Trong dịp tôi vừa mới đi tham dự Đại Hội Quốc Tế Về Tù Nhân được tổ chức tại một nước Châu Mỹ La Tinh Costa Rica, từ ngày 26 tới 28 tháng 4, 2017 vừa qua, gồm các tham dự viên đến từ các quốc gia theo chế độ Tự Do, Dân Chủ trên thế giới, ngoại trừ không có mặt các tham dự viên của 3 nước: Bắc Hàn,Trung Cộng và Việt Nam, sự vắng mặt của 3 nước này cũng dễ hiểu, không cần phải giải thích ra đây. Riêng tôi là người Việt Quốc Gia duy nhất trong đại hội và khi vị Trưởng Ban tổ chức cuộc hội thảo giới thiệu danh tánh các quốc gia đến tham dự đại hội, không ngờ sự nhậy cảm của ông, sợ tôi sẽ bị hiểu lầm là từ Việt Nam đến, tự động ông giới thiệu tôi là công dân Hoa Kỳ và sẽ là một trong những thuyết trình viên trong Đoàn Thuyết Trình của Hoa Kỳ (US Panel Guest Speakers). Ngay sau đó, tôi ngỏ lời cám ơn ông về sự giới thiệu thật chính xác tình trạng công dân của tôi trước mặt các tham dự viên.
Trong 3 ngày Đại Hội Quốc Tế về tù nhân này, ngày thứ 2 dành riêng cho các tham dự viên đến thăm trại nữ tù nhân tại đây.
Chúng tôi gồm 40 người được chia ra làm 3 toán, mỗi toán đến thăm hỏi các nữ tù nhân ở 3 khu gia cư khác nhau trong trại tù.
Trước khi chúng tôi đến tiếp xúc trực tiếp thăm hỏi các tù nhân, một nữ nhân viên thay mặt cho vị Trưởng Trại Tù cho biết sơ qua vài nét chính yếu của trại tù nữ, là ở Costa Rica không có án tử hình, bị tù lâu nhất là 50 năm và đặc biệt trại tù nữ có 2 loại: Một loại có bầu trước hay có bầu sau khi đang bị ở tù, được cấp cho mỗi người một căn phòng riêng và sau khi sanh con, người mẹ được quyền nuôi nấng con ngay trong căn phòng này, cho đến khi nó tròn 3 tuổi, nếu bố nó hay người thân trong gia đình không lãnh nó về nuôi, bắt buộc chính phủ phải đưa nó vào trong cô nhi viện mồ côi.
Trong lúc nhóm chúng tôi đang trực tiếp thăm hỏi tập thể khoảng 20 tù nhân, thì tình cờ trong số những nữ tù nhân này, có một cô khoảng trên 30 tuổi, bất thình lình chạy đến chỗ tôi đứng, ngỏ ý muốn được nói chuyện riêng với tôi với mục đích mong nhận được sự chỉ dẫn của tôi trước khi cô sẽ được phép ra khỏi tù trong vòng 3 năm nữa, theo quy chế tạm dung (Parole) khoan hồng của chính phủ Costa Rica mà cô sẽ được thụ hưởng . Cô tâm sự cho tôi biết là cô theo đạo Công Giáo và là một luật sư tại nước này, cô hành nghề luật sư mới được hơn 1 năm, thì cách đây 3 năm, cô bị lãnh án tù ở 18 năm, về tội làm giả mạo giấy tờ di chúc cho một thân chủ của cô, để người này được thừa hưởng một gia tài kếch sù của bố để lại cho con cái là thân chủ của cô và cô sẽ được thân chủ chia cho cô 40% của tổng giá trị tài sản, mà thân chủ của cô sẽ được hưởng và câu chuyện xẩy ra như sau:
Cô yêu thương một cậu trai, bạn học cùng lớp trước kia với cô ở bậc trung học, anh này thuộc con nhà nghèo, mẹ hóa con côi, anh phải bỏ học trước khi học hết bậc trung học để đi làm thợ hồ, kiếm tiền nuôi mẹ còn trẻ đẹp nhưng bị bán thân bất toại phải nằm liệt trên giường bệnh, trong khi cô này vẫn tiếp tục học hết bậc trung học và ngay sau đó cô ghi danh vào đại học luật khoa, rồi cô ra trường với văn bằng tiến sĩ luật khoa và cô mở văn phòng riêng hành nghề luật sư. Vì là luật sư còn trẻ tuổi mà lại mới ra trường, thiếu kinh nghiệm trong nghề, nên cô có rất ít thân chủ đến nhờ cậy cô bênh vực cho họ trước tòa; nhưng cô vẫn hy vọng trong một tương lai gần, cô chỉ cần có một vụ kiện tụng nào lớn lao trước tòa, thì cô sẽ kiếm được nhiều tiền, để cô có thể tổ chức một bữa tiệc cưới linh đình, mời bà con họ hàng đông đủ hai bên, bạn bè và đồng nghiệp của cô, để chung vui ngày cô bước lên xe hoa với anh chàng thợ hồ nghèo nàn, là người chồng yêu dấu nhất suốt đời của cô, mà hai người đã thề hứa chung thủy với nhau khi bệnh hoạn cũng như khi nghèo đói và hai người sẽ cùng nhau đi hưởng tuần trăng mật ở một vài nước Âu Châu và Hoa Kỳ.
Thế rồi điều mong ước này của cô sắp trở thành hiện thực, như cô đang mong mỏi chờ đợi bấy lâu nay, thì bất ngờ một hôm, có một người con trai của một nhà triệu phú đến văn phòng nhờ cô viết di chúc cho anh, anh nói cho cô biết bố anh mới qua đời đêm hôm qua và ông không để lại một tờ di chúc nào, để phân chia tài sản và tiền bạc của ông cho 2 người con trai duy nhất còn sống sót, đó là người anh cả của anh và anh là người con trai út còn độc thân, người anh cả hơn anh 10 tuổi này, đã lập gia đình từ lâu lắm rồi, anh yêu cầu cô viết di chúc ghi rõ tất cả tài sản và tiền bạc của bố anh là để lại cho anh. Vì chợt nghĩ đến dự tính của cô như vừa kể trên đây, nên cô đã nhận lời làm giấy tờ di chúc giả mạo (Fraud Will) cho anh, có nghĩa là cô nhại lại chứ ký của bố anh và cô sợ lỡ ông bố đã có viết di chúc, tự tay đem cất giấu một chỗ kín nào đó ngay trong nhà, mà người nhà không tìm thấy hoặc đưa cho một ai đó cất giữ kỹ dùm ông, mà người trong nhà cũng không hay biết, nên để đề phòng sự bất chắc có thể xẩy ra trong tương lai và tránh cho bản thân cô và thân chủ của cô đều có thể bị truy tố trước pháp luật về tội hình sự, là 2 người đã thông đồng, cấu kết với nhau làm giả mạo giấy di chúc , cùng với 2 chữ ký của 2 nhân chứng giả mạo (False Witnesses), nên ngay trên trang đầu của tờ di chúc, cô đã ghi to 4 chữ Di Chúc Cuối Cùng (The Last Will). Nhưng trời cao có mắt, Công Tố Viên (Prosecutor) buộc tội cô trước tòa, là người chủ mưu làm giả mạo di chúc cho thân chủ của cô, với bằng chứng cụ thể, qua những lời tình nguyện thú tội của chính thân chủ của cô trước tòa, là cô đã làm giấy tờ di chúc giả mạo cho đương sự, để được quyền thụ hưởng tất cả gia tài của bố đương sự để lại sau khi ông qua đời và đương sự còn trưng ra trước tòa giấy tờ ký hợp đồng giữa đương sự với nữ luật sư này, đã ghi rõ trong hợp đồng rằng: Số tiền tổng cộng trị giá tài sản hiện hữu, tiền đầu tư vào các ngân quỹ đặc biệt của chính phủ và của tư nhân, và cuối cùng là tiền bỏ vào các chương mục ngân hàng của bố đương sự, tất cả những nguồn lợi tức khổng lồ như vừa liệt kê trên đây, mà đương sự là người duy nhất đuợc quyền thừa hưởng tất cả gia tài này.
Trong tờ hợp đồng cũng ghi rõ, sau khi đã khấu trừ các chi phí cho việc thi hành di chúc này, tất cả tổng số những nguồn lợi tức còn lại từ bất động sản cho đến hiện kim, đều phải được chia thành 6/4, 60 phần trăm cho đương sự và 40 phần trăm cho nữ luật sư. Cô cho tôi biết, sau khi phải đóng thuế lợi tức cho số tiền của 40 phần trăm này mà cô sẽ được hưởng, thì ít nhất cô sẽ lãnh được một số tiền to lớn tương đương với 4 triệu Mỹ kim và với số tiền to lớn này, không những cô dư tiền chi phí cho tổ chức tiệc cưới linh đình như đã dự định, hai vợ chồng sẽ đi hưởng tuần trăng mật ở nhiều quốc gia, mà còn dư tiền mua căn nhà khang trang, không cần phải mượn tiền trả góp hàng tháng cho ngân hàng. Nhưng mộng đẹp của cô đã không thành, như tôi đã trình bầy ở phần đầu bài này, mà cô đã phải lãnh án 18 năm tù về tội làm giả mạo giấy tờ di chúc. Tuy nhiên cô vẫn còn được may mắn, là sau 3 năm ở tù với hạnh kiểm tốt, cô đã được Hội Đồng Tái Xét Bản Án (Case Reviewing Board) cho phép cô được hưởng quy chế tạm dung về nhà cư ngụ, sau khi đã hoàn tất đủ 6 năm ngồi tù.
Trước khi từ giả cô, tôi cùng phái đoàn thăm viếng trại tù lên đường trở về khách sạn, cô yêu cầu tôi cho cô một lời khuyên như sau: Vì cô phạm tội hình sự (Criminal Crimes), bị mất bằng hành nghề luật sư, nhưng khi cô ra khỏi tù, từng là cựu luật sư xuất sắc, cô có thể dễ kiếm việc làm cho một hãng luật sư (Law Firm), chỉ ngồi trong văn phòng tra cứu (Research) những vu án lệ (Case Law) và ngồi viết những bài lý đoán (Pleadings) cho những luật sư trong hãng có tài hùng biện, được mệnh danh là luật sư tranh tụng (Trial Lwayer) trong các vụ xử án trước mặt quan tòa, để bào chữa tội trạng cho thân chủ của mình trước tòa, vì các vị luật sư này không có đủ ngày giờ để tự mình ngồi tra cứu tài liệu pháp luật và ngồi viết những bài lý đoán cho mình, nên cần phải có vị luật sư phụ tá, làm những công việc này. Nhân thấy với đức tin bền vững vào Lời Chúa của cô, tôi thấy cô không cần phải chờ tới lúc kiếm được nhiều tiền như trước đây cô hằng ao ước, để cô có thể tổ chức đám cưới thật linh đình với chàng thanh niên mà cô yêu thương hết lòng, rồi hai vợ chồng đi hưởng tuần trăng mật ở một vài nước ngoại quốc, trong đó có Hoa Kỳ, thì điều đó hoàn toàn không cần thiết, miền sao hai người phải giữ lời thề hứa yêu thương nhau trọn đời, đám cưới càng đơn giản bao nhiêu thì càng ý nghĩa bấy nhiêu và khi được tại ngoại, nên cưới nhau sớm chừng nào tốt chừng ấy, qua thủ tục pháp luật làm giá thú ngoài đời và qua phép bí tích hôn phối được cử hành trong Ngôi Thánh Đường Công Giáo, đó mới là 2 điều tối quan trọng cho cô cần ghi nhớ những lời tôi khuyên cô và xin Thiên Chúa toàn năng ban phép lành cho cô.
Nói tóm lại, sự việc cô nữ luật sư này bị rút giấy phép hành nghề luật sư vô thời hạn định (Indefinite Disbarment), không có gì là điều xa lạ đối với tôi, vì qua kinh nghiệm hơn 32 năm đặc trách Luật Sư Đoàn Liên Bang Hoa Kỳ tại tiểu bang Oklahoma (Over 32 years in charge of US Attorney Admissions in Oklahoma) và để tuân thủ lệnh cấp trên ban xuống, tôi đã trực tiếp tiến hành những thủ tục hành chánh pháp lý, tạm rút giấy phép hành nghề của một số luật sư vi phạm nội quy hành nghề luật sư, không được phép hành nghề luật sư trong một thời gian dài hay ngắn hạn (Long or short suspension), hoặc không được phép hành nghề luật sư vô thời hạn (Indefinite time). Do đó, câu chuyện của cô nữ tù nhân này có thể được ví như câu nói của Cha Ông chúng ta là: Sinh Nghề Tử Nghiệp, cô này sinh ra làm nghề luật sư nhưng cũng thân liệt danh bại vì nghề luật sư của cô. Trái lại có một câu chuyện thật xẩy ra ở Hoa Kỳ được tiết lộ mới đây trên báo chí, mà nội dung của câu chuyện này hoàn toàn mang ý nghĩa trái ngược hẳn với nội dung của câu chuyện vừa kể trên đây, thay vì câu chuyện nữ luật sư tù nhân trên đây là Sinh Nghề Tử Nghiệp, thì câu chuyện dưới đây lại là Tử Nghiệp Sinh Nghề như sau:
Một nam tù nhân trẻ tuổi, mới 23 tuổi, bị nghiện xì ke ma túy và anh cùng với người bạn thân lớn tuổi hơn anh, xâm nhập vào trong ngân hàng, dùng súng uy hiếp các nhân viên đang làm việc tại đây, để cướp được một số tiền khá lớn, nhưng 2 người vừa bước chân ra khỏi cửa ngân hàng định tẩu hoát, liền bị nhân viên công lực bao vây chung quanh ngân hàng, bắt 2 đương sự tại trận và 2 đương sự đều lãnh án ở tù nhiều năm. Riêng anh tù nhân trẻ tuổi, trong những năm ở tù, anh đã dùi mài khảo cứu về luật pháp trong thư viện của trại tù và ngay sau khi ra khỏi tù, anh đã cắp sách trở lại trường học để lấy được bằng cử nhân và tiếp theo anh học thêm 3 năm nữa để lấy bằng tiến sĩ luật khoa và trở thành luật sư và cũng là giáo sư trường luật thuộc một đại học nổi tiếng ở Hoa Kỳ, đúng như câu nói: Có công mài sắc có ngày nên kim và trường hợp của anh tù nhân này xẩy ra trái ngược lại hẳn trường hợp của nữ luật sư vừa kể trên, một đằng luật sư trở thành tù nhân, đằng khác tù nhân trở thành luật sư kiêm luôn giáo sư trường luật.
PT Nguyễn Mạnh San
No comments:
Post a Comment
Note: Only a member of this blog may post a comment.