Đó là ngày 26/6/1987. Chuyên gia Mike Mullane của Sứ mệnh không gian nằm trên ghế trong khoang lái của Tàu Vũ trụ Con Thoi Discovery.
Đây là chuyến bay thứ 12 trong chương trình Tàu Con Thoi, nhưng là chuyến đầu tiên của Mullane và tàu Discovery. Phi thuyền vừa được nâng cấp còn rất mới - bề mặt phi thuyền sáng loáng, không vết trầy xước, màn hình bóng loáng và bảng điều khiển chưa ai chạm vào.
Mullane là cựu chiến binh Không Lực Hoa Kỳ, tham chiến tại chiến trường Việt Nam, và là thành viên trong nhóm đầu tiên được tuyển chọn cho Tàu Con Thoi.
Ông đã được huấn luyện sáu năm cho sứ mệnh này. Nhưng ông ngủ rất ít và dường như không ăn chút đồ ăn sáng nào. Ông cũng cẩn thận mua hẳn ba chương trình bảo hiểm nhân mạng riêng rẽ.
Đợt phóng ngày hôm trước đã bị hủy trong khoảng 20 phút cuối khi đếm ngược vì lỗi trên máy tính, toàn bộ phi hành gia trong trạng thái bực dọc khi từng giây phút trôi qua.
Chỉ có một trong sáu phi hành gia, chỉ huy Hank Hartsfield là người từng bay trước đây. Toàn bộ phi hành đoàn - trong đó có Judy Resnik, chuẩn bị trở thành người phụ nữ Hoa Kỳ thứ hai bay vào không gian - vẫn chưa có được huy hiệu phi hành gia vàng.
"Hai cảm giác dấy lên trong tôi khi ở trong khoang tàu," Mullane chia sẻ với tôi. "Một là nỗi sợ - bạn thực sự lo sợ cho sinh mạng - nhưng cảm giác còn lại là niềm vui không bờ bến vì đó là cuộc chinh phục một lần trong đời khi phi hành gia bay vào không gian."
Trong quyển hồi ký đầy gợi mở và đôi chỗ thành thật đến hài hước, Mullane viết rằng nếu Tàu Con Thoi nổ tung, ông muốn nó nổ khi họ đã bay đến độ cao hơn 50 dặm để ông có thể chính thức chết như một phi hành gia.
Tim Mullane đập mạnh khi cuộc đếm ngược tiến đến 10 giây cuối cùng và hàng ngàn cân Anh chất nổ đẩy tràn vào buồng khí đốt hỏa tiễn mỗi giây đồng hồ. Ở con số sáu giây cuối cùng, động cơ tàu gầm lên; Tàu Con Thoi căng mình ở bệ phóng.
Tất cả những gì còn lại là hai bộ đẩy tên lửa vững chắc - những khối pháo hoa khổng lồ gắn ở bên hông hỏa tiễn. Khi chúng nổ, sẽ không còn đường quay trở lại nữa.
Các phi hành gia biết rõ nếu lúc này có gì đó sai sót xảy ra - Tàu Con Thoi không hề có ghế bung cứu hộ hay bất cứ phương tiện thoát hiểm nào giúp phi hành đoàn thoát khỏi hỏa ngục.
"Bạn có nỗi sợ thực sự khi ngồi trên một quả tên lửa mà không có hệ thống thoát hiểm vững chãi nào, nhưng bạn cũng có sự tin tưởng rằng có rất nhiều người đã làm mọi thứ tâm huyết để đảm bảo máy móc được an toàn."
Gia đình các phi hành gia quan sát trong lo lắng từ vị trí trên trần trung tâm kiểm soát phóng tàu cách đó chừng 5km. Một ánh sáng chói lòa xuất hiện khi bệ phóng có vẻ như chìm trong lửa đỏ.
Trên khoang tàu, cơn rung chấn ngừng hẳn khi động cơ chìm vào im lặng. Nhưng còn tên lửa đẩy? Nếu chúng khởi động bây giờ, tàu vũ trụ sẽ bị nổ tan thành từng mảnh.
"Tôi không biết bao nhiêu giây đồng hồ đã trôi qua khi đó, nhưng bạn có thể nghe [qua mạng lưới truyền tin], rằng lửa bắt cháy ở đế con tàu," Mullane kể lại. "Điều đó làm chúng tôi chú ý - chúng tôi đang ngồi trên một quả tên lửa chứa bốn triệu cân Anh nguyên liệu cho tên lửa đẩy."
Do trung tâm kiểm soát phóng tàu lo lắng là có thể xảy ra tình trạng bắt cháy hydro bên hông tàu mà mắt thường không nhìn thấy được, phi hành đoàn nhận lệnh ngồi yên và đợi hướng dẫn.
Tàu Con Thoi được nhấn chìm xuống nước. Cuối cùng phi hành đoàn cũng có thể rời tàu, trở về mặt đất. Ướt sũng, cáu kỉnh, nhưng họ cẩn trọng không thể hiện điều đó trước ống kính máy quay phim - và chuẩn bị sẵn sàng cho chuyến bay vào ngày khác.
Mullane đã chờ đợi sáu năm cho hành trình, ông đã chuẩn bị sẵn sàng để chờ lâu thêm chút nữa. Mãi đến khi lần phóng thứ tư ba tháng sau đó, Tàu Discovery cuối cùng mới rời Trái Đất và bay một chuyến tám phút vào quỹ đạo.
"Khi những chốt neo tàu nổ và tên lửa đẩy bốc cháy, tiếng ồn và rung chấn dữ dội xảy ra," Mullane kể lại. "Và khi lực G mạnh hơn, mọi thứ trở nên dữ dội hơn và áp suất không khí hình thành khi bạn bị đẩy vào không gian. Sau đó phần tên lửa phóng tách khỏi tàu, từ đó không còn âm thanh và mọi thứ hoàn toàn trơn tru."
Nhưng dù vậy, cuối cùng thì chuyến hành trình đầu tiên của Tàu Discover là cực kỳ suýt soát.
Phi hành đoàn không biết rằng khi hai tên lửa đẩy cháy thì đó cũng là lúc chúng bắt đầu hư hỏng.
Khí ga nóng bắt đầu lan đến phần đấu nối giữa các phần của tên lửa, đốt cháy các mối bít bằng cao su.
Chỉ cần thêm vài phút nữa là tên lửa đẩy có thể đã nổ tung và phá hủy cả tàu vũ trụ.
Chỉ 18 tháng sau, lỗi tương tự đã khiến bảy phi hành gia thiệt mạng, trong đó có Judy Resnik, trong thảm họa tàu Challenger.
Phi hành đoàn Dragon trong đợt phóng tàu SpaceX đã bị cản trở vì thời tiết xấu vào tháng Năm
Một sự cố trong sứ mệnh không gian thứ hai mà Mullane tham gia vào năm 1988 tiết lộ một lỗi thiết kế khác của Tàu Con Thoi.
Ngay sau khi phóng, đỉnh mũi hình nón từ một trong các tên lửa đẩy rơi ra, va vào thân tàu vũ trụ.
Khi còn đang quỹ đạo, cơ quan điều khiển sứ mệnh trấn an phi hành đoàn rằng đó chỉ là sơ suất nhỏ. Tuy nhiên, khi trở về mặt đất sau khi hoàn thành sứ mệnh, các kỹ sư rất sốc khi chứng kiến thiệt hại cực kỳ nghiêm trọng.
Nếu mũ hình nón va chạm ở vị trí khác nơi một chút, phi hành đoàn của Mullane có thể đã hi sinh.
Vào năm 2003, bảy phi hành gia thiệt mạng khi Tàu Con Thoi Columbia bốc cháy khi quay trở về Trái Đất sau hư hại tương tự xảy ra với lớp lót chịu nhiệt của tàu.
Tàu Con Thoi đã được sử dụng để phóng tàu vài tháng một lần, thực hiện các chuyến bay thường xuyên vào quỹ đạo.
Thảm họa xảy ra với sứ mệnh Challenger và Columbia cho thấy không có gì trở thành lệ thường khi bay vào vũ trụ, và mỗi đợt phóng đều tương đương với một chuyến bay thử nghiệm.
Thảm kịch cũng tiết lộ nhiều vấn đề trong quy trình quản lý và an toàn của Nasa, dựa trên giả định sai lệch rằng hệ thống Tàu Con Thoi cơ bản là ổn.
Một khi đã bay vào quỹ đạo, từ sứ mệnh này qua sứ mệnh khác, Tàu Con Thoi đã vận hành gần như hoàn hảo - một phương tiện vận chuyển vào không gian tuyệt vời, linh hoạt, và thành thật mà nói là tuyệt đẹp.
Con tàu đã giúp phóng và vận hành kính viễn vọng Hubble, lắp ráp Trạm Không Gian Vũ Trụ, và vô số những điều đầu tiên khác trong không gian.
Nhưng sự kết hợp của Tàu Thoi, gắn trên hai buồng nguyên liệu khổng lồ và hai tên lửa đẩy mà không có phương tiện thoát hiểm nếu có điều bất trắc xảy ra, là một lỗi thiết kế nguy hiểm chết người, khiến cho mỗi lần phóng tàu đều đầy hiểm nguy.
Giờ đây, chín năm sau đợt phóng cuối cùng của Tàu Con Thoi, các phi hành gia Mỹ một lần nữa lại trải qua sự bối rối khi chuyến bay bị trì hoãn, khi họ đang chuẩn bị phóng tàu vũ trụ của Mỹ từ Hoa Kỳ.
Nhưng tàu vũ trụ Crew Dragon của hãng SpaceX là một cỗ máy rất khác so với Tàu Con Thoi.
Nhìn qua màn hình chạm cảm ứng kiểu dáng tương lai và những chất liệu cấu tạo tàu đầy sáng tạo và thiết kế cơ bản quay lại thuở ban đầu xa xưa nhất của tàu vũ trụ, một hình khối dạng thoi được gắn trên một tên lửa kích cỡ lớn nhiều tầng, sử dụng nhiên liệu đốt là chất lỏng.
Không giống Tàu Con Thoi, thử nghiệm với tàu Crew Dragon và bệ phóng Falcon đã diễn ra khắt khe hơn nhiều.
Hệ thống thoát hiểm là trung tâm của thiết kế, với tên lửa phóng khoang lái có phi hành đoàn rời khỏi vị trí bị hư hỏng hoặc xảy ra vụ nổ.
Chương trình Tàu Con Thoi cho thấy các đợt phóng tàu vào không gian không thể nào được coi như việc lệ thường
Tuy vậy, đợt phóng tàu Crew Dragon vẫn là một chuyến bay thử nghiệm.
Dày dạn kinh nghiệm từ thời Tàu Con Thoi và trước đây từng là phi công bay thử nghiệm, phi hành đoàn - gồm có các phi hành gia Bob Behnken và Doug Hurley - sẽ chỉ cực kỳ quan tâm tới rủi ro khi phóng tàu và cảm giác rối bời khi phải hoãn chuyến bay.
Hurley là người đã tham gia bay trong sứ mệnh Tàu Con Thoi cuối cùng, và họ sẵn sàng chờ đón những cảm xúc vừa hoảng sợ vừa mừng vui khi phóng một chiếc tàu mới tinh bay vào vũ trụ.
"Tôi biết tôi sẽ cảm thấy thoải mái hơn nhiều khi ngồi trong khoang tàu Crew Dragon trên đỉnh tên lửa Falcon," Mullane chia sẻ.
"Tuy nhiên, tôi chắc chắn rằng chúng vẫn đem lại cảm giác phấn khích hệ như bất cứ nhà phi hành gia nào trong bất cứ thời điểm lịch sử nào của chương trình không gian từng trải qua - mọi người có cảm xúc gần giống nhau, dù có phóng tên lửa nào."
Mullane bay với sứ mệnh không gian cuối cùng vào năm 1990 và nghỉ hưu, rời khỏi Nasa một thời gian ngắn sau đó.
Nhưng ông ao ước được trở lại buồng lái và một lần nữa có thể trải nghiệm cảm giác hoảng sợ và "niềm vui bất tận" khi phóng tàu. "Tôi ghen tị với tất cả những người sẽ bay trong hành trình đó!"
Richard Hollingham
No comments:
Post a Comment
Note: Only a member of this blog may post a comment.