Thursday, March 22, 2018

Kay Nguyễn: Từ đam mê xem phim đến Cô Ba Sài Gòn

https://baomai.blogspot.com/
The Nguyen Sisters: Kay Nguyễn và người bạn thân Tilo gắn bó làm phim

Điện ảnh Việt Nam gần đây đã có những thay đổi mạnh mẽ, với sự quan tâm ngày càng tăng của khán giả dành cho phim nội địa.

Với hơn 90 triệu dân, hơn một nửa dưới 35 tuổi, Việt Nam được xem là thị trường triển vọng để đầu tư cho điện ảnh.

Bối cảnh hiện nay đang tạo thêm cơ hội cho những nhà làm phim trẻ bắt đầu tạo dấu ấn của mình.

BBC phỏng vấn nhà biên kịch-đạo diễn Kay Nguyễn, 34 tuổi, đồng đạo diễn (cùng Trần Bửu Lộc) trong phim mới ra, Cô Ba Sài Gòn.

Cô còn viết kịch bản cho nhiều phim gần đây như 1735km, Tèo Em, Lôi Báo, Người Bất Tử. Cô tự cho rằng sự nghiệp điện ảnh của mình chỉ mới bắt đầu, là "một nụ hoa chỉ mới chớm nở từ một hạt mầm đã gieo từ hơn ba mươi năm về trước".

Kay Nguyễn chia sẻ tuổi thơ và thời gian học ở Hoa Kỳ có tác động thế nào đến việc cô quyết định tạo dựng sự nghiệp trong lĩnh vực điện ảnh.

https://baomai.blogspot.com/

Kay Nguyễn: Tôi coi phim từ năm 5 tuổi, có nghĩa là sau khi bà nội mất và nhà dời đi khỏi chỗ ba tôi và tôi được sinh ra. Cuộc sống mới nhiều xáo động, nên giải trí là một cách tìm quên, người lớn chả ai cầm nổi quyển sách để đọc nữa. Nhà tuần nào ba Bình cũng mướn ba bốn cuốn phim Mỹ về cả nhà coi - thời đó coi băng VHS, chỗ cho thuê họ lấy bút lông viết tựa lên miếng giấy dán lên băng, chồng ba bốn tựa lên nhau, chép đè lung tung lâu lâu còn được bonus hẳn 30 phút chót của mấy phim đã xoá - thường phim dài là phim nghệ thuật, ít ai coi, nên người thu băng họ xoá, lâu lâu còn lộn cả phim con heo vào.

Ba tôi phải kiểm tra trước, rồi hướng dẫn gu coi phim của tôi rất nhiều. Hồi xưa ba tôi chắc cũng thuộc loại "dân chơi" nên mấy vụ phim ảnh âm nhạc khá rành và vẫn cập nhật nước ngoài liên tục. Việt Nam lúc đó có gì đâu, toàn tôi thích thì ráng tìm tòi thêm, thích phim nào thì chép tựa (bằng tiếng Việt) và tóm tắt vô quyển sổ. Mà cũng chả biết tóm tắt bài bản gì đâu, chỉ ghi kiểu: phim này có con quái vật thích uống bia, cuối phim nó được về lại hành tinh của nó. Phim kia có thằng cha này có cây súng máy bắn quá trời bắn, nhưng lại là người tốt. 3-4 phim khác nhau phim nào cũng bắn, chỉ đổi kiểu súng, nhưng coi cũng rất đã…Phim khác nữa thì cảnh rất đẹp, nhìn như sắp đặt, không phải cảnh thiệt, nhưng mà lại là cảnh thiệt? Đại loại là vậy. Rất ngô nghê.

https://baomai.blogspot.com/
Nguyễn say mê xem phim từ nhỏ

Lớn lên, bắt đầu có internet, kiếm tựa gốc muốn chết, phải dợt lại hết kiến thức. Nhưng ít ra nhìn lại vẫn thấy chú Đại ở góc Phan Đăng Lưu - Thích Quảng Đức (là ông làm tiệm thuê phim quen hồi xưa) cũng là người có gu và có tâm, luôn coi trước phim rồi mới giới thiệu cho nhà. Ba Bình và chú Đại là một cặp bài trùng nuôi lớn tình yêu điện ảnh trong tôi. Chú Đại giờ đang ở đâu đó có vô tình đọc được bài báo này xin cho tôi gửi lời cảm ơn chân thành nhất, cũng ba chục năm đã qua rồi.

Sau này vừa xong trung học, tôi có học bổng đi Mỹ học về Mỹ thuật. Tôi cố gắng học thêm về phim ảnh nhưng rõ ràng là rất tụt hậu so với bạn bè Mỹ vì họ đã quay phim dựng phim 8mm từ 10 - 12 tuổi rồi. Cảm thấy mình rất đuối, tôi chọn cái mình có vẻ gần gũi với sở trường văn học, mỹ thuật của mình nhất, là biên kịch.

Tôi chỉ may mắn được làm biên kịch và trợ lý đạo diễn cho một phim điện ảnh hồi còn học đại học ở Mỹ, nên ít nhất có khởi đầu sớm hơn mọi người. Sau đó mèo lại hoàn mèo, phải bắt đầu lại từ đầu hết ở Mỹ.

Tôi có nhiều ràng buộc với gia đình, không phải muốn làm gì mình thích cũng được. Tôi cũng cố gắng làm nhiều nghề khác nữa, nhưng đúng là đầu cứ nghĩ đến phim thì khó tập trung ở một nghề, một chỗ.

https://baomai.blogspot.com/

Sau cùng tôi nói với cô bạn thân của mình từ hồi niên thiếu là Tilo Nguyen, lúc này đã là tiến sĩ toán của đại học Cornell, nhưng lại quá ngán việc tài chính ở Wall Street, hay thôi mình bỏ hết, làm phim đi, đời có bao nhiêu mà hững hờ, cỡ gì cũng làm.

Bắt đầu từ biên kịch. Rồi nhóm viết rồi sản xuất. Từ từ mình lên. Cái tên A Type Machine, rồi Tilo-Kay Nguyen được hình thành từ đó. 6 năm trời qua cũng mệt lắm. Nhiều khi phải làm thêm một số việc để duy trì đam mê của mình.

Gia đình cũng cảm thấy sao đáng lẽ có nghề nghiệp ổn định yên thân, điều kiện định cư tốt, tự nhiên đâm đầu vào một cái chỗ chả thấy bình minh. Nói chung nhìn lại là cả một quãng đường vất vả nhưng quá nhiều kỷ niệm.

Chắc cũng phải 8-9 phim có tên rồi. Nhưng phải làm đạo diễn thì mới tính là sự nghiệp chứ nhỉ, nên tôi mới nói sự nghiệp mình chỉ là một nụ hoa. Tôi và Tilo định sẽ trở thành "những bà xơ họ Nguyễn" (The Nguyen Sisters), hi vọng noi gương được các đàn anh như the Coen Brothers, The Nolan Brothers, The Wakowski Brothers (à họ mới chuyển giới nên chắc là The Wakowski Sisters). Nhưng chúng tôi nhất định sẽ không chuyển giới đâu. Sẽ vẫn là The Nguyen Sisters.

https://baomai.blogspot.com/
Kay Nguyễn đã viết kịch bản cho nhiều phim Việt Nam gần đây

BBC: Khi về Việt Nam làm việc về phim ảnh, bạn có gặp trở ngại nhiều không? Nếu có, những trở ngại ấy có thường xảy ra cho những người khác?

Chắc câu chuyện làm phim mỗi người mỗi khác. Lần tôi về Việt Nam làm phim là phim 1735 KM, cách đây 15 năm, lúc đó nói chuyện trở ngại khách quan thì có thể có vì rạp thì đếm trên đầu ngón tay còn công ty cho thuê thiết bị chuyên dụng của điện ảnh chỉ mới có một.

https://baomai.blogspot.com/

Chứ còn lần sau cho các phim từ 2012 đến giờ thì chắc là không. Ưu đãi hơn cũng không mà trở ngại hơn cũng không.

Điện ảnh là một chỗ khá bình đẳng. Trở ngại cho người khác thì chắc có, tôi thấy có mấy nhà làm phim không biết tiếng Việt, làm phim cho khán giả Việt mà như thế chắc cũng hơi cực, nên một thời gian sau họ cũng rời đi.

BBC: Nhiều người thường nói điểm yếu của phim Việt Nam vẫn là khâu kịch bản, mặc dù kỹ thuật, kỹ xảo đã tiến bộ nhanh. Dường như vì vậy mà một số phim thành công nhất gần đây lại là remake từ phim nước ngoài. Là một người làm phim, bạn thấy thế nào?

Ở Mỹ người ta cũng nói điểm yếu của Hollywood là kịch bản. Ở đâu cũng sẽ nói thế thôi (cười). Và ở đâu cũng sẽ có remake, adaptation.

Cá biệt có một bộ phim tôi rất thích là Thu Muộn (Late Autumn) được Hàn Quốc tự viết nguyên tác rồi tự remake đến… 4 lần từ năm 1960 đến giờ. Đương nhiên lần thứ 4, version 2010, có Thang Duy, của đạo diễn Kim Tae-yong là version hay nhất theo ý tôi. Đó là remake vì tính drama của phim. Đó là một câu chuyện rất buồn và rất nhân văn kể về cuộc tình không nói nên lời của một anh trai bao đang bị truy sát và một cô phạm nhân giết chồng được ra tù 3 ngày để về đám tang mẹ và ký tên bán nhà cho anh chị em. Đó, anh nghe là thấy drama rồi đúng không? Diễn xuất của Thang Duy rất tinh tế!

https://baomai.blogspot.com/

Còn remake vì tính giải trí thì rất nhiều. Câu hỏi này tốt nhất để những người lớn tầm hơn tôi họ sẽ phân tích hiệu quả nhất, vì họ cũng sẽ có giải pháp cho điều đó. Còn tôi chỉ biết cố gắng trau dồi việc viết kịch bản, vì tôi nghĩ đó là một phần quan trọng của nghề làm phim.

Thực ra nhà làm phim nào cũng viết kịch bản được cả, vì nó là văn bản kỹ thuật, là cái nền của cả một dự án tiền tỉ. Thậm chí theo như một số trường phái phê bình phim, thì chỉ khi đạo diễn cũng là biên kịch của phim đó thì đạo diễn đó mới được tính là bậc thầy (auteur). Ngay khi đạo diễn không tự tay viết kịch bản, họ cũng phải tự tay chỉnh sửa nó (director's treatment) thì họ mới đi quay được. Ngay khi nhà sản xuất không tự tay viết kịch bản, họ cũng phải đóng góp vào việc chỉnh sửa để dự án của họ có thể tốt hơn, để lần sau họ còn được tin tưởng giao tiền cho làm phim nữa.

Nhiệm vụ của kịch bản, ngoài cố gắng đạt được cái chữ "hay" rất chung chung ra, thực ra là để "truyền cảm hứng" (inspire), và "hướng dẫn" (instruct) toàn bộ đoàn làm phim về hướng đi của phim. Nó rất quan trọng. Nên khi biên kịch đoạt giải họ cũng khó có thể thể vơ hết công về họ được là vậy.

Còn nếu kịch bản dở quá lại đổ thừa hết cho biên kịch thì cũng tội, vì nhà sản xuất, người có quyền tối cao nhất trong một dự án phim, hoàn toàn có thể thay được một biên kịch khác giỏi hơn mà!

BBC: Từ việc biên kịch chuyển sang làm đạo diễn đầu tay của Cô Ba Sài Gòn, chắc bạn cảm thấy nhiều áp lực?

Thưa không. Vì tôi may mắn được làm việc với nhà sản xuất tốt. Tôi chả phải làm gì nhiều cả.

Chưa kể họ còn hỗ trợ dưới vai trò đồng đạo diễn để giúp ý tưởng được hiện thực hoá tốt nhất có thể trong kinh phí và ràng buộc về thời gian ngặt nghèo nhất có thể.

https://baomai.blogspot.com/
Cô Ba Sài Gòn lấy bối cảnh Sài Gòn thập niên 1960

BBC: Nhìn lại bộ phim, nếu được hỏi về những điểm đặc biệt mà Cô Ba Sài Gòn đã làm được, theo bạn, là những gì? Nói cách khác, điều gì làm bạn tự hào về phim này?

Mỗi bộ phim đều có một cuộc đời riêng của nó. Cô Ba Sài Gòn thuộc dạng đời "vượt khó", tôi lại được mời vào rất muộn trong quá trình sản xuất, chỉ để làm đúng chuyện sửa chữa kịch bản (script doctor). Nhưng nhà sản xuất từ đầu đã "ra đầu bài" rất hấp dẫn, là một cái mỏ vàng về nội dung để khai thác, và cho phép tôi được bỏ hẳn kịch bản cũ. Nên cuối cùng nó đã có tất cả những thứ đáng mơ ước của một bộ phim và của cá nhân người làm phim: đề tài thời trang, sự quan tâm của nhà đầu tư, sự chăm chút của nhà sản xuất, sự nhiệt tình của nhà phát hành mang phim quảng bá đến các liên hoan phim, dàn diễn viên "khủng", chiến dịch marketing hoành tráng.

Tôi thấy vui vì lần đầu tiên làm đạo diễn mà được như vậy thì gọi là quá may mắn. 

https://baomai.blogspot.com/

Tôi nghĩ tại lúc đầu tiên nhận dự án tôi đã không bỏ cuộc và cố gắng hết sức. Tôi cũng vui nữa, vì cái gốc đi làm phim của tôi là biên kịch.

Dự án này chứng minh được với tôi, rằng một kịch bản tốt vẫn có thể xoay trở tình huống nếu gặp được nhà sản xuất hiểu ý và hiểu nỗ lực của mình.

BBC: Có phải những bộ phim bạn đã từng tham gia, một yêu cầu chung là đều cần tạo ra lợi nhuận cho nhà sản xuất. Điều này có làm cho bạn bị sức ép, hay buộc bạn thay đổi cách làm việc không?

Tôi đang theo đuổi ngành làm phim giải trí nên chắc đó cũng là một phần đặc thù ngành rồi (cười).

Nhưng cái duyên dáng của nghề này, là chỉ cần cố gắng làm việc của mình thật tốt, thì bạn sẽ luôn được gặp những nhà sản xuất, nhà đầu tư khôn ngoan và hiểu chuyện.

Tôi nghĩ những người khôn ngoan họ không bao giờ mang tiền ra doạ người khác. Họ doạ bằng… khán giả! (cười)

BBC: Bạn có cảm thấy đã có một thế hệ trẻ - bạn và nhiều người khác - tạo thành một sức đẩy mới cho điện ảnh Việt Nam? Hay Việt Nam vẫn còn rất thiếu người trong lĩnh vực này?


Tôi nghĩ thế hệ "già", đã thành công và có tầm ảnh hưởng, họ cũng đẩy đó chứ. Nhờ họ chúng tôi mới có thêm cơ hội và bài học.

Ai có tâm huyết cũng muốn đẩy ngành mình cả. Điện ảnh là văn hoá. Chả ai muốn bị xếp loại văn hoá "mì ăn liền" cả. Một người lo bằng kho người làm, tôi nghĩ không thiếu người đâu.

https://baomai.blogspot.com/
Ngày càng nhiều phim Việt Nam ra rạp chiếu

BBC:Bạn có thể đưa ra so sánh về điện ảnh Việt Nam hiện nay so với các nước trong vùng Đông Nam Á hoặc châu Á?

Nếu đang nói khía cạnh nghệ thuật, mỹ thuật của phim, thì có so sánh nào cũng là thiệt thòi cả, anh ạ. Rất nhiều năm trong quá khứ nước mình chưa chú trọng nuôi dưỡng sự sáng tạo, phương pháp sáng tạo, tiếp xúc cọ xát với nhiều chất liệu, thể loại sáng tạo khác nhau.

Bản thân tôi lúc còn độ tuổi dễ bị ảnh hưởng, đã có may mắn đi ra thế giới và quay về, mới hiểu được điều này, có khi nào… "con chim trong lồng nghĩ bay là một loại bệnh"? Bây giờ là thời điểm thế giới phẳng, thì cũng phải mất một chút thời gian để cân bằng lại và tìm được nhịp điệu riêng của mình. Đó là yếu tố khách quan của ngành.

Còn về yếu tố nội tại, tôi tin vào thị trường tự điều chỉnh. Những cá nhân bức phá sẽ tạo nên kỳ tích. Tôi nhìn quanh và thấy có những người thực sự đáng nể phục. Xin hãy chờ xem!

https://baomai.blogspot.com/

Còn nếu tính về khía cạnh giải trí, thì điện ảnh cũng là một ngành công nghiệp, cứ có nhiều rạp sẽ có nhiều phim chất lượng. Cung và cầu. Lý do dài dòng hơn cũng có nhiều chuyên gia đề cập.

BBC: Đã có những thành công bước đầu, bạn có thể chia sẻ một chút kinh nghiệm hữu ích cho những người muốn tham gia điện ảnh?

Tôi không dám đưa ra một công thức chung vì mỗi người sẽ có một con đường riêng tuỳ thuộc vào tính cách và năng khiếu của họ.

Tuy nhiên có một điều đặc thù trong điện ảnh, đây là bộ môn nghệ thuật mang tính tổng hợp cao, nặng về làm việc nhóm, và đòi hỏi thời gian, năng lượng sáng tạo dài hơi.

Trong thời đại "sống nhanh" thế này, các bạn trẻ cần hiểu là một dự án phim ở Việt Nam từ khâu phát triển kịch bản đến khi chiếu rạp, tuy so với các thị trường lớn hơn, đã giản lược hoá nhiều thứ, mà vẫn có thể dễ dàng mất từ 1 đến 3 năm của cuộc đời của bạn. Đôi khi theo đuổi cùng lúc 5,7 dự án nhưng cái chốt lại để chính thức làm thì chỉ có một, thực sự cũng là tuỳ duyên và tuỳ vào sự trì trí.

https://baomai.blogspot.com/

Các bạn trẻ nên tự tìm hiểu về nghề để có thể tập được tính kiên nhẫn, khả năng tiếp thu ý kiến tốt, kỹ năng làm việc nhóm. Và quan trọng là có một lộ trình cụ thể về trau dồi kỹ thuật, văn hoá, năng lực sáng tạo, vì thế giới xung quanh sẽ thay đổi rất nhiều, bản thân mình cũng sẽ mau chóng bị lạc hậu nếu không cập nhật.

Bớt dùng Facebook lại, dùng nhiều Wikipedia hoặc IMDB, xem thật nhiều phim và xem cả những bình luận chuyên môn về phim đó. Có lẽ đó là những lời khuyên thực dụng nhất. Chỉ cần như vậy là đủ rồi chứ bể học là vô biên, cũng khó nói trường nào hay sách nào sẽ giúp các bạn vào nghề toàn vẹn cả.




Lê Quỳnh

https://baomai.blogspot.com/

Khủng hoảng KFC và cuộc chiến fastfood
Trump chọc giận Trung cộng về Đài Loan
Bí mật đáng buồn của sự thành công
Dự báo Thiên Cung 1 rơi xuống trái đất tuần tới
Chuyện chưa từng kể của GS John Vu
Đầu tư-định cư Mỹ hẹp lại với người Việt
Nhà nghiên cứu lao động VN bị hăm dọa
Luật chơi trên thị trường tự do của Donald Trump
Tôi vái anh
Bột Nêm
Donald Trump's Battle of the Billionaires
Dân Nam Hàn lạc quan về các cuộc gặp thượng đỉnh
Con đường sách Sài Gòn và câu chuyện đốt sách
Khai thác phụ nữ làm điếm là một tội phạm
Anh Tuấn, tên anh đã có trong… “danh sách”?
Việt Nam trong chiến lược Hoa Kỳ
Những ông chồng tội lỗi
Năm hiểu lầm thường gặp về nỗi cô đơn
Tội của TT Donald Trump và những lời cảm ơn không ...
Việt Nam có điều gì đặc biệt ?

No comments:

Post a Comment

Note: Only a member of this blog may post a comment.