Monday, July 29, 2024

Số đơn khai phá sản tại Hoa Kỳ tiếp tục tăng

 BM

Theo Văn phòng Hành chính của Hệ thống Tòa án Hoa Kỳ, số lượng hồ sơ khai phá sản tại Hoa Kỳ đã tăng trong năm qua ở cả cấp độ cá nhân lẫn doanh nghiệp.


Bản tin ngày 25/07 cho biết, “Tổng số hồ sơ khai phá sản hàng năm là 486,613 trong năm kết thúc vào tháng 06/2024, so với 418,724 hồ sơ trong năm trước.”


Đây là mức tăng 16.2% so với năm trước. Trong khi số hồ sơ khai phá sản cá nhân tăng hơn 15%, thì hồ sơ doanh nghiệp tăng hơn 40%. Hồ sơ đã tăng lên mỗi quý kể từ tháng Sáu năm 2022, báo cáo cho biết.


Trong khi một số nhà bán lẻ lớn như Rue21 nêu lý do nộp đơn khai phá sản là “lạm phát và những bất lợi về kinh tế vĩ mô,” thì những nhà bán lẻ khác như Stop & Shop lại ghi lý do là “các cửa hàng hoạt động kém hiệu quả.” Bob’s Stores có trụ sở tại Connecticut cho biết họ gặp khó khăn trong việc “bảo đảm nguồn tài chính cần thiết để duy trì hoạt động.”


Lãi suất vẫn ở mức cao, khiến chi phí tài chính trở nên đắt đỏ đối với các doanh nghiệp. Trong khi đó, các công ty đang phải đối mặt với chi phí sản xuất cao trong khi cố gắng định giá sản phẩm của mình một cách cạnh tranh trên thị trường.


BM

Bà Amy Quackenboss, giám đốc điều hành Viện Phá sản Hoa Kỳ (ABI), cho biết hồi đầu tháng này rằng, sự gia tăng liên tục của các hồ sơ khai phá sản cho thấy các doanh nghiệp và gia đình đang phải chịu “áp lực kinh tế ngày càng tăng.”


Ông Michael Hunter, phó chủ tịch của công ty cung cấp dữ liệu phá sản Epiq AACER, cho biết ông dự kiến “nhu cầu nộp đơn phá sản cá nhân sẽ tăng mạnh trong thời gian tới, đặc biệt là khi xét đến sự gia tăng lớn về số hồ sơ trong lĩnh vực thương mại, mức nợ của người tiêu dùng, lãi suất cao, và chi phí chung tăng cao trong khi thu nhập gia đình tương đối không tăng trưởng.”


Tâm lý lạc quan của doanh nghiệp và việc sa thải nhân viên


BM

Theo Chỉ số Doanh nghiệp Nhỏ của Phòng Thương mại Hoa Kỳ, trong quý 2 năm 2024, mặc dù tình trạng phá sản thương mại đang gia tăng, nhưng nhiều doanh nghiệp vẫn ngày càng lạc quan về tương lai.


Báo cáo cho biết: “Các kế hoạch tăng nhân sự và đầu tư đều tăng trong quý này, và kỳ vọng doanh thu cho năm tới đã đạt mức cao nhất từng được ghi nhận trong cuộc khảo sát này.”


Hơn bảy trong số 10 người được hỏi mong đợi doanh thu sẽ tăng vào năm tới, một quan điểm nhất quán giữa các doanh nghiệp thuộc mọi quy mô và lĩnh vực kinh doanh.


Các doanh nghiệp có tuổi đời trẻ hơn những doanh nghiệp hoạt động dưới 10 năm được nhận định là lạc quan hơn về việc tuyển dụng trong tương lai và đầu tư nhiều hơn so với các doanh nghiệp đã hoạt động hơn 11 năm.


Trong bối cảnh tình trạng phá sản gia tăng, hàng trăm ngàn nhân viên đã bị các công ty sa thải vào năm 2024. Theo công ty tư vấn việc làm Challenger, Gray & Christmas, Inc., tính đến thời điểm hiện tại trong năm nay, các công ty Hoa Kỳ đã công bố kế hoạch cắt giảm 434,645 việc làm.


Các công ty công nghệ đã công bố nhiều đợt sa thải nhất, tiếp theo là ngành giáo dục, ngành vận tải, và các công ty sản phẩm tiêu dùng.


Lý do số 1 mà các công ty đưa ra khi sa thải nhân viên là “cắt giảm chi phí,” tiếp theo là “điều kiện thị trường/kinh tế.”


Tái cấu trúc, lãi suất


BM

Theo S&P Global, hầu hết các hồ sơ phá sản doanh nghiệp Hoa Kỳ mà họ theo dõi trong nửa đầu năm đều được phân loại là tái cấu trúc, tức là cải tổ các doanh nghiệp gặp khó khăn với mục đích giúp hoạt động kinh doanh trở nên có lãi trở lại.


S&P Global cho biết: “Lãi suất cao và các vấn đề về chuỗi cung ứng là một trong những yếu tố khiến các công ty gặp khó khăn trong việc duy trì đủ dòng tiền để trả nợ và ngăn ngừa tình trạng vỡ nợ.”


“Với việc giảm đáng kể lãi suất có thể sẽ diễn ra trong nhiều tháng nữa, các công ty có thể chuyển sang lộ trình tái cấu trúc, giúp họ có thời gian bảo đảm được nền tảng tài chính vững chắc hơn.”


Hệ thống Dự trữ Liên bang Hoa Kỳ đã giữ nguyên lãi suất trong phạm vi 5.25–5.50% kể từ tháng Bảy năm ngoái. Các nhà đầu tư đã kỳ vọng việc cắt giảm lãi suất sẽ bắt đầu vào đầu năm nay, nhưng điều đó đã không xảy ra.


Duy trì lãi suất như hiện tại trong thời gian dài hơn có nghĩa là các công ty phải tiếp tục trả lãi suất vay cao hơn, gây khó khăn về tài chính cho doanh nghiệp.


 BM

Chủ tịch Fed Jerome Powell gần đây đã nói với các nhà lập pháp ở Capitol Hill rằng lãi suất cao trong thời gian dài hơn có thể “làm suy yếu một cách không cần thiết hoạt động kinh tế và việc làm.”


Một mối lo ngại cấp bách hơn đối với các doanh nghiệp có thể là lãi suất sẽ bị đẩy lên cao hơn nữa. Các quan chức Fed đã nói trong cuộc họp tháng Sáu của cơ quan này rằng lãi suất cao hơn là một khả năng có thể xảy ra nếu lạm phát tiếp tục tăng hoặc vẫn ở mức cao.


Cuộc họp tiếp theo của Fed được lên lịch sẽ diễn ra vào ngày 30 và 31/07. Theo dữ liệu từ CME FedWatch Tool, các nhà giao dịch lãi suất không kỳ vọng có bất kỳ đợt cắt giảm lãi suất nào trong cuộc họp này. Việc cắt giảm lãi suất dự kiến sẽ diễn ra vào tháng Chín.




Naveen Athrappully  _  Vân Du


No comments:

Post a Comment

Note: Only a member of this blog may post a comment.