thường xuyên thay phiên nhau sử dụng cùng một máy tập.
Hackney-Williams hình dung rằng các phòng gym trong tương lai sẽ được chia thành các khu vực được trang bị độc lập với các thiết bị có thể tháo rời, thiết bị có thể được nhân rộng khắp phòng tập. Bằng cách đó, mỗi người có thể tập luyện mà không phải dùng chung bất kỳ thiết bị nào hoặc đến quá gần người khác.
Cộng đồng thiết kế cũng đã được vận động để tìm kiếm các giải pháp giúp khôi phục đời sống xã hội và chữa lành sức khỏe tinh thần của mọi người.
"Xu hướng mới về thể hình thường chuyển từ các nước phương Tây sang châu Á," Hackney-Williams nói.
Ví dụ, các phòng tập chu kỳ hoặc tập luyện cường độ cao cách khoảng, vốn thường có nhiều người tập trong cùng một lớp với tiếng nhạc lớn, lan từ các nước phương Tây đến châu Á.
"Nhưng lần này mọi thứ đã đảo ngược. Kể từ khi sự lây lan virus corona bắt đầu ở Trung Quốc, chúng tôi đã thấy những kiến thức và thông tin về cách xử lý khủng hoảng và hậu quả của nó đến từ châu Á."
Các chuỗi phòng gym với chi nhánh ở châu Á đã tăng chi tiêu để giữ sạch sẽ trong các cơ sở của họ ở Mỹ để giúp giảm bớt lo ngại của các thành viên ngay cả trước khi virus corona tấn công phương Tây. Và họ là những cơ sở đầu tiên đóng cửa trước khi chính phủ ra lệnh bắt buộc.
Nếu có một điều tốt phát sinh từ giai đoạn kỳ lạ này, Hackney-Williams nói, thì đó là trong giai đoạn phong tỏa, mọi người bắt đầu nhận ra rằng để giữ vóc dáng không nhất thiết có nghĩa là phải tập gym hàng giờ mỗi ngày. "Chạy bộ trong công viên hoặc tìm những nếp vận động nhẹ phù hợp với bạn là đủ để giữ cơ thể khỏe mạnh," ông nói.
Ở thời kỳ hậu Covid-19, ông hy vọng, mọi người sẽ không xem phòng gym là nơi cao cấp, nơi chỉ những người mê thể hình được chào đón.
Trong khi đại dịch buộc chúng ta phải tổ chức lại các không gian chung, lệnh phong tỏa đã cho chúng ta thời gian suy nghĩ lại về chúng ta muốn cuộc sống xã hội của mình sẽ như thế nào.
Và mặc dù chúng ta có thể phải vẫy tay tạm biệt những quán bar, rạp chiếu phim và phòng tập thể hình đông đúc, sôi động mà chúng ta từng yêu thích, ít nhất là trong một thời gian, chúng ta cũng có cơ hội duy nhất để khám phá lại ý nghĩa của việc tụ tập trong không gian mới - và tưởng tượng lại không gian đó từ đầu.
Lou Del Bello
No comments:
Post a Comment
Note: Only a member of this blog may post a comment.