LS Ngô Ngọc Trai:: 'Nhiều người vẫn biết đọc sách là thói quen tốt và vẫn biết ích lợi của việc đọc sách trong việc mở mang kiến thức chuyên môn'.
Thông tin mới đây từ Bộ y tế cho biết, trong 6 ngày nghỉ tết Nhâm Dần, cả nước có tới 24.588 ca khám cấp cứu liên quan đến tai nạn giao thông, ghi nhận 1.556 trường hợp tử vong.
Ngoài ra là 2.838 ca cấp cứu do đánh nhau trong đó có 1.245 ca phải nhập viện và đã có 195 trường hợp tử vong.
Tôi cho rằng đó là một phần hệ quả của tệ nạn lạm dụng rượu bia, thứ đồ uống chống lại mọi nỗ lực tu tâm dưỡng tính.
Để thay đổi tình trạng này nhằm hướng đến một đời sống an lành, những người trẻ nên chịu khó đọc sách như một cách thức để rèn ý chí nghị lực.
Đọc sách giúp phát triển bản thân
Những lúc rảnh rỗi ngơi công việc của một luật sư thì tôi thường xuyên đọc sách.
Khi đầu óc trôi nổi bồng bềnh theo những câu chuyện tôi cảm thấy như được tham gia một cách sống động vào các sự kiện.
Nhờ chịu khó đọc sách nên mặc dù chỉ học cơ bản lên đến đại học tôi đã có thể viết hàng trăm bài báo về các vấn đề chính trị, kinh tế, pháp lý, xã hội.
Nhiều bài viết tạo được rung cảm lay động bởi văn phong trong sáng, ý tứ mạch lạc rõ ràng, cùng với đó là chất lượng đặc sắc của các chủ điểm được luận giải.
Có được điều đó là do thường xuyên đọc sách và niềm vui từ sách khiến tôi hầu như không còn hứng thú với các chất kích thích như bia rượu hay thuốc lá.
Ở Việt Nam hiện nay có thể nói là không thiếu sách cho mọi người lựa chọn, thị trường sách phát triển sôi động từ hàng chục năm qua, với đủ các thể loại hấp dẫn về văn chương, nghệ thuật, khoa học.
Bản thân tôi chịu ảnh hưởng bởi dòng sách về phát triển các quốc gia.
Đó là các sách thuộc loại best seller bán chạy khắp nơi trên thế giới đã đến với VN.
Trong các sách đó thường truyền tải tinh thần duy lý khoa học nhân văn với ngôn từ chừng mực sáng sủa rõ ràng.
Hấp thụ kiến thức từ đó đã giúp tôi trở thành một người viết báo, một chuyên gia pháp lý, một nhà hoạt động vì quyền con người.
Nhiều lúc tôi nghĩ mình như một cỗ máy mà đầu vào là các tác phẩm sách còn đầu ra là các bài báo với các ý tưởng được thâu lượm khắp nơi trên dòng lịch sử, chuyển đưa những nguồn kiến thức rộng lớn của thế giới đã được chắt lọc lại những gì gần gũi phù hợp với VN.
Qua việc đọc và viết tôi cũng tích cực chia sẻ những giá trị pháp lý tiến bộ, góp phần xây dựng một nền công lý pháp quyền chuẩn mực.
Với sự phát triển về tư cách xã hội như vậy tôi cũng kỳ vọng sẽ đạt được khả năng tốt hơn trong tìm kiếm công bằng cho những thân chủ mà mình bảo vệ.
Thực tế mấy năm trước nhờ những nỗ lực đọc và viết như vậy đã giúp tôi minh oan cứu sống thành công cho một tử tù, câu chuyện đã được viết thành cuốn sách về Hành trình minh oan cho tử tù Hàn Đức Long.
Nên chịu khó đọc sách
Vậy nhưng tác dụng tích cực từ việc đọc sách giúp ích cho công việc mà bản thân đã kiểm chứng lại không đến được với các luật sư đồng nghiệp, những người mà nghề nghiệp vốn đòi hỏi việc đọc rất nhiều.
Mới đây tôi thực hiện việc xuất bản phát hành cuốn sách Người Bắc Cầu Ô Thước, nội dung sách dẫn chứng những câu chuyện pháp lý để chỉ ra vai trò quan trọng của nền tư pháp đối với phát triển kinh tế và quản trị quốc gia.
Cuốn sách như một sản phẩm tinh thần tâm huyết của bản thân nhưng đã vấp phải sự thờ ơ của nhiều đồng nghiệp mà nguyên nhân là thiếu thói quen đọc sách.
Nhiều người cho rằng không thể đọc do thiếu thời gian.
Quả thực cuộc sống hiện đại hối hả bận rộn đã khiến nhiều người không có được những khoảng không gian thời gian tĩnh lặng cho việc đọc sách.
Những thiết bị điện tử hiện đại như điện thoại, máy tính, tivi với nhiều nội dung rất hấp dẫn cũng cuốn hút lấy đi quãng thời gian nhàn rỗi ít ỏi trong ngày của mỗi người.
Thành thử ra nhiều người vẫn biết đọc sách là thói quen tốt và vẫn biết ích lợi của việc đọc sách trong việc mở mang kiến thức chuyên môn mà những kênh thông tin khác không đáp ứng được nhưng lại không đọc được.
Đối với những người như vậy lời khuyên của tôi là mọi người dù chưa thể đọc thì vẫn nên thiết lập tủ sách văn phòng hay tủ sách gia đình nếu như mỗi người thực sự có những thành viên cần được chăm lo.
Đó có thể là thành viên trong gia đình hoặc thành viên trong văn phòng, cứ có sách sẵn đó thì biết đâu sẽ có người thích đọc.
Giống như trong một đất nước không phải ai cũng thích đọc nhưng cứ có sách thì sẽ có người muốn đọc, có thế kho tàng tri thức trong sách mới được khai thác phát huy đem đến lợi ích chung cho quốc gia.
Đọc sách để rèn ý chí nghị lực
Thiết bị điện tử và mạng xã hội làm con người mất nhiều thời gian ngày nay.
Sau vài chục năm đất nước hội nhập phát triển đã giúp người dân đạt được mức sống cao hơn.
Nhưng sự cải thiện về chất lượng điều kiện ăn uống đang dẫn tới sự lạm dụng bia rượu khiến cho một số đông người trẻ chỉ biết đến lối sống lạm dụng vật chất với tính cách hung hăng.
Trong khi lại thiếu vắng ý niệm về một cách sống thăng tiến về văn hóa tâm hồn với tính cách nền nã trầm tĩnh hơn có được từ đọc sách.
Thực tế hiện nay cho thấy những người trẻ nên chịu khó đọc sách để rèn luyện bản thân giúp có được ý chí nghị lực trong cuộc sống.
Còn đối với quốc gia thì việc đọc sách sẽ giúp đem đến những suy nghiệm kiến thức và tầm nhìn. Mà chỉ khi là người đọc sách thì mới hiểu được vai trò ý nghĩa của kinh nghiệm lịch sử đối với cách thức giải quyết các vấn đề của xã hội đương đại hôm nay.
LS Ngô Ngọc Trai
No comments:
Post a Comment
Note: Only a member of this blog may post a comment.