Việc trẻ em sử dụng mạng xã hội là mối lo ngại đáng kể đối với nhiều bậc cha mẹ và các nhân vật chính trị, và có nhiều bằng chứng chứng minh cho mối lo ngại của họ.
Tại Úc, người ta đã thảo luận về lệnh cấm sử dụng mạng xã hội theo độ tuổi nhất định, và cả Thủ tướng Úc Anthony Albanese và Lãnh đạo Phe đối lập Peter Dutton đều ủng hộ lệnh cấm trẻ em dưới 16 tuổi sử dụng mạng xã hội.
Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng giải pháp cho vấn đề này phức tạp hơn nhiều so với việc chỉ đơn thuần áp dụng lệnh cấm.
Các kỹ năng giao tiếp
Các nhà tâm lý học cho rằng nếu không có giao tiếp ngoài đời thực trong thời thơ ấu thì trẻ em sẽ bỏ lỡ quá trình phát triển qua các kinh nghiệm thành công và thất bại trong các giao tiếp thực tế. Do đó, khả năng hiểu được các tín hiệu xã hội ngoài đời thực của các em vẫn chưa được phát triển, có thể cản trở việc xây dựng các mối quan hệ lành mạnh.
Tuy nhiên, những người khác lại cho rằng mạng xã hội giúp ích cho cho các mối quan hệ bạn bè vì cung cấp không gian để trẻ em có thể kết nối với những người bạn và thể hiện cảm xúc của mình một cách cẩn thận và rõ ràng hơn.
Nạn bắt nạt
Trước khi có mạng xã hội, những em bị bắt nạt ở trường có thể trở về nhà và được an toàn. Tuy nhiên, ngày nay, trẻ em có thể bị bắt nạt ở bất cứ đâu và có nhiều người xem hơn chứng kiến và tiếp tay cho hành vi ngược đãi này.
Người ta cũng có xu hướng thể hiện sự thù địch trên mạng hơn là ở ngoài đời, vì bối cảnh ảo dễ khiến họ ít kiềm chế hơn. Tuy nhiên, việc ít kiềm chế hơn cũng có thể giúp mọi người thể hiện cảm xúc sâu sắc hơn.
Một số người thấy rằng giao tiếp bằng văn bản cho phép họ suy nghĩ kỹ hơn trước khi trả lời, mang lại một cảm giác kiểm soát mà không phải lúc nào cũng có được khi trò chuyện trực tiếp.
Không giống như giao tiếp trực tiếp, không gian trực tuyến cho phép trẻ tạm dừng, suy nghĩ, và chỉnh sửa trước khi thể hiện bản thân.
Kết nối liên tục với truyền thông xã hội
Việc tham gia nhiều cuộc trò chuyện trực tuyến cùng lúc, thường là trong khi thực hiện các việc khác như chơi game, hiện đã trở nên phổ biến.
Tuy nhiên, con người vốn ít có khả năng làm nhiều việc cùng lúc, vì vậy việc giao tiếp liên tục trên môi trường kỹ thuật số như vậy có thể trở nên quá sức và dẫn đến lo âu.
Truyền thông xã hội cũng có thể ảnh hưởng đến khả năng tập trung của trẻ em.
Bà Alina Morawska, Phó Giáo sư tại Đại học Queensland, cho biết: “Nếu màn hình và mạng xã hội không được quản lý tốt thì chúng có thể liên tục gây mất tập trung khi làm bài tập về nhà chẳng hạn.”
Tuy nhiên, nếu trẻ em phớt lờ các cuộc trò chuyện trực tuyến thì các bậc cha mẹ lại cho biết điều đó cũng tương tự như việc các em nghỉ học thường xuyên. Nhóm bạn bè tiếp tục tiến hành các hoạt động mà không có các em, dẫn đến các em bị cô lập.
Các bậc cha mẹ có thể làm gì?
Một số nhà tâm lý học khuyên cha mẹ nên xem mạng xã hội như rượu vậy, nghĩa là che mẹ cố gắng ngăn trẻ em sử dụng càng muộn càng tốt. Họ cũng khuyên cha mẹ nên xác định các khu vực nào trong nhà không có các thiết bị công nghệ.
Tuy nhiên, Tiến sĩ Morawska cho biết công nghệ hiện diện ở khắp mọi nơi.
“Điều đó có nghĩa là chúng ta phải tìm ra các cách hiệu quả để tận dụng tối đa công nghệ và giảm thiểu rủi ro,” bà nói.
Bà nhấn mạnh rằng mặc dù lệnh cấm mạng xã hội sẽ giúp các bậc cha mẹ quản lý và thương lượng về việc sử dụng mạng xã hội của con em mình, nhưng lệnh này có thể sẽ không cung cấp cho họ kỹ năng để trò chuyện với con về cách sử dụng hợp lý.
“Cha mẹ cũng cần có các chiến lược để giải quyết những vấn đề mà công nghệ gây ra trong cuộc sống gia đình hàng ngày.”
Cách để gia đình giúp đỡ các em
Một cách khác để tác động đến hành vi của trẻ em là cha mẹ làm gương về việc sử dụng các thiết bị.
Theo Tiến sĩ Morawska, tần suất và thời điểm cha mẹ và các thành viên trong gia đình sử dụng điện thoại chẳng hạn như trong bữa ăn hoặc thời gian rảnh rỗi có tác động trực tiếp đến trẻ em.
Bà cho rằng việc cả gia đình cùng nhau sử dụng công nghệ, như xem video hoặc chơi trò chơi, sẽ tốt hơn là để các em tự mình lướt qua các nội dung.
Mặc dù công nghệ là một công cụ hữu ích không thể thiếu cho việc học tập, nhưng việc thiết lập các nguyên tắc như không dùng các thiết bị công nghệ trong bữa tối có thể giúp kiềm chế tác động của công nghệ.
Lily Kelly _ Minh Đức
No comments:
Post a Comment
Note: Only a member of this blog may post a comment.