Theo quan điểm của tôi, Thung lũng Silicon đã mất đi các tiêu chuẩn đạo đức, hay linh hồn của nó.
Các công ty này đang kiếm tiền từ những nhược điểm của mọi người. Họ hiểu rõ chúng ta hơn là chúng ta tự biết về mình. Họ sử dụng trí thông minh nhân tạo để dự đoán và thử nghiệm bất cứ điều gì họ muốn thử lên chúng ta và tìm hiểu cách chúng ta phản ứng với những phép thử đó. Đó là cách họ kiếm tiền.
Thung lũng Silicon không còn như trước nữa.
Suy thoái đạo đức: Người tiêu dùng trở thành sản phẩm
Ngày nay hầu như không có silicon ở Thung lũng Silicon. Hầu hết các công ty kiếm tiền từ thông tin mà họ có về mọi người.
Facebook và Google, trong số các công ty khác, có nhiều nhà tâm lý học và bác sĩ tâm thần trong bảng lương của những công ty này hơn một số bệnh viện lớn nhất. Những người đó đang làm việc để tạo các bài đăng trên mạng xã hội.
Theo tôi, đó không phải là uống rượu và ma túy, nhưng về lâu về dài thì điều này thực sự nguy hiểm hơn rất nhiều. Họ đánh vào điểm yếu của mọi người để kiếm tiền, và chuyện đó hợp pháp một trăm phần trăm.
Các công ty này quyết định ai sẽ xem và ai sẽ không xem các bài đăng nhất định. Bằng cách hiển thị cho mọi người nội dung cụ thể giúp tăng mức độ tương tác, sau đó các công ty có thể kiếm tiền từ thông tin này.
Theo triết lý của họ, tương tác chủ yếu là nội dung liên quan đến thù hận và đấu tranh.
Các công ty lớn kiếm tiền thông qua việc bán thông tin tương tác cho các nhà quảng cáo, những người sử dụng thông tin này để tối ưu hóa quảng cáo của họ và ép quý vị tiêu thụ bất kỳ sản phẩm nào họ có. Theo một cách nào đó, điều này tương tự như việc châm ngòi cho cơn nghiện.
Có một câu nói xưa cũ cho rằng nếu quý vị không phải trả tiền, [thì chính] quý vị là sản phẩm. Chúng ta là sản phẩm cho những công ty này.
Cách làm này không có đạo đức, vốn là một từ xa lạ trong kinh doanh. Hiệu quả [mới] là điều quan trọng trong kinh doanh. Đạo đức, không quá quan trọng, tất nhiên chỉ cần là hợp pháp.
Cách các công ty này thu thập thông tin là nhờ trí tuệ [nhân tạo]. Khi nhìn vào một người hoặc một bức tranh, chúng ta có thể rút ra ngay một kết luận nào đó, có thể sai hoặc có thể đúng. Điều tương tự cũng xảy ra với máy điện toán và trí tuệ nhân tạo (AI).
Quý vị nhìn vào nội dung nào đó trong bao lâu khi quý vị di chuyển [lên xuống] màn hình và loại nội dung nào quý vị xem đều được diễn giải. Sau đó, một số thử nghiệm được áp dụng để xem liệu AI có thể đưa ra kết luận chính xác hay không.
Tất nhiên, bất cứ khi nào chúng ta gõ một cái gì đó hoặc đăng một cái gì đó, AI sẽ biết những gì chúng ta đã làm trước đó. Dựa trên đó, AI sẽ hướng chúng ta đến bất cứ điều gì nó muốn chúng ta làm hoặc nghĩ rằng chúng ta muốn xem.
Hy vọng rằng việc điều hướng suy nghĩ của chúng ta ấy là chỉ là vì tiền, nhưng ấn tượng của tôi là cách làm đó không chỉ là vì tiền.
Việc điều hướng suy nghĩ này cũng để dẫn dắt các lựa chọn chính trị và bầu cử, thúc đẩy nghị trình của một số nhân vật cao cấp trong các công ty này. Họ nghĩ rằng họ có thể định hướng cho cộng đồng những người đáng thương chúng ta những gì nên làm hoặc không nên làm. Đối với tôi, điều đó thật kinh khủng; toàn bộ mục đích của công nghệ không nên là vì chuyện này.
Lợi nhuận trở thành điểm mấu chốt. Đối với nhân viên của những công ty này, trách nhiệm ủy thác của họ là đối với các cổ đông của họ, và nghĩa vụ của họ là tối đa hóa giá trị của cổ phiếu.
Các quyết định của họ ảnh hưởng đến xã hội ra sao, cách họ đưa thông tin sai lệch cho trẻ em và mọi người như thế nào, và cách họ để công chúng tiếp xúc với những thứ mà công chúng không bao giờ nên tiếp xúc không phải là nghĩa vụ pháp lý của họ. Những mối quan tâm này là nghĩa vụ đạo đức của họ nếu họ chọn bao hàm đạo đức [trong kinh doanh của họ], và tại một số thời điểm, một số công ty làm như vậy.
Cuộc sống giống như một con lắc, xoay qua trái và xoay qua phải; nó quay đi quay lại. Đến một lúc nào đó, xã hội sẽ biến loạn hoặc chính phủ sẽ vào cuộc và nói với mọi người những gì họ có thể làm và không thể làm, như ở Trung cộng. Ở đất nước đó, họ rất mạnh tay trong việc kiểm soát mạng xã hội và sử dụng nó để tiếp tục đàn áp và kiểm soát.
Tại một thời điểm nào đó, điều tương tự cũng xảy ra khi các công ty này vi phạm luật. Chúng ta nhìn thấy điều này với ông Jack Dorsey của Twitter, người đã quyết định rằng cựu Tổng thống Trump không thể hiện diện trên nền tảng của mình, nhưng đồng thời tuyên bố rằng Twitter là một công ty truyền thông. Là một công ty truyền thông, Twitter không được phép phân biệt đối xử, nhưng họ thì có. Tại sao? Đó là bởi vì họ có đủ tiền và đủ lực lượng vận động hành lang.
Dòng tweet của Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump trên một điện thoại ở Phần Lan mà Twitter đã kiểm duyệt, hôm 29/5/2020.
Ông George Haber là một nhà kinh doanh chuyên nghiệp, kiêm chuyên gia tiếp thị, và chiến lược gia. Ông là một nhà đầu tư thiên thần (angel investor, thuật ngữ chỉ nhà đầu tư cung cấp hỗ trợ tài chính cho các doanh nghiệp nhỏ hoặc mới khởi nghiệp) tích cực và thành viên hội đồng quản trị của một số công ty tư nhân và nhà nước, một diễn giả thường xuyên được trích dẫn tại các hội nghị quốc gia và quốc tế, đồng thời là một trong những người chủ chốt đứng sau Microsoft Xbox. Năm 1996, công ty đầu tiên ở Thung lũng Silicon của ông là công ty tiên phong trong công nghệ MPEG-1 và MPEG-2 và sáng tạo ra phần mềm DVD đầu tiên trên thế giới cho phép phát DVD trên máy điện toán.
George Haber _ Chánh Tín
No comments:
Post a Comment
Note: Only a member of this blog may post a comment.