Ở nước Pháp vào đầu thế kỷ 20, cô bé Édith Gassion 5 tuổi (diễn viên Manon Chevallier thủ vai) bị cha mẹ bỏ rơi, được các phụ nữ tốt bụng trong nhà thổ của bà nội chăm sóc. Một căn bệnh thời thơ ấu đã khiến bé Édith bị mù trong một thời gian ngắn. Nhiều năm sau, cha cô (diễn viên Jean-Paul Rouve thủ vai), một nghệ sĩ nhào lộn trong rạp xiếc và người uốn dẻo đường phố, đã đưa cô con gái lúc này đang ở độ tuổi thiếu niên (diễn viên Pauline Burlet thủ vai) vào đoàn của mình. Khi màn trình diễn trên đường phố của ông không thu hút được khán giả, ông yêu cầu cô nhanh chóng làm điều gì đó. Ngay lập tức, cô cất lời ca bài “La Marseillaise” (Quốc ca Pháp) và khiến đám đông đang tản mác phải dừng lại.
Khi Édith (diễn viên Marion Cotillard thủ vai) trưởng thành và sống tự lập, sức mạnh truyền cảm trong giọng hát của cô đã được chủ hộp đêm Louis Leplée (diễn viên Gérard Depardieu thủ vai) phát hiện. Ông trở thành người bảo trợ của cô, đặt cho cô nghệ danh “Piaf,” tiếng lóng Pháp có nghĩa là “Chim Sẻ Mảnh Mai” (Waif Sparrow); tên gọi trìu mến miêu tả vóc dáng nhỏ nhắn của cô trên những sân khấu hòa nhạc lớn. Sau khi ông bầu Leplée qua đời, sự tự tin của cô sụt giảm; cô thậm chí còn bị la ó trên sân khấu. Sau đó, dưới sự hướng dẫn của nhạc sĩ Raymond Asso (diễn viên Marc Barbé thủ vai), Édith lấy lại phong độ, học cách kết nối với khán giả, và tỏa sáng trên sân khấu như một nữ diễn viên.
Không lâu sau, Édith bắt đầu lưu diễn khắp thế giới, biểu diễn trong các hội trường chật kín khán giả, và thu âm các album phòng thu bán chạy nhất. Ấy thế mà, bi kịch cá nhân vẫn phủ bóng mây đen lên những thành công trước công chúng của cô. Cô đối mặt với sự ra đi của người yêu Marcel Cerdan (diễn viên Jean-Pierre Martins thủ vai), một võ sĩ quyền anh thiệt mạng trong một vụ tai nạn phi cơ. Cô vật vã với cơn đau nhức dữ dội từ bệnh viêm khớp, chấn thương từ một vụ tai nạn xe hơi, và chứng nghiện morphine do sử dụng các mũi chích giảm đau trong thời gian dài. Nhưng không điều gì trong số này có thể cản bước cô, và Édith tiếp tục trở thành một trong những giọng ca được yêu mến nhất ở Pháp.
Bộ phim này đã đạt giải Oscar cho hạng mục Hóa trang xuất sắc nhất (Best Makeup Oscar) vì đã cải biến dung mạo của diễn viên Cotillard, 32 tuổi, cao ráo, thành ca sĩ Piaf mảnh khảnh, người sống đến tuổi 47. Nữ diễn viên Cotillard đã đạt giải Oscar cho Nữ diễn viên chính xuất sắc nhất (Best Actress Oscar) cho vai diễn Piaf. Trong những năm cuối đời, nhân vật này phải chịu đau đớn và bệnh tật giày vò, gần như không thể đi lại và trông như đã 80 tuổi. Diễn viên Cotillard đã [hóa thân] hoàn hảo vào nhân vật Piaf với đường chân tóc thụt lùi, lông mày mảnh, dáng đi khập khiễng, đầu cúi xuống như bị đè nặng bởi những gánh nặng vô hình; cô gù vai, đẩy cằm về phía trước khoảng một foot (~0.3m) so với cột sống cong vẹo của mình. Ở một số cảnh, nhân vật Piaf do diễn viên Cotillard thủ vai gần như không khác gì một hình nhân que với các chi co quắp lại vì viêm khớp đến mức phải được bế đi. Đôi tay cô run rẩy đau đớn đến mức không thể cầm nổi một ly rượu. Diễn viên Cotillard bắt chước giọng khàn khàn của ca sĩ Piaf khi nói chuyện, một sự tương phản hoàn toàn so với giọng hát dày, đầy nội lực của cô.
Có đóa hồng nào lại không có gai
Bộ phim của đạo diễn Dahan được đặt tên theo ca khúc làm nên tên tuổi của Piaf [La Vie En Rose]. Nghĩa đen của bài hát là “Cuộc sống màu hồng” (Life in Pink), nhưng ở đây, bản nhạc tượng trưng cho thói quen của ca sĩ Piaf nhìn cuộc sống qua kính màu hồng, một cách ngây thơ để tận hưởng tình yêu và chịu đựng mất mát; sau tất cả, thể loại âm nhạc yêu thích của Piaf là chanson, hay còn gọi là nhạc ballad Pháp. Nhiều ca sĩ đã thu âm các phiên bản của bài hát này, nhưng ngay cả sau hàng thập niên khi ca sĩ Piaf qua đời, bản thu âm của Piaf vẫn được xem là phiên bản chuẩn mực nhất.
Với thân hình gầy gò, thật khó hiểu làm sao Piaf lại sở hữu chất giọng mạnh mẽ đầy nội lực đến vậy. Cuộc sống đời thường của bà tỏa ra một nguồn năng lượng sôi động, một joie de vivre (niềm đam mê sống mãnh liệt), giống như rượu champagne trào bọt ra ngoài. Hãy nhìn sự ái mộ của Piaf trong một cuộc gặp gỡ tình cờ với nữ ca sĩ nổi tiếng thời bấy giờ Marlene Dietrich (diễn viên Caroline Silhol thủ vai). Hãy theo dõi sự phấn khích tinh nghịch của Piaf khi bà nghe người khác đọc bài đánh giá tích cực từ nhà phê bình âm nhạc Virgil Thomson về một buổi hòa nhạc của mình.
Piaf cảm nhận được rằng nỗi buồn sẽ luôn xen lẫn vào mọi niềm vui của mình, giống như chiếc gai luôn có mặt trên mỗi đóa hồng. Theo phản xạ, bà dường như đã tôi luyện bản thân cho điều đó. Hãy chú ý xem tiếng “Không!” của bà vang vọng như thế nào trong căn phòng tối om khi ai đó bật tung tấm rèm cửa sổ. Piaf tự hỏi, tại sao căn phòng của bà phải tràn ngập ánh sáng, trong khi cuộc sống của bà lại thiếu thốn điều ấy đến vậy?
Trong một cảnh hòa nhạc, ông Dahan che giấu giọng hát của Piaf để nhấn mạnh vào hiệu ứng hình ảnh ấn tượng của mình, như thể rằng nếu không nghe thấy giọng của bà, khán giả có thể nhìn ngắm bà rõ hơn. Cách luyến láy của bà sinh động, thậm chí có phần tinh nghịch. Bà nhún vai. Đôi tay của bà, đầu tiên chống trên hông, sau đó giơ lên cầu khẩn, rồi lại chắp lại, như đang cầu nguyện. Đạo diễn Dahan cung cấp các cảnh quay cận cảnh đôi môi hồng thắm và đôi mắt long lanh của bà. Máy quay của ông lướt trên đám đông khán giả đang ngỡ ngàng, lặng lẽ rơi nước mắt, khi họ cảm nhận được nỗi đau và niềm vui của bà qua từng âm tiết.
Khoảnh khắc đó, dường như chỉ có họ với Piaf. Niềm phấn khích tột đỉnh của bà cũng trở thành của họ. Nỗi buồn của Piaf cũng vậy, khi bà chạm đến [trái tim] họ bằng sự gần gũi vượt trên cả ngôn từ. Khi bà hát lên câu cuối cùng, bà nhắm mắt lại, dường như cố gắng gạt bỏ những cảnh tượng bị từ chối hay chế giễu có thể xảy ra. Nhưng rồi, tiếng vỗ tay vang lên, bà mở mắt ra, ngập tràn kinh ngạc trước sự ngưỡng mộ không hề che giấu của khán giả.
https://www.youtube.com/watch?
Rudolph Lambert Fernandez _ Hữu Minh
No comments:
Post a Comment
Note: Only a member of this blog may post a comment.