Ông Koumartzis là người đồng sáng lập Bảo tàng Seikilo ở Thessaloniki, tại Hy Lạp, một bảo tàng dành riêng cho các nhạc cụ cổ xưa. Là một người chơi đàn lia đầy đam mê, ông giảng dạy về tầm quan trọng của âm nhạc, các câu chuyện thần thoại và văn hóa Hy Lạp.
Đàn lia là một trong những nhạc cụ lâu đời nhất trên thế giới. Loại đàn này rất phổ biến ở Hy Lạp cổ đại, người dân học cách chơi đàn như một phần của nền giáo dục. Đàn lia đồng hành với thơ ca và được sử dụng như một biểu tượng của đức hạnh. Trong các văn bản Hy Lạp cổ đại, đàn lia biểu thị sự cho trí tuệ và sự tiết độ.
Ông Koumartzis đưa ra cái nhìn sâu sắc về ý nghĩa lịch sử của đàn lia bằng cách đàm luận về vai trò của nhạc cụ này trong các câu chuyện thần thoại:
“Đàn lia luôn là một biểu tượng, ngoài việc là một nhạc cụ có thanh âm đẹp. Thật hứng khởi khi chứng kiến nhiều họa sĩ dùng đàn lia làm biểu tượng trong tác phẩm của họ kể từ thời Trung cổ cho đến nay. Nhiều văn bản cổ bao gồm cả tác phẩm sử thi ‘Ili’ và ‘Odyssey’ của đại văn hào Homer mô tả tầm quan trọng của âm nhạc và lý do tại sao việc học chơi đàn lại cần thiết đối với những người trẻ tuổi.”
Sự nỗ lực của gia đình
Ông Theodoros Koumartzis và gia đình cố gắng tiếp nối truyền thống lịch sử âm nhạc phong phú của Hy Lạp cổ đại. Sinh ra trong một gia đình có năng khiếu về nghệ thuật, cha của ông là ông Anastasios, một “thợ làm đàn bậc thầy” và cũng là nhạc sĩ. Ông Theodoros và các anh em trai của mình, Nikolaos và Jordan, tiếp bước người cha. Họ sử dụng những tài năng khác nhau của mình vào một số dự án nhằm khởi động công việc kinh doanh bận rộn của gia đình.
Họ đều đảm nhận nhiều công việc khác nhau. Trong khi ông Theodoros tập trung vào đàn lia giáo dục mọi người về tầm quan trọng và cách chơi đàn lia thì ông Nikolaos là nhà quay phim gia đình, thường tập trung vào các dự án liên quan đến âm nhạc. Khi không đứng sau máy quay phim, ông ấy làm công việc thu âm hoặc giúp ông Theodoros tổ chức các sự kiện của trường đại học trên toàn thế giới. Giống như cha của họ, ông Jordan là nhạc sĩ và thợ làm đàn tài năng.
Khi được hỏi cảm giác làm việc với gia đình như thế nào, ông Koumartzis gọi đó là điều “may mắn” và nói: “Qua nhiều năm, chúng tôi nhận ra rằng việc tập trung vào những gì chúng tôi yêu thích nhất là điều thực sự quan trọng. … Chúng tôi càng tin tưởng vào quyết định của nhau thì thành tựu càng to lớn hơn.”
Một số kỷ niệm đẹp nhất của ông là từ thời thơ ấu, khi ông và các anh trai chơi nhạc với cha vào cuối tuần. Ông nói: “Ký ức trong tâm trí tôi từ khi tôi còn rất nhỏ là hình ảnh cha chơi đàn dương cầm vào những ngày cuối tuần tại ngôi nhà của chúng tôi ở làng quê. Hình ảnh này đã in sâu trong tâm trí tôi nhiều năm và giờ vẫn còn đó.”
Ông Koumartzis đã mang những ký ức ban đầu về âm nhạc, sự sáng tạo và tình cảm gia đình này đến tuổi trưởng thành và truyền cảm hứng này vào những nỗ lực trong nghề nghiệp.
Một bảo tàng chân thực
Năm 2016, gia đình ông Koumartzis bắt đầu hành trình sáng tạo và hành trình này đã phát triển vững chắc. Bảo tàng Nhạc cụ Cổ điển Seikilo, nơi ông Koumartzis dành phần lớn thời gian của mình là bảo tàng đầu tiên thuộc loại hình này ở Hy Lạp.
Bảo tàng được dành riêng để trưng bày các nhạc cụ cổ điển, bao gồm cả đàn lia. Nó cũng đóng vai trò như một trải nghiệm sống động cho du khách. Nhiều nhạc cụ mà nghệ sĩ Anastasios và những người thợ làm đàn của ông tạo ra được trưng bày tại bảo tàng Seikilo. Ồng Anastasios thích sử dụng thuật ngữ “sáng tạo” hơn vì nếu dùng thuật ngữ “chế tạo” thì sẽ là “quá công nghiệp để thể hiện tình yêu trong hoạt động kinh doanh gia đình này về đàn lia cổ đại của Hy Lạp”.
Viện bảo tàng này tổ chức các chuyến tham quan có hướng dẫn tập trung vào âm nhạc và những câu chuyện thần thoại cho mọi lứa tuổi. Ở đây cũng có các buổi hội thảo cung cấp các bài học về đàn lia và trống khung, một loại trống đơn cầm tay được sử dụng vào thời cổ đại cho các nghi lễ quan trọng.
Bảo tàng tiên phong này được đặt tên theo bản nhạc hoàn chỉnh lâu đời nhất thế giới có đủ các nốt nhạc, Văn bia Seikilos (the Seikilos Epitaph).
Năm 2017, ông Koumartzis và các nhạc sĩ hợp tác thành lập ban nhạc Pausis. Âm nhạc của họ tập trung vào đàn lia, nhưng cũng bao gồm các nhạc cụ cổ xưa khác để tạo ra trải nghiệm phong phú trong thưởng thức âm nhạc. Thông qua âm nhạc của mình, ban nhạc Pausis hướng tới việc truyền bá “các nền văn minh cổ vĩ đại của khu vực Địa Trung Hải.”
Là người gây được tiếng vang lớn tại các lễ hội, ông Koumartzis và các thành viên trong ban nhạc của mình hào hứng đi khắp châu Âu, Cana, và Mexico để biểu diễn cho nhiều sự kiện và chương trình khác nhau. Gần đây, họ đã phát hành album đầu tay mang tên mình bao gồm các bài hát nguyên gốc. Bản phát hành này đã thu hút sự chú ý của Tạp chí Songline sau khi thăng hạng lên vị trí thứ năm trên Bảng xếp hạng Âm nhạc Thế giới của họ.
Một tương lai tươi sáng
Ngoài việc sáng tác âm nhạc và điều hành bảo tàng Seikilo, ông Koumartzis còn là một nhà giáo dục đầy nhiệt huyết. Ông trưng bày những cây đàn lia thủ công của mình và giảng dạy về lịch sử hấp dẫn của chúng trên khắp Vương quốc Anh, Ý, Đức, và Hy Lạp. Một trong những bài học đó bao gồm câu chuyện thần thoại gắn liền với nhạc cụ này thời Hy Lạp cổ đại: Khi Thần Hermes của Hy Lạp còn nhỏ, ông đã tạo ra cây đàn lia đầu tiên khiến Thần Apollo vô cùng kinh ngạc, đến nỗi Thần Apollo đã ban tặng cho Hermes những món quà đặc biệt.
Sắp tới ông Koumartzis sẽ có một loạt chuyến lưu diễn. Ông dự kiến sẽ biểu diễn tại Lễ hội Braga Romana của Bồ Đào Nha, sự kiện tôn vinh lịch sử La Mã của khu vực này. Sau đó, ông có chuyến đi đầu tiên tới Mỹ để biểu diễn tại Bảo tàng Nhạc cụ ở Phoenix.
Ông Koumartzis và gia đình ông tin rằng việc tìm hiểu về văn hóa Hy Lạp cổ đại và đàn lia không chỉ dành cho những người có thiên hướng âm nhạc. Mọi người đều có thể trải nghiệm sự chữa lành và thăng hoa về mặt tinh thần khi dành thời gian với âm nhạc và những câu chuyện cổ xưa:
“Tôi thực sự tin rằng điều này… có liên quan rất nhiều đến cuộc sống của mọi người. … Chỉ bằng cách học hỏi và lấy cảm hứng từ thần thoại Hy Lạp cổ đại, cũng như từ các văn bản, thì mới có thể giúp ta nâng cao đạo đức và gắn kết con người lại với nhau.
Cộng tác với các nhạc sĩ từ khắp nơi trên thế giới đã cho tôi thấy rằng đàn lia có thể… mang lại niềm vui cho cuộc sống hàng ngày của người lớn và trẻ em. … Tôi thấy rằng thời gian chơi đàn và khám phá âm thanh [của nó] đem đến cho tôi sự cân bằng tựa như là tôi có cơ hội thiền định trong khi tập luyện.”
Rebecca Day _ Lê Đào
***
No comments:
Post a Comment
Note: Only a member of this blog may post a comment.