Hôm thứ Năm (04/07), hàng triệu người dân Mỹ đã nô nức đến các bãi biển và đi theo từng nhóm để ăn mừng ngày khai sinh của quốc gia họ với những cuộc diễn hành Ngày Độc Lập, tiệc nấu ăn ngoài trời, và những màn trình diễn pháo bông rực rỡ rất được mong đợi vào buổi tối.
Ở Hoa Thịnh Đốn, những chùm đèn neon đã thắp sáng màn đêm trên khoảng trời phía trên National Mall. Dàn nhạc giao hưởng Boston Pops đã biểu diễn một màn pháo bông âm nhạc ngoạn mục trên sân khấu Hatch Memorial Shell. Mọi người mặc trang phục màu đỏ, trắng, và xanh ba màu cờ Mỹ, tay vẫy quốc kỳ trong những cuộc diễn hành trên khắp đất nước, từ Brattleboro, Vermont, đến Waco, Texas, cho đến Alameda, California để kỷ niệm Ngày Độc Lập.
Số liệu đi lại được dự kiến sẽ còn cao hơn so với dự đoán ban đầu khi các phi trường và đường cao tốc chật kín người di chuyển đến các địa điểm tổ chức lễ kỷ niệm ngày 04/07, dịp lễ có thể sẽ kéo dài đến hết cuối tuần này đối với nhiều người.
Ở Bờ Đông, một số người dự định đi biển ở Connecticut đã phải đi nơi khác khi bãi đỗ xe tại các công viên của tiểu bang chật kín chỗ, kể cả đoạn đường dài 2 dặm (khoảng 3 km) trong Công viên Tiểu bang Hammonasset Beach. Đây là đường bờ biển dài nhất của tiểu bang này.
Trong khi đó, người dân trên khắp miền Tây phải đối mặt với cái nóng ngột ngạt khi Cơ quan Thời tiết Quốc gia cảnh báo về một đợt nắng nóng “nghiêm trọng và hết sức nguy hiểm” ở hầu hết tất cả các khu vực. Một số khu vực ở sa mạc Tây Nam có nhiệt độ lên tới 120°F (49°C), và tình trạng nóng nực, oi bức cũng lan tràn khắp khu vực vùng sâu phía Nam (Deep South) và Trung Đại Tây Dương.
Một khuyến cáo về nhiệt độ cao ở Philadelphia khi nhiệt độ lên tới 90°F (khoảng 32°C) đã không ngăn cản đám đông kéo đến thăm các di tích lịch sử trong thành phố này, nơi Bản Tuyên ngôn Độc lập được thông qua vào ngày 04/07/1776.
Ở bên ngoài Trung tâm Hiến Pháp Quốc gia (National Constitution Center), các diễn viên tình nguyện đã mặc những trang phục thời Chiến tranh Cách mạng làm bằng len dày, bất chấp thời tiết nóng nực. Những người tham gia cho rằng việc chịu đựng cái nóng như vậy là xứng đáng để tái hiện lịch sử.
Anh Adrian Mercado, một người mặc trang phục của Trung đoàn Pennsylvania số 6, cho biết: “Công việc tình nguyện giúp chúng tôi cảm thấy kết nối với khu phố và nơi chúng tôi sinh sống.”
Pháo bông dự kiến sẽ được bắn vào buổi tối tại Đại lộ Benjamin Franklin, sau buổi hòa nhạc của Ne-Yo và Kesha.
Tại thành phố New York, màn trình diễn pháo bông hàng năm của chuỗi cửa hàng Macy đã bắn hàng ngàn quả pháo từ sông Hudson, thắp sáng đường chân trời của Manhattan, Hoboken, và thành phố Jersey.
Từ Queens, có thể thấy những quả pháo màu vàng và cam tỏa ra rực rỡ trên nền Tòa nhà Empire State, vốn được trang hoàng bằng ánh đèn màu đỏ, trắng, và xanh. Khí hậu mát mẻ, nhiều người dân leo đã lên mái nhà để tự đốt pháo bông.
“Đây là cách chúng tôi ăn mừng. Đó là những quả pháo nổ trên không trung, màu đỏ chói của pháo bông, là cách người dân thể hiện niềm tự hào và lòng yêu nước của mình,” bà Julie Heckman thuộc Hiệp hội Pháo bông Hoa Kỳ cho biết.
Tất cả các dấu hiệu đều cho thấy đây là một dịp lễ kỷ niệm lớn: Cục An ninh Vận tải (TSA) báo cáo rằng mức kỷ lục gần 3 triệu người di chuyển qua các phi trường chỉ trong một ngày vào tuần trước dự kiến sẽ bị phá vỡ trong tuần này. AAA dự kiến sẽ có 60.6 triệu người di chuyển bằng xe hơi trong dịp lễ. Một phần nguyên nhân của sự gia tăng này là do lạm phát giảm nhẹ, mặc dù nhiều người Mỹ vẫn lo lắng về nền kinh tế.
Dịp lễ 04/07 kỷ niệm ngày thành lập một quốc gia mới, thoát khỏi sự cai trị của Anh. Theo truyền thống, bên cạnh các cuộc diễn hành, ngày này còn được đánh dấu bằng thịt nướng, đồ uống lạnh, những Ngôi sao và Sọc trên cột cờ và trong trang phục của người dân. Nhưng một số người cũng ăn mừng theo những cách khác chỉ có ở cộng đồng của họ.
Ở Alaska, thành phố Seward đã khởi đầu bằng màn bắn pháo bông vào lúc nửa đêm, khi hàng ngàn người tập trung trên một bãi biển đầy đá trong khoảng thời gian ngắn ngủi khi bầu trời tối dần vào thời điểm này trong năm ở vùng đất của Mặt Trời lúc nửa đêm. Pháo bông nổ trên Vịnh Phục Sinh trong lúc mọi người lặng lẽ chiêm ngưỡng. “Cảnh tượng đó vô cùng kỳ diệu,” cư dân Iris Woolfolk nói.
Lễ bắn pháo bông hàng năm của thành phố Oroville ở Bắc California đã bị hủy do cháy rừng, mặc dù hầu hết trong số 17,000 cư dân được ra lệnh hoặc cảnh báo sơ tán đã có thể trở về nhà trong khi hàng trăm lính cứu hỏa vẫn làm việc cật lực dưới cái nóng cực độ.
Associated Press _ Tuệ Chân
No comments:
Post a Comment
Note: Only a member of this blog may post a comment.