Hồi năm vừa qua, người Sài Gòn an ủi nhau chắc như đinh đóng cột: cố lên dịch sẽ hết ngay mà, vị Bộ trưởng Bộ Y tế tiền nhiệm còn vui mừng chia sẻ "dịch sẽ ra đi trong nắng hè rực rỡ".
Cũng mới đây thôi người Sài Gòn làm từ thiện như "điên", dịch bệnh mà như trẩy hội.
Nhưng xuân hạ thu đông đi qua, Covid-19 vẫn ở lại và tàn phá dữ dội.
Người Sài Gòn vẫn chia sẻ nhưng âm thầm hơn, cân đo đong đếm hơn vì cũng đã cạn sức, kiệt tiền.
Nếu thời gian trước, lịch trình của ca bệnh được cả báo chí và mạng xã hội truy vết cách hào hứng thì năm nay những tin tức đó làm cả cộng đồng lo sợ vì nó cứ đẻ số.
Không ai ngờ rằng một siêu đô thị như Sài Gòn lại có lúc thiếu ăn theo nghĩa đen, người dân phải săn lùng từng cọng rau bó cải.
"Không ai tưởng tượng được thành phố lớn nhất cả nước, sầm uất nhất cả nước mà đã nhiều ngày dân phải giành giật từng cọng rau, củ hành..." Dung Nguyễn viết trên mạng xã hội.
Tôi đang sống trong một Sài Gòn đầy thương tích, băng bó tùm lum với những sợi dây giăng nhưng không còn ai đủ sức làm thơ, tất cả đang xếp hàng trước siêu thị chờ mua thực phẩm, đặc biệt là rau xanh.
Chỉ thị làm thối rau ngoại thành, thiếu rau nội đô
Do các chợ truyền thống, điểm bán trong dân đều tạm đóng cửa theo Chị thị 16 nên nguồn cung ứng thực phẩm đổ dồn vào siêu thị.
Hàng đoàn người xếp hàng dài như nhiều đoàn tàu hỏa nối đuôi nhau.
Nếu may mắn bạn sẽ lọt vào siêu thị còn không thì sẽ nhận tờ giấy hẹn, chiều hoặc tối quay lại.
Nhưng vấn đề gây phẫn nộ là giá, đặc biệt là giá rau xanh.
Nội dung này chế ngự mạng xã hội và báo chí suốt tuần nay và chưa hứa hẹn sẽ chấm dứt vì người dân chưa có câu trả lời thỏa đáng.
Chỉ cách trung tâm Sài Gòn nửa giờ đi xe máy là thấy rau xanh, giá bán chỉ cao hơn một chút so với trước dịch và không hề thiếu.
Một người cung cấp rau online chia sẻ:
Một hóa đơn ở Bách Hóa Xanh, Quận Bình Tân, TP HCM
"Chào mọi người, hiện tại các vườn rau ở Hóc Môn đang trong tình trạng ứ đọng vì chợ đóng. Nên em quyết định đi gom rau ở những vườn gần nhà để bán lại cho mọi người. Vì đi lại, vận chuyển khó khăn nên sau khi em tính toán các chi phí thì giá rau được cập nhật như sau ạ."
Vẫn dòng trạng thái đó giới thiệu giá rau không bao gồm tiền vận chuyển. Ví dụ, xin nêu ra để biết: rau dền 20k/kg; mùng tơi 25k/kg; rau đay 35k/kg; rau thơm 55k/kg; chanh nhà 40k/kg; ớt nhà 60k/kg.
Nhưng một bà nội trợ khi vào Bách Hóa Xanh đã phải mua mấy cọng rau răm với giá 14.000 đồng, các loại rau củ quả khác đều ở mức trên trời.
Livestream của bà nội trợ này đã thu hút dư luận với hàng triệu lượt xem, hàng chục ngàn bình luận xác nhận giá siêu cắt cổ và khó hiểu của họ.
Sau đó, Bách Hóa Xanh đổ cho nhà cung cấp, cước vận chuyển... nhưng xem ra khó tin.
Tôi cũng không tin việc kiểm tra đột xuất của Quản lý thị trường giải quyết được gì.
Một số kiến cũng nói như vậy.
Tác giả Nguyễn Tiến Tường chia sẻ trên Facebook:
"Vẫn chuyện Bách Hoá Xanh-BHX", có ghi lại anh Minh Râu, một người đàn ông bán rau xăm mình đang truyền cảm hứng ở Sài Gòn. Anh bán rau muống với giá 5k/bó. Ai mua tự bỏ tiền vào hộc, ai xin tự lấy không trả tiền. BHX là mảng kinh doanh chiến lược của Thế Giới Di Động. Nó là những cái chợ máy lạnh thu nhỏ tấn công vào thói quen đi chợ truyền thống của thị dân."
Chợ truyền thống bị cấm, BHX hưởng lợi đầu tiên. Thế Giới Di Động ngưng trệ do đại dịch nhưng cổ phiếu Thế Giới Di Động tăng nhờ BHX.
Hôm 14/7, báo Tuổi Trẻ ghi nhận giá của BHX:
"Rau muống hạt baby tươi bán ra đã lên tới hơn 50.000 đồng/kg; xà lách búp mỡ 40.000 đồng/kg, bông cải xanh 60.000 đồng/kg... BigC của người Thái, người Thái bán cho người Việt giá bí 17.900 đồng/kg. BHX của người Việt, người Việt bán cho người Việt 55.000 đồng/kg."
Lũ lượt người tiêu dùng khóc thét vì giá của BHX, báo chí vào cuộc giật những cái tít rất kêu:
"BHX bị tố", "BHX nâng giá"… nhưng trộm long tráo phụng, xanh vỏ đỏ lòng. Trong ruột các bài báo đăng theo thông cáo, bào chữa ngầm cho BHX với thông điệp BHX tăng giá bị động.
Quản lý thị trường chỉ kiểm tra một cửa hàng tại Thủ Đức, cờ dong trống mở báo chí đi kèm. Kiểm tra mà ông tổng giám đốc BHX đã ở đó khóc kể với đoàn và báo chí.
Kiểm tra xong thì kết luận không có dấu hiệu bán sai giá niêm yết.
Một cuộc kiểm tra chóng vánh chưa tới nửa giờ đồng hồ xong nói kiểu như không nói. Vậy còn hoá đơn của hàng loạt người tiêu dùng dùng để làm gì mà phải cầm rau cầm thịt lên chằm hăm dòm?
Chuyện bán hàng cắt cổ dân kiếm lời thành chuyện dao chém bùn bâng quơ như chưa từng có.
Anh Minh Râu, người đàn ông chất phác được bạn bè rủ "áp phe" rau, ngày kiếm tiền triệu. Cá nhân áp phe rau kiếm tiền triệu thì một hệ thống được tự do làm ăn trong bối cảnh chợ bị cấm kiếm bao nhiêu chắc không tính nổi.
Bà con ở mọi miền đất nước xoay sở, tìm mọi cách gửi cho Sài Gòn thực phẩm nhất là rau của quả nhưng xem ra cũng không hề dễ.
Nên cho mở lại chợ có kiểm soát
Một số điểm 'dân tự cứu'
Người dân không đồng tình với giá rau xanh cao vời và sự thiếu hụt đáng ngờ của nó.
Thủ tướng chính phủ ra quyết định giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 đối với 19 tỉnh, thành phố phía Nam không muộn hơn từ 0 giờ ngày 19/07 trong đó bao gồm cả TP HCM, Bình Dương , Đồng Nai đã thực hiện.
Vấn đề chuỗi cung ứng càng trở nên quan trọng.Trước một vấn đề như vậy phải tổ chức và lo cho người dân được các nhu cầu cần yếu về thực phẩm để họ an tâm ở trong nhà, bảo đảm việc giãn cách xã hội.
Nhưng có những cách biệt từ tuyên bố của các cơ quan ban ngành đến thực tế diễn ra trước cửa cái chợ máy lạnh như cách gọi siêu thị và khủng hoảng thiếu nhu yếu phẩm khó hiểu.
Tôi nghĩ chưa nên huy động các đơn vị bưu điện và cả phương tiện vận chuyển không chuyên dụng vào việc vận chuyển, phân phối thực phẩm, rau củ quả kiểu trái ngành nghề truyền thống.
Vẫn Facebooker Nguyễn Tiến Tường viết hôm 19/07:
"Vấn đề là khơi mạch giao thương cho miền Nam chứ miền Nam đâu thiếu rau. Làm vậy lại thêm những người hùng mở đường HCM trên không chở củi về rừng nữa...Rồi cũng hổng có một quốc gia nào trên địa cầu mà bưu cục bưu điện cũng bán rau cả.
Mình là một thường dân, không phải nhà quản trị hoặc khoa học nhưng thấy chính sách cứ oái oăm sao sao. Kiểu như chập cầu dao điện mà đi sửa ống nước vậy đó!"
Điều cần làm mở lại các chợ đầu mối, các chợ truyền thống một cách an toàn, trên nguyên tắc 5K thì mọi việc sẽ dần đi vào ổn định ở mức chịu đựng được. Vừa phát triển kinh tế, an sinh xã hội vừa đảm bảo an toàn phòng chống dịch bệnh.
Dân tiếp tục xanh mắt vì giá trong lúc có những người và đơn vị quăng lưới thâu tóm lợi nhuận.
"Bao giờ cho đến tháng 10?", đó là tên phim cũng là cách ví von của người Việt về những điều tốt đẹp sẽ xảy ra ở thì tương lai. Người Sài Gòn đang mong chờ điều đó.
Tin mới nhất cho hay một số siêu thị đã có nhiều rau xanh, hàng người đã giảm, thật là tin mừng.
Hoàng Trúc
***
Dân khổ vì cách chống dịch Covid-19
Một tuần đã trôi qua kể từ khi Sài Gòn phong tỏa hoàn toàn theo Chỉ thị 16.
Sự quan tâm của người dân ở đô thị lớn nhất nước giờ luẩn quẩn quanh giá bó hành, bó rau; nhà nào mua được rau, nhà nào không; chỗ nào bán rau giá bình ổn như báo đài ra rả…
https://baomai.blogspot.com/
***
Chuyện mùa hè ở Sài Gòn
Mùa hè năm nay ở Việt Nam có vẻ ít mưa. Trời hầm hập nóng từ trưa. Nóng đến chiều, thậm chí đến hết nắng mới có được chút không khí dịu mát. Nghĩ đến không biết bao nhiêu con người mặc những bộ PPE bảo hộ lúc làm việc chống dịch mà sợ. Chỉ nóng và mất nước thôi cũng đủ xỉu. Các bạn cứ tưởng tượng ở thời tiết nóng trung bình 35-38 độ C ở Sài Gòn, mà phải mặc suốt một cái áo mưa bịt kín như vậy suốt 8-10 tiếng, thì hiểu.
https://baomai.blogspot.com/
No comments:
Post a Comment
Note: Only a member of this blog may post a comment.