Friday, July 20, 2012

Tại sao gọi cha mẹ linh mục là Ông Bà Cố - Tại sao gọi nữ tu là Bà Mụ

image

Mỗi tôn giáo có những đặc ngữ riêng. Bài viết này giúp độc giả hiểu tại sao người Công Giáo Việt Nam gọi cha mẹ Linh Mục là Ông Bà Cố và tại sao khi xưa gọi vị nữ tu dòng Mến Thánh Giá là Bà Mụ.

Ông Bà Cố: Người Công Giáo Việt Nam có tục lệ gọi cha mẹ Linh Mục là Ông Bà Cố cho dù “Ông Bà Cố”này đôi khi còn rất trẻ. Lối xưng hô này bị một số người chỉ trích là tâng bốc vị Linh Mục. Lời phê bình đó có xác đáng không? Chúng ta tìm hiểu vấn đề này trong văn hóa Việt Nam. Theo Từ Điển Văn Học Việt Nam của cố Lm Trần Văn Kiệm, từ Cố
vừa là Hán Việt vừa là Nôm có ít nhất 7 nghĩa sau đây:

(1) Gắng sức: cố công mài sắt.

(2) Đành chịu: cố đấm ăn xôi.

(3) Cha mẹ của ông bà: ông bà cố.

(4) Gặp thế kẹt: Quân tử cố cùng cũng thẹn mặt.

(5) Linh mục Thiên Chúa Giáo: Cố đạo.

(6) Trao đồ lấy tiền rồi chuộc lại: cầm cố.

(7) Cha mẹ của những người làm quan hay đỗ cử nhân.


Theo nghĩa số 7 trên đây, người Công Giáo Việt Nam gọi cha mẹ linh mục là Ông Bà Cố vì dựa vào phong tục xưa gọi cha mẹ những người làm quan hay đỗ cử nhân là Ông Bà Cố. Chúng ta cũng thấy, con trai con gái nhà quan hay nhà giầu ngày xưa được dân chúng gọi là Cậu hay Cô. Vì vậy mới có danh từ Cậu Ấm – Cô Chiêu.


image

Đối với các vị linh mục, giáo dân công giáo xưa coi các vị này đã học tập lâu dài, như đã đỗ được một bằng cấp cao, do đó mới có tiếng Đỗ Cụ.

Vậy việc xưng hô với cha mẹ linh mục là Ông Bà Cố hoàn toàn dựa vào phong tục dân gian, chứ không có ý tâng bốc vị linh mục như nhiều người lầm tưởng.

image

Bà Mụ: Vào đầu thế kỷ 20 dân chúng thường dùng danh từ Bà Mụ để chỉ bất cứ Bà Dòng Mến Thánh Giá nào và nhà dòng Mến Thánh Giá được gọi là Nhà Mụ. Đây là hai từ cổ được dùng rất phổ biến từ những năm 1950 trở về trước. Vậy nguyên nhân nào các chị Nữ Tu Mến Thánh Giá lại được gọi là bà Mụ - một danh xưng không được “ra vẻ” cho lắm.

Thực ra dân chúng đã hiểu lầm ý nghĩa của từ Bà Mụ. Theo bản văn luật dòng Mến Thánh Giá xưa được gọi là phép nhà, thì nguyên nghĩa của từ Bà Mụ là để chỉ bà bề trên cơ sở dòng Mến Thánh Giá và từ Chị Ả để chỉ bà phó bề trên, còn các chị dòng khác được gọi chung là chị em.

image

Đoạn 19 trong bản luật thế kỷ 18 của dòng Mến Thánh Giá viết như sau: “Phép chọn mụ, cùng chị ả, và kẻ giữ việc. Hễ là ba năm một lần trong lễ Đức Chúa Spiritô Sanctô (Chúa Thánh Thần- ghi chú của người viết) Hiện Xuống, hay là ngày nào khác, bề trên dạy chị em hợp lại, mà chọn một người nào làm mụ, cùng một người nào làm chị ả, và một người khác giữ việc cho chị em”.

Dân chúng không phân biệt như trên mà gọi bất cứ vị nữ tu Mến Thánh Giá nào cũng là Bà Mụ. Ngày nay từ Mụ không còn được dùng nữa, và dân gian coi từ mụ không được ra vẻ cho lắm nên đã dùng từ Bà Xơ, Bà Xờ, Bà Dòng, Bà Phước, Dì Phước để chỉ người Nữ Tu.

Từ Xơ hay Ma Xơ do tiếng Ma Soeur của Pháp ngữ có nghiã là chị, em, tĩnh từ ma được thêm vào để tỏ lòng tôn kính.

image

Từ Bà Phước hay Dì Phước là tiếng của dân chúng miền Nam Việt Nam gọi các nữ tu. Sở dĩ như vậy vì các vị nữ tu này thường phục vụ trong các bệnh viện, cô nhi viện, các trung tâm xã hội. Phước là tiếng đọc trại của chữ Phúc .
Điều đáng chú ý là không ai dùng từ Bà Phúc, mà chỉ nói Bà Phước. Sở dĩ như vậy vì vấn đề kỵ húy. Dân miền Nam tránh dùng chữ Phúc vì đó là tên đệm của các chúa Nguyễn như Nguyễn Phúc Nguyên, Nguyễn Phúc Lan v.v... Ngày nay dân chúng gọi bất cứ vị nữ tu nào cũng là Bà Phước hay Dì Phước. Gọi là Dì với phụ nữ vì phong tục giao tế của người Việt muốn thân tộc hóa để tỏ lòng kính trọng, thương yêu.

Tại sao các nhà truyền giáo xưa lại dùng từ Bà Mụ để chỉ nữ tu dòng Mến Thánh Giá trong khi người Việt Nam hiểu từ Bà Mụ là người đàn bà đỡ đẻ và là nữ thần khuôn nặn hình hài thai nhi.

Đại Nam Quấc Âm Tự Vị của Paulus Huỳnh Tịnh Của xuất bản năm 1896 có từ Bà Mụ nhưng chỉ có nghiã là người đàn bà lớn tuổi.


image

Từ điển Tiếng Việt của Hội Khai Trí Tiến Đức xuất bản vào tiền bán thế kỷ 20 chưa có từ Bà Mụ với nghiã là nữ tu dòng Mến Thánh Giá.

Đại Từ Điển Tiếng Việt của Bộ Giáo Dục và Đào Tạo xuất bản năm 1999 mới có từ Bà Mụ với ý nghiã là nữ tu Công Giáo:

(1) người đàn bà đỡ đẻ ở nông thôn trước đây.

(2) Nữ thần nặn ra hình đứa trẻ.

(3) nữ tu đạo Thiên Chúa thuộc một dòng tu riêng của Việt Nam

(3) Bướm nhỏ.

(4) ấu trùng của chuồn chuồn sống dưới nước.


Giả Thuyết Giải Thích Từ Bà Mụ: Với các ý nghĩa dân gian hiểu về từ Bà Mụ ngày xưa chắc chắn không thích hợp để chỉ bà dòng Mến Thánh Giá. Vậy tại sao lại có từ Bà Mụ? Có hai giả thuyết giải thích từ Bà Mụ để chỉ bà bề trên cơ sở dòng Mến Thánh Giá.

Giả thuyết thứ nhất căn cứ vào ý nghĩa từ Mụ trong tiếng Nôm và Hán Việt. Từ Mụ vừa là Nôm vừa là Hán Việt .
Hai từ có ý nghĩa gần như nhau để chỉ người mẹ hoặc bà già. Theo giả thuyết này, vì từ Mụ có ý nghĩa là mẹ, hay người đàn bà lớn tuổi nên các nhà thừa sai đã dùng từ đó để chỉ bà bề trên dòng Mến Thánh Giá như tập tục của tất cả các nhà dòng nữ trên thế giới gọi bà bề trên là bà mẹ. Giả thuyết này có sức thuyết phục, nhưng cũng có giả thuyết thứ hai xem ra cũng hợp lý.

image

Giả thuyết thứ hai cho rằng khi thiết lập dòng Mến Thánh Giá, các nhà truyền giáo tây phương chưa thông thạo tiếng Việt nên đã dựa vào Phúc Âm để lấy chữ Mụ trong từ Mulier của tiếng La tinh để chỉ nữ tu bề trên của Dòng Mến Thánh Giá. Trong tiếng Latin, từ Mulier có nghĩa là người đàn bà. Trong Phúc Âm có nhiều chữ Mulier. Ví dụ trong đoạn Chúa Giêsu trối Đức Mẹ cho Thánh Gioan, Phúc Âm viết: Cum vidisset ergo Iesus matrem et discipulum stantem quem diligebat dicit matri suae mulier ecce filius tuus. (Jn 19,26) Vậy Ðức Yêsu thấy Mẹ Ngài, và môn đồ Ngài yêu mến đứng bên cạnh, thì Ngài nói với Mẹ: Hỡi bà này là con bà!

Giả thuyết nào đúng, đáng tin cậy hơn, còn cần sự góp ý của các bậc thức giả.



Nguyễn Long Thao

3 comments:

  1. Tôi thấy sự giải thích của tác giả bài viết không có sức thuyết phục lắm. Nếu giải thích như tác giả thì nhiều bậc cha mẹ (tại VN cũng như hải ngoại, từ những ngày xa xưa cho đến bây giờ) cũng đáng được gọi là Ô/B Cố lắm vì con cái họ cũng đỗ đạt chẳng thua gì các linh mục (có người còn hơn nữa). Tôi hiểu là tỷ lệ hàng ngũ linh mục trong số giáo dân (cả nam lẫn nữ) là một con số rất nhỏ - theo thống kê năm 2005 thì con số tỷ lệ đó vào khoảng 0.04715% (trong số 2120 giáo dân chỉ có 1 người làm linh mục) – nguồn: http://www.catholic-hierarchy.org/country/sc1.html. Nếu so sánh con số linh mục với toàn thể dân số VN thì con số đó càng nhỏ hơn (0.00324%), nhưng đó là chuyện khác vì không phải bất cứ người VN nào cũng là người công giáo, trái lại người công giáo chỉ chiếm 6.87% dân số mà thôi (vẫn theo nguồn như trên). Nhưng nếu so sánh con số linh mục với số nam giáo dân từ 25 tuổi trở lên thì con số ấy tăng lên đến 0.14833% (cứ 674 người đàn ông công giáo từ 25 tuổi trở lên, có 1 người làm linh mục) – dựa trên nguồn: https://www.cia.gov/library/publications/the-world-factbook/fields/2018.html.

    Riêng đối với cá nhân tôi thì tôi vẫn thấy việc gọi cha mẹ linh mục là Ô/B Cố là một sự tâng bốc thế nào ấy…

    ReplyDelete
  2. Ma soeur, Ma không phải là tĩnh từ mà là sở hữu từ (pronoms possesifs) thì đúng hơn. Do đó, chữ Ma không phải thêm vào để tỏ lòng tôn kính.

    Chỉ xin lưu ý độc giả một chút thế thôi. Ngoài ra, bài viết giải thích rõ ràng nghĩa của từ Cố, Mụ... giúp giáo dân kể cả người ngoài hiểu rõ thêm các danh xưng. Chân thành cám ơn tác giả.

    ReplyDelete
  3. Cảm ơn tác giả của bài viết trên. Trên 25 năm sống với ước mơ làm linh mục công giáo và hiện tại tôi vẫn là lm. Nhưng mỗi khi nghe người khác gọi cha mẹ tôi là ông bà cố, tự nhiên tôi cũng thấy ngượng ngượng. Tôi cũng từng nhiều lần tâm sự với mẹ tôi đừng để người ta gọi là bà cố, nhắc họ gọi là bà là bác là dì là được rồi. Cụ gật đầu mỉm cười. Tôi nói tiếp, trên bao nhiêu ngôn ngữ cũng như văn hoá mà tôi đã học qua và được biết, không có một dân tộc nào gọi cha mẹ của lm là ông bà cố cả. Cá nhân tôi rất tán thành bỏ đi thói gọi đó. Hơn nữa, trong bài viết trên nói khi xưa người dân Việt gọi cha mẹ của các vị quan chức là ông bà cố, nên công giáo cũng gọi như vậy đối cha mẹ của các lm; mà ngày nay mọi người đã thay đổi thói gọi đó, vậy thì tại sao công giáo Việt Nam lại không làm theo được? Thiết tưởng đây là việc tốt nên làm, nên đổi. Tôi thỉnh thoảng xem YouTube với tựa đề "từ áo cà sa đến thập tự giá" của một vị Đại Đức nói về đời sống tu đức và cách xưng hô cử chỉ vái lạy của các tín đồ đối với ngài, ngài cảm thấy mình bất xứng. Vì vậy, với lòng quan tâm về tu đức, tôi vẫn thấy cái gì đó ngại ngại khi nghe cách gọi như trên. Ngoài ra, phải xin lỗi cha mẹ của các lm trước, tôi rất thương mến họ như thương mến cha mẹ tôi vậy, nhưng tôi sẽ không gọi họ là ông cố hoặc bà cố.

    ReplyDelete

Note: Only a member of this blog may post a comment.