Bản sao Đạo luật của Quốc hội có chú thích cá nhân của ngài George Washington được trưng bày nhân kỷ niệm 225 năm ngày ký Hiến Pháp Hoa Kỳ trong một buổi lễ công bố ở Mount Vernon, Virginia, vào ngày 17/9/2012. Tập sách quý hiếm này bao gồm bản sao cá nhân của ngài Washington về Hiến Pháp.
Sau khi tuyên bố giành được độc lập vào năm 1776, người Mỹ phải chứng minh rằng họ có thể duy trì chính quyền tự trị trong hòa bình. Họ đã tự quản lý đất nước trước đó với tư cách là những thuộc địa, nhưng giờ đây chính phủ Anh Quốc không còn bảo vệ họ khỏi các cường quốc Âu Châu khác, và thực sự vẫn còn là một kẻ thù tiềm tàng của đất nước mới này. Ngày nay, chúng ta dễ dàng thắc mắc tại sao các chính khách Mỹ từ Washington đến Lincoln dường như bị ám ảnh bởi việc xây dựng và duy trì “Liên minh”, hay tại sao Tổng thống Jefferson lại sẵn sàng bẻ cong các quan điểm Hiến Pháp của mình để mua lại Louisiana từ Napoleon nhằm mở rộng đất nước.
Nhưng đối với người Mỹ khi đó, nhìn vào bản đồ Bắc Mỹ và thấy rằng nước cộng hòa của họ bị bao vây bởi các đế quốc và quốc gia thù địch, mà những người cai trị các quốc gia này đều sợ hãi và khinh thường chủ nghĩa cộng hòa, thì việc duy trì Liên minh đồng nghĩa với sống sót – sống sót không chỉ là cách sống mà còn là chính cuộc sống của người Mỹ.
Làm thế nào để củng cố Liên minh đó, một nhà nước Mỹ quốc mới – không phải một nhà nước tập trung đơn giản như ở Âu Châu trong suốt thời kỳ hiện đại, mà là một Liên bang – đồng thời không làm mất chế độ mới của nước Mỹ, một trong số ít các nước cộng hòa dân chủ hiện thời? Hiến Pháp đầu tiên của Hoa Kỳ, các điều khoản Liên bang, dường như không có khả năng gắn kết Liên minh này lại với nhau. Người Mỹ đã thử một lần nữa, “đóng khung” Hiến Pháp Hoa Kỳ, vốn đã được sửa đổi và bị lạm dụng nhiều lần, nhưng vẫn còn tồn tại và có hiệu lực vào năm 1789.
Để hiểu về chính phủ tự trị Hoa Kỳ, chúng ta nên bắt đầu với Tu chính án thứ Nhất của Hiến Pháp: “Quốc hội sẽ không đưa ra luật nào quy định việc thành lập tôn giáo, hoặc cấm tự do thực hiện tôn giáo; hoặc cắt bỏ quyền tự do ngôn luận, báo chí, hoặc quyền tụ họp một cách ôn hòa của người dân, và kiến nghị Chính phủ giải quyết những bất bình”. Các quyền này đứng ở vị trí trung tâm của chủ nghĩa cộng hòa, vốn được coi như một hoạt động của chính phủ tự trị. Chúng hạn chế quyền lực của Quốc hội, một nhánh của chính phủ liên bang chịu trách nhiệm lập pháp. Chúng ngăn cản Quốc hội đưa ra luật để xóa bỏ chủ nghĩa cộng hòa.
Đầu tiên là về tôn giáo. Những Nhà lập quốc hiểu rằng các tổ chức tôn giáo có thể thực hiện quyền lực to lớn đối với tâm linh của con người. Nếu các tổ chức như vậy được kết hợp với các bộ máy chính quyền hành pháp, trong đó có cảnh sát và quân đội, hoặc nhánh lập pháp với cơ quan thuế, hoặc nhánh tư pháp với các hình phạt tù và tử hình, thì các bộ máy đó sẽ sẵn sàng yêu cầu sự phục tùng tuyệt đối từ các tín đồ.
Họ sẽ không còn lý do gì để tôn trọng người dân – họ chỉ là những tín đồ. Một vài thập niên sau, các chế độ quân chủ của Âu Châu đã tập hợp lại thành một Liên minh Thần thánh chống lại các chế độ cộng hòa. Trong khi họ chủ yếu phản ứng đối với Cách mạng Pháp, họ không phải là bạn của Hoa Kỳ hay Vương quốc Anh, vốn khi đó đã mở rộng việc bầu cử và gần như trở thành một nước cộng hòa theo nghĩa của Hoa Kỳ.
“Không có luật” nghĩa là không có luật. Sẽ không có sự thành lập tôn giáo nào — nghĩa là, không có nhà thờ hay tổ chức nào khác, mà các thành viên được có nhiều đặc quyền chính trị hơn các công dân khác, và sẽ không có việc trao quyền cho một giáo hội “đã được thành lập” để buộc các giáo phái khác tuân theo các quy tắc và thông lệ của nó. Hơn nữa, Quốc hội không thể ban hành luật cấm thực hiện các hoạt động tôn giáo; công dân có thể tự do tổ chức các nhà thờ và các cộng đồng tôn giáo khác với tư cách là các hiệp hội công dân chính thức, mà không có sự can thiệp của các nhà lập pháp liên bang.
Tổng thống Washington đã nhấn mạnh quyền tự do tôn giáo của người Mỹ bằng cách viết thư cho mọi giáo phái lớn trong nước trong nhiệm kỳ đầu tiên của mình, khẳng định quyền tự do tôn giáo của Hoa Kỳ ngay cả trước khi Tu chính án thứ Nhất công nhận quyền này. Có lẽ ba nhóm tôn giáo gây tranh cãi nhất lúc bấy giờ là Quakers, những người từ chối tham gia các cuộc chiến tranh, thậm chí cả những cuộc chiến tranh bảo vệ đất nước; Thiên Chúa giáo La Mã, thường bị nghi ngờ là tuân theo một thế lực ngoại bang và theo chủ nghĩa quân chủ; và Do Thái giáo, vốn là mục tiêu của những định kiến lâu đời. Tổng thống Washington đã bảo đảm với Giáo đoàn Do Thái ở Newport, Rhode Island rằng người Do Thái sẽ không chỉ được dung nạp ở Hoa Kỳ, mà nền cộng hòa mới sẽ công nhận các quyền tự nhiên và dân sự của họ trong việc thờ phượng Chúa theo lương tâm của họ. Đây là lần đầu tiên một nguyên thủ quốc gia theo Cơ đốc giáo (Tổng thống Washington là người theo đạo Tân giáo) đã công nhận tập tục của người Do Thái.
Ngài Washington cũng tuyên dương những người Công giáo La mã vì “phần yêu nước mà quý vị đã tham gia vào thành tựu Cách mạng và thành lập Chính phủ”. Ông hứa rằng “tất cả những ai cư xử như một thành viên xứng đáng của cộng đồng đều có quyền được bảo vệ bởi chính quyền dân sự như nhau”. Và trong Hội nghị thường niên của các Quakers năm 1789, Tổng thống Washington nhận xét rằng “sự tự do thờ phượng Đức Chúa Trời Toàn năng theo đức tin mà người dân ở các tiểu bang này được hưởng không chỉ là sự lựa chọn phù hợp với các phước lành của họ mà còn là quyền của họ”. Ngoại trừ “việc họ từ chối chia sẻ với những người khác gánh nặng phòng thủ quốc gia”, Quakers thực sự là những “công dân gương mẫu và hữu ích”.
Các bức thư của Tổng thống Washington thể hiện hai đặc điểm không thể thiếu của quyền tự do tôn giáo Hoa Kỳ. Thứ nhất, nó chủ yếu là bảo vệ việc thực thi tôn giáo, không phải là một sự hạn chế việc thực thi tôn giáo. Trong bài diễn văn Tạm biệt, ông gọi “tôn giáo và đạo đức” là “những hỗ trợ không thể thiếu” cho những “khuynh hướng dẫn đến sự thịnh vượng chính trị”. Chính phủ tự trị không làm những gì quý vị muốn làm; chính phủ này đang làm những gì quý vị muốn làm mà phù hợp với quy luật của Tự nhiên và của Thượng đế, mà có thể nhận biết được bằng lý trí và lương tâm của quý vị vốn được củng cố bằng cách tự do thực hành các tín ngưỡng tôn giáo.
Đồng thời, sự tự do đó không phải là không giới hạn. Một số tín ngưỡng tôn giáo có thể được chấp nhận nhưng cũng bị chỉ trích — như việc Quaker từ chối tham gia quân đội tự vệ — hoặc thậm chí bị cấm, nếu họ trái với luật dân sự dựa trên quyền tự nhiên, chẳng hạn như các nghi lễ lấy cảm hứng từ tôn giáo liên quan đến sát nhân hoặc tra tấn. (Quý vị có thể tự do thờ cúng các vị thần của người Aztec, miễn là quý vị không hiến tế các trinh nữ cho Thần Mặt trời.)
Quốc hội không được đưa ra luật nào cấm thực hành tôn giáo, nhưng điều đó không ngăn cản người Mỹ thực thi luật tiểu bang chống lại (ví dụ như) việc vi phạm quyền được sống, vốn thường bị cấm theo luật tiểu bang và địa phương. Chủ nghĩa liên bang Hoa Kỳ để lại nhiều chức năng chính phủ quan trọng như vậy cho các tiểu bang, những chức năng này tạo thành một phần của chính phủ tự trị Hoa Kỳ.
Quyền tự do ngôn luận và báo chí không thể bị cấm – Quốc hội thậm chí không thể hạn chế các quyền này. Ở đây, chúng ta phải hiểu thế hệ lập quốc có ý gì với một công thức như vậy: tự do ngôn luận chính trị và xuất bản. Vu khống, bôi nhọ và thô tục đã hoàn toàn bị luật pháp tiểu bang và địa phương nghiêm cấm và cũng có thể bị luật liên bang cấm. Chính phủ cộng hòa yêu cầu sự thảo luận và cân nhắc của những người có chủ quyền. Công dân có thể làm cho chủ quyền của họ có hiệu quả bằng cách nào khác? Đây là lý do tại sao lời mở đầu cho Hiến Pháp bắt đầu bằng: “Chúng tôi, nhân dân Hoa Kỳ”.
Để quản lý chính quyền theo quan điểm phổ biến, cần có sự bảo vệ cho những người nói và viết về các chủ đề chính trị. Chúng ta không thể hét lên “Bắn!” trong một rạp hát đông người vì đó không phải là một hành động chính trị, mà là một sự vi phạm nguy hiểm đối với xã hội dân sự và quyền tự nhiên. Tương tự, quản lý theo quan điểm phổ biến không có nghĩa là bảo vệ tất cả các phương tiện thể hiện những quan điểm đó — ví dụ như việc vu khống, bôi nhọ và thô tục nói trên, chưa kể đến âm mưu gian lận thương mại hoặc phản quốc. Và thậm chí những chiêu trò ghê gớm này còn khó bị trừng phạt hơn nếu được thực hiện trong một cuộc tranh luận chính trị chống lại một quan chức nhà nước hoặc ứng cử viên cho chức vụ. Lời nói và bài viết chống lại các cá nhân trong xã hội dân sự luôn được xử phạt nghiêm khắc hơn lời nói và bài viết về chính trị, nhằm giữ cho xã hội dân sự được văn minh. Một tuyên bố đương thời được phổ biến vào cuối những năm 1960, rằng “mọi thứ đều là chính trị”, là một trong số các nỗ lực nhằm đưa những chiêu trò như vậy vào dưới sự bảo vệ của Hiến Pháp, với những kết quả đáng phàn nàn trong các diễn văn công khai hiện nay.
Tương tự, quyền của người dân được tập hợp một cách ôn hòa và kiến nghị chính phủ giải quyết những bất bình cũng không thể bị Quốc hội hạn chế, vì quyền này cũng nằm trong số các phương tiện thực hiện chủ quyền phổ biến. Ở đây, một lần nữa, chủ quyền phổ biến có nghĩa là sự cai trị của người dân phù hợp với lý trí và lương tâm. Chúng ta có thể tập hợp một cách ôn hòa, không bạo loạn; chúng ta có thể tham dự các cuộc họp công cộng, nhưng không được làm gián đoạn; chúng ta có thể kiến nghị với các dân biểu được bầu, nhưng không được can thiệp vào nhiệm vụ chính phủ của họ.
Tất cả những điều này có nghĩa là các quyền tự do được bảo vệ bởi Tu chính án thứ Nhất phù hợp với mọi khía cạnh của Nền tảng Hoa Kỳ, một nỗ lực nhằm thiết kế chính phủ có thể bảo đảm các quyền tự nhiên cho người dân. Để làm được như vậy, những Nhà lập quốc yêu cầu bản thân họ và tất cả các công dân phải tự quản. Ngay cả người nổi bật nhất trong số các nhà giáo dục “dễ dãi” của 50 năm trước là A. S. Neill đã đặt tựa sách của mình là “Tự Do Chứ Không Phải Giấy Phép”. Khi nói đến tự quản, những Nhà lập quốc muốn đề cập đến quy tắc “tự do hợp lý”, như Publius đã đặt tên cho nó trong bài “Federalist” 53. Sự tự do như vậy bắt đầu từ cá nhân, một người sẽ học cách tự quản lý bản thân từ thời thơ ấu và thanh niên trong gia đình, trong nhà thờ và trường học. Điều này lan tỏa ra xã hội — vào chính quyền địa phương, tiểu bang, và liên bang. Liên bang chịu trách nhiệm bảo vệ chính quyền tự trị của Hoa Kỳ khỏi những kẻ thù ở trong và ngoài nước, thông qua Liên minh mà Hiến Pháp đã thiết kế để bảo vệ.
Thật vậy, như Publius lập luận trong “Federalist” 84: “Bản thân Hiến Pháp theo mọi nghĩa hợp lý, là một dự luật của các quyền”. Theo đó, ông muốn nói rằng ngay cả khi không liệt kê các quyền như tự do tôn giáo và chính trị, Hiến Pháp vẫn tuyên bố và chỉ rõ “các đặc quyền chính trị của công dân trong cấu trúc và điều hành của chính phủ”. Nghĩa là, liệt kê các quyền của chúng ta là một việc, nhưng bảo vệ chúng một cách hiệu quả là một việc khác. Tôi có thể tự lập danh sách “các việc cần làm” tỉ mỉ nhất cho những công việc cần thiết, nhưng nếu tôi thiếu đi phương tiện để hành động phù hợp, thì tôi chỉ là phác họa nguệch ngoạc. Hiến Pháp cung cấp bản vẽ kiến trúc của chế độ tự trị Hoa Kỳ. Giống như tất cả các cấu trúc được thiết kế cho cuộc sống con người, nó khuyến khích những người sống trong nó bước đi theo một số cách chứ không phải theo những cách khác.
Bất kỳ chế độ chính trị nào cũng hướng dẫn công dân về một lối sống. Những Nhà lập quốc muốn lối sống của người Mỹ trở thành một trong những lối sống tự do được hiểu một cách đúng đắn — là sẵn sàng tuân thủ và bảo vệ các quy tắc của Tự nhiên và Thượng đế, các luật định được minh chứng bởi Tuyên ngôn Độc lập và gần một thế kỷ sau, bởi cuộc cách mạng Nội chiến xảy ra để bảo vệ những quy tắc đó và những người tuân thủ chúng. Việc còn lại là người dân Mỹ sống trong cấu trúc mà các Nhà lập quốc đã thiết kế bằng cách tôn trọng các chức năng của nó, một sự tôn trọng chỉ có thể được duy trì bởi điều mà các Nhà lập quốc gọi là “một dân tộc có đạo đức và tín ngưỡng” – có nghĩa là, một dân tộc luôn cố gắng gìn giữ các nỗ lực tự quản trong đời sống riêng tư, xã hội, và chính trị của họ.
Ông Will Morrisey là giáo sư danh dự về chính trị tại Đại học Hillsdale và là biên tập viên của Will Morrisey Reviews, một ấn phẩm đánh giá sách trực tuyến. Ông là tác giả của cuốn sách “Chính Phủ Tự Quản, Chủ Đề Hoa Kỳ: Các Tổng Thống Lập Quốc Và Nội Chiến” (2003).
Will Morrisey _ Joe Nguyễn
No comments:
Post a Comment
Note: Only a member of this blog may post a comment.