"Tôi không biết mình đang đi đâu, nhưng tôi hứa sẽ không nhàm chán," David Bowie nói trên sân khấu ở Quảng trường Madison Square Gardens trong buổi biểu diễn đánh dấu ngày sinh nhật lần thứ 50 của ông vào năm 1997.
Ông không phải lo lắng. Bowie hơn hẳn những người bình thường như bạn có thể biết. Nhưng với bất cứ người sáng tạo nào - dù là nhà văn, nhạc sĩ hay họa sĩ - cảm thấy chán có lẽ là điều tồi tệ nhất mà bạn có thể nghĩ đến.
Nhưng ngược lại, bản thân sự nhàm chán có thể là một trong những yếu tố quan trọng nhất trong sáng tạo - là nàng thơ lặng lẽ tạo cảm hứng cho vô số bài hát tuyệt vời, cho những quyển tiểu thuyết đỉnh cao và những bức tranh tuyệt tác.
Mô tả thời gian gần đây khi ở trong giai đoạn phong tỏa, tiểu thuyết gia đoạt giải Booker, Anne Enright, cho biết bà cảm thấy thích thú "đi thơ thẩn cả ngày" và cho rằng có khi ít việc cần làm lại có thể là điều rất tốt.
"Sự nhàm chán có thể là trạng thái làm việc năng suất, miễn là bạn không để nó trở nên tồi tệ với bạn," bà chia sẻ trên tờ The Guardian, và cho biết thêm: "Tôi đợi cho sự nhàm chán xảy ra vì với tôi, sự nhàm chán là dấu hiệu rất tốt."
Theo nhà văn Agatha Christie "không có gì như sự nhàm chán, nó khiến bạn viết"
Bà không phải là văn đầu tiên công nhận tầm quan trọng của sự nhàm chán.
Nhà văn Agatha Christie, người chưa từng chính thức đi học mãi đến năm 16 tuổi, đã coi việc bà phải tìm lối đi riêng để mua vui cho bản thân là khởi đầu cho sự nghiệp viết lách nổi tiếng của bà.
"Không có gì như sự nhàm chán, nó khiến bạn viết," bà trả lời trong cuộc phỏng vấn với BBC vào năm 1955. "Đến thời gian tôi khoảng 16 -17 tuổi, tôi đã viết khá nhiều truyện ngắn và một cuốn tiểu thuyết ảm đạm."
Khi được hỏi dành lời khuyên gì cho những nhà văn trẻ, Neil Gaiman cho biết: "Bạn phải để bản thân chán chường đến mức tâm trí bạn không còn gì tốt hơn để làm là tự kể chuyện cho chính nó nghe."
Tác giả đã quá cố David Foster Wallace quá hứng thú với sự nhàm chán đến mức ông viết hẳn một quyển tiểu thuyết dựa trên chủ đề này. Ông đã sắp xếp để quyển tiểu thuyết "Vị Vua Xanh Xao" [The Pale King] sẽ được xuất bản từ văn phòng thuế sau khi ông qua đời, với tờ ghi chú để lại đi kèm với bản thảo chưa hoàn thành, ông giải thích lý do. "Hóa ra niềm vui sướng đó - niềm vui từng giây phút và lòng tri ân với món quà của việc được sống, và có ý thức - nằm ở phần bên kia của việc tiêu diệt, tiêu diệt sự nhàm chán."
Không chỉ các nhà văn nhận thấy sự nhàm chán là phần hữu ích trong quá trình sáng tạo.
Nhà điêu khắc đạt giải thưởng Turner, Anish Kapoor, chia sẻ: "Qua nhiều năm, tôi đã học được rằng… chính xác là vào những khoảnh khắc tôi không biết phải làm gì, thì sự nhàm chán đã thúc giục tôi phải thử làm điều gì đó."
Cảm hứng thế tục
Trong bài viết đăng trên tạp chí Rolling Stone gần đây kể về sự nghiệp, ca sĩ và diễn viên Kate Nash giải thích rằng sự nhàm chán mà cô trải qua thời thiếu niên đã khiến cô bắt đầu sáng tác nhạc. "Tôi viết rất nhiều vì không có gì khác diễn ra trong đời tôi."
Sau đó, khi bạn bè cô rời nhà đi học đại học, cô lại mắc kẹt ở nhà và làm việc ở một tiệm quần áo, không có việc gì làm đã thúc đẩy cô lần nữa.
"Tôi đã có rất nhiều lần thở dài và nhìn chằm chằm ra ngoài cửa sổ. Một lần nữa, sự nhàm chán trở thành niềm cảm hứng lớn lao. Tôi lại sáng tác nhạc; tôi đăng tải nhạc trên MySpace, và nhanh chóng bất ngờ trở thành ngôi sao nhạc pop với đĩa đơn đứng Hạng Nhất."
Gần đây, chủ đề về sự nhàm chán xuất hiện rất nhiều.
Phần lớn thế giới ở trong tình trạng phong tỏa nhiều tuần, khi mà chuyện kết giao xã hội thông thường hay giải trí là điều không thể, thì có người nói nhiều người trong chúng ta trải qua những khoảnh khắc nhàm chán hơn.
Trong thực tế, một số nhà nghiên cứu nhìn thấy đây là cơ hội ngàn năm có một để nghiên cứu hiệu ứng từ đó.
Vậy điều gì từ sự nhàm chán dẫn đến sức sáng tạo?
Các nhà nghiên cứu đã khám phá mối liên hệ này trong một thời gian.
Trong một nghiên cứu thực hiện vào năm 2013, nhà tâm lý học người Anh Sandi Mann chia những người tham gia thành hai nhóm và giao cho một nhóm thực hiện công việc nhàm chán là chép lại số điện thoại từ quyển danh bạ.
Cả hai nhóm sau đó được giao một việc sáng tạo, trong đó yêu cầu họ nghĩ ra càng nhiều cách sử dụng cho một chiếc cốc nhựa càng tốt.
Nhóm "bị chán chường" đã làm tốt hơn những người khác.
Một nhóm sinh viên khác được giao một việc còn nhàm chán hơn, là ngồi đọc số điện thoại, và nhóm này sau đó còn làm tốt hơn bài tập sáng tạo.
Ý tưởng cho rằng sự nhàm chán đem lại cho ta sự thúc đẩy khám phá những lối thoát sáng tạo để lấp đầy "khoảng trống" mà não ta chú ý đến.
Nhưng dù một số người có nhiều thời gian hơn (trong khi số khác lại bận rộn chưa từng thấy), thì sự nhàm chán không đơn thuần là không có việc gì làm.
"Khi ta chán, có hai thứ cơ bản xảy ra trong tâm trí," John Eastwood, nhà tâm lý học tại Phòng Thí nghiệm Nhàm Chán tại Đại học York, Canada chia sẻ.
"Điều đầu tiên là thứ tôi gọi là 'mối liên kết khao khát'. Đó là khi một người có cảm giác bị mắc kẹt vì họ vật vã muốn làm việc gì đó, thế nhưng họ lại không muốn làm bất cứ thứ gì khác đang sẵn đấy mà họ có thể làm. Thứ hai, một người thấy chán chường khi não bộ người đó bị bỏ hoang. Họ ngứa ngáy muốn tâm trí vận động. Đó là hai điều cốt lõi gây ra cảm giác nhàm chán."
Tự bản thân sự nhàm chán không sáng tạo, Eastwood, đồng tác giả quyển sách mới viết về sự nhàm chán, cuốn "Bên ngoài Sọ não: Tâm lý học về Sự Nhàm chán" [Out of My Skull: The Psychology of Boredom], nói. Điều quan trọng là sự nhàm chán sẽ dẫn tới điều gì.
"Khi bạn cảm thấy chán, đó là trạng thái khó chịu và không thoải mái, bạn sẽ có động lực tìm kiếm thứ gì đó khác. Trong khoảng trống, đó là cơ hội thực sự để phát hiện điều mới mẻ. Điều gì quan trọng với tôi, và tôi đam mê gì? Tôi nghĩ khi tìm hiểu điều đó chính là nguồn gốc đem lại sự sáng tạo."
Với Margaret Atwood, hiệu ứng làm chậm tâm trí khi ta đi ngắm chim sẽ có ích cho việc viết lách
Thông thường, bản năng đầu tiên của ta khi trải qua những khoảnh khắc nhàm chán là tìm cách chấm dứt nó một cách nhanh chóng.
Với nhiều phim trên Netflix, các nội dung trên Instagram và video trên TikTok chờ ta xem, ta dễ dàng dính chặt vào giải pháp chống nhàm chán tạm thời.
Trong quyển sách viết năm 2018, "Cuộc Chinh phục Sáng tạo", nhạc sĩ QuestLove viết về cuộc chiến chống lại sự xao nhãng đầy rẫy mà anh trải qua.
"Chỉ cần một cú click chuột tôi có thể nghe một bản nhạc mẫu Outkast hoặc đọc về tình trạng phân khu vực ở Philadelphia, hay quay về quá khứ tìm xem cuộc phỏng vấn cũ với Wilson Pickett."
Dù vậy, dứt bỏ những liều thuốc tạm thời và vượt qua sự nhàm chán chính là cốt lõi. "Ngoài bề mặt, việc này có vẻ như vô nghĩa. Nhàm chán có vẻ như là cảm giác kém sáng tạo nhất. Nhưng thực ra đó là cách dọn dẹp không gian cho ý tưởng mới nảy mầm trở lại."
Không xao nhãng
Hồi năm 1990, khi đang một mình chờ chuyến tàu trễ giờ quay về London sau kỳ nghỉ cuối tuần ở lều đi săn ở Manchester thì bà JK Rowling nảy ra trong tâm trí hình ảnh cậu bé gầy gò, đeo kính.
"Tôi không có bút và quá ngại không dám hỏi nhờ ai trên tàu, khiến tôi khi ấy rất bối rối," bà kể lại trong cuộc phỏng vấn năm 2016.
"Nhưng khi nhìn lại, đó là điều tốt nhất đã xảy đến với tôi. Điều đó cho tôi toàn bộ thời gian trên tàu nghĩ về ý tưởng cuốn sách."
Nếu bà có chiếc iPad tải đầy 12 phần của bộ phim Normal People hay dòng trại thái dài vô tận của Twitter thay vì nhìn ra ngoài cửa sổ, thì Harry Potter có lẽ đã biến mất khỏi tâm trí bà nhanh như khi cậu xuất hiện.
Khoa học đã liên kết tình trạng mơ mộng giữa ban ngày với sự sáng tạo, và Eastwood tin rằng chính ở đó ý tưởng thực sự sẽ đơm hoa.
"Sự nhàm chán khiến tâm trí đi lang thang, và sau đó sự lan man suy nghĩ dẫn đến sáng tạo," ông chia sẻ.
Mason Curry đã nghiên cứu thói quen của hàng trăm nghệ sĩ, nhà văn và nhà sáng tạo cho hai quyển sách của ông, cuốn "Nghi lễ Hàng ngày" [Daily Ritual], và "Nghi lễ Hàng ngày: Phụ nữ Làm việc" [Daily Rituals: Women at Work].
Ông nói sự nhàm chán là mô thức lặp đi lặp lại, nhưng ông đồng ý rằng chính việc xảy ra tiếp theo mới là quan trọng. "Tôi cho rằng trạng thái thực sự tốt cho quá trình sáng tạo không hẳn là sự nhàm chán, mà là thứ tôi gọi là tình trạng lơ mơ," ông chia sẻ.
"Đó là, làm một việc quen thuộc với một sự tập trung tản mát cho phép tâm trí bạn lan man đến nơi nào đó khác. Đó là điều tôi chú ý nhiều lần trong nghiên cứu của mình và có vẻ như là một trong những nhân tố thiết yếu cho quá trình sáng tạo trong lịch sử."
"Biên đạo múa George Balanchie cho biết ông sáng tạo ra những tác phẩm tốt nhất khi đang ủi đồ buổi sáng," Currey nói.
Nhà văn Doris Lessing thường xuyên có quãng nghỉ ngắn khi làm việc để dọn nhà hay rửa bát. "Bạn sẽ nghĩ tôi là người mẫu mực quan tâm chăm sóc nhà cửa nếu bạn xét đoán tôi dựa trên những gì bạn thấy," bà nói.
Nhưng sự vu vơ này là tối quan trọng giúp bà hình thành ý tưởng. "Những gì bà đang nghĩ trong đầu khi đang làm việc vặt và rửa chén, sắp xếp đồ đạc, đó chính là tác phẩm thực sự," Currey nói.
Với Margaret Atwood, trạng thái này có được khi đi ngắm chim. "Ngắm chim giúp bạn rời khỏi chính bản thể bạn," bà từng nói. "Đó là trạng thái trôi đi. Ý tưởng viết lách nảy sinh vào những lúc ta ở trong trạng thái đó."
Đi bộ cũng được nhiều nhà sáng tạo coi là quan trọng.
Nhà làm phim và họa sĩ Miranda July thường đi bộ vì thấy điều đó giúp nảy sinh nhiều ý tưởng.
Trong quyển sách tên "Lữ khách: Lịch sử của Đi bộ" [Wanderust: A History of Walking], nhà văn Rebecca Solnit viết: "Nhìn chung thì việc suy nghĩ trong nền văn hóa hướng tới việc tạo ra sản phẩm có nghĩa là nghĩ tới việc không làm gì cả, mà việc không làm gì cả lại là việc rất khó làm. Cách tốt nhất là giả đò như đang làm một cái gì đó khác, mà cái gì đó khác gần giống nhất với việc không làm gì thì chính là việc đi bộ."
Nhưng đi bộ, giống như nhiều hoạt động đơn giản trên đây, giờ đây đã có thêm nhiều lớp căng thẳng.
Rất khó để trôi vào thế giới riêng khi bạn phải tập trung cố gắng giữ khoảng cách 2m với mọi người.
Đó là lý do vì sao Currey nghi ngờ rằng đợt đại dịch này có thể dẫn đến những bứt phá bừng nở về sáng tạo - dù nếu nhiều người trong chúng ta cảm thấy sự nhàm chán đang đeo bám.
"Tình trạng không suy nghĩ gì, để cho não bước vào trạng thái sáng tạo, thì hiện đang rất hiếm hoi," ông nói. "Tất cả chúng ta đều có sự lo âu phía sau và đều có những chuyện phải lo nghĩ tới. Đây là thời điểm lạ lùng và đáng lo. Đây không phải là thời điểm để ta bất ngờ có thể làm ra tuyệt tác."
Dù vậy, nếu cảm hứng thực sự bất ngờ xuất hiện khi bạn đang xếp hàng đi siêu thị, thì cũng không hại gì nếu bạn viết nháp lại để sau…
Clare Thorp
No comments:
Post a Comment
Note: Only a member of this blog may post a comment.