Đó là một buổi tối thứ sáu tuyệt vời. Bạn đã có một tuần làm việc vất vả và bây giờ là lúc để thư giãn trong yên tĩnh. Có một cuốn sách trên bàn mà bạn đang định nghiên cứu sâu hơn – nhưng trước tiên, lướt qua mạng xã hội cái đã.
Nhiều giờ trôi qua và bạn xem rất nhiều video, bạn nhận ra rằng đã đến lúc đi ngủ, bạn đành đi ngủ, tự trách bản thân vì đã lãng phí thời gian ít ỏi vốn để dành cho việc vận động trí óc thông qua đọc sách.
Tôi sẽ là người đầu tiên giơ tay thú nhận mình là một trong số đó – tôi đã nhiều lần lâm vào tình huống này hơn những gì tôi để tâm. Và nếu không nhầm, tôi không đơn độc trong sự dại dột này.
Tôi khẳng định như vậy không chỉ dựa trên kiến thức về bản chất con người mà còn dựa trên một báo cáo gần đây của Cục Thống kê Lao động. Được công bố hàng năm, khảo sát về việc sử dụng thời gian của người Mỹ cho thấy cách người Mỹ sử dụng thời gian của họ, đặc biệt là thời gian rảnh rỗi.
Trong những hoạt động vào thời gian rảnh, một danh mục đang thay đổi. Đó là việc đọc.
Nhìn chung, người Mỹ chỉ dành 17 phút mỗi ngày cho các hoạt động đọc sách. Như The Washington Post giải thích, con số này đã giảm 6 phút so với năm 2004. Chia nhỏ theo độ tuổi, những người thuộc thế hệ Y đọc ít nhất, trung bình chỉ 7 phút mỗi ngày. Những người ở độ tuổi 75 trở lên trung bình đọc 51 phút mỗi ngày.
Biểu đồ số phút đọc sách theo độ tuổi
Các số liệu thống kê trở nên tốt hơn một chút khi chúng ta chuyển sang danh mục thư giãn/suy nghĩ. Trung bình, người Mỹ dành 22 phút để tham gia vào một hoạt động như vậy.
Nhưng các chỉ số bắt đầu tăng vọt khi đến với danh mục trò chơi/máy tính và truyền hình. Người Mỹ trung bình dành 28 phút cho trò chơi và 2 giờ 46 phút cho máy tính và truyền hình!
So sánh điều này với cuộc sống của một trong những nhà sáng lập vĩ đại nhất Hoa Kỳ, Benjamin Franklin. Trong cuốn tự truyện, Franklin đề cập nhiều đến thực tế rằng ông đã tận dụng bất kỳ khoảng thời gian rảnh rỗi nào để mở mang đầu óc thông qua việc đọc:
“Từ khi là một đứa trẻ, tôi đã thích đọc sách và tôi đầu tư tất cả số tiền ít ỏi trong tay vào sách.”
Hoặc là:
“Trong một thời gian ngắn, tôi đã thành thạo công việc kinh doanh và trở thành cánh tay đắc lực cho anh trai tôi. Bây giờ tôi đã có thể đọc những cuốn sách hay hơn. Tôi quen thân với người học việc của hiệu sách và tôi thi thoảng mượn anh ấy một cuốn sách nhỏ, tôi sẽ cẩn thận trả lại chúng sớm trong tình trạng sạch sẽ. Tôi thường ngồi trong phòng và đọc gần như suốt cả buổi tối, ngay sau khi tôi mượn cuốn sách vào buổi tối và trả lại vào sáng sớm, vì tôi sợ sẽ có ai cần đến nó.”
Và:
Ben Franklin đang đọc sách. Chân dung của Benjamin Franklin ở London, năm 1767, do David Martin vẽ.
“Tôi đã đủ may mắn để cải thiện ngôn ngữ của mình, điều này thôi thúc tôi nghĩ rằng mình có thể trở thành một nhà văn khá khẩm trong thời gian tới, tôi vô cùng tham vọng. Tôi rèn luyện thông qua đọc sách vào ban đêm, sau giờ làm việc hoặc trước khi bắt đầu buổi sáng, hoặc vào Chủ nhật, khi tôi tìm cách ở nhà in một mình…”
Sự chú tâm đọc sách của ông đã được đền đáp, không chỉ cho Franklin mà còn cho cả quốc gia. Những đóng góp của ông cho xã hội bao gồm một số phát minh, tổ chức học tập công cộng và những trang viết đầy trí tuệ. Ảnh hưởng của ông trong việc định hình Hoa Kỳ và danh tiếng của ông vang tầm quốc tế – thông qua vai trò đại sứ của ông ở Pháp – và ở trong nước, không chỉ thể hiện ở việc định hình Tuyên ngôn Độc lập và Hiến pháp, mà còn ở đề xuất tiên phong bãi bỏ chế độ nô lệ của ông.
Quả thực, Franklin là một người đàn ông ấn tượng. Nhưng trí tuệ của ông ấy sẽ hạn hẹp và không hiển lộ với bản thân và thế giới nếu ông ít ưu tiên việc đọc sách và tư duy.
Ngược lại, chúng ta cần tự hỏi dân số ngày nay có bao nhiêu thiên tài và óc sáng tạo đang tự phủ nhận chính mình do không đọc sách đủ. Khi né tránh việc đọc sách, chúng ta có tự đẩy mình vào trạng thái đầu óc lơ mơ, không thể suy nghĩ, lập luận và sáng tạo theo những cách thức để duy trì một tương lai và một xã hội hưng thịnh?
Annie Holmquist _ Ngân Hà
***
No comments:
Post a Comment
Note: Only a member of this blog may post a comment.