The Nation’s Report Card (là cuộc thi được tổ chức dành cho học sinh lớp 4 và lớp 8 mỗi 2 năm một lần để đánh giá khả năng đọc hiểu và làm toán của các em học sinh) tiết lộ rằng vào năm 2014, chỉ có khoảng 18% học sinh lớp tám tại Mỹ đủ điểm đạt hoặc trên mức đạt mức độ thông thạo về lịch sử Hoa Kỳ, và chỉ có 1% được xem là có mức độ am hiểu tường tận. Thông điệp chính ở đây rất rõ ràng: Các trường học của chúng ta đang thất bại trong việc giảng dạy [về] di sản quốc gia của chúng ta.
Tất nhiên, những hậu quả này sẽ kéo dài cho đến tuổi trưởng thành. Một nghiên cứu năm 2018 từ Quỹ Woodrow Wilson đã tiết lộ rằng; cứ ba người Mỹ thì chỉ có một người vượt qua được bài kiểm tra quốc tịch. [Mức độ] hiểu biết đang ngày càng suy giảm qua từng thế hệ, với tỷ lệ vượt qua kiểm tra đạt 74% ở nhóm tuổi trên 65, giảm xuống chỉ còn 19% ở nhóm nhân khẩu học dưới 45 tuổi.
Du khách xếp hàng vào xem bản gốc của Tuyên ngôn độc lập, Hiến pháp và Tuyên ngôn Nhân quyền tại Văn phòng Lưu trữ Quốc gia ở Thủ đô Hoa Thịnh Đốn.
Mặc dù thế hệ trẻ được giáo dục tốt hơn và được ban tặng những nguồn lực lớn hơn nhiều so với các thế hệ đi trước, tuy nhiên việc thờ ơ đối với lịch sử lại ngày càng tồi tệ hơn. Kết quả là, người Mỹ đang bị cướp đi sự tự chủ về trí tuệ cần thiết để đưa ra những đánh giá sáng suốt của riêng mình về quốc gia cũng như về lịch sử của nước nhà.
Sự thiếu hiểu biết tạo ra một khoảng trống để cho thông tin sai lệch cùng sự thao túng lấp đầy. Các nhà hoạt động, nhà tuyên truyền và các chính trị gia có động cơ thầm kín đã được trao quyền để đánh đồng các quan điểm, làm suy yếu lịch sử Hoa Kỳ và biến nó thành một quan điểm không tưởng và không ngừng bị mai một. Hậu quả là, lòng ái quốc của người dân đang chạm ngưỡng thấp kỷ lục.
Giáo dục là cách duy nhất để chống lại các thông tin sai lệch, nhưng hệ thống [giáo dục Hoa Kỳ] đang khiến chúng ta thất bại thảm hại. Việc thông thạo lịch sử là công cụ tuyệt vời nhất cho chúng ta để nuôi dưỡng sự tự nhận thức về bản thân khi đặt mình trong các bối cảnh [lịch sử]. Việc đó hướng chúng ta đến sự hiểu biết về vai trò quý giá và sâu sắc của bản thân trong lược đồ lịch sử này.
Chúng ta phải giáo dục cho học sinh vẻ đẹp và sự phức tạp của lịch sử của đất nước chúng ta. Điều này đòi hỏi chúng ta phải nhìn nhận thực tế về các thiếu sót và việc giảng dạy về những sai lầm trong lịch sử của chúng ta, để thúc đẩy việc tiếp tục một quỹ đạo hướng đến sự tiến bộ và lý tưởng của Hoa Kỳ.
Đừng cố gắng nhồi nhét cho lớp trẻ của chúng ta một lòng nhiệt thành mang tính dân tộc. Mục tiêu của giảng dạy lịch sử chỉ đơn thuần là trang bị cho các em kiến thức để tự quyết định và rút ra kết luận của riêng mình. Niềm tự hào hay sự xấu hổ về đất nước của một người phải được xác lập chỉ dựa vào kiến thức, mà không phải bất kỳ điều gì khác.
May mắn thay, sự hiểu biết đúng đắn về lịch sử dân tộc của chúng ta đang nuôi dưỡng lòng ái quốc một cách tự nhiên. Chúng ta phải cẩn trọng để không coi sự tôn nghiêm của các quyền tự do của chúng ta là điều hiển nhiên. Và, khi chúng ta trao ngọn đuốc cho thế hệ kế tiếp, chúng ta phải hết sức thận trọng – với tư cách là những nhà giáo dục, là cha mẹ, là ông bà, thậm chí là hàng xóm – để thấm nhuần lòng biết ơn đối với những hy sinh của tổ tiên chúng ta.
Danh ngôn của Tổng Thống John Adams nói rằng, “Hỡi hậu thế! Quý vị sẽ không bao giờ biết được thế hệ [của tôi] đã phải trả giá biết bao nhiêu để bảo tồn sự tự do cho quý vị! Tôi hy vọng quý vị sẽ vận dụng tốt sự tự do đó. Nếu quý vị không làm vậy, thì nơi Thiên đàng tôi sẽ thấy day dứt rằng mình đã gánh nhận một nửa nỗi thống khổ để bảo tồn sự tự do ấy.”
Tác giả Rikki Schlott là một nhà văn và là sinh viên sống tại thành phố New York. Là một nhà hoạt động tự do ngôn luận trẻ tuổi, các bài viết của cô ghi lại sự trỗi dậy của chủ nghĩa phi tự do theo quan điểm của Thế hệ Z. Cô Schlott cũng làm việc cho The Megyn Kelly Show và [các bài viết của cô] đã được đăng trên The Daily Wire và The Conservative Review.
Rikki Schlott _ Doanh Doanh
***
No comments:
Post a Comment
Note: Only a member of this blog may post a comment.