Ý tưởng tìm hiểu, viết
bài về Hột Vịt Lộn Long An đến trong đầu tôi một cách rất đơn giản: trên đất Mỹ
này, ngay tại Little Saigon này, lại có người gốc Việt “dám” dấn thân vào một
nghề mà “Mỹ nghe tên đã chạy làng.” Đó là sản xuất và bán hột vịt lộn.
Thế nhưng, câu chuyện
kể của ông Thomas Chín Đàm cùng phóng viên Người Việt ngay tại lò ấp trứng của
ông gần chợ Bến Thành và dọc đường từ Bolsa hướng đến vùng Ramona ở San Diego
khi lên thăm nông trại nuôi vịt, trồng mía của ông, đã vẽ nên một bức tranh rất
khác về chủ nhân của Hột Vịt Lộn Long An, một triệu phú với bài học “biến rác
thành tiền” và “công thức làm ra tiền.”
Ông Thomas Chín
Đàm, chủ nhân Hột Vịt Lộn Long An, tại nông trại ở Ramona, San Diego.
|
Ngược về quá khứ
Thật khó mà nghĩ được
đằng sau tấm bảng hiệu Hột Vịt Lộn Long An (Long An Farms) nằm trên con đường
nhỏ Weststate cạnh chợ Bến Thành, Westminster, là cả một dàn 30 máy ấp trứng
để mỗi tháng cho ra khoảng nửa triệu trứng vịt lộn gửi đi khắp các tiểu bang để
bán. Chưa tính đến trứng gà, trứng cút, trứng ấp riêng cho các hãng dược
phẩm bào chế thuốc chích ngừa trái rạ (chicken-pox), là một dàn xe tải bảy
chiếc lớn nhỏ chỉ dùng để đi giao trứng và mía cho các nơi. Hơn thế nữa, đàng
sau tấm bảng hiệu đó còn không biết bao nhiêu nông trại nuôi gà, nuôi vịt, nuôi
cút, nuôi ngỗng, nuôi thỏ, nuôi cả chuột bạch vừa lấy thịt, lấy trứng, hoặc
cung cấp cho các phòng thí nghiệm tại các trường học trong vùng, được gầy dựng
khắp nơi.
Thương hiệu Hột Vịt
Lộn Long An ra đời từ một tình cờ được đưa đến cho ông Thomas Chín Đàm, người
đang làm công việc bán máy may công nghiệp khi đó mới ngoài 30 tuổi.
“Đó là năm 1995, có
một ông người Đức chuyên nghề ấp trứng gà cho các trường học, các phòng thí
nghiệm, để làm thuốc chích ngừa trái rạ, chuẩn bị về hưu nên muốn
bán lò ấp trứng của ông với giá $100,000, chỉ cần trả trước $50,000,"
ông Chín nhớ lại.
Khi thấy ông gốc Việt
còn đắn đo chưa muốn mua, ông gốc Đức bèn giới thiệu một số khách hàng sẵn có của
ông, dù không nhiều.
Chi Vu purchases some
balut at the store
Nhìn những máy ấp trứng
gà làm vaccine, trong đầu ông Chín lại nghĩ đến chuyện “liệu máy này có ấp được
trứng vịt để cho nó thành trứng vịt lộn được không?” Ông Chín đưa cho ông người
Đức vài trứng vịt nhờ ấp thử.
“Thay vì trứng gà
làm vaccine chỉ ấp 3-4 ngày thì trứng vịt ông ấp chừng hai tuần, khi con vừa
lớn mình mang ra ăn thì thấy giống y chang hột vịt lộn.” Một ý tưởng lóe lên.
“Họ chỉ mình cách
làm nhưng cái khó là trứng ở đâu mà ấp? Thế là phải đi tìm nguồn trứng.”
Nông trại nuôi vịt
mà ông Chín liên lạc được ở thời điểm đó chính là nông trại Ramona ở San Diego
của một người Philippines (mà chỉ ít lâu sau ông Chín đã mua hẳn và làm chủ cho
đến hôm nay).
“Khi đó họ ấp trứng
vịt, mình ấp trứng gà trao đổi cho nhau. Nhưng mà họ không có trứng đều. Lúc
mình cần thì họ không có, lúc họ dư thì mình không cần. Khi đó tôi thấy chỉ khi
mình tự sản xuất thì mới điều tiết được sản phẩm.” Nghĩ là làm. Ông Chín
quyết định mua luôn nông trại nuôi vịt Ramona để “tự cung tự cấp.”
Bằng giọng nói của
người Nam Định đã “lai” giọng Nam khá nhiều, người đàn ông trong bộ đồng phục của
Hột Vịt Lộn Long An kể lại chuyện ngày đầu lập nghiệp một cách tự tin, cởi mở:
“Lỡ chơi rồi chơi luôn! Lúc đó tôi cầm hết hai cái nhà, vay thêm nợ để mua cả lò
ấp trứng lẫn nông trại nuôi vịt.”
Chủ nhân Long An
Farms nói bằng giọng tỉnh rụi, “Tôi cũng chết lên chết xuống với mấy con vịt
nuôi. Nuôi, ấp, rồi nó chết, tùm lum hết, chứ không phải trôi chảy liền đâu.
Chưa kể bán chịu cho người ta, người ta giựt không trả tiền nữa.”
Thời gian khốn khó,
vật vã với gà với vịt của ông Chín kéo dài đến 6 năm. “Suốt thời gian đó, mỗi lần
nhìn bà xã là bà hỏi 'cần tiền nữa rồi phải không.' Anh em cũng chạy trốn hết
vì mình mượn nhiều quá rồi.”
Tuy nhiên, khi bờ vực phá sản
cận kề thì sự kiện 9-11 của năm 2001 xảy ra. Trong đời, thảm họa của người này
đôi khi lại trở thành sự cứu rỗi cho người khác. Ông Chín “sống” lại từ thời điểm
ấy.
Vịt được nuôi lấy trứng
làm trứng lộn của Hột Vịt Lộn Long An.
Lấy “trái rạ"
nuôi hột vịt lộn
Vẫn bằng cách nói
chân tình, ông Chín tiếp tục, “Năm 2001 tưởng đâu là phá sản rồi, đùng cái 9-11
xảy đến, chính phủ cần thuốc chích ngừa trái rạ. Trước đó tôi cũng làm loại
vaccine này nhưng mà Mỹ không cần, không mua, nên làm ra chỉ để bán cho
các nước nghèo thôi.”
Sẵn lò, sẵn trứng, ở
thời điểm cả nước suy sụp vì khủng bố, ông Chín lại nhận được từ chính phủ
hợp đồng trị giá $1 triệu để cung cấp cho họ vaccine ngừa trái rạ.
“Họ đưa trước cho
mình 10%, tức $100,000. Khi đó tự dưng mình sống lại,” ông Chín cười tươi tắn.
Ông "tiết lộ"
thêm, “Làm nghề gì có liên quan đến thuốc men là có ăn, làm $1 bán $30, còn làm
chợ, làm ăn uống lời chỉ vài phần trăm thôi” và “Thời buổi khó khăn, chỉ có
kinh doanh thực phẩm và thuốc men là vững chắc, vì ai cũng phải ăn, cũng phải cần
thuốc men.”
Theo chủ nhân Hột Vịt
Lộn Long An, “trứng gà để làm vaccine hay làm trứng lộn đều giống nhau, chỉ
khác cách làm. Trứng để làm thuốc chỉ ấp 3 ngày rưỡi, xong bỏ vi khuẩn vô trong
quả trứng, đóng lại giao đi để họ làm thuốc chích ngừa trái rạ. Trứng gà ấp
tiếp khoảng 2 tuần thành trứng gà lộn, còn vịt thì khoảng 3 tuần, đến tuần thứ
tư thì nở ra con.”
“Máy ấp trứng lộn
hay trứng làm vaccine đều như nhau, chỉ khác dụng cụ đựng trứng. Mỗi máy ấp được
khoảng 10,000 trứng. Ngay tại lò ở Little Saigon có 30 máy ấp, ở nông trại San
Diego có thêm 20 cái chuyên ấp trứng nở thành con,” ông Chín giải
thích.
Người đàn ông từng
phải làm 14 tiếng mỗi ngày, 7 ngày mỗi tuần trong suốt nhiều năm liền để thử
nghiệm với trứng gà trứng vịt tâm sự, “Tôi khởi đầu nghề ấp trứng là để làm hột
vịt lộn nhưng không thành công, trong khi làm thuốc chích ngừa lại thành công.
Nhưng vì nhu cầu trứng lộn là có thật và rất vững chắc nên khi có được tiền rồi
thì tôi quay trở lại với nghề mình muốn, là làm trứng lộn.”
Nông trại nuôi vịt của
Hột Vịt Lộn Long An ở Ramona, San Diego.
Với số tiền ứng trước
$100,000 của chính phủ, một năm sau, ông Chín kiếm được $1 triệu, đủ trả hết nợ,
chuộc lại những căn nhà cầm cố, và quan trọng hơn là “có tiền mua gà vịt thoải
mái luôn để nuôi để ấp.”
“Với hột vịt lộn,
người Philippines chiếm đến 70% thị trường tiêu thụ, người Việt chỉ có 30%. Thế
nên tôi thuê nông dân Philippines thứ thiệt nuôi vịt cho mình, làm quản lý nông
trại cho mình. Còn gà thì người Mỹ có kinh nghiệm hơn nên tôi thuê Mỹ nuôi gà
cho tôi,” ông nói tiếp.
Hiện tại, dù tên cơ
sở được mọi người biết đến vẫn là Hột Vịt Lộn Long An, nhưng thực ra ông Chín
làm cả hai thứ: ấp trứng làm thuốc và ấp trứng lộn.
“Làm thuốc thì đơn đặt
hàng khá ổn định, cứ mỗi năm chính phủ cần bao nhiêu trứng họ báo cho mình biết,
rồi năm tới cứ làm cái mới, lúc nào họ cũng để dành vaccine sẵn sàng, 'khi cần
là có đạn mà bắn.' Còn trứng lộn thì chỉ để ăn chơi thôi.”
Ông cho biết, “Tỉ lệ
trứng ấp làm thuốc ít hơn trứng lộn nhưng lời nhiều hơn. Làm trứng lộn chiếm
70% nhưng lời chỉ 30%.”
Trả lời câu hỏi “So
với ngày đầu thành lập Hột Vịt Lộn Long An, đến nay lợi tức của công ty đã phát
triển lên bao nhiêu lần?” Ông Chín nói tỉnh rụi, “Không biết. Chỉ biết hồi
năm đầu mới làm, bán chỉ được chừng sáu, bảy chục ngàn, giờ khoảng 3-4 triệu một
năm.”
Hiện tại, hột vịt
lộn Long An được bán khắp 50 tiểu bang với số lượng khoảng nửa triệu trứng mỗi
tháng.
Và đâu chỉ dừng lại ở
hột vịt lộn, trứng gà lộn, trứng gà trái rạ, người đàn ông vừa bước qua tuổi
50 này còn biến “rác thành tiền” từ việc nuôi cút làm vaccine, nuôi thỏ làm thuốc
ngừa thai, nuôi chuột cho phòng thí nghiệm, nuôi ngỗng làm thuốc cho những phụ
nữ hiếm muộn, và đặc biệt, trồng mía không phải để ép thành nước mía mà chủ yếu
lấy phấn mía làm thuốc giảm cân.
Ông Chín Đàm đã áp dụng bài
học “biến rác thành tiền từ bó rau muống của mẹ” và học công thức làm giàu từ
Samuel Brannan, triệu phú đầu tiên của California, như thế nào sẽ được đề cập đến
trong phần sau.
Bài học 'Biến rác
thành tiền' và học công thức làm ra tiền
Đa phần người ta biết
đến Hột Vịt Lộn Long An như một thương hiệu lớn và là thương hiệu duy nhất của
người Mỹ gốc Việt trong lãnh vực đầu tư hiếm hoi này.
Thế nhưng, nhiều người
không hề biết rằng, thực ra, kinh doanh hột vịt lộn chỉ mang đến cho chủ nhân
công ty này 30% lợi tức trong lãnh vực ấp trứng gà trứng vịt. Thomas Chín Đàm,
người đàn ông 50 tuổi, gốc Nam Định, có phong cách xuề xòa, gần gũi, thích làm
từ thiện cho nhà thờ, thực sự là người kiếm được rất nhiều tiền, bên cạnh nghề
làm trứng lộn, từ những công việc được gọi nôm na là “nghề đặc biệt” ở Mỹ, như
nuôi cút làm vaccine, nuôi thỏ làm thuốc thử thai, nuôi chuột cho phòng thí
nghiệm, nuôi ngỗng làm thuốc cho những phụ nữ hiếm muộn, và đặc biệt, trồng mía
để lấy phấn mía làm thuốc giảm cân, hay bán cho công ty dầu khí Shell làm
“ethanol”, một loại xăng sinh học.
Kinh nghiệm mà ông
Chín Đàm chia sẻ từ những gì học được, nghiệm ra được trong quá trình “đi
buôn” của mình chắc chắn sẽ mang đến bao điều thú vị cho mỗi chúng ta.
Ông Thomas Chín Đàm,
chủ nhân Hột Vịt Lộn Long An, người thành công với bài học "biến rác thành
tiền".
Khi mía trồng không
chỉ dùng để bán “nước mía”
Khách đến tiệm Hột Vịt
Lộn Long An đôi khi không phải để mua trứng mà là muốn có ly nước mía tươi ngọt
lịm.
Mía được dùng để ép
lấy nước nơi đây khác hẳn nhiều tiệm ở chỗ nó luôn là mía tươi, không phải mía
đông lạnh. Mía của nước mía Long An được chính chủ nhân trồng trên cánh đồng rộng
120 mẫu Tây, cũng ở miền Nam California, cách Bolsa chừng hơn 3 tiếng lái xe.
Nhưng mục đích trồng
mía không phải để bán nước mía!
“Tôi trồng mía để lấy
phấn mía bán cho các công ty dược điều chế thuốc giảm cân,” ông cho biết.
Theo lời
ông, trên thế giới, mía được trồng nhiều ở Cuba và Mexixo, nhưng “một sản
phẩm được xem là 'made in USA' thì nguyên liệu của nó phải xuất xứ từ Mỹ. 95%
thành phần thuốc giảm cân là lấy từ phấn mía. Họ cần mía trồng ở Mỹ.”
Ông Chín nhớ lại,
"Trước đây, ở Mỹ chỉ có Hawaii, Florida, Texas và Louisiana trồng mía. Khi
nhận được lời đề nghị bán phấn mía cho một công ty dược phẩm, tôi bay sang
Florida mua một xe mía trị giá cả $10,000, nhưng họ không cho nhập vô
California vì chính sách bảo vệ nông nghiệp của tiểu bang này.”
Ông thử thời vận
thêm một lần nữa bằng cách sang Texas mua mía. Tuy nhiên, người ta chỉ cho phép
ông nhập mía đông lạnh vào California mà thôi, còn mía tươi thì không. “Rõ ràng
chính phủ chặn hết mọi ngả cho mía tươi nhập vào tiểu bang này.”
“Trong khi vợ tôi
khóc vì tiếc tiền thì tôi cười thầm vì thấy cơ hội quá hên hiện ra trước mắt: Tôi
sẽ trồng mía ở California,” người đàn ông luôn biết nắm bắt cơ hội nhoẻn miệng
cười.
Cả một ngành kỹ nghệ
mới mở ra, ông Chín mất gần 5 năm mày mò nghiên cứu để trồng và lấy phấn mía
ngay trên 5 mẫu đất dư ở nông trại nuôi vịt. Trong thời gian chờ đợi kết
quả thu hoạch phấn mía tại California thì ông mang máy móc sang Florida
mua mía để đánh phấn ra, sàng lọc mang bán.
“Như đã nói, những
gì làm có liên quan đến thuốc men đều mang lại nhiều lợi nhuận gấp 30 lần. Mía
sau khi lấy phấn xong thì mình đưa vào dập lấy nước, qua nhiều chế biến sẽ trở
thành 'ethanol' - một loại xăng sinh học để bán cho công ty dầu khí Shell. Mía
còn lại nữa thì bán nước mía,” ông Chín phân tích.
Ông Chín Đàm bên chuồng
nuôi cút nhỏ tại nông trại Ramona ở San Diego.
“Muốn làm thương mại
phải liều, phải lỳ và phải hên!”
Nghe chủ nhân Hột Vịt
Lộn Long An kể về những công việc ông làm, tôi hỏi, “Bí quyết để thành công
trên thương trường của anh là gì?”
Ông nói chậm rãi,
“Làm thương mại thì phải có máu liều. Chưa đủ. Phải lỳ nữa. Cũng chưa đủ. Phải
hên nữa.”
Hên trong kinh
doanh, theo ông Chín, chiếm đến 60% mức độ thành công. “Khi mình hên thì mình
làm việc này nó kéo theo được nhiều việc khác, rất dễ dàng.”
Ông nói như tâm sự,
“Những đồng tiền đầu tiên mình kiếm được trong kinh doanh khó lắm, chua lắm.
Cũng như $100,000 mà tôi có được khi nhận hợp đồng trị giá $1 triệu để làm
vaccine cho chính phủ sau sự kiện 9-11 chua lắm. Khi đó mình gần như phá sản rồi.
Đó là tiền mồ hôi, nước mắt. Tiền của 14 tiếng làm việc mỗi ngày, 7 ngày mỗi tuần.
Nhưng khi thời cơ đến mình phải biết cầm cờ mà phất. Có $100,000 mình sẽ làm được
$1 triệu, từ $1 triệu đó thì triệu thứ hai, thứ ba trở đi dễ kiếm lắm.”
Như ông nói,
cái hên này sẽ kéo theo cái hên kia, “nhiều khi tiền cứ như từ trên trời rơi xuống.”
Ông “tiết lộ,"
"Năm 2016 tôi sẽ có thêm sản phẩm mới, đó là ốc bưu!" Đó là những
con ốc bưu từ đâu đổ về trên dòng sông ngay ruộng mía của ông.
“Giờ tôi đang học
cách nuôi coi nó đẻ trứng nở con thế nào, rồi học cách phân loại, liên lạc với
các nhà hàng để bỏ mối cho họ. Có phải là tiền từ trên trời rơi xuống không?”
Ông Chín cười đắc chí.
Học “biến rác thành
tiền” từ bó rau muống của mẹ
Sang Mỹ năm 1975
cùng vợ chồng người anh trai khi mới 8 tuổi, ông Chín Đàm cũng trải qua thời
gian vừa đi học vừa đi làm như bao người dân tị nạn khác.
Ông cho biết, “Tôi học
về thương mại, nhưng thương mại trong nhà trường chỉ dạy những điều căn bản
thôi. Tôi học chính là từ mẹ tôi, bài học đầu tiên bà dạy tôi là từ bó rau
muống.”
“Mẹ tôi cầm bó rau
muống nói, 'Con thấy cái ngọn không, ai cũng thích cái ngọn. Mình ngắt hết cái
ngọn là phần ngon nhất để bán, vì thích ngọn nên ai cũng mua, xem như mình
không cần bận tâm chuyện bán ngọn. Còn lại phần cọng là hàng kẹt, vì phần đó
già không ai ăn.'"
Mẹ tôi chẻ phần cọng
đó ra, ngâm vào nước, mang bán cho các hàng bún riêu, vì ai bán bún riêu cũng
phải cần rau muống chẻ hết.
"Mẹ tôi nói,
'Như vậy, thay vì cọng rau già xem như phần rác vứt đi thì giờ mình lại biến
thành rau muống chẻ bán còn đắt tiền hơn phần ngọn. Cho nên, con làm ngành gì
thì làm nhưng khi nào con biết biến rác thành tiền thì con bước chân vào thương
mại được,'” ông chia sẻ.
Bài học biến rác
thành tiền - “trask to cash” - mà ông Chín học từ người mẹ là như vậy.
Không dừng lại ở đó,
bài học tiếp theo mà người được xem là thành công trên thương trường này cũng học
được từ mẹ của mình chính là sự thật thà.
Ông Chín nói, “Ngày
xưa gia đình tôi bán vải. Mẹ tôi nói con đo đúng thì suốt đời ăn không hết, đo
mà rút lại thì chống gậy mà ăn, tức là nếu ăn gian thì sẽ đi ăn mày.”
Hai bài học nghe chừng
đơn giản đó, liệu ai cũng học được để thành công?
Một góc trồng mía thử
nghiệm của ông Chín Đàm tại San Diego.
Học công thức làm ra
tiền
Câu chuyện dài của
ông Thomas Chín Đàm cùng phóng viên Người Việt ngay tại lò ấp trứng của ông gần
chợ Bến Thành và dọc đường từ Bolsa hướng đến vùng Ramona ở San Diego khi lên
thăm nông trại nuôi vịt, trồng mía của ông, không dừng lại ở chuyện nuôi gà nuôi
vịt trồng mía bắt ốc, mà sâu hơn, là những bài học, những kinh nghiệm của
một người có nhiều năm dấn thân vào thương trường trên nhiều lãnh vực muốn chia
sẻ cùng mọi người.
Chủ nhân Hột Vịt Lộn
Long An chiêm nghiệm, “Làm việc gì cũng khó khăn hết nhưng mình phải biết công
thức để kiếm tiền vì tiền là một thứ mơ hồ lắm. Tiền phải biến ra thành tiền.
Tiền có lúc kiếm không ra, lúc mình không kiếm nó lại đến.”
“Tôi làm ở đây cũng
lâu, từ 1995 đến nay gần 20 năm, giờ nhìn lại thấy hồi xưa mình làm sai hết, hoặc
mình làm đúng nhưng chưa đúng tới nơi tới chốn vì mình không đủ tiền để xoay.
Làm bất cứ ngành gì cũng cần có tiền để xoay, không có tiền sẽ chết. Quan trọng
là học công thức làm ra tiền. Điều này không ai chỉ.”
Ông kể, “Năm
2003 xảy ra dịch cúm gia cầm, cả ba tháng trời người ta không ăn gà vịt.
Tôi học thêm bài học: không bao giờ tập trung kinh doanh vào duy nhất một lãnh
vực!”
Thế là, “người nông
dân” Chín Đàm lại bước vào một lãnh vực mới: nuôi chuột bạch cho phòng thí nghiệm,
nuôi thỏ và chích máu từ tai thỏ để người ta làm thuốc thử thai.
Đó là chưa kể ông
còn nuôi gần 50,000 con chim cút không phải chỉ để lấy trứng bán mà chủ yếu là
“cũng làm vaccine dành cho những người bị dị ứng với gà” và trên 200 con ngỗng
vừa lấy trứng bán vừa làm thuốc trị hiếm muộn.
"Như vậy đã đủ
hết những gì mà Hột Vịt Lộn Long An 'bao sân' chưa?"
"Chưa!"
Ông Chín không chỉ
là một nông dân “chăn vịt” mà ông còn là một người kinh doanh bất động sản, làm
ăn theo cách thức của Samuel Brannan, người được xem là triệu phú đầu tiên của
California trong thời kỳ tiểu bang này "dậy sóng" với phong trào
đào vàng của những năm cuối thập niên 1840.
Chuyện kể rằng, năm
1848, vàng được tìm thấy dọc bờ sông American, California. Trong khi những người
đầu tiên phát hiện ra vàng cố gắng giữ bí mật này, thì có một người đàn ông cầm
một bình thủy tinh chứa đầy vàng chạy khắp các con đường ở San Francisco hét
toáng lên: “Vàng! Vàng ngoài sông American!”
Người đó là Samuel
Brannan.
Tuy nhiên, ông
Brannan giàu lên không phải vì ông tham gia đi đào vàng như bao người khác mà
vì trước đó ông đã mua cửa hàng duy nhất nằm giữa San Francisco và bãi vàng, chất
vào đó tất cả mọi thứ hàng hóa thiết bị ông có thể tìm được, rồi bán lại hay
cho dân đào vàng thuê với một giá lời không thể tưởng tượng được.
Ông Chín Đàm hiện tại
cũng làm công việc tương tự tại nơi người Mỹ đang xây dựng những nhà máy chế biến
“ethanol” bằng cách mua những trung tâm thương mại, các thị trấn, các khu
chung cư và cho những người công nhân quanh đó thuê!
Người đàn ông sinh
năm 1963 có vầng trán rộng và nụ cười tươi tắn nhận xét, “Mỹ là nơi cho phép
người ta muốn làm gì làm. Mỹ cho mình nhiều cơ hội để thành công. Và với tôi,
làm nghề nên chọn nghề đặc biệt mà nghề đặc biệt ở Mỹ luôn luôn có.”
Trước khi câu chuyện
kết thúc, ông Chín Đàm chìa ra tấm bảng gỗ khoe do “bà xã mua tặng,” trên có
dòng chữ ghi theo kiểu thư pháp: “Đời: Muốn thành công phải trải qua thất bại.
Trên đường đời có dại mới thành công,” như một lời nhắn nhủ với những ai còn
loay hoay chưa định được cho mình một con đường đúng trên thương trường.
Ngọc Lan
*****
Apr 14, 2011
Các chủ trại gà gốc
Việt hàng năm đang cung gấp cả tỉ pounds thịt gà cho thị trường Mỹ. Chỉ tại
“khu tam giác gà” tại Austin, Texas, đã có hơn 100 chủ trại gà gốc Việt. Riêng
một trại gà của ông Hiệp, rộng 60 mẫu, mỗi năm ra ...
Apr 22, 2014
Một nông dân Hoa Kỳ
trung bình giờ đây 58 tuổi, và các nông gia 65 tuổi trở lên là thành phần dân số
đang gia tăng nhanh nhất. Đó là một khuynh hướng đáng lo ngại báo hiệu những
thay đổi lớn trước mắt cho ngành nông nghiệp Hoa Kỳ khi các nông dân nghỉ hưu.
Một phúc trình mới từ Cục Thống kê Dân số Hoa Kỳ gợi ý về một số những thay đổi
đó sẽ như thế nào... và tại sao những thay đổi đó có thể không gây lo ngại như
vậy.
Apr 15, 2011
Chơi tô lớn, thêm
cái hột gà cộng thêm tiền “bo” là mất đứt 12 đô gần 200 ngàn mà thua phở Nam
Ngư Hà Nội là cái chắc. Sau tôi phải quên đi, không quy tiền Mỹ sang tiền Việt
nữa mới dám đi chợ. Chợ Mỹ bao giờ cũng đắt ...
Jun 29, 2011
Họ vẫn giữ lại mấy
con cừu, đàn gà và một vườn rau lớn, đủ để duy trì không khí của một nông trại
cho khách thưởng lãm mà thôi. Mùa hè năm nay, du khách nào muốn thăm vườn cây
ăn trái của người Việt tại Miami, bang ...
Oct 04, 2012
Ông đòi mượn ván gỗ
để chêm bánh xe, tôi làm sao có được, y chạy lui chạy tới như gà mắc đẻ, rồi
hét lớn;” Tại sao không cho biết đất còn mềm. Bây giờ làm sao mà lui ra đây?”“
Tôi làm sao mà biết .... Sáng hôm sau, tôi lái xe về phía Nam nông trại, đi mất
chừng hơn nửa giờ, đến gần khu có cây xăng, nơi đây các thanh niên người Nam Mỹ
thường hay tụ tập, đứng lóng ngóng chờ người đến thuê đi làm. Xe tôi vừa đậu lại,
thì có hơn hai chục thanh niên vây kín, lao ...
No comments:
Post a Comment
Note: Only a member of this blog may post a comment.